Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng ViệtĐứng trong dàn đồng ca thơ trẻ, thơ Bằng Việt như một giọng trầm với gam thứ (như rê thứ chẳng hạn) tha thiết và đượm buồn, cả hai đều chân thành và trong sáng. Có thể là bài thơ còn thiếu cái này cái nọ, nhưng phải thừa nhận rằng Bếp lửa là tiếng thơ của một tấm lòng có cội nguồn, chứ không chơi vơi, nửa vời, của một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, phong phú và mới mẻ
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý I. Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: - Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong phong trào kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông trong trẻo, mượt mà, khai thác những kỉ niệm đẹp và ước mơ tuổi trẻ. - Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963 khi tác giả là du học sinh Liên Xô. - Chủ đề bài thơ gợi lại những kỉ niệm về người bà và tình bà cháu sâu sắc, thấm thía. II. Thân bài: Chọn đoạn thơ tiêu biểu và bình giảng, có thể tham khả luận điểm toàn bài sau: 1. Những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu - Dòng hồi tưởng về bà bắt nguồn từ hình ảnh bếp lửa: + Bếp lửa “chờn vờn sương sớm” – bếp lửa thực. + Bếp lửa “ấp iu nồng đượm” diễn tả sự dịu dàng, ấm áo, kiên nhẫn của người nhóm lửa. + Biện pháp điệp từ (điệp từ “bếp lửa”) gợi lên hình ảnh sống động lung linh nhưng hết sức thân thuộc gần gũi với người cháu. => Hình ảnh bếp lửa làm trỗi dậy dòng kí ức về bà và tuổi thơ. - Kỉ niệm về tuổi thơ nhiều gian khổ, thiếu thốn: + “Đói mòn đói mỏi” người cháu thấy ám ảnh bởi nạn đối và quá khứ đau thương của dân tộc. + Ấn tượng về khói bếp hun nhèm mắt cháu để khi nghĩ lại “sống mũi còn cay”. + Dòng hổi tưởng, kỉ niệm gắn với âm thanh tiếng tu hú của chốn đồng nội: tiếng tu hú được nhắc tới 5 lần trong bài khi thẳng thốt, lúc khắc khoải, mơ hồ tất cả để gợi lên không gian mênh mông, bao la, buồn vắng đến lạnh lùng. + Tâm trạng của cháu vì thế cũng tha thiết, mãnh liệt hơn bởi sự đùm bọc, che chở của bà. - Tuổi thơ khó khăn gian khổ nhưng cháu được mà yêu thương, che chở: + “Bà dạy”, bà chăm” thể hiện sâu đậm tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương vô bờ và sự chăm chút của bà đối với cháu. + Ngay cả trong gian khó, hiểm nguy của chiến tranh bà vẫn vững vàng – phẩm chất cao quý của những người mẹ Việt Nam anh hùng ( Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh). → Qua dòng hồi tưởng về bà, những dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình chính là sự kết hợp, đan xen nhuần nhuyễn giữa các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự, nỗi nhớ của người cháu thể hiện tình yêu thương vô hạn đối với bà. 2. Những suy ngẫm chiêm nghiệm về cuộc đời của bà cũng như hình tượng bếp lửa * Suy ngẫm về cuộc đời bà - Từ những kỉ niệm, hình ảnh bếp lửa luôn gắn với hình ảnh người bà + Hình ảnh bếp lửa kết tinh trong hình ảnh ngọn lửa: ngọn lửa của tình yêu thương, sự hi sinh luôn ủ sẵn trong lòng bà để làm sáng lên hy vọng, ý chí. Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn + Điệp ngữ “một ngọn lửa” nhấn mạnh tình yêu thương ấm áp bà dành cho cháu, người bà nhen nhóm những điều thiện lương tốt đẹp đối với cháu. → Hình ảnh người bà trong lòng cháu là người thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa, truyền niềm tin, sức sống tới thế hệ tương lai. - Sự tần tảo, hi sinh của bà thể hiện: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa” - sự chiêm nghiệm của cháu về cuộc đời bà + Cuộc đời bà đầy những gian truân, vất vả, lận đận trải qua nắng mưa tưởng như không bao giờ dứt. + Điệp từ “nhóm” lặp lại bốn lần: người bà đã nhóm lên, khơi dậy những yêu thương, kí ức và giá trị sống tốt đẹp trong lòng người cháu. - Hình ảnh bếp lửa kết tinh thành hình ảnh ngọn lửa chất chứa niềm tin, hy vọng của bà: Người cháu như phát hiện ra điều kì diệu giữa cuộc sống đời thường “Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa” - người cháu thấm nhuần được tình yêu thương và đức hi sinh của bà. 3. Nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi về người bà - Lời tự bạch của đứa cháu khi trưởng thành, xa quê hương: người cháu vẫn cảm thấy ấm áp bởi tình yêu thương vô bờ của bà. - Kết thúc bài thơ tác giả tự vấn “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”: niềm tin dai dẳng, nỗi nhớ luôn thường trực trong lòng người cháu. III. Kết bài: - Tác giả rất thành công trong việc sáng tạo ra hình tượng mang ý nghĩa thực, mang ý nghĩa biểu tượng: bếp lửa. - Kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự phù hợp với dòng hồi tưởng và tình cảm của cháu. - Bài thơ chứa đựng triết lý, ý nghĩa thầm kín: những điều thân thiết của tuổi thơ của mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình cuộc đời, tình yêu thương và lòng biết ơn chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, quê hương. Bài làm Bài thơ viết ra đã được mười năm. Bằng Việt bây giờ đã là tác giả được nhiều bạn đọc yêu mến. Tôi muốn nhớ lại hồi đầu được đọc thơ anh, như đứng trước một cành tơ trĩu quả cứ muốn nhớ đến hương, đến vị của quả bói ngon ngọt đầu mùa. Năm đó là năm 1964, vào một buổi chiều tháng 4, tôi và Hoàng Hưng nằm trên sân cỏ trường Đại học Sư phạm Hà Nội đọc bài thơ Bếp lửa của anh, rồi hai đứa xuýt xoa mãi. Trong phong trào thơ trẻ hãy còn mỏng hồi đó mà nổi lên một tiếng thơ độc đáo của Nguyễn Mỹ và nổi lên một tiếng thơ tâm tình của Bằng Việt thì thật đáng quý. Thơ của cái thuở ban đầu thường là nồng, nồng đến vụng dại. Ấy thế mà bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt thì lại đậm, đậm của thơ trẻ tạo ra một nét duyên riêng dễ thương lạ. Đứng trong dàn đồng ca thơ trẻ, thơ Bằng Việt như một giọng trầm với gam thứ (như rê thứ chẳng hạn) tha thiết và đượm buồn, cả hai đều chân thành và trong sáng. Có thể là bài thơ còn thiếu cái này cái nọ, nhưng phải thừa nhận rằng Bếp lửa là tiếng thơ của một tấm lòng có cội nguồn, chứ không chơi vơi, nửa vời, của một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, phong phú và mới mẻ. Nếu tôi không nhầm thì anh có chịu ảnh hưởng phong cách của một vài nhà văn tình cảm hiện đại châu Âu. Những nét tinh hoa của phong cách một vài nhà văn đó đi qua tâm hồn tình nghĩa của anh, bồi cho hồn thơ anh thêm thắm thiết, da diết. Xin nói vào thơ cho có chứng cứ. Dễ thường đã ngoài hai mươi năm, với một khoảng cách không gian hàng vạn dặm, lại giữa nơi phù hoa mà anh vẫn nhớ về một bếp lửa của tuổi thơ, nhớ rành rọt, nhớ ngọn ngành. Không dễ gì mà biết nhớ như vậy. Anh đã thổi hừng lên hết thảy những bếp lửa “ấp iu nồng đượm” trong ký ức của mỗi chúng ta. Và cả mối tình bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích của anh cũng như riêng của tuổi nhỏ chúng mình. Trong thơ ta còn có mối tình bà cháu nào cảm động hơn? Mối tình bà cháu như một dòng sông, dòng sông êm đềm và trong vắt, một dòng sông chở đầy kỷ niệm. Một bếp lửa và một làn sương sớm. Tiếng tu hú và giọng kể chuyện của bà. Rồi những ngày cha mẹ đi công tác xa. Rồi cháu làm, cháu học với bà... Và những kỉ niệm này xin để nguyên khối, không dám lược: Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay! “Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu”, anh nói thế tôi cũng thấy cay nơi sống mũi. Những kỉ niệm trôi theo một nhạc điệu tâm tình, ầm ĩ, thầm thì, triền miên như nỗi nhớ! Dòng sông êm đềm và trong vắt vẫn âm thầm chảy. Chúng ta được đi dạo trên chiếc thuyền thơ với một tay lái khoan thai, chúng ta đang say mê với những kỷ niệm thì thấy biển cả hiện ra trước mặt! Dòng sông của tình bà cháu đã đổ vào biển cả của tình yêu nước. Biển yên sóng lặng thôi, nhưng cũng bát ngát và sâu thẳm: Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh: "Bố ở chiến khu. bố còn việc bố, Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ, Cứ báo nhà vẫn được bình yên!" Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen... Mấy câu thơ chẳng có gì là hình là nhạc cả, kỹ xảo cũng không, như lời nói thường thôi. Như tôi được nghe chính lời bà ngoại của mình mà như có một thứ gió lạ kỳ lay động tâm hồn ta mãi. Và chính ánh sáng của bếp lửa đã từng rọi vào tâm hồn thơ bé của đứa cháu, nhóm dậy, “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Nhịp thơ trở nên xôn xao như sự sống sinh sôi, như cây con xòe lá, như chim non chớp cánh. Rồi đứa cháu lớn vụt lên, bay bổng: Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở: - Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?... HocTot.XYZ
|