Giải chi tiết đề thi kì 1 môn văn lớp 9 năm 2020 - 2021 Phòng GD Tân Bình

Giải chi tiết đề thi kì 1 môn văn lớp 9 năm 2020 - 2021 Phòng GD Tân Bình với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Đề bài

Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

       Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

      Những ngày qua, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Xót xa khúc ruột miền Trung “oằn” mình trong gian khó, không phân biệt giàu nghèo, vùng miền, nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng túng hộ, quyên góp, hỗ trợ bà con vùng lũ. Nhiều câu chuyện thắm đượm tình người giữa mùa mưa lũ khiến cộng đồng vô cùng cảm phục, xúc động. (1)

      Đó là chuyện những anh bộ đội cùng các thanh niên thôn La Hối, 1 huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vượt qua vùng lũ chảy xiết đưa sản phụ đến Trung tâm y tế an toàn sau 30 phút. (2)

       Đó là chuyện chàng trai xứ Nghệ rong ruổi chạy xe tải dọc ba tỉnh Quảng trị, Huế Quảng Nam để tiếp tế lương thực cho người dân đang bị cô lập. Anh tự mình lái xe tải suốt 5 ngày, đi đến nhiều nơi ngập sâu ở 3 tính để ứng cứu, cấp phát mì tôm miễn phí. “Sợ bà con không có gì ăn, nhịn đói, tôi phải lái xe xuyên đêm, giữa trời mưa giỏ cho kịp”, anh chia sẻ. (3)...

(Tổng hợp theo Báo Tuổi Trẻ Online.net)

1. Văn bản trên đề cập đến nội dung gi? (1,0 điểm)

2. Xác định lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn (3). Em cảm nhận gì về lời chia sẻ trực tiếp ấy? (1.0 điểm)

3. Qua những câu chuyện trên, bản thân em cần làm gì để góp phần xoa dịu những mất mát về tinh thần, vật chất đến những người dân vùng lũ? Trả lời 3-5 câu. (1.0 điểm)

Phần II: Tạo lập văn bản (7 điểm)

1. Qua nội dung văn bản ở phần 1 và những câu chuyện cảm động về tình người trong cuộc sống, em hãy viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta, nhất là trong hoạn nạn.

(3.0 điểm)

2. Học sinh chọn một trong hai đề sau: (4.0 điểm)

Đề 1: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là câu chuyện cảm động về tình cha con trong hoàn ảnh éo le của chiến tranh. Hãy đóng vai ông Sáu hoặc bé Thu (hai nhân vật chính trong truyện) kể lại cuộc chia tay của hai cha con trước khi ông Sáu quay trở lại đơn vị chiến đấu.

Đề 2: Hãy kể một câu chuyện cảm động tình người trong cuộc sống mà em biết. Qua câu chuyện ấy, em như được tiếp thêm động lực, thêm trân trọng, yêu quý cuộc sống hiện tại và có ước mơ, hoài bão vươn đến tương lai tươi sáng.

(Lưu ý trong bài văn có sử dụng yếu tố nghị luận, miêu tả nội tâm, các hình thức đối thoại, độc thoại)

Lời giải chi tiết

PHẦN I

Câu 1

*Phương pháp: Đọc kĩ văn bản và rút ra nội dung chính.

*Cách giải:

- Nội dung: văn bản trên nói về sự đồng lòng giúp đỡ của nhân dân cả nước dành cho đồng bào miền Trung trong những ngày bão lũ.

Câu 2

*Phương pháp: Nhớ lại kiến thức lời dẫn trực tiếp, lời dẫn gián tiếp.

*Cách giải:

- Lời dẫn trực tiếp: “Sợ bà con không có gì ăn, nhịn đói, tôi phải lái xe xuyên đêm, giữa trời mưa giỏ cho kịp”.

- Lời dẫn trực tiếp ấy tái hiện chân thực hình ảnh chàng trai lái xe đồng lòng cùng miền Trung. Qua đó, ta thấy được tấm lòng thảo thơm và sự nhân hậu của chàng trai dành cho đồng bào của mình.

Câu 3

*Phương pháp: Bình luận, tổng hợp.

*Cách giải: Viết đoạn văn khoảng 3 – 5 câu xoay quanh nội dung nhận thức của em.

- Về vật chất, em chưa làm ra được nhiều tiền nên có thể góp nhặt những thứ trong khả năng của em: quần áo cũ, đồ ăn, tiền ăn sáng…

- Về tinh thần: sẻ chia sâu sắc tới đồng bào miền Trung để người dân có thêm nghị lực, tinh thần vượt qua giai đoạn khó khăn này.

PHẦN II:

Câu 1

*Phương pháp: giải thích, phân tích, bình luận, tổng hợp

*Cách giải:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập bài văn.

+ Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu nội dung:

+ Vận dụng kiến thức xã hội để nghị luận về tinh thần tương thân tương ái.

