Cảm nhận nhân vật Mai (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Chiến (Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)Cả hai nhân vật đều là những người con gái trẻ tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng, mang một tình yêu lớn đối với cách mạng, có ý chí , quyết tâm mãnh liệt đấu tranh chống lại kẻ thù.
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Cảm nhận nhân vật Mai (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Chiến (Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi) Dàn ý 1. Giới thiệu chung: – “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành viết về những anh hùng ở làng Xô Man trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Nhân vật Mai trong tác phẩm không được khắc họa nhiều nhưng đã hiện vẻ đẹp của một người con gái Tây Nguyên trong kháng chiến: tình yêu cách mạng, tình yêu gia đình và một bản lĩnh kiên cường, bất khuất. – “Những đứa con trong gia đình”: Tác phẩm được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt khi ông công tác với tư cách là một nhà văn – chiến sĩ ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng năm 1966. Có thể nói Nguyễn Thi là một trong những nhà văn thành công nhất khi viết về hình tượng người phụ nữ Nam Bộ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chiến là một nhân vật như thế. 2. Phân tích hai nhân vật: a. Nhân vật Mai: - Sớm giác ngộ cách mạng, tình yêu đối với cách mạng: cùng với Tnú che giấu cán bộ, giúp đỡ cán bộ… - Từ nhỏ đã là một cô bé thông minh, khéo léo: cùng với Tnú học chữ, lên rừng bảo vệ các chiến sĩ cách mạng. - Lớn lên là một người mẹ yêu thương con, sẵn sàng hi sinh thân mình để che chở đứa con thơ. => Một người phụ nữ kiên cường, bản lĩnh, giàu tinh thần cách mạng: Sẵn sàng chịu đòn roi kẻ thù nhưng không kêu lên một tiếng, không khai ra chỗ ở của Tnú. Đặc biệt ánh mắt khi nhìn kẻ thù: bình tĩnh mà đầy sức mạnh… b. Nhân vật chị Chiến: - Chiến sinh ra và lớn lên trong mối thù nhà, nợ nước: ông nội, ba má đều chết trong chiến tranh. Do vậy dù đang còn ít tuổi nhưng chị Chiến vừa thay mẹ chăm sóc cho gia đình, vừa tham gia cách mạng, mang quyết tâm trả nợ nước thù nhà. - Chị Chiến là người con gái lớn đảm đang, yêu thương em, biết vun vén lo toan cho gia đình. - Mang tình yêu đối với cách mạng, quyết tâm đi tòng quân để trả nợ nước, thù nhà. - Bản lĩnh kiên cường, dũng cảm, không lùi bước trước kẻ thù. 3. Nhận xét, đánh giá về hai nhân vật: a. Điểm giống nhau: - Cả hai nhân vật đều là những người con gái trẻ tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng, mang một tình yêu lớn đối với cách mạng, có ý chí , quyết tâm mãnh liệt đấu tranh chống lại kẻ thù. - Họ không chỉ là những chiến sĩ trẻ đầy bản lĩnh mà còn là người con gái của gia đình: biết yêu thương, vun vén. - Hai nhân vật đều mang vẻ đẹp của người con gái Việt Nam nói chung: giỏi việc nước, đảm việc nhà. b. Điểm khác nhau: - Mai là người con gái Tây Nguyên bản lĩnh rắn rỏi, nhưng do Mai chưa nhận thức được chân lí cách mạng mà sau này cụ Mết nói (Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo) nên bất lực ôm đứa con thơ chết dưới đòn roi của kẻ thù. - Chiến là người con gái Nam Bộ bộc trực, thẳng thắn, lớn lên trong giai đoạn chiến tranh ác liệt , nên nhận thức rõ mình cần phải làm gì để bảo vệ gia đình, dân tộc. Do vậy Chiến đã quyết tâm đi bộ đội như một nhận thức tất yếu “nếu giặc còn thì tao mất”. Bài mẫu Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành viết về những anh hùng ở làng Xô Man trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Nhân vật Mai trong tác phẩm không được khắc họa nhiều nhưng đã hiện vẻ đẹp của một người con gái Tây Nguyên trong kháng chiến: tình yêu cách mạng, tình yêu gia đình và một bản lĩnh kiên cường, bất khuất. “Những đứa con trong gia đình”: Tác phẩm được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt khi ông công tác với tư cách là một nhà văn – chiến sĩ ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng năm 1966. Có thể nói Nguyễn Thi là một trong những nhà văn thành công nhất khi viết về hình tượng người phụ nữ Nam Bộ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chiến là một nhân vật như thế. Dù không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm mà chỉ được nhắc đến qua lời kể của mọi người nhưng nhân vật Mai trong tác phẩm Rừng xà nu đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Mai cũng giống như chị Chiến trong Những đứa con trong gia đình, cũng giống như chị Út Tịch, như Phương Định, Nho, Thao… là một người con gái anh hùng trong công cuộc kháng chiến đấu tranh gian khổ của dân tộc. Mai cùng với Tnú từ nhỏ đã được nuôi lớn trong vòng tay của dân làng Xô man, được giáo dục lí tưởng cách mạng và lòng yêu Tổ quốc. Mai đã chứng minh được việc mình là một đứa trẻ quả cảm, kiên cường qua những ngày nuôi giấu cán bộ trong rừng. Mai cùng Tnú làm việc đó không phải là ngày một ngày hai mà là mấy năm ròng rã, nhưng họ không để mất một phong thư, không một lần để lộ sơ hở của những chiến sĩ cộng sản. Mai gan góc, lì lợm, được nuôi dưỡng bằng lí tưởng cách mạng nên từ nhỏ đã hiểu và đi theo cách mạng. Mai còn là cô gái cá tính, thông minh, lanh lợi và giàu tình yêu thương. Mai dạy Tnú học chữ, khuyên bảo Tnú để học lấy con chữ. Mai yêu thương cộng sản, yêu thương gia đình. Khi bị giặc bắt và tra tấn, Mai lấy thân mình ra che chắn cho con, Mai hành động với những bản năng tốt đẹp nhất của một người mẹ, không muốn con mình bị thương. Nhưng cuối cùng cô đã không bảo vệ được con mình, lũ giặc tàn ác đã hại cả đứa nhỏ, cả Mai. Mai căm hờn chúng, cô chết nhưng không khai một chữ về Tnú, về cộng sản. Ánh mắt của Mai nhìn kẻ thù lúc đó cũng nảy lửa và sục sôi căm hờn và đầy kiên định, ánh mắt đó cho thấy cô sẽ không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Ở trong Mai vừa có tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ, người vợ lại vừa có trách nhiệm của một người chiến sĩ quyết tâm bảo vệ cộng sản đến cùng. Mai là một người con gái rất quả cảm, kiên cường. Và bởi vì những đức tính tốt đẹp của cô cho nên Mai vẫn mãi sống trong tâm trí của mọi người, được mọi người nhắc đến bằng một tình cảm đặc biệt, một niềm xúc động sâu sắc. Khi cụ Mết kể về Mai cụ cũng nhắc đến bằng giọng điệu chan chứa tình cảm, nghẹn ngào đầy xúc động. Mai là một tấm gương tiêu biểu cho sự dũng cảm của thế hệ thanh niên dân làng Xô man, rồi đây Dít, những đứa trẻ trong bản sẽ là những người tiếp nối bước chân của Mai, sẽ trở thành những thế hệ anh hùng, tiếp bước những người đi trước, bảo vệ dân làng, bảo vệ cộng sản và bảo vệ cho cách mạng. Khi nhìn Dít, Tnú thấy như chính Mai đang ở trong Dít, là tinh thần quả cảm thông minh lanh trí, sự lì lợm không chịu khuất phục lùi bước. Mai cũng giống như Tnú, cũng giống như cụ Mết, như Dít đều giống như những cây xà nu dẻo dai, đầy sức sống giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn. Không thể dùng bom đạn chiến tranh, dùng cực hình để buộc họ phải gục ngã, họ cũng giống như những cây xà nu nếu cây này ngã xuống thì sẽ có cây khác mọc lên tươi tốt xanh um và dẻo dai. Tiếp nối thế hệ của Mai sẽ là thế hệ của Dít, của bé Heng. Dù ít được nhắc đến trong tác phẩm nhưng nhân vật Mai quả là đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng của người đọc. Chính Mai đã cùng với những người anh hùng ấy làm đẹp thêm cho núi rừng Tây Nguyên, góp phần tạo nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Chiến trong