Bình giảng bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm.Thâm Tâm đã sử dụng nhiều câu hỏi, câu trùng điệp. Câu thơ bảy chữ, nhưng cấu tạo ngắt nhịp tự do. Cả bài đều dùng vần bằng có thanh không dấu, xen với ít vần trắc, gieo vào lòng người một ý vị bâng khuâng, xốn xang. ''Tống biệt hành" của Thâm Tâm có một sức ám ảnh rất mạnh, ai đã đọc một lần chắc không bao giờ quên giọng thơ gân guốc, rắn rỏi của nó. Nhưng bên cạng cái rắn rỏi ây, bài thơ lại rất buồn, buồn mà không sụp xuống, cũng như dứt khoát, dửng dưng mà không vô tình. Bài thơ ngợi ca một người giã nhà ra đi theo chí lớn mà vẫn nặng lòng lưu luyến, bịn rịn với gia đình. Bài thơ viết theo lời người đưa tiễn và từ quan sát cảm nhận, suy nghĩ của người tiễn mà khắc hoạ nên hình tượng của người ra-đi. Bốn dòng đầu của bài thơ là cảm nhận xao xuyến ngỡ ngàng của người đưa tiễn trong phút tiễn đưa: "Đưa người, ta không đưa qua sông, Sao có tiếng sóng ở trong lòng ? Nắng chiều không thắm, không vàng vọt Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong” . Hai câu hỏi dạng "Không... sao có..." vừa có tác dụng phát hiện cái bất ngờ, vừa tô đậm tâm trạng và ấn tượng xảy ra trong cuộc tiễn đưa. Không phải cảm xúc dâng lên từ ngoại cảnh, hỏi ngoại cảnh làm gì có sông, và đã làm gì có hoàng hôn? Cũng không phải tình cảm xót xa khi tiễn đưa người bạn đi xa thông thường, khi tiễn bạn người ta thường khuyên bạn, chúc bạn, thương bạn, nơi góc bể chân trời, tự cảm thấy mình lẻ loi, cô độc, ở đây không có những tình cảm ấy, mà có những cảm xúc khác. "Tiếng sóng trong lòng" có thể là xao xuyến bồn chồn do một nguyên nhân nào đã biết trước, còn "đầy hoàng hôn trong mất trong" thì không phải là ánh mắt của người trượng phu lên đường. Người trượng phu xưa giã nhà theo chí lớn thường có điệu bộ khảng khái, tóc dựng xiên mũ, bước đi không ngoái lại như Kinh Kha xưa bên bờ sông Dịch trong Sử ki, hay như chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt trong "Chinh phụ ngâm"... Chính cái cảm xúc và phát hiện mới lạ ấy đã làm nẩy ra ý thơ trong đoạn tiếp theo, như một lời giải thích: "Đưa người, ta chỉ đưa người ấy. Một giã gia đình, một dửng dưng Li khách! Li khách! Con đường nhỏ, Chí nhớn chưa về, bàn tay không Thì không bao giờ nói trở lại. Ba năm mẹ già cũng đừng mong". Đoạn thơ như nói lên niềm thất vọng của người tiễn: Không, ta không tiễn con người mắt đầy hoàng hôn này: "Ta chỉ đưa người ấy". Chữ "ấy” như muốn phân biệt với người này. Người ấy phải là con người kiên quyết, dửng dưng, đi theo chí lớn, theo bóng người trượng phu xưa, dám dấn thân "con đường nhỏ", chí nhớn chưa thành thì không nói chuyện trở lại "ba năm mẹ già cũng đừng mong!". Kí ức người tiễn liền nhớ lại tiền sử của ánh mắt hoàng hôn: "Ta biết người buồn chiều hôm trước: Bảy giờ mùa hạ sen nở nốt Một chị, hai chị cũng như sen Khuyên nốt em trai dòng lệ sót. Ta biết người buồn sáng hôm nay: Trời chưa mùa thu tươi lắm thay, Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...” Đây là một cuộc tiễn đưa khác, đầy bịn rịn và nước mắt thương tiếc trong gia đình. Tiễn đưa đầy tinh thần níu lại. Hai chị như sen cuối mùa hạ, khóc nốt dòng lệ sót, khóc đến giọt nước mắt cuối cùng. Nhà thơ không nói "hai chị", mà đếm "một chị, hai chị" như xét đến từng người. Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc như chưa hiểu việc gì đang xảy ra. Và ai là kẻ "Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay", anh hay em? Người ra đi hay người ở lại? Nhưng người ra đi đã dứt áo ra đi: Người đi ừ nhỉ, người đi thực! Câu hỏi nêu ra như một điều không chắc chắn. Nhưng sự thực thì đã ra đi. Câu "Người đi thực" như khẳng định một điều mà giây phút trước đó có thể chưa phải là sự thực. Người trượng phu trong người ra đi đã trỗi dậy với tư thế kiên quyết đứt tình như tráng sĩ xưa: "Mẹ thà coi như chiếc lá bay, Chị thà coi như là hạt bụi, Em thà coi như hơi rượu say” Mỗi chữ "thà" coi như một nhát dao sắc, chặt đứt tình cảm để ra đi. Có người nghĩ rằng ý nghĩ người ra đi như vậy có vẻ tàn nhẫn quá, nên muốn hiểu cho "tình cảm hơn", đã giải thích thành: "Xin mẹ hãy coi con như chiếc lá bay, xin chị coi em như hạt bụi, xin em coi anh như hơi rượu say". Mới xem tưởng hiểu như vậy có vẻ "nhân ái" hơn, nhưng không đúng. Bởi lẽ, muốn hiểu thế thì lời đó phải là lời của người ra đi, nhưng trong văn cảnh lại là ý nghĩ của người tiễn, con người muốn nhìn thấy một trượng phu! Hiểu như thế thì cần xem "em nhỏ ngây thơ" coi anh như “ hơi rượu say" một cách ngang tàng thật là vô lí, vì em đã biết gì đâu "hơi rượu say" mà cầu xin! Đây chỉ là ý nghĩ của người tiễn giải thích về tình cảm trượng phu đã trỗi dậy trong người ra đi. Một cuộc tiễn đưa đầy kịch tính; kịch tính trong tình cảm, trong mâu thuẫn giằng xé giữa chí lớn, tình riêng. Một cuộc tiễn đưa hàm chứa một cuộc tiễn đưa, hay nói cách khác, hai cuộc tiễn đưa dồn nén, thử thách trong mộc cuộc tiễn đưa. Nhưng cuối cùng chí lớn đã thắng. Người trượng phu hôm nay, con người được thức tỉnh bởi lí tưởng nhân đạo, cá tính, không còn có thể ra đi thanh thản, nhẹ nhàng như ngày xưa nữa! Li khách đã ra đi trong tình cảm luyến tiếc sâu xa. Nhà thơ sử dụng đầu đề "Tống biệt hành" rất cổ kính, có lẽ chỉ để nhân mạnh cái giống và cái khác với người xưa. Đầu đề này có tác dụng đánh dấu xu hướng phong cách hoá cổ kính của bài thơ. Với đầu đề này, người tiễn tự xưng là "ta", người đi được xưng là "li khách", những lời khảng khái cũng được nói lên một cách thích hợp. Hình như người ra đi muốn mượn cái khí thế, lời lẽ ngang tàng của trượng phu xưa để nâng đỡ chính mình. "Hành" vốn là một thể thơ thịnh hành vào thời Hán Nguỵ Lục Triều ở Trung Quốc, có đặc điểm là tự do, phóng khoáng, không gò bó, lời thơ gần với lời nói. Vận dụng thể "hành”, Thâm Tâm đã sử dụng nhiều câu hỏi, câu trùng điệp. Câu thơ bảy chữ, nhưng cấu tạo ngắt nhịp tự do. Cả bài đều dùng vần bằng có thanh không dấu, xen với ít vần "trắc", gieo vào lòng người một ý vị bâng khuâng, xốn xang. Gs. Trần Đình Sử hoctot.xyz
|