Phân tích, nêu cảm nghĩ về Những đứa trẻ trích trong Thời thơ ấu của Go-rơ-ki.

Có thể nói tình bạn và tình yêu thương bà là những tình cảm đậm đà, trong sáng thiêng liêng của tuổi thơ. Đọc những dòng tự thuật trên đây, ta thấy chất thơ dào dạt trên trang văn của Go-rơ-ki. Ta biết yêu bà, yêu bạn. Ta lớn lên và được sống tin cậy trong tình yêu thương mênh mông

     Đề tài về trẻ thơ luôn luôn có sức hấp dẫn đối với bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Người lớn thì muốn đọc để được sống lại giây phút tuổi thơ của mình. Trẻ thơ thì muốn đọc để xem người ta nói gì về thế hệ của mình, để biết những bạn nhỏ khác sống như thế nào, có giống mình hay không,… Mác-xim Go-rơ-ki, một nhà văn đại tài đã viết một tác phẩm kinh điển mang tên Thời thơ ấu. Đoạn trích Những đứa trẻ chính là trích ra từ tác phẩm này. Nội dung của nó mang đầy chất thơ và thể hiện được tài năng của người kể chuyện.

     Muốn trưởng thành, ai cũng phải trải qua một thời thơ dại với những bước đi chập chững. Tuổi thơ ấy dù có xảy ra như thế nào đi chăng nữa thì đến khi trưởng thành chúng ta cũng vẫn sẽ nhớ về nó. Tất nhiên không phải tất cả kỉ niệm ta đều có thể nhớ nhưng những kỉ niệm cay đắng, ngọt bùi, những kỉ niệm như cứa vào tim gan sẽ là những kỉ niệm không thể nào quên. Chúng trở thành một hành trang theo con người trong suốt những chặng đường còn lại của cuộc sống. 

     Nếu xét về hoàn cảnh sống và thành phần xã hội thì A-li-ô-sa và mấy đứa con nhà ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp rất khác nhau. Người lớn có thể nhận thấy rõ điều đó nhưng với trẻ thơ thì lại khác. Sự phân cách xã hội ấy chưa đủ lớn để tạo thành một bức tường ngăn cách chúng. Nhất là khi chúng có một điểm chung, đủ để chúng xích lại gần nhau đó chính là mất mẹ. Mất mẹ giống như mất đi một nguồn sữa tình người lớn nhất trên thế giới. 

     Những đứa trẻ mất mẹ bao giờ cũng cảm thấy thiếu thốn tình cảm và vì vậy chúng luôn thèm khát được yêu thương. Thế giới chung của chúng chính là vầng sáng tuổi thơ. Chúng đến với nhau nhưng không đi bằng cổng chính. Đó cũng là cái kiểu riêng của trẻ thơ. Mỗi lần bọn trẻ nhà Ốp-xi-an-ni-cốp thấy A-li-ô-sa là mỗi lần thằng bé ở trong một tư thế khác nhau, khi qua cái lỗ, cái ngách hẹp của hàng rào, khi lại vắt vẻo trên cây. 

     Tư thế mà chúng nói chuyện với nhau cũng không được đường hoàng cho lắm. Khi thì ngồi xổm, khi thì quỳ xuống và cũng chỉ dám nói chuyện khe khẽ bởi vì sợ ông đại tá bắt gặp. Địa điểm để cho chúng trò chuyện không phải là phòng khách giống như người lớn mà là những nơi chẳng ai nghĩ đến. Có khi chỉ là trên cái xe trượt tuyết đã hỏng để ở dưới nhà kho. Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ vụng trộm ấy khiến chúng cảm thấy vui sướng, cảm động. 

     Chúng ngắm nhìn nhau và trò chuyện với nhau rất lâu. Nội dung của những câu chuyện mà chúng nói thì chẳng có gì quan trọng. Khi là về những con chim tôi bẫy được đang sống ra sao, khi thì nói về phép phù thủy làm cho người chết sống lại y như thật. Những câu chuyện mà chúng kể đều lấy từ kho cổ tích của bà ngoại nên nếu như có chỗ nào quên thì A-li-ô-sa sẽ dặn chúng đợi để chạy về nhà hỏi lại bà. 

     Trẻ nhỏ thì bao giờ cũng mê nghe những câu chuyện cổ tích. Chính vì vậy mà những câu chuyện chúng kể cho nhau nghe hấp dẫn cả người kể lẫn người nghe. Người kể cứ say sưa kể, người nghe cứ dỏng tai mà nghe. Dù có muốn không tin thì người kể cũng sẽ giải thích và nhấn mạnh để cho nhất định phải tin. Chính vì thế nên những đứa trẻ nhà Ốp-xi-an-ni-cốp lúc nào cũng im lặng lắng nghe. 

     Thằng anh lớn nhất, khôn nhất thì đã biết mỉm cười khi được nghe kể chuyện còn thằng em bé nhất thì cứ mím chặt môi và phồng má lên vì bị căng thẳng. Vậy là thế giới tuổi thơ của chúng đã được chắp cánh bay bổng vào không gian, thời gian của cái ngày trước, trước kia, đã có thời,… Dường như thằng lớn nhà Ốp-xi-an-ni-cốp đã sống trên trái đất này cả trăm năm chứ không phải chỉ mới 11 năm giống như tuổi cha sinh mẹ đẻ của nó.

     Không chỉ giống nhau ở chỗ chúng là những trái tim mơ mộng, chúng còn giống nhau ở chỗ có một tuổi thơ thiếu tình thương. Đó là lí do mà chúng gắn bó và thân thiết với nhau. Ban đầu A-li-ô-sa không tin mấy đứa trẻ nhà ông đại tá bị đánh đòn. Trong suy nghĩ của A-li-ô-sa thì chỉ có nó, người không còn ai che chở mới bị đánh đòn. Còn những đứa trẻ kia sinh ra đã được sống trong nhung lụa thì cớ gì chúng lại phải chịu đòn. Nhất là khi nguyên nhân mà chúng bị đánh lại là chơi với con nhà thường dân, quả thực là nguyên nhân vô cớ. 

     Nó khiến cho A-li-ô-sa cảm thấy giận dù chẳng phải là chuyện của mình. Cho tới khi gần gũi và thân thiết với nhau, A-li-ô-sa mới thấu hiểu được nỗi đau của những người bạn cũng như nỗi đau của chính mình. A-li-ô-sa đã hỏi những người bạn của mình rằng “Thế các cậu có mẹ không?”. Câu hỏi như chạm sâu vào nỗi đau của những đứa trẻ. Đứa thì nói là không, đứa lại bảo là có mẹ khác. 

     Mẹ khác tức là dì ghẻ, là người không sinh ra chúng. Vậy là A-li-ô-sa đã tìm ra được câu trả lời. Với những đứa con của ông đại tá thì câu nói của A-li-ô-sa “Mẹ khác thì gọi là dì ghẻ” như một tiếng sét bên tai. Một nỗi sợ mơ hồ khiến những đứa trẻ ngồi sát vào với nhau. Chúng như những chú gà con bơ vơ, lạc mẹ ngơ ngác và thật tội nghiệp làm sao. A-li-ô-sa thì đã quá quen với những bà dì ghẻ trong các câu chuyện cổ tích mà bà ngoại vẫn thường hay kể. 

     Giờ thì A-li-ô-sa đã hiểu được nỗi bất hạnh của những đứa trẻ thơ mất mẹ kia. Chúng chưa bao giờ kể về bố và về dì ghẻ. Mặc dù hai tiếng dì ghẻ chỉ được nhắc tới thoáng qua trong câu chuyện của những đứa trẻ nhưng nó tạo nên một bóng tối bao trùm lên không khí. Thông qua những câu chuyện mà bà đã kể rồi thông qua thái độ và hành động độc đoán, gia trưởng của ngài đại tá và sự bất lực của những đứa trẻ, A-li-ô-sa hiểu được vì sao lại có bầu không khí nặng nề nay. 