Những đứa con trong gia đình là một cô gái mang nhiều vẻ đẹp. Chiến mang vóc dáng của má: “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng… thân người to và chắc nịch”. Đó là vẻ đẹp của con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng và để chiến thắng. Tuy vậy, chị cũng rất ư là nữ tính. Đi đánh giặc còn mang theo gương lược, giữa mỗi trận đánh lại đem ra soi mình. Chiến hơn Việt chừng một tuổi nhưng Chiến người lớn hơn hẳn. Chiến có thể bỏ ăn để đánh vần cuốn sổ gia đình suốt từ sáng đến xế chiều. Tính cách “người lớn” ở Chiến còn thể hiện ở sự nhường nhịn. Tuy có lúc giành nhau với em tranh công bắt ếch, bắn cháy tàu giặc, giành đi tòng quân… nhưng cuối cùng bao giờ chị cũng nhường em hết trừ việc đi tòng quân (vì chị thương em, muốn giành sự hi sinh về mình). Chiến đặc biệt giống má ở cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội. Chiến biết lo liệu, toan tính việc nhà y hệt má. Chính Việt nhận ra chị “nói nghe in như má vậy”. Hình ảnh người mẹ như bao bọc lấy Chiến, từ cái lối nằm với thằng út em trên giường ở trong buồng nói với ra, đến lối hứ một cái “cóc” rồi trở mình. Đến nỗi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị giống in má, có khác chỉ là ở chỗ chị “không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi” mà thôi. Chính Chiến cũng thấy mình trong đêm ấy đang hòa vào trong mẹ: “Tao cũng đã lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy”. Mà đúng thật, chị Chiến sắp đặt việc nhà đâu ra đó. Từ việc giao lại ruộng đất cho chi bộ, việc gửi cái nhà cho lớp học, việc làm đám giỗ cho ba má, việc gửi bàn thờ ba má qua nhà chú Năm… chị Chiến đều tính toán, sắp đặt ổn thỏa. Đúng như lời chú Năm nhận xét “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng. Gọn bề gia thế đặng bề nước non”. Chiến có tinh thần gan dạ, dũng cảm lập được nhiều chiến công. Ngay khi còn nhỏ, chị Chiến đã cùng Việt lập công lớn khi bắn cháy tàu giặc trên sông Định Thủy, được chú Năm ghi vào cuốn sổ gia đình. Lớn lên, nguyện vọng của Chiến là: “được cầm súng đánh giặc để trả thù cho ba má”. Vì vậy, đêm ghi danh tòng quân, Chiến đã giành nhau với em để được đi bộ đội. Sau khi được ghi tên tòng quân, tối về, cả hai chị em đều chung nhau quyết tâm đánh giặc. Đều quyết tâm “Đi xa nhà thì ráng học chúng bạn… thù ba má chưa trả” thì không được bỏ về. Chị Chiến thì thề thốt dữ dội hơn “Nếu giặc còn thì tao mất”. Qua phân tích nhân vật Mai và Chiến, ta thấy cả hai nhân vật đều mang những vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Cả hai nhân vật đều là những người con gái trẻ tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng, mang một tình yêu lớn đối với cách mạng, có ý chí , quyết tâm mãnh liệt đấu tranh chống lại kẻ thù. Họ không chỉ là những chiến sĩ trẻ đầy bản lĩnh mà còn là người con gái của gia đình, biết yêu thương, vun vén. Hai nhân vật đều mang vẻ đẹp của người con gái Việt Nam nói chung: giỏi việc nước, đảm việc nhà. Tuy nhiên, mỗi nhân vật cũng mang nét đẹp, dấu ấn riêng. Mai là người con gái Tây Nguyên bản lĩnh rắn rỏi, nhưng do Mai chưa nhận thức được chân lí cách mạng mà sau này cụ Mết nói (Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo) nên bất lực ôm đứa con thơ chết dưới đòn roi của kẻ thù. Chiến là người con gái Nam Bộ bộc trực, thẳng thắn, lớn lên trong giai đoạn chiến tranh ác liệt , nên nhận thức rõ mình cần phải làm gì để bảo vệ gia đình, dân tộc. Do vậy Chiến đã quyết tâm đi bộ đội như một nhận thức tất yếu “nếu giặc còn thì tao mất”. Mai và Chiến cũng giống như bao người con gái khác trên mọi miền Tổ quốc như Đặng Thùy Trâm, La Thị Tám,...những người con gái anh dũng, kiên cường, là lực lượng thanh niên nòng cốt đem lại hòa bình cho dân tộc. HocTot.XYZ
|