Bài 7: Cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương (Bài 4)

Bao trùm lên bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi xót xa, cả niềm mong ước được ở bên Bác của Viễn Phương cũng như của nhân dân miền Nam đối với Bác.

       Năm 1976, Viễn Phương cùng đoàn đại biểu nhân dân miền Nam ra thăm lăng Bác, mang theo tình cảm kính yêu tha thiết, thành kính đối với Người. Những tình cảm ấy không chỉ là của riêng tác giả mà còn là của toàn nhân dân miền Nam. Và những tình cảm ấy đã được thể hiện thật trọn vẹn trong bài thơ Viếng lăng Bác.

       Bao trùm lên bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi xót xa, cả niềm mong ước được ở bên Bác của Viễn Phương cũng như của nhân dân miền Nam đối với Bác. Đoàn người mang theo cảm xúc ấy trong suốt cuộc hành trình viếng Bác, và cho đến khi ra về, nỗi niềm ấy cứ trào dâng không nguôi.

       Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu gần gũi và quen thuộc biết mấy:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

       Giọng thơ sao mà thật gần gũi, nó ấp ủ những niềm nhớ thương, những tình cảm chan chứa của những người con xa về thăm cha: ngắm lại hình bóng thân yêu của vị cha già dân tộc. Những người con xa của Bác đang một lòng hướng về Người, những tấm lòng đang thổn thức một niềm xúc động xao xuyến, bồi hồi không thể nào kìm nén lại được khi tiến gần đến lăng Bác. Đứng trong dòng người, tác giả đã nhìn thấy hàng tre Việt Nam, hàng tre tượng trưng cho quê hương, đất nước biết mấy thân quen:

      Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

       Hàng tre ấy được nhìn thấy trong làn sương vì Viễn Phương đến thăm lăng Bác từ rất sớm. Nhưng phải chăng hình ảnh trong sương ấy chính là nước mắt nhà thơ trào ra trong tình cảm xúc động dồn nén, bỗng bật lên khi đứng trước một hình ảnh quá đỗi thân quen? Và hàng tre ấy, trong mắt Viễn Phương cũng như tất cả những người con miền Nam có mặt trong đoàn người hôm ấy như đang bao bọc, ôm lấy hình bóng người cha già vĩ đại của dân tộc. Hàng tre đứng thẳng trong bão táp mưa sa tượng trưng cho những con người Việt Nam với biết bao phẩm chất đẹp đẽ, những con người luôn kiên cường, bất khuất, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ, chấp nhận hi sinh. Dù có vất vả khó khăn đến đâu, họ cũng không hề gục ngã.

       Sang đến khổ thơ thứ hai, chúng ta bắt gặp một hình ảnh thật ấn tượng, thật độc đáo mà Viễn Phương đã dùng để nói về Bác với tất cả lòng kính yêu của ông cũng như của nhân dân miền Nam đối với Người:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

       Với hình ảnh ấy, Viễn Phương đã thay mặt nhân dân miền Nam cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam, tôn vinh công lao to lớn của Người đối với dân tộc. Người được ví với mặt trời, là nguồn sáng rực rỡ đem niềm tin, sự sống đến cho nhân dân Việt Nam. Sự so sánh ấy như nói lên tình cảm thành kính của nhân dân miền Nam đối với Người, cũng như một lời hứa chắc chắn: nhân dân miền Nam đời đời khắc ghi công lao của Bác. Và cũng chính từ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc ấy, đoàn người đã lặng lẽ, trang nghiêm đi trong thương nhớ, như kết thành một tràng hoa dâng Người. Trong tràng hoa ấy, mỗi người dâng là một bông hoa được kết lại từ những thành tích dã đạt dâng lên Bác. những chữ ngày ngày được lặp đi lặp lại khiến cho thời gian như kéo dài đến vo tận, không bao giờ ngừng cũng như tấm lòng người dân đời đời nhớ đến Bác.

       Đứng trước linh cữu Bác, đoàn người vào viếng lăng không khỏi xúc động trước giấc ngủ thật bình yên của Người:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

  Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

       Người như đang đi vào giấc ngủ của đời mình trong cái tĩnh lặng, nghiêm trang như ngưng kết cả không gian, thời gian, vầng trăng người bạn tri âm, tri kỉ của Bác giờ đây cũng đến toả ánh sáng dịu hiền canh giấc ngủ cho Người. Nhưng Viễn Phương cũng như tất cả nhân dân miền Nam đều không thể phủ nhận một sự thật: Bác đã vĩnh viễn ra đi. Nỗi đau mất Bác như vò xé họ, một nỗi đau không thể giấu nổi, một nỗi đau như cắt làm buốt nhói con tim. Và những câu thơ như những tiếng nấc nghẹn ngào không sao kìm giữ nổi:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

       Bài thơ khép lại trong một niềm cảm xúc sâu xa và một nguyện ước thật sáng trong, cao đẹp. Sắp đến lúc phải trở về miền Nam, phải rời xa Bác, nỗi tiếc nhớ lại càng trào dâng. Cảm xúc thiết tha ấy đã trở thành ước nguyện chung của nhân dân miền Nam đến viếng Bác:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

       Đó là những ước nguyện tuy giản dị, nhỏ bé mà thật đẹp đẽ, thật trong sáng, vì đó là những ước nguyện xuất phát từ những trái tim, những tấm lòng yêu kính Bác tha thiết. Những ước nguyện ấy nói lên mong muốn được làm một điều gì đó xứng đáng với công lao của Bác đối với dân tộc.

       Bài thơ Viếng lăng Bác là cả một lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của tác giả cũng như nhân dân miền Nam đối với Người. Với việc thể hiện thành công những tình cảm ấy, bài thơ Viếng lăng Bác xứng đáng là một đóng góp quý báu của Viễn Phương vào kho tàng thi ca viết về vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

HocTot.XYZ

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close