Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Trích số đỏ) - Ngữ Văn 12Nhắc đến Vũ Trọng Phụng, người ta không chỉ nhớ đến một “ông vua phóng sự đất Bắc" mà còn nhớ đến một cây bút trào phúng độc đáo. BÀI LÀM Nhắc đến Vũ Trọng Phụng, người ta không chỉ nhớ đến một “ông vua phóng sự đất Bắc" mà còn nhớ đến một cây bút trào phúng độc đáo. Ông còn có tài sở trường xây dựng kiểu nhân vật đám đông. Sự kết hợp tài tình giữa chất trào phúng và sở trường xây dựng nhân vật kiểu đám đông này đã đem đến cho ta một tác phẩm được coi là kiệt tác của văn xuôi Việt Nam trước 1945. Mỗi chương trong tác phẩm là một màn hài kịch và chương XV với tên gọi Hạnh phúc của một tang gia là một màn tiêu biểu. Chất trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia tạo bởi sự phát huy hiệu quả của hàng loạt các yếu tố trào phúng: mâu thuẫn trào phúng, những chân dung trào phúng. Những lời văn, giọng điệu trào phúng. Không có chỉ tiết nào không hướng tới mục đích bóc trần sự lố lăng trong tang gia tràn trề hạnh phúc này. Để dàn dựng màn hài kịch, nhà văn trước hết đã phát hiện ra mâu thuẫn trào phúng. Mâu thuẫn trào phúng trong chương truyện này được gợi ra trước hết là cái tên của nó: Hạnh phúc của một tang gia. Tang gia và hạnh phúc là cặp từ ngữ đối nhau. Nói đến tang gia là nói đến một gia đình vừa có người thân mất. Theo quy luật tâm lí thông thường hẳn tang gia phải bao trùm cái không khí khi đau, sầu thương não nề bởi mỗi khi một ngọn nến đời tắt đi là để lại bao đau thương cho người sống. Vậy mà trong tang gia của một gia đình được xem là danh giá nhất Hà thành, trước cái chết của một người ông, người cha (cụ tổ) chẳng đứa con nào của cụ sầu não, tiếc thương cả. Trái lại, cái chết ấy như đã đem đến một nguồn hạnh phúc to lớn không nén nổi cứ tuôn ra, trào ra. Tang gia và hạnh phúc. Đó là chuyện lạ đời nhưng lại có thật. Vì sao cái chết của cụ tổ lại là hạnh phúc của cái tang gia đại bất hiếu này? Ấy là vì cụ tổ có một gia tài kếch xù. Bao ngày lũ con cháu hau háu trông đợi phần mình, cụ cố Hồng chưa có dịp tỏ ra sự rộng rãi và biết điều của mình đối với bầy con trai con gái, dâu, rể.... Họ từng muốn giết cụ bằng bài thuốc Thánh nhưng cụ vẫn chưa chịu chết. Bây giờ mơ ước trở thành sự thực lẽ nào họ không vui. Đúng như Vũ Trọng Phụng nhận xét: Tang gia ấy ai ai cũng vui vẻ cả hoặc cái chết làm cho nhiều người sung sướng lắm. Mâu thuẫn trào phúng không chỉ thể hiện ở tâm trạng mong cụ tổ chóng chết hay ở không khí chuẩn bị tang lễ mà còn thể hiện rõ nét ở hình thức tổ chức : đám tang. Có thể nói âm điệu bi thương lẽ ra phải có ở một đám tang đã bị thay thế bằng âm điệu náo nức phấn khởi. Nhà văn đã nêu lên một giả định có ý châm biếm chua chát: Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu. Quả là ở thời buổi nhố nhăng này người ta đã quen sống trong sự lừa dối, rất thích lừa dối và thật sự hài lòng khi bị lừa dối. Trong màn hài kịch này còn có một chi tiết đặc sắc nữa tô đậm mâu thuẫ: trào phúng đã nói. Đó là khi cụ tổ chết, người ta quan tâm việc mai táng cái xác chết ấy thì ít mà lo lắng bàn bạc việc chôn cái xác sống của cô Tuyết cùng cái tiếng hư hỏng của cô thì nhiều. Đám tang bị trì hoãn là vì thế. Người ta còn bận thu xếp cho êm ả chuyện cô tiểu thư bị hư hỏng, còn bận bịu tiếng xấu xa có thể làm tổn hại đến danh giá tang gia. Trong khi quan tâm tô đậm mâu thuẫn trào phúng, Vũ Trọng Phụng còn đồng thời vẽ lên nhiều bức chân dung trào phúng đặc sắc. Trước hết là cụ cố Hồng với câu nói cửa miệng: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Xưa nay cụ chỉ mới chỉ được diễn trò già yếu ở nhà, giờ cụ được ra mắt trước