+ Vận dụng các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ để nghị luận về bài văn.

- Hướng dẫn cụ thể:

*Giải thích: Tương thân tương ái là sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa con người với con người.

*Vì sao ta cần phải có tinh thần tương thân, tương ái?

– Tinh thần tương thân, tương ái thể hiện phẩm chất, nhân cách cao quý của con người, là biểu hiện của tình yêu thương.

– Tinh thần tương thân, tương ái giúp gắn kết con người lại với nhau, tạo ra sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

– Tinh thần tương thân, tương ái giúp con người sống nhân ái hơn.

– Sống không có tinh thần tương thân, tương ái, thể hiện sự vô cảm của con người, con người sẽ bị tách biệt khỏi tập thể.

– Tinh thần tương thân, tương ái thể hiện lối sống trọng tình, trọng nghĩa của dân tộc ta.

*Biểu hiện:

– Người có tinh thần tương thân, tương ái là người sống có tấm lòng nhân nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp:

+ Trong gia đình: yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ; sống hòa hợp, gắn bó với anh, chị, em; biết nhường nhịn lẫn nhau,..

+ Trong nhà trường: kính trọng, yêu mến thầy cô giáo, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè,…

+ Ngoài xã hội: biết cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của người nghèo khó; biết tương trợ, giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt,…

*Bình luận:  Biết tương thân, tương ái, giúp đỡ người khác trong khó khăn, hoạn nạn là việc làm tốt đẹp, cần tuyên dương, ngợi khen và lan tỏa trong cộng đồng. Thế nhưng, lòng tốt cũng cần phải đặt đúng chỗ, giúp đúng người, đúng việc, đừng để lòng tốt của mình bị kẻ xấu lợi dụng.

*Phê phán:

Trong xã hội ngày nay vẫn còn những kẻ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của bản thân mình, thờ ơ, vô cảm trước hoàn cảnh khó khăn, nỗi khổ đau của người khác. Những người như thế thật đáng chê trách.

*Bài học: Không có gì đẹp bằng ánh sáng của lòng nhân ái. Hãy biết yêu thương, giúp đỡ người khác.

Câu 2

Đề 1:

*Phương pháp: Tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.

*Cách giải:

Học sinh nắm chắc kiến thức viết bài văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn bản kể chuyện tưởng tượng.

+ Bài văn đầy đủ bố cục; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

- Yêu cầu nội dung:

+ Bài văn xoay quanh nội dung: kể lại cuộc chia tay của hai cha con.

+ Sử dụng yếu tố nghị luận: thể hiện cách nhìn nhận của nhân vật về vấn đề trong truyện kể.

+ Sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm, các hình thức đối thoại, độc thoại.

- Hướng dẫn cụ thể:

Đóng vai ông Sáu

*Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

2. Thân bài:

- Tôi xa nhà đi kháng chiến, lúc đó, con tôi - bé Thu chưa đầy một tuổi.

- Mãi khi con gái lên tám tuổi, tôi mới có dịp về thăm nhà, thăm con.

- Bé Thu không nhận ra tôi vì vết thẹo bên má phải làm cho tôi không giống với người cha mà nó đã thấy trong ảnh. Con đối xử với tôi như người xa lạ, nhất định không chịu gọi tôi bằng ba.

- Đến lúc bé Thu nhận ra tôi, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong con, thì cũng là lúc tôi phải trở về đơn vị:

+ Bé Thu chấp nhận cha, không cho tôi đi

+ Giây phút ngắn ngủi nhưng hạnh phúc vô bờ của hai cha con

- Ở khu căn cứ trong rừng, tôi ân hận vì đã đánh con, tôi dồn hết tình cảm vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con.

- Nhưng trong một trận càn, tôi đã hy sinh.

- Trước lúc nhắm mắt, tôi đã kịp trao lại chiếc lược cho ông Ba, người bạn thân của tôi

*Chú ý tập trung các chi tiết hai cha con trước lúc chia xa.

Kết bài: Cảm nghĩ về câu chuyện

Đề 2:

*Phương pháp: Tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.

*Cách giải:

Học sinh nắm chắc kiến thức viết bài văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn bản kể chuyện.

+ Bài văn đầy đủ bố cục; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

- Yêu cầu nội dung:

+ Bài văn xoay quanh nội dung: kể lại cuộc chia tay của hai cha con.

+ Sử dụng yếu tố nghị luận: thể hiện cách nhìn nhận của nhân vật về vấn đề trong truyện kể.

+ Sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm, các hình thức đối thoại, độc thoại.

- Hướng dẫn cụ thể:

Học sinh chọn những câu chuyện nhân văn, thể hiện tình người trong cuộc sống, ví dụ:

-         Về sự giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

-         Khi em được ai đó truyền động lực sống.

-         Tình người trong những điều nhỏ nhặt mà em gặp thường ngày.

 HocTot.XYZ

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay