Cảm nhận về bài thơ Tràng giang của Huy Cận - Ngữ Văn 11

Tràng Giang là một trong những bài thơ tiêu biểu của tài năng Huy Cận và thể hiện rõ chất tâm hồn ông. Huy Cận cũng đã nhiều lần kể lại quá trình viết nó.

Đề bài

Cảm nhận về bài thơ Tràng giang của Huy Cận - Ngữ Văn 11

Lời giải chi tiết

   Tràng Giang là một trong những bài thơ tiêu biểu của tài năng Huy Cận và thể hiện rõ chất tâm hồn ông. Huy Cận cũng đã nhiều lần kể lại quá trình viết nó. Cảm hứng thơ được gợi từ phong cảnh sông nước vùng Chèm Vẽ ngoại thành Hà Nội. Bây giờ nơi này đã là nội thành đông đúc với nhiều nhà cao tầng, biệt thự nhưng vào thời Huy Cận viết Tràng giang cho đến mấy chục năm sau, nó đìu hiu sông nước, vắng lặng, đẹp và buồn đúng như trong bài thơ đã tả.

   Huy Cận kể lại, ông đã thử vào bài bằng nhiều thể thơ, nhưng cuối cùng chọn thơ bảy chữ, đậm chất Đường thi. Ông còn cho biết Lớp lớp mây cao đùn núi bạc là do ông học ở bản dịch thơ Đỗ Phủ “Mặt đất mây đùn cửa ải xa". Ý kết là ông tựa vào thơ Thôi Hiệu, qua bản dịch của Tản Đà “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” để tả nỗi buồn của lòng mình: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Chính không gian Đường thi trong hơi thơ bảy chữ tạo nên sự cộng hưởng cảm xúc đồng chiều ấy. Nếu viết ở thể thơ khác, chưa chắc đã có sự cộng hưởng ấy. Huy Cận buồn hơn Thôi Hiệu. Huy Cận thừa biết mình đứng nhờ trên vai người ta, có cao nhưng không chắc mình có chiều cao hơn người ta. Đọc Tràng giang có thể thấy buồn Hoàng Hạc lâu nhưng là ở nhiều chỗ khác chứ không phải ở câu kết so đo ấy.

   Bài thơ này có vẻ đẹp cổ điển, trang trọng mở vào cao rộng trời đất mà nỗi buồn lại thấm thía sâu thẳm xuống một cõi lòng. Nỗi buồn bàng bạc mơ hồ nhưng đụng vào đầu cũng thấy. Mơ hồ vì buồn không rõ lí do cụ thể. Bàng bạc vì không rõ sắc thái, không rát bỏng nhưng ngân nga như một nỗi bâng khuâng, một tâm trạng nhớ không đối tượng: trời rộng nhớ sông dài. Câu đề từ quả đã ôm đủ chủ đề bài thơ. Nỗi bâng khuâng buồn nhớ đựng đầy không gian. Cảnh nào cũng gợi buồn, cảnh bị nhiễm vào từ trường tình cảm. Huy Cận nói: Đây là bài thơ của tâm hồn. Tâm hồn ông khi ấy thường trực một nỗi buồn thế hệ, cái thế hệ vừa biết suy nghĩ thì chạm ngay vào nỗi buồn mất nước, vào thân phận nhược tiểu, một linh hồn nho nhỏ/ mang mang thiêng cổ sầu. Chất tâm hồn bất thường bắt rất nhạy cảm xúc không gian rộng xa, vắng lặng hắt hiu. Riêng với Huy Cận, người đã từng “nghiêng tai kì diệu” nửa nghe vũ trụ nửa nghe lòng mình. Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn thì không gian trời nước quãng sông Hồng nơi Chèm Vẽ cộng hưởng với lòng ông mà thành thơ là điều không khó hiểu.

   Chữ tràng trong Tràng giang đề bài và trong câu đầu tiên vốn ít dùng trong ngôn ngữ giao tiếp hơn trường nhưng Huy Cận lại chọn dùng... Có người giảng là để khỏi nhầm với sông Trường Giang bên Trung Quốc. Chả hiểu có đúng thế không. Nhưng chỉ căn cứ vào âm thanh (chứ không phải chỉ nghĩa chữ) thì giang hai âm vang đồng dạng đứng liền nhau gợi được khoảng rộng, dàn theo chiều ngang, bát ngát bao la hơn là trường. Trường chỉ cho thấy chiều dài, đa nghĩa chữ và hình âm trường thuôn lại trong khi tràng mở ra. Mặt sông dài rộng, nên đầu sóng của sông, vốn thấp như càng thấp thêm, chỉ như gợn nhẹ mặt sông phẳng. Đã rộng lại tĩnh nên gợi buồn, buồn điệp điệp. Chứ sóng mà dào dạt hay réo sôi chắc dẫn tới cảm giác khác. Điệp điệp là trạng thái của gợn sóng trên tràng giang và cũng là của gợn buồn trong lòng người. Câu vào này buồn thật. Nhưng câu thứ hai: “Con thuyền xuôi mái nước song song" có người cũng cho là câu thơ buồn, buồn lắm, lấy lí rằng: song song là chẳng bao giờ gặp nhau, là không gắn bó gì với nhau. Đấy là vận dụng định lý đường song song trong hình học sơ cấp vào hình tượng văn chương. E khó thuyết phục. Thuyền nước trong câu thơ này là đang gắn bó, thậm chí hài hoà xuôi chèo mát mái. Câu thơ này không buồn. Hơn nữa, vui. Đang vui. (Chữ nước song song chỉ là một dụng ý để đối với buồn điệp điệp). Có đang vui mới dẫn đến cái buồn ở câu sau. Mới tạo nên mối tương quan: vui chỉ khoảnh khắc mà buồn thì tất yếu, ấy là lúc thuyền về tới bến, nước vẫn tiếp tục đi, đi một mình, phiêu bạt hai ngả rẽ vô thường nên mới kinh hãi với cái sầu trăm ngả. Hình ảnh sông nước đến đây đã nhập vào thân phận con người. Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả. Một chữ lại (trạng từ), lại sầu... cho thấy cách nhìn đời hồi ấy của Huy Cận khá giống Xuân Diệu (hoa nở để mà tàn - Trăng trong để mà khuyết - Bèo hợp để chia tan - Người gần để li biệt). Thuyền và nước song song xuôi mái chỉ khoảnh khắc rồi lẻ loi với bao nhiêu ngã ba sông nước, sầu trăm ngả. Từ hình ảnh trăm ngả dẫn đến câu cuối đoạn như mội tổng kết:

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

   Trên sông Hồng, nhất là mùa lũ có thể thấy cả cây trôi, thân gỗ trôi, vật vã nổi chìm trong sóng đục phù sa. Cảnh gợi tang thương. Nhưng không phải mạd cảm xúc Huy Cận ở bài này. Ông nói ông phải lựa chọn hình ảnh sao cho ra cai thân phận nổi nênh của kiếp người. Chọn củi hơn là gỗ, chọn một cành không hơn là những cây tươi. Củi một cành mà lạc mấy dòng thì đắt quá, chưa kể nó còn ứng với sầu trăm ngả ở trên.

   Đoạn một là nhìn vào mặt sông mà tả. Chi tiết tung hứng, ngôn ngữ đăng đổi và ngay trung tâm của chủ đề. Đoạn hai nhìn ra xa xung quanh: cồn nhỏ, làng xa, trời sâu, bến rộng... không gian mở ra rộng - cao để hồn ngấm vào thưa vắng. Thưa vắng và yên tịnh. Chỉ một âm thanh xa, vọng tự đâu không rõ, mơ hồ như nghe trong hoài niệm một phiên chợ quê lúc vãn người. Âm thanh mơ hồ là cách đặc tả cái tĩnh lặng. Đoạn thơ này mở không gian. Chiều thẳng đứng thì như đang dãn dần ra theo nắng, theo trời: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”. Sâu chứ không cao là một sáng tạo, gây ấn tượng. Chiều năm ngang thì “ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu"... Không màu sắc, không âm thanh, không hoạt động. Tất cả bất động, lặng đi, ngấm vào nỗi cô liêu.

   Cõi rộng không giới hạn, tả dễ miên man. Huy Cận tỉnh táo chuyển lại ánh về mặt sông, về chỗ bắt đầu bài thơ “Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng”. Đẩy mức vắng lặng tới chỗ bặt dấu người. Hai đoạn trên còn có thuyền, có chợ. Giờ đây, trên sông chỉ còn có bèo, duy nhất bèo, hàng nối hàng. Không đò ngang, không cầu bắc, không thấy một công trình nào mang dấu người, chỉ lặng lẽ thiên nhiên với thiên nhiên. Buồn lan theo cảnh. Buồn trải ra xa “Lặng lẽ bờ xanh  tiếp bãi vàng”. Rồi lại dựng lên cao “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc". Trút qua đôi cánh chim nhỏ và rơi xuống một lòng người, ở chỗ cảnh bặt dấu người, nên lòng mới trội lên nỗi nhớ quê, lòng quê. Tình thế trôi dạt nổi nênh của ngoại cảnh làm con người ngậm ngùi thân phận, thèm tình cảm ấm áp gia đình quần tụ. Bài thơ khép lại trong nỗi nhớ nhà. Tính lôgíc trong những bước chuyển của tâm hồn rất được coi trọng trong bài thơ này. Có lẽ vì thế Huy Cận tự giới thiệu: “Tràng giang là bài thơ tình, và tình gặp cảnh, một bài thơ về tâm hồn".

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close