Đề thi học kì 1 môn sử lớp 11 năm 2019 - 2020 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc
Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 11 năm 2019 - 2020 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Mã đề: 263
Phần I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm)
Câu 1: Cao trào cách mạng 1905 - 1908 ở Ấn Độ có điểm gì khác biệt so với các phong trào đấu tranh ở giai đoạn trước là
A. tầng lớp tư sản lãnh đạo, mang đậm tính giai cấp, vì quyền lợi kinh tế.
B. bộ phận tư sản lãnh đạo, mang đậm ý thức dân tộc, vì độc lập và dân chủ.
C. có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, mang đậm tính dân tộc.
D. có sự lãnh đạo của giai cấp tiểu tư sản, mang đậm tính dân tộc.
Câu 2: Mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), Đức đã sử dụng chiến thuật chiến tranh
A. Chớp nhoáng B. lâu dài C. tổng lực D. du kích.
Câu 3: Tháng 8 - 1905, Trung Quốc Đồng minh hội ra đời là chính đảng của giai cấp nào?
A. Tư sản B. Công nhân C. Tiểu tư sản D. Nông dân
Câu 4: Thể chế chính trị của nước Nga sau cuộc cách mạng 1905 - 1907 là
A. quân chủ lập hiến. B. Cộng hòa. C. xã hội chủ nghĩa. D. quân chủ chuyên chế.
Câu 5: Ý nào dưới đây không là nội dung của cuộc Duy tân Minh Trị (1868) ở Nhật Bản?
A. Thiết lập thể chế Cộng hòa.
B. Thống nhất tiền tệ, thống nhất thị trường.
C. Cử những học sinh giỏi đi du học ở phương Tây.
D. Thủ tiêu chế độ Mạc phủ, thành lập chính phủ mới.
Câu 6: Giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến ở các nước Đông Nam Á đang ở trong giai đoạn nào?
A. Phát triển thịnh đạt.
B. Mới hình thành.
C. Bước đầu phát triển.
D. Khủng hoảng, suy vong.
Câu 7: Tính chất của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) là
A. chiến tranh đế quốc xâm lược phi nghĩa.
B. chính nghĩa thuộc về các nước tư bản.
C. chính nghĩa thuộc về phe Hiệp ước.
D. chính nghĩa thuộc về phe Liên minh.
Câu 8. Giữa thế kỉ XIX, Ấn Độ đã bị biến thành thuộc địa của thực dân
A. Anh. B. Pháp. C. Đức. D. Nhật Bản.
Câu 9: Táng 3 - 1921, Đảng Bôn-sê-vích Nga đã quyết định thực hiện
A. chính sách mới.
B. kế hoạch 5 năm lần thứ hai.
C. chính sách kinh tế mới.
D. kế hoạch 3 năm lần thứ nhất.
Câu 10: Đường lối đối ngoại chủ yếu của chính phủ Hitle (Đức) trong những năm 1933 - 1939 1à
A. thực hiện chính sách đối ngoại nước lớn.
B. mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước tư bản châu Âu.
C. tăng cường các hoạt động chuẩn bị chiến tranh.
D. bắt tay với các nước phát triển.
Câu 11: Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 ở Mĩ bắt nguồn từ ngành kinh tế nào?
A. Thương mại. B. Công nghệp C. Tài chính ngân hàng D. Nông nghiệp.
Câu 12: Để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, các nước Đức, Ý, Nhật Bản tiến hành phát xít hóa bộ máy nhà nước chủ yếu là do
A. bất mãn sau thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
B. được sự ủng hộ của giới đại tư bản.
C. được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản.
D. có thuộc địa ít, ngày càng thiếu vốn, nguyên liệu và thị trường.
Phần II. PHẦN TỰ LUẬN (7,0 điểm)
Câu 13: (3,0 điểm)
Nêu tính chất và những hạn chế của cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc.
Câu 14: (4,0 điểm)
Nêu những hậu quả và rút ra đặc điểm chung của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933.
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Thực hiện bởi Ban chuyên môn HocTot.XYZ.com
1. B |
2. A |
3. A |
4. D |
5. A |
6. D |
7. A |
8. A |
9. C |
10. C |
11. C |
12. D |
Phần I. PHẦN TRẮC NGHIỆM
Câu 1.
