Đề kiểm tra 15 phút chương 1 phần 2 lịch sử 9 - Đề số 4 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra 15 phút chương 1 phần 2 lịch sử 9 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Đề bài Câu 1. Sự kiện nào trong năm 1919 đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng thế giới? A. Cách mạng tháng Mười Nga thành công. B. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. C. Quốc tế thứ ba được thành lập. D. Chủ nghĩa thực dân cũ suy yếu. Câu 2. Kẻ thù chung của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản đế quốc phương Tây sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là A. chủ nghĩa đế quốc. B. chủ nghĩa thực dân mới. C. thế lực tư sản cầm quyền. D. thế lực tay sai phản động. Câu 3. Trong những năm 1919-1925, giai cấp tư sản dân tộc đã có hoạt động gì? A. Chấn hưng nội hóa, Bài trừ ngoại hóa. B. Chống độc quyền thương cảng Sài Gòn. C. Dùng báo chí bênh vực quyền tự do cho mình. D. Không thỏa hiệp với thực dân Pháp. Câu 4. Phong trào dân tộc dân chủ trong giai đoạn 1919 – 1925 phát triển mạnh mẽ trước hết là ở A. vùng nông thôn. B. các thành thị. C. miền rừng núi. D. khu vực biên giới. Câu 5. Tầng lớp tiểu tư sản trí thức đã xuất bản các tờ báo tiến bộ nào? A. Cường học thư xã, Nam Đồng thư xã. B. Cường học thư xã, Người nhà quê. C. Nam Đồng thư xã, An Nam trẻ. D. An Nam trẻ, Người nhà quê. Câu 6. Giai cấp công nhân trong những năm 1919-1924 đấu tranh với mục tiêu chủ yếu là gì? A. Đòi quyền lợi về kinh tế. B. Đòi quyền lợi về chính trị. C. Đòi quyền lợi về kinh tế và chính trị. D. Để giải phóng dân tộc. Câu 7. Sự kiện nào chứng tỏ “Tư tưởng Cách mạng tháng Mười Nga đã thấm sâu hơn vào giai cấp công nhân và bắt đầu biến thành hành động của giai cấp công nhân Việt Nam”? A. Bãi công của thợ máy xưởng Ba Son cảng Sài Gòn (1925). B. Nguyễn Ái Quốc đọc sơ thảo luận cương của Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (7-1920) C. Tiếng bom của Phạm Hồng Thái vang dội ở Sa Điện - Quảng Châu (6-1924). D. Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị Véc-xai bản yêu sách (1919). Câu 8. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn 1919 – 1925 có ý nghĩa gì tích cực? A. Truyền bá tư tưởng tự do dân chủ trong nhân dân. B. Chứng tỏ ưu thế của khuynh hướng dân chủ tư sản. C. Giai cấp công nhân trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào cách mạng. D. Tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân. Câu 9. Điểm vượt trội trong hoạt động của tiểu tư sản trí thức so với tư sản dân tộc ở nước ta trong những năm 1919 - 1925 là A. hình thức đấu tranh đơn điệu, mang nặng tính cải lương, thỏa hiệp với chính quyền Pháp. B. thành lập được chính đảng của giai cấp tiểu tư sản, có đường lối đấu tranh đúng đắn, khoa học. C. hình thức đấu tranh phong phú, mục tiêu rõ ràng và kiên trì con đường bạo lực cách mạng. D. ý thức chính trị khá rõ nét, hình thức đấu tranh phong phú, sôi nổi và thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Câu 10. Nội dung nào sau đây không minh chứng cho luận điểm: Phong trào công nhân giai đoạn 1919 – 1925 phát triển lên một bước cao hơn sau Chiến tranh thế giới thứ nhất? A. Cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra với quy mô lớn. B. Bước đầu chuyển sang đấu tranh tự giác. C. Đấu tranh từ mục tiêu kinh tế đến mục tiêu chính trị. D. Đặt dưới sự lãnh đạo của một tổ chức thống nhất. Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1. Phương pháp: sgk trang 59. Cách giải: Tháng 3-1919, Quốc tế thứ ba (Quốc tế cộng sản) được thành lập ở Mát-xcơ-va, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng thế giới. Đối với Việt Nam, sự ra đời của Quốc tế thứ ba và một số Đảng Cộng sản khác đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa Mác-Lê-nin truyền bá vào Việt Nam. Chọn: C Câu 2. Phương pháp: sgk trang 59. Cách giải: Dưới ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga (1917), phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản đế quốc phương Tây đã có sự gắn bó mật thiết trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Chọn: A Câu 3. Phương pháp: sgk trang 59. Cách giải: Trong những năm 1919 – 1925, giai cấp tư sản dân tộc đã phát động các phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa (1919), đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn và độc quyền xuất cảng lúa gạo ở Nam Kì của tư bản Pháp (1923). Chọn: A Câu 4. Phương pháp: sgk trang 59. Cách giải: Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào dân tộc dân chủ ở nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú và sôi nổi, trước hết là ở các thành thị. Chọn: B Câu 5. Phương pháp: sgk trang 60. Cách giải: Các tầng lớp tiểu tư sản trí thức đã xuất bản các tờ báo tiến bộ như: Chuông rè, An Nam trẻ, Người nhà quê. Chọn: D Câu 6. Phương pháp: sgk trang 60-61, suy luận. Cách giải: Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong giai đoạn 1919 – 1924 tuy có ý thức chính trị cao hơn mục tiêu chủ yếu vẫn là đòi quyền lợi về kinh tế như: đòi nghỉ ngày chủ nhật có trả lương, yêu sách đòi tăng lương 20% và phải cho những công nhân bị thải hồi trở lại làm việc, … Chọn: A Câu 7. Phương pháp: sgk trang 61, suy luận. Cách giải: Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã có tác động mạnh mẽ đến phong trào giải phóng dân tộc của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, công nhân Việt Nam đấu tranh chủ yếu đòi quyền lợi về kinh tế đồng thời cũng tiếp thu tư tưởng của cách mạng tháng Mười Nga. Quá trình thẩm thấu ấy đã thức tính tinh thần tự giác, ý thức chính trị của giai cấp công nhân rồi biến thành hành động. Biểu hiện cụ thể là cuộc bãi công của công nhân Bason (8-1925) – công nhân không chỉ đòi quyền lợi kinh tế mà còn thể hiện tinh thần quốc tế khi ngăn cản tàu chiến Pháp chở binh lính sang đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân và thủy thủ Trung Quốc. Chọn: A Câu 8. Phương pháp: suy luận. Cách giải: Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn 1919 – 1925 có ý nghĩa tích cực: - Thức tỉnh lòng yêu nước. - Truyền bá tư tưởng tự do dân chủ trong nhân dân, những tư tưởng cách mạng mới. Chọn: A Câu 9. Phương pháp: Phân tích, so sánh. Cách giải: - Phong trào đấu tranh của tư sản dân tộc: + Chủ yếu đòi quyền lợi về kinh tế. + Đấu tranh bằng hình thức phát động các phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa, đấu tranh trong lĩnh vực báo chí, thành lập Đảng lập hiến. + Thu hút nhân dân tham gia nhưng chưa đông đảo như phong trào của tiểu tư sản, mang đậm tính cải lương. - Phong trào đấu tranh của tiểu tư sản trí thức: + Đấu tranh với ý thức chính trị khá rõ nét do tiếp xúc nhiều với tư tưởng tiến bộ và đặt điểm cơ bản của tầng lớp này. + Hình thức đấu tranh phong phú: báo chí, lập các nhà xuất bản tiến bộ, đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh. + Nhân dân tham gia đông đảo. Chọn: D Câu 10. Phương pháp: Phân tích, đánh giá. Cách giải: Khẳng định phong trào công nhân nước ta phát triển lên một bước cao hơn sau Chiến tranh thế giới thứ nhất vì: - Những cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra với quy mô lớn từ Bắc chí Nam như: + Cuộc đấu tranh của công nhân viên chức các sở công thương của tư bản Pháp ở Bắc Kì vào năm 1922 đòi nghỉ ngày chủ nhật có trả lương. + Năm 1924, nhiều cuộc bãi công của công nhân các nhà máy dệt, nhà máy rượu, nhà máy xay xát gạo ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, … đã nổ ra. + Cuộc bãi công của thợ máy xưởng Ba Son ở cảng Sài Gòn (8/1925). - Mục đích đấu tranh: từ mục tiêu kinh tế (nghỉ ngày chủ nhật có trả lương) cho đến mục đích chính trị (ngăn cản tàu chiến Pháp mang quân sang đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc). => Cho thấy ý thức giai cấp của phong trào công nhân đang phát triển nhanh chóng. Điều đó chứng tỏ bước phát triển cao hơn của phong trào công nhân sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Chọn: D HocTot.XYZ
|