Bài 2: Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử.Mở đầu bài thơ là một câu thơ tự vấn: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? 11 câu tiếp theo, tác giả tự trả lời câu hỏi ấy bằng những hình ảnh thơ, ý thơ. Đây chính là tứ thơ bộc bạch tâm trạng của tác giả.
Nét đẹp phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu Khổ thơ đầu trong bài thơ hiện lên hai chi tiết hòa quyện vào nhau đó là nét đẹp của bức tranh phong cảnh và tâm trạng của tác giả. Bức tranh Vĩ Dạ tắm mình trong ánh bình minh toát lên một vẻ đẹp tinh khôi và dịu dàng rất Huế, trong khung cảnh thiên nhiên đó, nhà thơ hoài niệm, thương nhớ, nuối tiếc và có chút bâng khuâng. Tất cả hòa vào nhau khiến cho bức tranh thiên nhiên nhuốm màu hư ảo. Câu thơ đầu tiên có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Có thể đó là suy nghĩ của tác giả về tình yêu mà cô gái dành cho mình, suy nghĩ đó tạo ra một lời mời thiết tha đối với tác giả (anh hãy về thăm), đồng thời là một sự trách móc, giận hờn (anh còn nhớ hay không). Cũng có thể xem đó là lời tự vấn của tác giả: Sao không về thôn Vĩ? Dù hiểu theo cách nào thi cũng có thế thấy câu thơ chính là niềm thương nhớ, niềm yêu mến không thể kìm nén của tác giả. Sự không kìm nén đó đã bật lên thành câu hỏi. Ẩn trong câu hỏi thiết tha ấy là một bóng hình tuy ảo ảnh, mong manh mà vô cùng da diết. Ẩn sâu trong nuối tiếc, hoài niệm là ước muốn được về thăm Vĩ Dạ một lần. Nếu hiểu được cuộc đời của Hàn Mạc Tử thì chúng ta sẽ biết được ước muốn bình thường đó đối với Hàn Mạc Tử lớn lao biết nhường nào. Câu thơ như gợi lên một niềm thương cảm, sầu bi và oán thán cho số phận. Thôn Vĩ Dạ hiện lên với vẻ đẹp vừa rất thực vừa rất mộng với hàng loạt hình ảnh về nắng, hàng cau, vườn, lá trúc, một chữ điền. Ấn tượng sâu sắc nhất là cảnh vườn Vĩ Dạ tắm trong ánh nắng bình minh. Bằng nghệ thuật tăng cấp. Hàn Mạc Tử muốn nhấn mạnh đến hình ảnh nắng: “Nắng hàng cau, nắng mới lên”. Nắng mới lên là nắng ban mai, cái nắng tinh khôi, non tơ, dịu dàng, sáng bóng và trong trẻo, lại được tắm mình trong cây lá ướt đẫm sương đêm nên có sự phản chiếu long lanh. Hai từ nắng đặt cạnh nhau tạo cho nắng sự chuyển động trên cây lá. Đó là một cách cảm nhận và miêu tả thật tinh tế của Hàn Mạc Tử. Hình ảnh nắng hàng cau gợi cho chúng ta nhiều nghi vấn. Tại sao trong muôn vàn cây lá trong vườn, tác giả chi chọn hàng cau để tả ánh nắng? Phải chăng cau là loài cao nhất trong vườn nên có thể đón ánh nắng đầu tiên của ban mai dịu nhẹ; hay chính là một mối duyên không thành giờ chỉ còn có cau mà thiếu mất trầu? Có thể thấy ngoài vẻ đẹp của ánh bình minh, câu thơ còn chất chứa một nỗi sầu tình duyên của Hàn Mạc Tử. Chính vì nắng mới lên, cây lá còn ướt đẫm sương đêm nên mới có cảnh Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Câu thơ vừa là một câu hỏi (vườn ai?), vừa là một lời bình phẩm, khen ngợi (mướt quá, xanh như ngọc). Chữ mướt toát lên một vẻ đẹp mượt mà, óng ánh. Khu vườn Vĩ Dạ hiện lên với muôn vàn màu sắc lung linh dưới ánh nắng ban mai. Hình ảnh thơ tuy đơn sơ mà lộng lẫy, bình dị mà thanh tú, dân dã mà cao sang. Câu thơ thứ ba xuất hiện chữ ai thật đặc biệt. Chữ ai vừa không xác định vừa xác định, vừa hư lại vừa thực, vừa gần gũi lại vừa xa vời. Hàn Mặc Tử đã rất thành công khi hư ảo hóa một khung cảnh rất hiện thực và hiện thực hóa những gì vốn rất hư ảo mà vốn chỉ thấy trong