Cảm nghĩ về Cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12-12-1931 trích kí sự Ngục Kông Tum của Lê Văn Hiến.Đoạn văn mang ý nghĩa như một lời ai điếu về người chiến sĩ yêu nước, người anh hùng liệt sĩ trong cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12-12-1931 tại ngục Kông-Tum. "Ngục Kông Tum" của Lê Văn Hiến là một kí sự về nhà tù đặc sắc, độc đáo trong dòng văn học Cách mạng Việt Nam được xuất bản năm 1938. Chế độ về nhà tù của thực dân Pháp vô cùng man rợ. Hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị đầy đoạ trong khổ sai chung thân, bị hành hạ và tàn sát dã man bằng roi, bằng gậy, bằng súng đạn của bọn chúa ngục. Những nhà tù Đắc Pao, Đắc Pốch, Đắc Sút,... trên Kông tum trở thành địa ngục trần gian được nhắc đến thật rùng rợn. Mỗi trang kí sự như thấm đầy máu của bao chiến sĩ anh hùng xả thân vì tự do. "Cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931" được trích từ kí sự "Ngục Kông Tum". Biết trước bọn công sứ, chúa ngục đưa nhà phạt đi Đắc Pao, các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị tù đày “ chuẩn bị sẵn sang để đối phó”. Cuộc đi Đắc Pao lần thứ nhất, hàng trăm hàng nghìn tù nhân đã bị ngược đãi, bị chết một cách đau thương. Chết trong lao động khổ sai nặng nhọc. Chết vì bệnh tật, vì đói rét. Chết vì roi vọi và súng đạn của bọn chúa ngục, lũ hung thần. Mười một năm sau, người chiến sĩ Cộng sản Tố Hữu trên bước đường lưu đày xiềng xích bồi hồi đau đớn nhắc lại: ... "Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao Đèo leo mặt thác, cầu treo mặt ghềnh Đìu hiu mấy ải đồn canh Lòng đau lại nhớ các anh những ngày” Chao ôi xưa cũng chốn này đây Thân bạn vùi chon dưới gốc cây Roi vụt rát tay bầy lính rợ Máu dầm khoái mắt lũ đồn Tây! Mồi hòn đácđó, bao hòn huyết Một khúc đường đây, mấy khúc thây! Hỡi những anh đầu qua trước đó Biết chăng còn lắm bạn đi đày” (Tiếng hát đi đày _ Tháng Giêng 1942) Trở lại kí sự "Ngục Kông Tum". Khi tên đội Mu-léc xuất hiện "kêu nhà phạt đi làm", bốn mươi nhà phạt bị tách riêng ra. "Cuộc đi Đắc Pếch đã đến rồi chăng?" - bốn mươi chiến sĩ bị tù đày "nghi ngại, ngơ ngác nhìn nhau và tự hỏi?". Sự việc diễn ra mỗi lúc một quyết liệt! Chính quyền thực dân đã đưa xe cam nhông tới, một toán lính nai nịt súng đạn chỉnh tề với một dây xiềng sắt, Máu nhất định sẽ đổ xuống! Khí phách của bốn mươi chiến sĩ và cách mạng thật hiên ngang. Anh em “ đồng thanh la hét" nhất quyết không đi Đắc Pếch. Tiếng tung hô khẩu hiệu, tiếng vỗ tay của bốn mươi chiến sĩ "làm náo động cả một góc trời". Nhà lao như một pháo đài, cửa sắt được “ gài rất kiên cố", nhà phạt được kết thành một khối “ vây nhau đứng giữa" để bảo vệ, quyết không cho bọn lính xông vào cưỡng bách một người nào! Sự việc diễn ra càng trở nên khốc liệt khi tên đội Mu-léc xuất hiện. Hắn như một hung thần đã sát hại bao nhiêu chiến sĩ yêu nước và cách mạng của ta. Sát khí đằng đằng, hắn vừa hỏi vừa hăm doạ. Tiếng nói liên tiếp của tên chúa ngục như phun ra toàn máu: "Chúng bay muốn gì? Vì sao chúng bay không đi? Nếu chúng bay không đi, chúng bay cũng sẽ chết". Nguyễn Lung, số hiệu tù 299, quê ở Hà Tĩnh, đại diện cho bốn mươi anh em nhà phạt cương quyết trả lời: "Phải. chúng tôi không đi cũng chết. Nhưng thà chết ở đây còn khỏe thân hơn lên Đắc Pếch, bị trăm điều khổ sở rồi mới chết". "Không đi Đắc-Pếch!", -đó là lời thề quyết tử. Máu sẽ đổ xuống nhưng các chiến sĩ nhà phạt quyết không sợ, quyết không lùi bước! "Uy vũ bất nănng khuất" là khí phách hiên ngang của các chiến sĩ tự do làm cho chúng ta vô cùng cảm phục. Họ đã sống vì mội lí tưởng cách mạng cao đẹp nên quyết không sợ tù đày, súng đạn của thực dân Pháp cướp nước. Đúng như tác giả "Từ ấy" viết: "Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu Dấn thân vô là phải chịu tù đày Là gươm kề tận cổ, súng kề tai Là thân sống chỉ coi còn một nửa!" (Trăng trối) Chính quyền thực dân với bàn tay đầy máu quyết bắn giết để khuất phục tù nhân. Anh em nhà phạt càng kết thành một khối rắn hơn sắt thép. Lũ giặc lồng lên: công sứ, giám hinh, các viên quan ở các đồn và lính tráng rầm rộ kéo đến. Nhà lao bị bao vây. Bọn lính tráng chĩa súng vào tù nhân chờ lệnh. Công sứ, giám binh, đội Mu-léc và các viên quan mặt "hung hăng dữ tợn", súng sáu cầm tay. Trái lại, anh em nhà phạt không hề run sợ, "sắp hàng đứng trước cửa lao", thái độ người nào "cũng quả quyết, hăng hái không sợ chết". Tiếng hô to khẩu hiệu vang lên trong lao: "Phan đối đi Đắc Pếch! Phản đối đi Đắc Pếch!". Cuộc đấu tranh lưu huyết của anh em nhà phạt diễn ra vô cùng dữ dội và khốc liệt. Đội Mu-léc tay cầm súng sáu bước vào cửa lao hỏi số tù 299 đến bắn vì hắn cho Lung là "chủ trì cuộc phản đối". Trương Quang Trọng mang số tù 303, đứng đầu hàng, đại diện cho anh em nhà phạt, thái độ "trầm lĩnh, oai nghiêm và hết sức quả quyết". Cử chỉ và hành động của Trương Quang Trọng vô cùng hiên ngang. Anh "lần mở nút áo, phanh ngực", rồi chỉ vào ngực mà trả lời cho Mu-léc bằng tiếng Pháp: "Lơ voa xi!" (Nó ở đậy!). Đó là lời thách thức biểu lộ một dũng khí không hề run sợ trước mũi súng quân thù, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tên đội Mu-léc như một con thú dữ lồng lên, bắn vào ngực Trọng. Trọng liền ngã xuống! Súng đạn và máu không thể nào khuất phục được anh em nhà phạt, những chiến sĩ yêu nước kiên cường: "Khi Trọng ngã, anh em ở sau tiến lên, vừa tiến vừa hô khẩu hiệu phản đối, một tiếng súng thứ hai vừa ra, người thứ hai ngã, người sau lại tiến lên, hô to mấy khẩu hiệu, dũng cảm đương đầu với súng đạn". Một cảnh tượng vô cùng tráng liệt. Người trước bị bắn ngã, người sau dũng cảm tiến lên. Súng đạn, máu và cái chết không hề làm cho anh em nhà phạt run sợ. Súng nổ liên thanh, tiếng la ó dậy trời. Quan và lính chạy "rầm rầm rầm" ngoài nhà lao. Chỉ trong mấy phút đồng hồ mà bọn giặc đã sát hại 16 chiến sĩ yêu nước trong số bốn mươi anh em nhà phạt. Hình ảnh "người chồng chất trên vũng máu tươi; có người chết ngay , có người hấp hối, có người bụng thủng, ruột lòi" không chỉ vạch trần bộ mặt tàn bạo, dã man của bọn chúa ngục, mà còn ca ngợi khí phách hiên ngang, tư thế lẫm liệt của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân Pháp. Lê Văn Hiến - một chiến sĩ yêu nước từng bị giam cầm, đoạ đày trong nhiều năm trời ở các nhà ngục Kông Tum, Đắc Lay, Đắc Tô. Ông đã nếm trải bao tủi nhục, đau đớn và chứng kiến bao tội ác tày trời của bọn chúa ngục. Ông đã dũng cảm đấu tranh giữ vững khí tiết kiên trung của người chiến sĩ cách mạng. Ông đã dành những lời chân thực nhất, tốt đẹp nhất nói về cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12-12-1931. Ông đã tự hào, khâm phục ngợi ca các bạn tù, ca ngợi các liệt sĩ anh hùng đã ngã xuống vì tự do. Viết về Trương Quang Trọng, giọng văn của tác giả "Ngục Kông Tum" vừa cảm thương, vừa mến phục tự hào. Đoạn văn sau đây cho ta nhiều xúc động: "Điều nên chú ý lù số hiệu của Trọng là 303 mà số hiệu cua Lung là 299. Khi Mu-léc hỏi 299 là cố kêu Lung ra để bắn, vì cho Lung là chủ trì cuộc phản đối, nhưng Trọng tự xông mình ra để chết thay cho bạn". Trọng bình thường là người ôn hoà, thuần hậu, không hay nói, nhiều người đã coi Trọng như "con cái nhà lành". Trọng đối với anh em hay có tính vị nể, nên trong công việc thường không được cương quyết lắm. Thế mà khi lâm sự, trước cái chết, Trọng giữ thái độ rất quả quyết can đảm. "Trương Quang Trọng nguvên là sinh viên trường Cao đảng Hà Nội, năm 1929 can án Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chỉ hội bị án 9 năm tù. Tháng 7 năm 1939, Trọng bị đày qua Kong Tum, qua tháng chạp thì bị bắn". Đoạn văn mang ý nghĩa như một lời ai điếu về người chiến sĩ yêu nước, người anh hùng liệt sĩ trong cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12-12-1931 tại ngục Kông-Tum. "Uống nước nhớ nguồn" là cảm xúc, ý nghĩ của mỗi chúng ta khi đọc kí sự "Ngục Kông Tum "của Lê Văn Hiến: "Người đang sống nhớ người đã khuất Nhớ những anh chị mất trên đường Tù lao, máy chém, chiến trường Dẫu tan nát thịt còn vương vấn hồn". (Ba mươi năm đời ta có Đảng - Tố Hữu) "Cuộc đấu tranh lưu huyết... " là khúc tráng ca anh hùng của các liệt sĩ cách mạng đời đời bất tử. Trích: hoctot.xyz
|