     Một khi ông đại tá đã đưa ra quyết định thì không ai có thể thay đổi được, kể cả những đứa con ruột thịt mang dòng máu của ông. A-li-ô-sa khi bị ông ta tóm cổ đuổi ra khỏi nhà cũng đã sợ đến phát khóc. Ngược lại với cha của mình, những đứa con của ông đại tá có một vẻ đẹp dịu dàng, thơ ngây và cam chịu. 

     Nhìn vào cặp mắt của thằng anh, A-li-ô-sa nghĩ đến những ngọn đèn trong nhà thờ như một thứ ánh sáng hắt hiu bị cái tăm tối mênh mông bủa vây. Ông đại tá với bộ ria trắng, trên người mặc một chiếc áo dài lùng thùng màu nâu nhạt như của thầy tu chính là hiện thân của kẻ ác, của một con quỷ xa tăng chính hiệu.

     Qua đoạn trích này, Mác-xim Go-rơ-ki đã cho thấy tài năng kể chuyện của mình. Mặc dù không mấy dụng công và cũng không dựng chuyện li kì nhưng tác phẩm vẫn đậm đà, hấp dẫn. Trong câu chuyện ấy, nhà văn đã đưa vào một không khí trẻ thơ vô cùng hấp dẫn. Nó làm kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của người đọc. Ví dụ như chuyện người chết có thể sống lại không. Đám trẻ nhà ông đại tá thì bán tín bán nghi còn A-li-ô-sa thì thề sống thề chết như mình đã trải qua. Nó khiến người đọc cũng phải nghi ngờ rằng phải chăng điều đó là sự thật. 

     Trước một giọng kể chắc như đinh đóng cột của A-li-ô-sa thật khó mà có thể không tin được. Nhưng trên hết những đứa trẻ muốn tin bởi vì chúng lúc nào cũng khao khát mẹ của mình có thể sống lại. Trong câu chuyện nửa hư, nửa thực, trí tưởng tượng của con người được dịp bay xa. Trong những câu chuyện thần tiên có thấp thoáng bóng hình của những ông bụt, bà tiên hiền lành, phúc hậu. 

     Họ xuất hiện giống như mong ước được che chở của những đứa trẻ tội nghiệp. Hình ảnh người bà xuất hiện cũng như một bà tiên giúp những đứa trẻ thêm yên lòng. Với A-li-ô-sa cậu bé có thể chạy đi chạy lại để gặp bà. Có thể được nghe bà kể chuyện mỗi ngày. Nhưng với những đứa trẻ nhà đại tá thì những câu chuyện về bà của chúng chỉ là chuyện trước kia. Cũng giống như mẹ, bà của chúng không còn nữa.

     Mác-xim Go-rơ-ki còn thể hiện tài năng kể chuyện của mình ở sự dẫn dắt, từ chuyện nuôi chim đến chuyện dì ghẻ của ông đại tá. Trẻ con hầu như đứa nào cũng ham nuối chim. Một cái việc tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng những đứa trẻ phải chờ đợi sự cho phép của cha mới dám thực hiện và dĩ nhiên cha của chúng thì chẳng bao giờ đồng ý với chuyện này. Người duy nhất có thể hiểu chúng là mẹ thì qua đã đời từ lâu. Chúng có mẹ khác và đó là dì ghẻ.

     Cuộc đối thoại giữa những đứa trẻ cứ thế diễn ra một cách tự nhiên giúp chúng hiểu nhau hơn và cũng giúp người đọc hiểu hơn về thế giới nội tâm của những đứa trẻ thơ. A-li-ô-sa vào sân nhà ông đại tá theo một cái lối khác lạ là nhảy dù từ trên cây xuống nhưng em lại ra rất đàng hoàng bằng cổng chính do ông đại tá nắm cổ áo lôi ra. Sự hăm dọa của ông đại tá khiến người đọc nhận thấy được tính cách của ông. 

     Với sự dẫn dắt câu chuyện như vậy, Mác-xim Go-rơ-ki đã cho người đọc thấy được chân dung của từng nhân vật. Mặc dù nhìn tổng thể nội dung của đoạn trích khá bình dị nhưng chính sự bình dị đã làm nên một tác phẩm tuyệt vời.

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.XYZ

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close