tưởng tượng. Nổi bật nhất trong câu thơ thứ tư là hình ảnh khuôn mặt chữ điền. Để hiểu được hình ảnh này thật không dễ dàng, bởi có nhiều cách lí giải khác nhau. Tuy nhiên, hình ảnh trên mang nhiều yếu tố cách điệu. Hàn Mạc Tử sử dụng yếu tố cách điệu để diễn tả sự hài hòa trong vẻ đẹp của con người và thiên nhiên có sự hài hòa của một vẻ đẹp rất Huế với cảnh vật Huế và con người Huế. Khổ thơ ẩn chứa nhiều tâm trạng và nỗi lòng của Hàn Mạc Tử. Mờ đầu và kết thúc bằng hai câu hỏi (Sao anh? Vườn ai?) nhưng không có câu trả lời. Đó là một dấu hỏi lớn trong lòng mà tác giả cũng chưa tìm được lời giải đáp. Sự mơ hồ, huyền ảo trong cảnh sắc thiên nhiên và lòng người Bài thơ bắt đầu bằng một ánh nắng ban mai dịu nhẹ nhưng thoắt đã hiện lên đêm trăng huyền ảo trong khổ thơ thứ hai. Màu sắc hư ảo dường như bao trùm trong khổ thơ thứ hai. Hai câu mở đầu của khổ thơ thứ hai vẽ nên loạt hình ảnh nối tiếp nhau (gió theo lối gió, mây đường mây, dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay) như tô đậm thêm nỗi buồn của nhà thơ, một nỗi buồn mênh mang, sâu thẳm của xứ Huế. Lối điệp từ gió và mây không nhằm nhấn mạnh cường độ hoặc sắc thái của gió và mây, mà chính là thể hiện sự tách biệt của gió và mây trong khung cảnh thiên nhiên. Giá trị của câu thứ hai đặt vào hai chữ buồn thiu đặt giữa câu thơ. Đây không chỉ là cái buồn của lặng lẽ của dòng nước lan tỏa đến cả hoa bắp mà còn là cái buồn của một người mang nhiều tâm sự. Chữ lay đặt trong hoàn cảnh này toát lên một vẻ hiu quạnh và tác động đến mọi cảnh vật chung quanh, khiến tất cả như mang một nỗi buồn man mác. Hai câu thơ chứa đựng một nỗi buồn bâng khuâng, man mác, một nỗi buồn thật khó tả và khó gọi tên. Chỉnh nỗi buồn đó đã đưa thi nhân vào một thế giới của sự mộng ảo trong hai câu thơ tiếp theo: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay? Hình ảnh sông trăng và con thuyền chở trăng trên sông thật mơ hồ nhưng cũng thật quyến rũ. Hình ảnh hư và thực đã được Hàn Mạc Tử khắc họa một cách tinh tế, tài hoa. Dòng nước tắm ánh trăng sáng rực bỗng rùng mình hóa thành dòng trăng hay là ánh trăng tan ra và tuôn chảy thành dòng nước? Ánh trăng thật lung linh, kì ảo. Hình ảnh con thuyền chở ánh trăng lướt nhẹ trên dòng sông trăng đề cập bến thời gian cho kịp giờ ân ái là một hình ảnh kì ảo. Những hình ảnh như thế vẫn thường xuyên xuất hiện trong thơ Hàn Mạc Tử. Đó là những hình ảnh thuộc về một thế giới khác, một thế giới rất riêng của Hàn Mạc Tử. Hai câu thơ làm thành hai câu hỏi: ‘‘Thuyền ai đó? Có chở trăng về kịp tối nay? Từ kịp gợi sự khắc khoải, mơ hồ và chờ đợi. Từ tối nay không gợi một thời gian cụ thể nào, nhưng nếu không kịp thì có lẽ không còn một tối nào khác nữa. Câu thơ gợi lên sự tuyệt vọng, đau thương và mất mát. Dường như con người hi vọng kia đang chạy đua với thời gian để giành lấy tình yêu và cuộc sống. Câu thơ làm chúng ta nhớ lại cái gấp gáp, vội vàng của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng. Nhưng Hàn Mạc Tử trong hoàn cảnh này lại khác. Hàn Mạc Tử không có cái sức sống mãnh liệt, tràn đầy nhiệt huyết như Xuân Diệu: Ông đang phải chạy đua với thời gian vì ông biết sự sống của mình không kéo dài. Biết đâu vào tối mai, vầng trăng kia vụt tắt, con thuyền kia mãi mãi không chở trăng về kịp. Một hình ảnh thơ rất ảo nhưng cũng rất thực. Cái thực chính là hoàn cảnh đau thương của tác giả. Toàn bộ khung cảnh