Phương pháp: Xem lại phong trào dân tộc ở Ấn Độ (1885 - 1908), sgk trang 11 - 12.
Cách giải:
Cao trào 1905 - 1908 thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Ấn Độ chống chủ nghĩa thực dân Anh. Cao trào này do một bộ phận giai cấp tư sản lãnh đạo, mang đậm ý thức dân tộc, thực hiện mục tiêu đấu tranh vì một nước Ấn Độ độc lập và dân chủ.
Chọn: B
Câu 2.
Phương pháp: Xem lại giai đoạn 1 chiến tranh thế giới thứ nhất, sgk trang 33.
Cách giải:
Mở đầu cuộc chiến, Đức dự định đánh bại Pháp một cách chớp nhoáng, sau đó quay sang đánh Nga.
Chọn: A
Câu 3.
Phương pháp: Xem lại Tôn Trung Sơn và Cách mạng Tân Hợi, sgk trang 15.
Cách giải:
Tháng 8 - 1905, Trung Quốc Đồng minh hội - chính đảng của giai cấp tư sản Trung Quốc ra đời.
Chọn: A
Câu 4.
Phương pháp: Xem lại tình hình nước Nga trước cách mạng, sgk trang 48.
Cách giải:
Sau Cách mạng 1905 - 1907, Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Nga hoàng Ni-cô-lai II.
Chọn: D
Câu 5.
Phương pháp: Xem lại nội dung cuộc Duy tân Minh Trị, sgk trang 6, loại trừ.
Cách giải:
Nội dung cuộc Duy tân Minh Trị bao gồm:
* Về chính trị:
- Nhật hoàng tuyên bố thủ tiêu chế độ Mạc phủ, lập chính phủ mới, thực hiện bình đẳng ban bố quyền tự do.
- Ban hành Hiến pháp mới (năm 1889), chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập.
* Về kinh tế:
- Thống nhất tiền tệ, thống nhất thị trường, cho phép mua bán ruộng đất.
- Tăng cường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, phục vụ giao thông liên lạc.
* Về quân sự:
- Được tổ chức huấn luyện theo kiểu phương Tây.
- Chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh.
- Chú trọng đóng tàu chiến, sản xuất vũ khí đạn dược.
* Về giáo dục:
- Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc.
- Chú trọng nội dung khoa học- kỹ thuật trong chương trình giảng dạy.
- Cử những học sinh giỏi đi du học phương Tây…
Chọn: A
Câu 6.
Phương pháp: Xem lại quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân vào các nước Đông Nam Á, sgk trang 45.
Lời giải:
Từ giữa thế kỉ XIX, ở các nước khu vực Đông Nam Á, chế độ phong kiến vẫn giữ địa vị thống trị và đều lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên về chính trị, kinh tế, xã hội.
Chọn D.
Câu 7.
Phương pháp: Phân tích nguyên nhân, kết cục của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, rút ra nhận xét.
Lời giải:
Chiến tranh thế giới thứ nhất là cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa. Vì:
- Mục đích tham chiến của các nước đế quốc: tranh giành thuộc địa của nhau, khuếch trương thế lực,… nhằm phân chia lại thế giới. Những mục đích trên chỉ đem lại lợi nhuận cho giai cấp tư sản nắm quyền.
- Hậu quả: nặng nề trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội,… Những hậu quả này đè nặng lên vai những người dân vô tội.
Chọn A.
Câu 8.
Phương pháp: Xem lại tình hình Ấn Độ từ giữa thế kỉ XIX, sgk trang 8.
Lời giải:
- Từ đầu thế kỉ XVII, cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các chúa phong kiến trong nước làm cho Ấn Độ suy yếu. Lợi dụng cơ hội này, các nước tư bản phương Tây, chủ yếu là Anh và Pháp tranh nhau xâm lược Ấn Độ.
- Đến giữa thế kỉ XIX, thực dân Anh hoàn thành việc xâm lược và đặt ách cai trị ở Ấn Độ.
Chọn A.
Câu 9.
Phương pháp: Xem lại Chính sách kinh tế mới, sgk trang 53.
