Đề kiểm tra học kì 1 lịch sử 12 - Đề số 1 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra học kì 1 lịch sử 12 - Đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Đề bài A. PHẦN TRẮC NGHIỆM (7 điểm) Câu 1: Nước nào sau đây không có mặt ở Hội nghị cấp cao Ianta (2-1945)? A. Pháp. B. Mĩ. C. Anh. D. Liên Xô. Câu 2: Vấn đề quan trọng hàng đầu và cấp bách nhất đặt ra cho các nước Đồng minh tại Hội nghị Ianta (2-1945) là A. tổ chức lại thế giới sau chiến tranh. B. phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận. C. giải quyết vấn đề các nước phát xít chiến bại. D. nhanh chóng đánh bại hoàn toàn các nước phát xít. Câu 3: Nhân dân Liên Xô nhanh chóng hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 – 1950) dựa vào A. những tiến bộ khoa học - kĩ thuật. B. tinh thần tự lực tự cường. C. sự giúp đỡ của các nước Đông Âu. D. có nguồn tài nguyên phong phú. Câu 4: Ý nghĩa sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo vào năm 1957? A. Là nước đầu tiên trên thế giới phóng thành công vệ tinh nhân tạo. B. Đánh dấu bước phát triển của nền khoa học – kĩ thuật Liên Xô. C. Chứng tỏ sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa so với chế độ tư bản chủ nghĩa. D. Mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Câu 5: Sắp xếp các sự kiện dưới đây theo đúng trình tự thời gian 1. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. 2. Trên bán đảo Triều Tiên ra đời hai nhà nước. 3. Nội chiến giữa Quốc Dân đảng và Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. 4. Trung Quốc thu hồi Hồng Công và Ma Cao. A. 4, 2, 3, 1. B. 3, 2, 4, 1. C. 3, 1, 2, 4. D. 3, 2, 1, 4. Câu 6: Xu thế toàn cầu hóa bắt đầu xuất hiện từ A. đầu những năm 80 của thế kỉ XX. B. giữa những năm 80 của thế kỉ XX. C. cuối những năm 80 của thế kỉ XX. D. đầu những năm 90 của thế kỉ XX. Câu 7: Các quốc gia tham gia sáng lập tổ chức ASEAN là A. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Philipin. B. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Brunây. C. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Campuchia. D. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Mianma. Câu 8: Thành viên thứ 10 của tổ chức ASEAN là A. Lào. B. Mianma. C. Campuchia. D. Đông Timo. Câu 9: Nguyên nhân cơ bản nhất thúc đẩy nền kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng sau Chiến tranh thế giới thứ hai là A. áp dụng các thành tựu của cách mạng khoa học – kĩ thuật. B. nhờ buôn bán vũ khí cho các nước tham chiến. C. do tài nguyên thiên nhiên phong phú. D. do trình độ tập trung tư bản và sản xuất. Câu 10: Nhật Bản kí kết hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật nhằm mục đích gì? A. Mĩ muốn biến Nhật trở thành căn cứ quân sự. B. Nhật Bản muốn lợi dụng vốn kĩ thuật của Mĩ để phát triển kinh tế. C. Tạo thế cân bằng giữa Mĩ và Nhật. D. Hình thành liên minh Mĩ – Nhật chống các nước xã hội chủ nghĩa. Câu 11: Từ những năm 70 của thế kỉ XX, cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần 2 còn được gọi là gì? A. cách mạng khoa học – công nghệ. B. cách mạng công nghiệp. C. cách mạng xanh. D. cách mạng chất xám. Câu 12: Chiến tranh lạnh chấm dứt đánh dấu bằng sự kiện nào? A. Định ước Henxinki được kí kết năm 1975. B. Các hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công của Mĩ và Liên Xô được kí kết những năm 1970. C. Mĩ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1975. D. Nguyên thủ Mĩ và Liên Xô gặp nhau tại đảo Manta năm 1989. Câu 13: Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,… do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo gọi chung là A. Tuyên ngôn của Đảng. B. Luận cương chính trị của Đảng. C. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. D. Lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Đảng. Câu 14: Đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản ra đời năm 1930 đến nay là A. độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. B. giải phóng dân tộc, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. C. dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. D. giải phóng dân tộc, giải phóng tất cả các giai cấp khỏi thân phận nô lệ. Câu 15: Đến 3-1938, Đảng đổi tên từ Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương thành mặt trận nào? A. Mặt trận phản đế Đông Dương. B. Mặt trận Dân chủ Đông Dương. C. Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh. D. Mặt trận Thống nhất dân tộc Phản đế Đông Dương. Câu 16: Các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh là những A. hội dân chủ. B. hội phản đế. C. hội cứu quốc. D. hội Liên Việt. Câu 17: Từ cuối tháng 9-1940 đến tháng 3-1945, nhân dân ta sống duới ách thống trị của A. Pháp và Mĩ. B. Anh và Pháp. C. Nhật và Pháp. D. Trung Hoa Dân quốc và Pháp. Câu 18: Khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Pháp – Nhật” được đưa ra trong văn kiện nào? A. Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng tháng 11-1939. B. Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng tháng 5-1941. C. Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945. D. Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14, 15-8-1945. Câu 19: Tổ chức nào được coi là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam? A. Trung đội Cứu quốc quân I. B. Việt Nam Giải phóng quân. C. Việt Nam cứu quốc quân. D. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Câu 20: Mặt trận nào có vai trò chuẩn bị trực tiếp cho Cách mạng tháng Tám năm 1945? A. Mặt trận Thống nhất dân tộc Phản đế Đông Dương. B. Mặt trận Dân chủ Đông Dương. C. Mặt trận Việt Minh. D. Mặt trận Liên Việt. Câu 21: Trong Cao trào kháng Nhật cứu nước năm 1945, phong trào “phá kho thóc giải quyết nạn đói” diễn ra chủ yếu ở các tỉnh A. Bắc Kì. B. Trung Kì. C. Bắc Kì và Bắc Trung Kì. D. Trung Kì và Nam Kì. Câu 22: Ngày 14-9-1946 ta kí với Pháp bản Tạm ước nhường thêm cho chúng một số quyền lợi về A. kinh tế, chính trị. B. kinh tế, văn hóa. C. kinh tế, chính trị, văn hóa. D. kinh tế, tài chính. Câu 23: Để khắc phục tình trạng trống rỗng về ngân sách của Chính phủ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta đã hưởng ứng phong trào? A. “Quỹ độc lập”. B. “Ngày đồng tâm”. C. “Tăng gia sản xuất”. D. “Không một tấc đất bỏ hoang”. Câu 24: Kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là A. Trung Hoa Dân quốc. B. phát xít Nhật. C. Mĩ và thực dân Anh. D. thực dân Pháp. Câu 25: Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6-1-1946 của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng tháng Tám đã để lại bài học kinh nghiệm nào sau đây? A. Phát huy sức mạnh làm chủ đất nước của nhân dân. B. Phải biết phân hóa, cô lập kẻ thù. C. Mềm dẻo trong sách lược đấu tranh. D. Nhân nhượng có giới hạn, có nguyên tắc. B. PHẦN TỰ LUẬN (3 điểm) Câu 1. (3 điểm) Trình bày nguyên nhân chung dẫn đến sự phát triển nền kinh tế các nước Mĩ – Tây Âu – Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai? Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ sự phát triển đó? Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
A. PHẦN TRẮC NGHIỆM Câu 1. Phương pháp: sgk trang 4. Cách giải: Hội nghị Ianta có sự tham gia của nguyên thủy ba cường quốc: Liên Xô, Mĩ, Anh. => Loại đáp án: A Chọn: A Câu 2. Phương pháp: sgk trang 4, suy luận. Cách giải: Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các cường quốc Đồng minh: - Việc nhanh chóng đánh bại phát xít. - Tổ chức lại thế giới sau chiến tranh. - Việc phân chia thành quả chiến thắng. Trong đó, vấn đề cập bách nhất được đặt lên hàng đầu là việc nhanh chóng đánh bại hoàn toàn các nước phát xít. Chọn: D Câu 3. Phương pháp: sgk trang 10. Cách giải: Với tinh thần tự lực tự cường, nhân dân Liên Xô đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 – 1950) trong vòng 4 năm 3 tháng. Chọn: B Câu 4. Phương pháp: sgk trang 11, suy luận. Cách giải: Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo của Trái Đất. Đây là ý nghĩa quan trọng của sự kiện này. Chọn: A Câu 5. Phương pháp: sắp xếp. Cách giải: 3. Nội chiến giữa Quốc Dân đảng và Đảng Cộng sản ở Trung Quốc (1946 – 1949) 2. Trên bán đảo Triều Tiên ra đời hai nhà nước (1948) 1. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1-10-1949) 4. Trung Quốc thu hồi Hồng Công và Ma Cao (1997, 1999) Chọn: D Câu 6. Phương pháp: sgk trang 69. Cách giải: Một hệ quả quan trọng của cách mạng khoa học – công nghệ là từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX, nhất là từ sau Chiến tranh lạnh, trên thế giới đã diễn ra xu thế toàn cầu hóa. Chọn: A Câu 7. Phương pháp: sgk trang 31. Cách giải: Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước: Thái Lan, Indonexia, Xingapo, Malaysia, Philippin. Chọn: A Câu 8. Phương pháp: sgk trang 32. Cách giải: Năm 1999, Campuchia được kết nạp và trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN. Chọn: C Câu 9. Phương pháp: sgk trang 42, suy luận. Cách giải: Khác với Nhật Bản, con người được coi là vốn quý, là nhân tố quyết định hàng đầu thì đối với My, nơi khởi nguồn của cách mạng Khoa hoc - kĩ thuật thì nhân tó quyết định hàng đầu đưa đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ là ứng dụng thành tựu Khoa học – kĩ thuật vào sản xuất. Chọn: A Câu 10. Phương pháp: sgk trang 53, suy luận. Cách giải: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chịu tổn thất nặng nề, chính vì thế yêu cấu cấp bách đặt ra lúc này là khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Hơn nữa, quân Đồng minh (Mỹ) lại chiếm đóng Nhật Bản từ năm 1945 đến năm 1952. Nhờ việc kí với Mĩ Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật (1951) đã tạ điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản thực hiện các chính sách hòa bình dân chủ để khôi phục đất nước. Dựa vào sự nỗ lực của bản thân và sự viện trợ của Mĩ, cho đến năm 1952, kinh tế Nhật Bản đã thực sự được phục hồi, tạo tiền đề cho sự phát triển “thần kì” của Nhật Bản trong giai đoạn sau. Chọn: B Câu 11. Phương pháp: sgk trang 67. Cách giải: Trong giai đoạn 2 của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật, cuộc cách mạng công nghệ đã trở thành cốt lõi của cách mạng khoa học – kĩ thuật nên giai đoạn này còn được gọi là cách mạng khoa học – công nghệ. Chọn: A Câu 12. Phương pháp: sgk trang 63. Cách giải: Tháng 12-1989, trong cuộc gặp không chính thức tại đảo Manta (Địa Trung Hải), hai nhà lãnh đạo M. Goócbachốp và G. Busơ (cha) đã chính thức cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh. Chọn: D Câu 13. Phương pháp: sgk trang 88. Cách giải: Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,… do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chọn: C Câu 14. Phương pháp: Phân tích, nhận xét. Cách giải: Đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam (1930 – nay) do đảng đề ra là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. - Độc lâp dân tộc được thực hiện xuyên suốt qua các giai đoạn lịch sử: kháng chiến chống Pháp lần 1 (1930 – 1945); kháng chiến chống Pháp lần hai (1946 – 1954); kháng chiến chống Mĩ (1954 – 1975). - Chủ nghĩa xã hội: được thực hiện sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhiệm vụ chung của cả hai miền vẫn là đánh đổ đế quốc Mĩ để giành độc lập. Từ sau năm 1975, Đảng ta vẫn tiếp tục thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa. Chọn: A Câu 15. Phương pháp: sgk trang 100. Cách giải: Đến 3-1938, Đảng đổi tên từ Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Chọn: B Câu 16. Phương pháp: sgk trang 109. Cách giải: Các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh được gọi là những Hội cứu quốc. Cao bằng được chọn làm nơi thí điểm để xây dựng các hội cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Chọn: C Câu 17. Phương pháp: suy luận. Cách giải: - Tháng 9-1940, Nhật tiến vào nước ta. Pháp đầu hàng. Nhật – Pháp câu kết với nhau cùng thống trị nhân dân ta. - 9-3-1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. => Từ cuối tháng 