trong khổ thơ thứ hai là một thế giới ảo. Hồn thi nhân chìm vào cõi mông lung. Ở đó có hẹn hò, có chờ đợi, có phấp phỏng một niềm hi vọng và có cả dự cảm chia lìa, có thất vọng ngay trong hi vọng và có cả niềm đau thương của chính cuộc đời tác giả. Tâm trạng của tác giả trong khổ thơ thứ ba Giọng thơ khắc khoải trong khổ thơ thứ hai trở nên gấp gáp, khẩn thiết trong khổ thơ thứ ba. Tác giả dần đối diện với chính minh và với thực tại của một bóng giai nhân chỉ có trong ảo ảnh: Mơ khách đường xa, khách đường xa. Áo em trắng quá nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà? Cụm từ khách đường xa được lặp lại hai lần, kết hợp với chữ mơ ở đầu câu thơ thể hiện nỗi khắc khoải gần như tuyệt vọng. Bóng giai nhân vừa hiện lên đã chợt biến thành hư ảo bởi đó chỉ là hình bóng trong mơ. Hình ảnh giai nhân trong thơ Hàn Mạc Tử luôn biểu hiện cho sự tinh khiết, trinh trắng. Vì thế, màu áo trắng cứ như một ám ảnh kì lạ. Cụm từ nhìn không ra chỉ là một cách nói để cực tả sắc trắng, trắng một cách kì lạ, bất ngờ. Đây không còn là màu sắc thực mà đã thuộc về màu của tâm tưởng Nhà thơ đã chìm vào tâm tưởng để nhìn thấy màu áo kí ức. Câu thơ một ảo ảnh bất ngờ nhưng có lí. Màu trắng tự nhiên choán hết cảm xúc khiến bài thơ tả cảnh thiên nhiên trở thành một bài thơ tình yêu, một thứ tình yêu đơn phương khó xác định. Đó là một khát vọng tình yêu đẹp nhòa trong kí ức. Hai câu kết đưa người đọc đi vào cõi tâm tưởng. Ở đây là ở đâu? Là Vĩ Dạ của một thời thơ mộng đẹp mà thi nhân đang nhìn thấy sau tấm bưu ảnh? Hay trong này, nơi thi nhân ôm khát vọng yêu đương trong nỗi cô đơn? Có lẽ chữ đây trong Đây thôn Vĩ Dạ là không gian của thế giới ngoài kia, còn chữ đây trong khổ thơ kết là thế giới trong này. Giữa hai thế giới cách nhau vừa đúng một tầm tuyệt vọng. Cả bài thơ dồn hết tâm tư ở câu cuối: Ai biết tình ai có đậm đà? Hai chữ ai lặp lại bộc lộ tâm trạng bâng khuâng xót xa, trong đó có gì như cầu mong, có gì như tự an ủi, dẫu biết không còn hi vọng nhưng chỉ một chút ai biết cho tình ai cũng là đủ lắm rồi. Có lẽ câu cuối là lời đáp cho câu mở đầu: Ai biết tình ai có đậm đà mà về chơi thôn Vĩ? Thật ra, có ai hỏi Hàn Mạc Tử đâu và chắc gì có người yêu thương? Tác giả đang sống trong tưởng tượng. Niềm thiết tha với cuộc đời đã biến thành những câu hỏi khắc khoải như xoáy vào tâm can người đọc. Bởi xét đến cùng, đau thương chính là biểu hiện tột cùng của khát vọng tình yêu không biến thành hiện thực. Người không yêu đời tha thiết sẽ không day dứt đến thế khi linh cảm thấy mình sắp lìa đời. Tứ thơ và bút pháp của nhà thơ Tứ thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ có hai điểm đặc biệt: Mở đầu bài thơ là một câu thơ tự vấn: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? 11 câu tiếp theo, tác giả tự trả lời câu hỏi ấy bằng những hình ảnh thơ, ý thơ. Đây chính là tứ thơ bộc bạch tâm trạng của tác giả. Toàn bài thơ là một khối thống nhất có sự liên kết về logic nội tại của tâm trạng thi nhân, nhưng giữa ba khổ thơ lại có sự chuyển ý về tứ thơ và hình ảnh thơ: từ cảnh vườn quê trong khổ thơ thứ nhất sang cánh sông trăng và thuyền trăng trong khổ thơ thứ hai, đến cảnh áo em trắng quá nhìn không ra trong khổ thơ thứ ba. Bút pháp của Hàn Mạc Tử trong bài thơ là bút pháp trữ tình thiên về gợi tả và giàu liên tường với những hình ảnh biểu hiện nội tâm nhằm bộc lộ tâm trạng của chính mình. hoctot.xyz
|