Soạn bài Người đi săn và con vượn trang 113 SGK Tiếng Việt 3 tập 2

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 bài Người đi săn và con vượn trang 113 SGK Tiếng Việt 3 tập 2. Câu 1. Chi tiết nào nói lên tài săn bắn của bác thợ săn?

Câu 1

Chi tiết nào nói lên tài săn bắn của bác thợ săn?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 1 của truyện.

Lời giải chi tiết:

Chi tiết nói lên tài săn bắn của bác thợ săn : Nếu thú rừng nào không may gặp bác ta thì coi như đã tới ngày tận số.

Câu 2

Cái nhìn căm giận của vượn mẹ nói lên điều gì?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 2 của truyện và nhận xét.

Lời giải chi tiết:

Cái nhìn căm giận của vượn mẹ cho thấy sự oán giận của vượn mẹ với bác thợ săn. Vì vượn mẹ đâu chỉ sống cho riêng mình, khi chết đi rồi, ai sẽ là người chăm sóc vượn con đây?

Câu 3

Những chi tiết nào cho thấy cái chết của vượn mẹ rất thương tâm?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 3 của truyện.

Lời giải chi tiết:

- Các chi tiết cho thấy cái chết của vượn mẹ rất thương tâm :

Bỗng vượn mẹ đặt con xuống đất, vơ vội nắm bùi nhùi gối lên đầu con, rồi nó hái cái lá to, vắt sữa vào, đặt lên miệng con. Sau đó, nó nghiến răng, giật phắt mũi tên ra, hét lên một tiếng lớn rồi ngã xuống.

Câu 4

Chứng kiến cái chết đó, bác thợ săn làm gì?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 4 của truyện.

Lời giải chi tiết:

Chứng kiến cái chết thương tâm đó, bác thợ săn đứng lặng, chảy nước mắt, cắn môi, bẻ gãy nỏ và lẳng lặng ra về. Từ đây bác không bao giờ đi săn nữa.

Câu 5

Câu chuyện muốn nói gì với chúng ta?

Phương pháp giải:

Từ hành động của bác thợ săn với hai mẹ con nhà vượn và phản ứng của vượn mẹ khiến em có suy nghĩ gì?

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện muốn nói với chúng ta: chung sống với chúng ta trên trái đất còn nhiều loài vật hoang dã khác, chúng ta không nên giết hại chúng mà phải bảo vệ chúng, bảo vệ môi trường sống của chúng. Giết hại chúng là hành động vô cùng độc ác, khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên nghèo nàn, buồn tẻ hơn.

Nội dung

Giết hại thú rừng là tội ác. Hãy tích cực bảo vệ môi trường sống của thú rừng, bảo vệ động vật hoang dã ở rừng.

Bài đọc

Người đi săn và con vượn

1.  Ngày xưa có một người thợ săn bắn rất tài. Nếu con thú rừng nào không may gặp bác ta thì hôm ấy coi như đó là ngày tận số.

2.  Một hôm, người đi săn xách nỏ vào rừng. Bác thấy một con  vượn lông xám đang ngồi ôm con trên tảng đá. Bác nhẹ nhàng rút mũi tên bắn trúng vượn mẹ. 

    Vượn mẹ giật mình, hết nhìn mũi tên lại nhìn về phía người đi săn với đôi mắt căm giận, tay không rời con. Máu ở vết thương rỉ ra, loang khắp ngực.

    Người thợ săn đứng im, chờ kết quả...

3. Bỗng vượn mẹ nhẹ nhàng đặt con xuống, vơ vội nắm bùi nhùi gối lên đầu con, rồi nó hái cái lá to, vắt sữa vào và đặt lên miệng con.

    Sau đó, vượn mẹ nghiến răng, giật phắt mũi tên ra, hét lên một tiếng thật to rồi ngã xuống.

4. Người đi săn đứng lặng. Hai giọt nước mắt từ từ lăn trên má. Bác cắn môi, bẻ gãy nỏ và lẳng lặng quay gót ra về. 

    Từ đấy, bác không bao giờ đi săn nữa.

Theo LÉP-TÔN-XTÔI

- Tận số: hết đời, chết

Nỏ: vũ khí hình thù cái cung, có cán, lẫy, bắn tên đi bằng cách căng bật dây.

Bùi nhùi : mớ rơm rạ hoặc lá cây, cỏ … để rối.

HocTot.XYZ

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 3 - Xem ngay