Đề thi kì 2 môn Văn lớp 7 năm 2019 - 2020 Trường THCS Hà Huy Tập

Giải chi tiết đề thi kì 2 môn văn lớp 7 năm 2019 - 2020 Trường THCS Hà Huy Tập với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Đề bài

UBND QUẬN BÌNH THẠNH

TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

HÀ HUY TẬP

............

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐỀ KIỂM TRA

HỌC KÌ II – NĂM HỌC 2019 - 2020

Môn: NGỮ VĂN – LỚP 7

Thời gian: 90 phút

ĐỀ CHÍNH THỨC

        Đọc đoạn trích sau và hoàn thành các yêu cầu bên dưới:

        Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời vẫn mưa tầm tả trút xuống, dưới sông thì nước bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi sức trời! Thế đê không sao cự lại dược với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất…

         (…) Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xóay thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!

Câu 1: (2.0 điểm)

a. Ngữ liệu trên trích từ tác phẩm “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn. Hãy cho biết thể loại của tác phẩm trên và nêu nội dung đoạn trích đó. (1.0 điểm)

b. Kết thúc tác phẩm “Sống chết mặc bay” gợi cho em những suy nghĩ gì? Hãy diễn đạt thành 2 - 3 câu văn. (1.0 điểm)

Câu 2: (2.0 điểm)

         Trong phần in đậm của đoạn văn trên:

a. Hãy xác định một biện pháp nghệ thuật liệt kê và cho biết xét theo cấu tạo thì đó là kiểu liệt kê nào? (1.0 điểm)

b. Tìm một câu đặc biệt và cho biết tác dụng của câu đặc biệt ấy? (1.0 điểm)

Câu 3: (6.0 điểm)

         Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Em hãy chứng minh và giải thích để làm sáng tỏ lời khuyên trên.

……………Hết……………

Lời giải chi tiết

Câu 1.

a.

*Phương pháp: Căn cứ vào tác phẩm để xác định thể loại; đọc kĩ đoạn trích và rút ra nội dung.

*Cách giải:

- Thể loại: truyện ngắn hiện đại.

- Nội dung: Đoạn trích tái hiện cảnh tượng thảm sầu của nhân dân khi đối đầu với cảnh đê vỡ.

b.

*Phương pháp: Đọc kĩ nội dung đoạn kết và đưa ra suy nghĩ.

*Cách giải:

- Đoạn kết gợi cho em những trăn trở về đời sống người dân trong xã hội cũ, cuộc sống của họ không chứa đựng sự công bằng mà toàn là những điều bất công. Xã hội phong kiến khiến đời sống nhân dân đầy rẫy những đau thương, mất mát, luôn bị áp bức, bóc lột. Từ đó em càng trân trọng, biết ơn hơn xã hội hiện đại của đất nước đã cho em cuộc sống ấm no, công bằng.

Câu 2.

a.

*Phương pháp: Căn cứ vào bài học “Liệt kê”.

*Cách giải:

- Liệt kê: nước tràn lênh láng, xóay thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ.

- Kiểu liệt kê (xét theo cấu tạo): kiểu liệt kê không theo từng cặp.

b.

*Phương pháp: Căn cứ vào bài học “Câu đặc biệt”.

*Cách giải:

- Học sinh chọn một trong các câu đặc biệt sau đây: Than ôi!; Lo thay!; Nguy thay!.

- Tác dụng: cho thấy được sự gấp gáp của tình huống và nhấn mạnh sự nguy cấp của người dân khi chống chọi với đê vỡ, nước dâng.

Câu 3.

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

*Cách giải:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.

+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu nội dung:

I. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề và giới thiệu câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim"

II. Thân bài

1. Giải thích câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim"

- Sắt là một loại kim loại cứng, khó gọt đẽo.

- Kim là dụng cụ để khâu vá có hình dáng rất nhỏ, mảnh mai.

=> Ý nghĩa: Nói về quá trình mài sắt thành cây kim tinh xảo- một việc làm tưởng như không thể, câu tục ngữ là hình ảnh ẩn dụ cho ý chí nghị lực và lòng kiên trì của con người. Có nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ thì khó khăn dù lớn đến mấy thì cũng có thể vượt qua.

2. Bàn luận: Tại sao phải có lòng kiên trì nhẫn nại?

- Để đạt được thành công, để vươn tới cái đẹp của cuộc đời thì con người phải trải qua nhiều gian nan thử thách.

- Cách duy nhất để gạt bỏ vật cản và đi tới thành công là phải có ý sự nỗ lực, kiên trì.

- Vì mọi việc trên đời này không dễ dàng mà thành công, ta phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt và cả thời gian. Thành công là kết quả của một quá trình rèn luyện phấn đấu không ngừng nghỉ.

- Kiên trì nhẫn nại không chỉ tạo ra sự thành công mà còn tô đậm những đức tính tốt đẹp của con người, nhất là đối với học sinh.

- Người kiên nhẫn sẽ đạt được sự tính nhiệm, cảm phục, yêu mến, kính trọng từ mọi người.

3. Dẫn chứng chứng minh

- Nguyễn Ái Quốc đã kiên trì học tập, nghiên cứu và đóng góp sức mình để đem lại độc lập cho dân tộc

- Ngô Quyền nỗ lực chiến đấu để đánh đuổi quân Nam Hán

- Lương Định Của đã kiên nhẫn trong việc chế tạo trong sản xuất

- Như nhà bác học trên thế giới như: Claudius, A-ma-jet, Lô- mô-nô-xốp,….

- Nick Vuijic, một người bị tật nguyền mất cả hai tay và hai chân nhưng với quyết tâm, ý chí nghị lực vươn lên, anh đã trở thành người diễn thuyết giỏi và truyền cảm hứng sống cho biết bao mảnh đời bất hạnh khác.

- Cao Bá Quát xưa kia viết chữ rất xấu nhưng nhờ khổ công rèn luyện, ông đã được tôn làm “Thánh Quát” với biệt tài văn hay chữ tốt.

- Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy cho con cháu bài học tương tự về lòng kiên trì như “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Thất bại là mẹ thành công”…

4. Rút ra bài học và liên hệ bản thân

- Câu tục ngữ là bài học về một phẩm chất đáng quý của con người.

- Cần rèn luyện cho mình ý chí và nghị lực và học tập những tấm gương dám sống và dám đi đến thành công.

- Đó cũng là lời phê phán những còn người thiếu ý chí quyết tâm, dễ dàng buông bỏ đi ước mơ, mục tiêu của mình.

III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em và khẳng định tính đúng đắn về câu tục ngữ.

HocTot.XYZ