“Trong bóng tối, Mị đứng im lặng…không bằng con ngựa”. Phân tích đoạn văn trên, nêu rõ cảm nhận về nhân vật Mị và về ngòi bút miêu tả tinh tế, sâu sắc của Tô HoàiĐoạn văn ngắn mà bật nổi được bức tranh tối - sáng của nhân vật một cách sinh động, gợi cảm và có chiều sâu, khiến ta càng hiểu thêm nhân vật.
Đề bài “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng…không bằng con ngựa”. Phân tích đoạn văn trên, nêu rõ cảm nhận về nhân vật Mị và về ngòi bút miêu tả tinh tế, sâu sắc của Tô Hoài Lời giải chi tiết I. Mở bài Nếu đoạn đời sống trong địa ngục trần gian ở Hồng Ngài là sự giao tranh âm ỉ quyết liệt giữa số phận bi thảm và sức sống tiềm tàng của Mị, thì cảnh Mị bị A Sử trói đứng vào cột nhà trong bóng tối có thể xem như là hình ảnh thu nhỏ cô đúc và thấm thía của cuộc giao tranh đó. Chỉ có điều nó lại diễn ra trong tâm trạng chập chờn nửa mê, nửa tỉnh của cô gái, và Tô Hoài, như đã nhập thân vào nhân vật để viết nền một đoạn văn thật tinh tế, sâu sắc “Trong bóng tối... không bằng con ngựa”. II. Thân bài 1. Giữa đoạn văn là một câu rất ngắn, chỉ có bốn chữ: Mị vùng bước đi Trên là âm thanh tiếng sáo, dưới là tiếng chân ngựa. “Mị vùng bước đi” như một cái bản lề khép mở hai thế giới, hai tâm trạng: thế giới của ước mơ với tiếng sáo rập rờn trong đầu và thế giới của hiện thực với tiếng chân ngựa đạp vào vách: tâm trạng của một cô Mị đang mê man chập chờn theo tiếng sáo gọi bạn tình và tâm trạng của một cô Mị đã tỉnh đang “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Thật cô đúc mà thấm thìa. Kiệm lời mà hàm chứa nhiều ý nghĩa. 2. Tiếng sáo: ước mơ - sức sống của Mị “Mị vùng bước đi”. Câu văn ngỡ như không đúng mà lại rất đúng, lại tinh tế và sâu sắc. Làm sao Mị có thể vùng bước đi khi đã bị trói bằng cả một thúng sợi đay? Nhưng Mị đã vùng bước đi như một kẻ mộng du, như không biết mình đang bị trói. Bởi Mị đang sống với ước mơ, bằng ước mơ chứ không sống với hiện thực, bằng hiện thực. Mị đang sống với tiếng sáo của những đêm tình mùa xuân ngày trước, đang muốn tìm lại tuổi trẻ, tuổi xuân, tình yêu,hạnh phúc của mình. Hơi rượu còn nồng nàn, trong đầu Mị vẫn rập rờn tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Chính cái tiếng sáo ấy đã gọi Mị vùng bước đi về với cuộc sống thật của mình đã bị cướp mất trong cái địa ngục trần gian này. Mới biết sức sống tiềm tàng, mãnh liệt đến nhường nào. Sức sống ấy khiến cô quên đi tất cả hiện thực xung quanh, không thấy, không nghe A Sử nói, không biết cả mình đang bị trói! Chỉ còn biết có tiếng sáo, chỉ còn sống với tiếng sáo, mê man chập chờn trong tiếng sáo. Xây dựng nên cái tâm trạng mê man như một kẻ mộng du đi theo tiếng sáo. Tô Hoài đã nói lên rất rõ và sâu sắc cái sức sống mãnh liệt đang trào dâng trong lòng cô lúc bấy giờ. Và tiếng sáo đã thành một biểu tượng sâu sắc và gợi cảm cho ước mơ và sức sống của Mị. 3. Tiếng chân ngựa: hiện thực – số phận của Mị “Mị vùng bước đi”. Nhưng tay chân đau không cựa được. Tiếng sáo tắt ngay, ước mơ tan biến, và hiện thực trần trụi, phũ phàng hiện ra: chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Mị đã tỉnh hẳn khi dây trói thít chặt lại, đau nhức, và cay đắng nhận ra số phận của mình không bằng con ngựa. Cái dây trói kia chỉ làm đau thể xác. nhưng cái tiếng chân ngựa này mới thực sự xoáy sâu vào nỗi đau tinh thần của Mị khi nó gợi lên một sự so sánh thật nghiệt ngã, xót xa: thân phận con người mà không bằng thân trâu ngựa! Tiếng chân ngựa đã thành một biểu trưng giàu ý nghĩa cho hiện thực và số phận của Mị. 4. Ngòi bút miêu tả tinh tế, sâu sắc của Tô Hoài - Tinh tế trong miêu tả tâm trạng nhân vật ở hai cảnh đối lập nhau: mê man chập chờn theo tiếng sáo như một kẻ mộng du dẫn đến hành động “vùng bước đi”;tỉnh lại và cay đắng xót xa “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa” - hai tâm trạng ấy tiếp nối nhau trong sự phát triển biện chứng để hoàn chỉnh chân dung và số phận nhân vật. - Sâu sắc trong những chi tiết giàu ý nghĩa, đặc biệt là hai biểu trưng “tiếng sáo” và “tiếng chân ngựa” đối lập nhau và đầy ấn tượng. III. Kết bài Đoạn văn ngắn mà bật nổi được bức tranh tối - sáng của nhân vật (số phận và sức sống) một cách sinh động, gợi cảm và có chiều sâu, khiến ta càng hiểu thêm nhân vật, bút pháp Tô Hoài và nhất là tấm lòng đồng cảm yêu thương của nhà văn đối với nhân vật của mình. Đó là một trong những đoạn văn hay nhất, in đậm phong cách Tô Hoài trong truyện ngắn này. HocTot.XYZ
|