Đề thi kì 1 môn Văn lớp 9 năm 2019 - 2020 huyện Quốc Oai

Giải chi tiết đề thi kì 1 môn văn lớp 9 năm 2019 - 2020 huyện Quốc Oai với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HUYỆN QUỐC OAI

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ, NĂM HỌC 2019-2020

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 90 phút

 

I/ Phần I (5 điểm) 

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới

“Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”.

1. Nhận biết

Nêu tên tác phẩm, tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm chứ đoạn trích trên?

2. Nhận biết

Ghi lại 1 câu ghép, chỉ ra ít nhất 2 trạng ngữ trong đoạn trích trên? Công dụng của dấu ngoặc kép trong dòng “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” là gì?

3. Vận dụng

Nhân vật tôi đóng vai trò gì trong tác phẩm? Cách chọn vai kể như vậy có tác dụng gì trong việc xây dựng nhân vật và thể hiện nội dung tư tưởng của truyện? Vì sao nhân vật tôi lại “cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều”?

4. Vận dụng cao

Từ hiểu biết trong cuộc sống và tác phẩm trên, hãy trình bày suy nghĩ của em về tình phụ tử? (Viết thành đoạn văn khoảng 20 câu).

II/Phần 2 (5 điểm)

Đọc những câu thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!”

(Trích Đồng chí – Chính Hữu)

1. Thông hiểu

Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ chứa các câu thơ trên? Giải thích cụm từ “đôi tri kỉ”?

2. Vận dụng

Nêu tên tác giả khác em đã học trong chương trình Ngữ Văn lớp 9 tập 1 có cùng chủ đề với bài thơ trên? Nêu ít nhất hai điểm khác biệt về nội dung, hình thức của nhan đề hai bài thơ đó?

3. Vận dụng cao

Đoạn thơ trên đã cho thấy cơ sở hình thành tình đồng chí giữa những người lính cách mạng thời kì kháng chiến chống Pháp. Em hãy làm rõ đoạn văn theo cách lập luận tổng – phân – hợp khoảng 12-15 câu.

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

Câu

Nội dung

1

1.

Phương pháp: căn cứ bài Chiếc lược ngà

Cách giải:

- Tác phẩm: Chiếc lược ngà

- Tác giả: Nguyễn Quang Sáng

- Hoàn cảnh sáng tác: tác phẩm được sáng tác năm 1966 khi tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ.

2.

Phương pháp: căn cứ bài Câu ghép, Trạng ngữ, Dấu ngoặc kép.

Cách giải:

- Trạng ngữ: Một ngày, Không bao lâu sau

- Câu ghép: Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa.

- Tác dụng dấu ngoặc kép: đánh dấu từ ngữ dẫn trực tiếp.

3.

Phương pháp: căn cứ đoạn trích, phân tích, lý giải

Cách giải:

- Nhân vật tôi là bác Ba – đồng đội của ông Sáu và đây cũng là người kể chuyện trong tác phẩm.

- Tác dụng việc chọn vai kể:

+ Làm tăng tính khách quan, chân thực cho câu chuyện bởi người kể chuyện đồng thời cũng là một người trong cuộc chứng kiến những sự việc xảy ra.

+ Người kể chuyện dễ dàng đan xen vào những bình luận, những cảm xúc, suy nghĩ hết sức thấu đáo để người đọc có thể hiểu và đồng cảm với câu chuyện.

+ Người kể chuyện có nhiều cơ hội tìm hiểu đi vào thế giới nội tâm nhân vật một cách sâu sắc.

- Vì: khi bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều cũng là lúc chiếc lược sắp hoàn thành, tâm nguyện, nỗi dằn vặt trong lòng người đồng đội – anh Sáu cũng sẽ vơi bớt. Là một người đồng đội, một người bạn thân chứng kiến điều đó khiến anh Ba cũng cảm thấy vui và yên lòng.

4.

Phương pháp: phân tích, lý giải

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: Tình phụ tử

2. Bàn luận

- Tình phụ tử có thể hiểu là tình cảm cha con thắm thiết, sâu nặng.

=> Tình phụ tử là một tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ mà bất cứ ai cũng cần phải trân trọng.

- Ý nghĩa tình phụ tử:

+ Cha là người sinh ra và nuôi lớn ta trưởng thành.

+ Cha là trụ cột vững chắc cho ta nương tựa.

+ Cha là tấm khiên chắn, bảo vệ ta trước mọi biến cố cuộc đời.

+ Cha chắp cho ta đôi cánh để ta có thể bay cao, bay xa.

+…

- Trách nhiệm con cái với cha:

+ Yêu thương, kính trọng cha.

+ Phụng dưỡng khi cha già yếu.

- Phê phán những hành vi đánh đập, hành hạ cha.

- Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề.

2

1.

Phương pháp: căn cứ bài Đồng chí, giải thích

Cách giải:

- Hoàn cảnh sáng tác: sáng tác đầu năm 1948, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc thu đông đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc.