9-1940 đến tháng 3-1945, nhân dân ta sống dưới ách thống trị của Nhật và Pháp. Chọn: C Câu 18. Phương pháp: sgk trang 112. Cách giải: Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chủ trương thay khẩu hiệu “Đánh đuổi Pháp – Nhật” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Chọn: C Câu 19. Phương pháp: Liên hệ. Cách giải: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là tên của đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh từ tháng 12-1944 đến tháng 5-1945. Đây là tổ chức quân sự được công nhận là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, 22-12-1944, sau này đã được chọn làm ngày thành lập của Quân đội nhân dân Việt Nam... Chọn: D Câu 20. Phương pháp: sgk trang 109, suy luận. Cách giải: Ngày 19-5-1941, Mặt trận thống nhất đầu tiên của Việt Nam được thành lập mặt trận này có vai trò chuẩn bị trực tiếp cho Cách mạng mạng tháng Tám năm 1945, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang và căn căn địa cách mạng. Chọn: C Câu 21. Phương pháp: sgk trang 113. Cách giải: Ở Bắc Kì và Bắc Trung Kì, trước thực tế nạn đói diễn ra trầm trọng do chính sách cướp bóc của Pháp – Nhật. Đảng đã đề ra khẩu hiệu: “phá kho thóc giải quyết nạn đói”. Khẩu hiệu đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tạo thành phong trào đấu tranh mạnh mẽ chưa từng có. Chọn: C Câu 22. Phương pháp: sgk trang 129. Cách giải: Ngày 14-9-1946 ta kí với Pháp bản Tạm ước nhường thêm cho chúng một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa ở Việt Nam. Chọn: B Câu 23. Phương pháp: sgk trang 125. Cách giải: Để khắc phục tình trạng trống rỗng về ngân sách của Chính phủ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta đã hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Quỹ độc lập”, phong trào “Tuần lễ vàng”. Chọn: A Câu 24. Phương pháp: Phân tích, nhận xét. Cách giải: Kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thực dân Pháp với âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam, núp bóng quân Anh liên tiếp có hành động gây hấn. - Pháp vốn đã có dã tâm xâm lược Việt Nam lần thứ hai sau khi bị đánh bại ở Cách mạng tháng Tám. Hơn nữa, Pháp đã có nhiều hành động khiêu khích: + Ngày 2-9-1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng “Ngày Độc lập” thì thực dân Pháp đã xả súng vào dân chúng, làm 47 người chết và nhiều người bị thương. + Đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. - Sau đó, nhận dân Việt Nam phải thực hiện cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài từ năm 1946 đến năm 1954 mới kết thúc. Chọn: D Câu 25. Phương pháp: Liên hệ. Cách giải: Cuộc bầu cử ngày 6-1-1946 diễn ra, nhân dân đã được thực hiện quyền làm chủ, bầu ra những đại biểu tiêu biểu cho nhân dân vào Quốc hội. Sau đó, các địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiến hành bầu cử hội đồng nhân dân các cấp theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Cho đến nay nguyên tắc bầu cử này vẫn còn được giữ vừng, đó là bài học phát huy sức mạnh làm chủ đất nước của nhân dân. Chọn: A B. PHẦN TỰ LUẬN Câu 1 Phương pháp: Phân tích, liên hệ. Cách giải: * Nguyên nhân chung dẫn đến sự phát triển kinh tế của các nước Mỹ - Tây Âu - Nhật Bản: - Dựa vào thành tựu khoa học – kĩ thuât, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất, hạ giá thành. - Trình độ tập trung tư bản và tập trung sản xuất cao nên có sức sản xuất và cạnh tranh lớn. - Vai trò điều tiết của nhà nước có hiệu quả. * Bài học rút ra cho Việt Nam: - Học hỏi và áp dụng thành tựu khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, học hỏi kinh nghiệm quản lí từ các nước phát triển. - Nhà nước cần thực hiện chính sách hợp lí, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với những biến động của thế giới và tình hình trong nước. - Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Đặc biệt mở rộng nền kinh tế thị trường để có thể tăng cường giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các nước. HocTot.XYZ
|