đám đông: Cụ cố Hồng đã nhắm nghiền mắt lại mơ màng đến lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: úi giời ơi, con trai lớn đã già đến thế kia kìa. Tuyết thì sung sướng được mặc bộ y phục Ngây thơ - cái áo dài voan với cái tráp trầu cau và thuốc lá mời khách, trên mặt lại hơi có một vẻbuồn lãng mạn rất đúng mốt. Còn ông Phán mọc sừng chân dung ông hiện lên cũng không kém phần nực cười. Ông là kẻ vớ bở nhờ cái chết của cụ Tổ. Có vẻ như nhờ thế mà ông bộc lộ niềm đau xót của mình một cách ồn ào hơn ai hết: Ông oặt người đi và khóc Hứt!....hứt... Nhưng mỉa mai thay khi ông Phán dúi vào tay Xuân tờ bạc năm đồng. Màn kịch của ông Phán đã bị lột trần. Đây cũng là dịp may hiếm có để tiệm may Âu hóa và ông Typn lăng xê những mốt thời trang, ban cho những ai có tang đương đau đớn những mốt mới tiệm ông, bởi thế đó cũng được coi là vì kẻ chết chút ít hạnh phúc ở đời. Cậu Tú Tân thì mừng quá, bởi cậu đang điên người lên vì đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mãi mà không được dùng đến. Còn Xuân Tóc Đỏ càng vênh váo vì nhờ hắn mà cụ Tổ lăn đùng ra chết. Hạnh phúc lan tràn cả ra ngoài gia đình, người chết làm bao người khác được thơm lây: Hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang thất nghiệp bỗng được thuê giữ trật tự.... Bạn bè cụ cố Hồng có điều kiện khoe khoang sự oai vệ của mình... Một trong những nét đặc sắc của ngòi bút trào phúng Vũ Trọng Phụng là sự thể hiện nhân vật đám đông. Tác giả lùi ống kính thật xa quay toàn cảnh đám tang với điệp khúc đám cứ đi... Có khi tác giả lại quay cận cảnh để vạch trần bản chất nhố nhăng giả tạo của đám tang này. Vũ Trọng Phụng đã thể hiện ngôn ngữ trào phúng khi miêu tả một số kiểu râu ria của các cụ: Có cụ râu lún phún rầm rậm, có vị râu hung hung, lại có vị râu loăn xoăn... Các cụ ấy đã thực sự cảm đông vì làn da trắng nơi ngực và cánh tay cô Tuyết. Đến đưa ma cụ tổ phần đông là trai thanh gái lịch đất Hà thành ngàn năm văn hiến, đến với đám tang cốt để chim nhau, hò hẹn nhau.... nói với nhau đủ chuyện hàng ngày, từ chuyện mình đến chuyện người, nào là “con bé nhà ai kháu thế... cái thằng bạc tình bỏ mẹ... gớm cái ngực đầm quá đi mất"... Bởi vậy đám ma đông là thế, ồn ào náo nhiệt là thế. Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng còn hiện ra ở giọng địệu trong chương truyện. Nhà văn sử dụng giọng kể dửng dưng, giễu cợt, thậm chí bằng những lời ác khẩu. Luôn luôn có sự khập khiễng giữa sự vật được nói tới giọng điệu câu văn: Ông già hơn tám mươi tuổi phải chết một cách bình tĩnh. Bầy con cháu chí hiếu chỉ nóng ruột chôn cho chóng cái xác chết cụ tổ. Điệp khúc : cứ đi tiếng khóc cũng nhại lại đầy sự châm biếm: Hứt!... Hứt!... Hứt!. Tất cả những thành công đó chỉ có được ở một cây bút trào phúng bậc thầy. Qua những trang văn của Vũ Trọng Phụng cả một xã hội nhố nhăng thị thành hiện lên chân thực sinh động. Nhà văn đã bóc trần bản chất xấu xa, thói lừa bịp rởm đời chạy theo lối sông đua đòi Tây hoá của hàng loạt người. Ngòi bút châm biếm của Vũ Trọng Phụng có sức mạnh ghê gớm bắt nguồn từ chính sự phẫn uất của ông trước xã hội thực dân phong kiến - xã hội mà ông gọi là chó đểu Qua việc miêu tả người, dựng cảnh, sử dụng các chi tiết nghệ thuật biếm họa, chân dung, ngôn ngữ hài hước, nét đặc biệt của cây bút trào phúng bậc thầy thể hiện rõ. Nó như một làn roi quất mạnh vào xã hội thượng lưu tiểu tư sản thành thị hết sức lố lăng, đồi bại, nổi bật là sự giả dối. Đám tang của cụ cổ là cuộc hành quân đi xuống mồ của xã hội chó đểu này. Đồng thời lại tôn vinh một cây bút trào phúng bậc thầy của văn học Việt Nam trước năm 1945 - Vũ Trọng Phụng. HocTot.XYZ
|