Lời giải:
Năm 1921, nước Nga Xô viết bước vào thời kì hòa bình xây dựng đất nước trong hoàn cảnh cực kì khó khăn. Trong bối cảnh đó, tháng 3 - 1921, Đảng Bô-sê-vích Nga quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP) do Lê-nin đề xướng.
Chọn C.
Câu 10.
Phương pháp: Xem lại nước Đức trong những năm 1933 - 1939, sgk trang 68.
Lời giải:
Đường lối đối ngoại chủ yếu của chính phủ Hitle (Đức) trong những năm 1933 - 1939 1à tăng cường các hoạt động chuẩn bị chiến tranh:
- Tháng 10 - 1933, Đức tuyên bố rút khỏi Hội Quốc liên để được tự do hành động.
- Năm 1935, Hít-le ban hành lệnh tổng động viên, tuyên bố thành lập đội quân thường trực và bắt đầu triển khai các hoạt động quân sự ở châu Âu.
Chọn C.
Câu 11.
Phương pháp: Xem lại cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 ở Mĩ, sgk trang 70.
Lời giải:
Tháng 10 - 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy bất ngờ bùng nổ ở Mĩ, chấm dứt thời kì hoàng kim của nền kinh tế Mĩ. Cuộc khủng hoảng bắt đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Chọn C.
Câu 12.
Phương pháp: Xem lại cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 và hậu quả của nó, sgk trang 62..
Lời giải:
Các nước Đức, Italia, Nhật Bản là những nước không có hoặc có ít thuộc địa, ngày càng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và thị trường, đã đi theo con đường phát xít hóa bộ máy chính trị để cứu vãn tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng của mình.
Chọn D.
Phần II. PHẦN TỰ LUẬN (7,0 điểm)
Câu 13
Phương pháp: Xem lại cách mạng Tân Hợi (1911), sgk trang 17.
Cách giải:
Nêu tính chất và những hạn chế của cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc.
* Tính chất: Là cuộc cách mạng dân chủ tư sản. (1,0 điểm)
* Hạn chế:
- Cách mạng chưa thủ tiêu thực sự giai cấp phong kiến, thành quả cách mạng trong thực tế do phong kiến quân phiệt nắm giữ. (0,75 điểm)
- Không đụng chạm đến các nước đế quốc xâm lược, kẻ thù chính của nhân dân Trung Quốc (0,75 điểm)
- Không giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân như đã niêu trong Cương lĩnh. (0,5 điểm).
Câu 14
Phương pháp: Xem lại cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 và hậu quả của nó, sgk trang 61, suy luận.
Cách giải:
Nêu những hậu quả và rút ra đặc điểm chung của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933
* Hậu quả
- Về kinh tế: (1 điểm)
+ Chấm dứt thời kì ổn định vá tăng trưởng của các nước tư bản chủ nghĩa.
+ Tàn phá nặng nề nền kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa.
- Về chính trị - xã hội: (1 điểm)
+ Hàng chục triệu công nhân thất nghiệp, nông dân mất ruộng đất.
+ Nhiều cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân … diễn ra ở khắp các nước.
- Về quan hệ quốc tế:
+ Đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản, các nước phải xem xét lại con đường phát triển. (0,5 điểm)
+ Các nước Anh, Pháp, Mĩ tiến hành những cải cách kinh tế - xã hội. Các nước Đức, Ý, Nhật Bản đi theo con đường phát xít hóa. (0,5 điểm)
+ Hình thành hai khối đế quốc đối lập,… báo hiệu nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới. (0,5 điểm)
* Đặc điểm:
- Cuộc khủng hoảng kinh tế 1939 - 1933 là cuộc khủng hoảng kinh tế thừa. (0,25 điểm)
- Cuộc khủng hoảng bao trùm toàn bộ thế giới tư bản, kéo dài nhất (4 năm), trầm trọng nhất năm 1932. (0,25 điểm)
HocTot.XYZ
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Lịch sử lớp 11 - Xem ngay
-
Đề thi học kì 1 môn sử lớp 11 năm 2019 - 2020 trường THPT Tôn Đức Thắng
Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 11 năm 2019 - 2020 trường THPT Tôn Đức Thắng với cách giải nhanh và chú ý quan trọng