- “Đôi tri kỉ”: đôi bạn thân thiết (hiểu bạn như hiểu mình)

2.

Phương pháp: căn cứ bài thơ đã học, phân tích, giải thích

Cách giải:

- Tác giả: Phạm Tiến Duật

- So sánh:

 + Hình thức:

Đồng chí: tiêu đề ngắn gọn.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính: tiêu đề dài.

+ Nội dung:

Đồng chí: là một danh từ chỉ người. Nhan đề hiện lên một cách trực tiếp đưa người đọc nghĩ ngay đến hình ảnh những người lính – chủ đề của bài thơ.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính: hình ảnh những chiếc xe không kính hiện lên, là danh từ chỉ vật. Nhan đề gián tiếp đưa người đọc nghĩ về những chiếc xe không kính, từ đó liên tưởng tới hiện thực của chiến tranh và hình ảnh hiên ngang của người lính nơi chiến trường khốc liệt.

3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

2. Phân tích, cảm nhận

Cơ sở thứ nhất của tình đồng chí là chung hoàn cảnh xuất thân: Hai dòng thơ đầu đối nhau rất chỉnh: “Quê hương” đối với “làng tôi”, “nước mặn đồng chua” đối với “Đất cày lên sỏi đá”. “Nước mặn đồng chua” là vùng đất ven biển nhiễm phèn, “đất cày lên sỏi đá” là vùng đồi núi trung du đất bị đá ong hóa. Đó đều là những vùng đất khó canh tác. Hai câu thơ giới thiệu quê hương anh và tôi nhưng lại chỉ nói về đất bởi với người nông dân, đất đai là mối quan tâm hàng đầu, là tài sản lớn nhất. Qua đó, ta thấy được cơ sở đầu tiên của tình đồng chí đó là cùng cảnh ngộ, xuất thân nghèo khó, họ đều là những người nông dân nghèo mặc áo lính – có sự đồng cảm giai cấp.

Cơ sở thứ hai của tình đồng chí là chung nhiệm vụ, lí tưởng: Vì quê hương, đất nước, tự bốn phương trời xa lạ cùng về đứng trong hàng ngũ cách mạng, cùng chung một chiến hào. Với hình ảnh súng”, “đầu” vừa thực vừa tượng trưng cho nhiệm vụ, lí tưởng; đồng thời kết hợp với điệp từ “bên” đã khẳng định giờ đây, anh và tôi đã có sự gắn kết trọng vẹn về lí trí, lí tưởng và mục đích cao cả. Đó là cùng chiến đấu giành độc lập cho tổ quốc.

Cơ sở thứ ba của tình đồng chí là chung gian khó: Tình đồng chí còn được nảy nở rồi gắn bó bền chặt khi họ cùng chia vui sẽ buồn, đồng cam cộng khổ. Hình ảnh “đêm rét chung chăn” rất giản dị mà vô cùng gợi cảm, chỉ 1 từ “chung” duy nhất cho ta thấy được nhiều điều: Chung gian khó, chung khắc nghiệt, chung thiếu thốn và đặc biệt là chung hơi ấm để vượt qua khó khăn, để họ trở thành tri kỉ. Câu thơ đầy ắp kỉ niệm và ấm áp tình đồng chí, đồng đội.

– Chính Hữu thật tài tình khi tình đồng chí được thể hiện ngay trong cách sắp xếp trật tự từ “anh”, “tôi”: từ chỗ đứng tách riêng trên 2 dòng thơ rồi cùng song hành trong dòng thơ thứ ba, và rồi không còn phân biệt từng cá nhân nữa. Từ chỗ là “đôi người xa lạ”, họ đã “quen nhau”, đứng cùng nhau trong cùng một hàng ngũ, nhận ra nhau là “đôi tri kỉ” để rồi vỡ òa trong một thứ cảm xúc mới mẻ, thiêng liêng “đồng chí”.

Câu thứ thứ bảy “Đồng chí!” là câu đặc biệt, cảm thán, câu thơ tuy chỉ có hai từ nhưng đã trở thành bản lề gắn kết cả bài thơ. Hai tiếng “đồng chí” đứng tách riêng thành một dòng thơ đặc biệt như một kết luận, một phát hiện, một điểm nhấn về một thứ tình cảm mới mẻ, thiêng liêng, vô cùng cao đẹp – tình đồng chí. Đến đây, ta hiểu rằng đồng cảnh, đồng ngũ, đồng nhiệm, đồng cảm sẽ trở thành đồng chí. Đồng chí – chính là sự kết tinh giữa tình bạn và tình người.

3. Tổng kết: Như vậy, chỉ với 7 câu thơ – Chính Hữu đã nêu lên cơ sở của tình đồng chí – tình cảm cao quí, thiêng liêng, sức mạnh tinh thần để người lính vượt qua mọi gian khổ để quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

 HocTot.XYZ

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay