Đọc hiểu bài Chạy giặcI - Gợi dẫn 1. Nguyễn Đình Chiểu (xem bài Lẽ ghét thương). 2. Chạy giặc được sáng tác khi nhà thơ chứng kiến cảnh nhân dân chạy loạn. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Nhưng chúng đã gặp sự kháng cự của quân triều đình và nhân dân. Thực dân Pháp quay sang tiến vào Sài Gòn, tràn tới sông Bến Nghé. Bài thơ thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của nhà thơ và nỗi đau của ông khi phải chứng kiến cảnh nước mất nhà tan. 3. Khi đọc, chú ý quy tắc gieo vần theo niêm luật của thơ thất ngôn bát cú. II - Kiến thức cơ bản Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho, một thầy đồ, một thầy thuốc, một nhà thơ và là một nghĩa sĩ có nhân cách. Mặc dù đôi mắt lúc đó đã mù loà, nhưng nỗi đau đớn của một người dân mất nước, hàng ngày chứng kiến cảnh giặc Pháp tấn công và đánh chiếm quê hương đã khiến ông hình dung, tưởng tượng thật rõ ràng cảnh nước mất nhà tan. Ông đã vẽ nên bức tranh đầy máu và nước mắt về một thời điểm lịch sử đen tối của dân tộc. Bài thơ được mở đầu bằng một khung cảnh bình thường mà bất thường. Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây, Một bàn cờ thế phút sa tay. Cảnh chợ thường gợi cảm giác thanh bình. Cảnh thanh bình ấy đột nhiên bị phá vỡ bởi một thứ âm thanh vô cùng tàn nhẫn và đáng sợ: tiếng súng Tây. Đó là âm thanh báo hiệu sự bắt đầu một tấn bi kịch của dân tộc. Hai câu đề đã khái quát hoàn cảnh bao quát của cảnh chạy giặc và cũng là khái quát hiện thực. Bàn cờ thế phút sa tay là hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng. Thế sự như cuộc cờ, người đứng đầu là người chơi cờ. Nước cờ sa tay, ván cờ thất bại. Cách nói “phút sa tay” gợi cảm giác tai hoạ đến thật đột ngột, không có dự báo trước. Nó khiến cho người trong cuộc hoang mang. Cảnh tượng ấy đã được nhà thơ, người trong cuộc, hình dung và ghi lại rất rõ ràng ở câu thực và câu luận. Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy, Mất ổ bầy chim dáo dác bay. Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây. Thực tế bao giờ “nước mất” cũng kéo theo “nhà tan”. Cảnh nhà tan đã được nhà thơ ghi lại bằng một hình ảnh thật đắt và giàu sức gợi. Nó gợi nên sự đau xót, thương tâm. Khi đã chạy giặc thì đủ cả già, trẻ, lớn, bé nhưng ở đây tác giả chỉ dùng một hình ảnh “lũ trẻ lơ xơ chạy”. Lũ trẻ “bỏ nhà” đã đáng thương tâm lắm rồi nhưng kèm theo từ lơ xơ càng tăng cảm giác đau xót đến bội phần. Nó gợi sự tan tác đến hoang tàn. Cảnh con người nhà tan cửa nát được đặc tả bằng hình ảnh “lũ trẻ lơ xơ chạy” thì hình ảnh thiên nhiên trời đất tang thương lại được gợi nên bởi hình ảnh “bầy chim dáo dác bay”. Hai cặp hình ảnh đối nhau trong cặp câu thực đã thể hiện rất rõ cảnh tượng đau xót của ngày chạy giặc. Cảnh nhà tan là vậy, còn cảnh nước mất cũng thật tang thương. Tác giả đã dùng hai địa điểm thực để tả cảnh đất nước những ngày đầu oằn mình dưới gót giày xâm lược. Tiếng súng của quân xâm lược đã bao trùm lên không gian quê hương một không khí đầy hiểm hoạ. Hình ảnh “tan bọt nước” và “nhuốm màu mây” gợi sự tan tác và u ám. Bóng quân thù đã bao trùm cả quê hương. Chỉ với những nét gợi tả trong ba cặp câu thơ ấy thôi, nhà thơ đã khái quát phút giây đau thương của cả dân tộc Việt. Nhà thơ ấy tuy mù loà nhưng nỗi đau của một người dân mất nước đã khiến ông có thể cảm nhận bằng tưởng tượng nhưng rất chính xác cảnh tang thương của quê hương. Tấm lòng ấy được trực tiếp thể hiện ở hai câu kết: Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng, Nỡ để dân đen mắc nạn này ? Câu hỏi ẩn chứa điều gì vậy, đây là một câu hỏi tu từ chứ không phải câu hỏi thông thường. Giọng điệu vừa đau xót, vừa trách móc, vừa day dứt. Tác giả đã dùng từ trang để chỉ những người có trách nhiệm trong việc đánh giặc giữ nước. Cách xưng hô ấy không đơn giản là thể hiện sự kính trọng của ông đối với những người có trách nhiệm, có chí lớn, có tấm lòng với dân tộc. Nó còn là khao khát, là sự trách móc chua xót, là niềm mong mỏi của nhân dân dành cho những người có đủ sức đủ quyền và có trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc. Chính từ nỡ ở câu kết đã thể hiện điều đó. Câu kết cũng chính là niềm mong mỏi thống thiết của Đồ Chiểu và của nhân dân. Họ mong mỏi có những người có đủ sức, đủ tài và đủ tâm đứng lên thực hiện nhiệm vụ đánh giặc giữ nước. Câu hỏi kết thúc bài thơ đã tạo nên âm hưởng thật thống thiết cho toàn bài thơ, đồng thời thể hiện tấm lòng đau đáu nỗi niềm non nước của ông Đồ Chiểu. III - Liên hệ So sánh nội dung bài Chạy giặc với bài Xúc cảnh của Nguyễn Đình Chiểu: Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông, Chúa xuân đâu hỡi? Có hay không? Mây giăng ải bắc mong tin nhạn, Ngày xế non nam bặt tiếng hồng. Bờ cõi xưa đà chia đất khác, Nắng sương nay há đội trời chung. Chừng nào Thánh đế ân soi thấu, Một trận mưa nhuần rửa núi sông ? hoctot.xyz
|