Cùng yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời nhưng nếu ở bà cụ Tứ là sự vị tha, bao dung, lạc quan thì ở người đàn bà hàng chài là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục. Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn, “một nhà văn viết ít nhưng ngày càng được khâm phục nhiều”. Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam sau 1975
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Cùng yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời nhưng nếu ở bà cụ Tứ (Vợ nhặt – Kim Lân) là sự vị tha, bao dung, lạc quan thì ở người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục. Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Dàn ý a. Vài nét về tác giả tác phẩm: - Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn, “một nhà văn viết ít nhưng ngày càng được khâm phục nhiều”. “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, rút từ tập “Con chó xấu xí” (1962) - Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam sau 1975. “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm xuất sắc của ông ở giai đoạn này. b. Giải thích ý kiến: - Ý kiến chỉ ra sự giống nhau của hai nhân vật: đều yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời; đồng thời chỉ ra sự khác nhau: tình yêu thương con của bà cụ Tứ là sự vị tha, bao dung, lạc quan; còn tình yêu thương con của người đàn bà hàng chài là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục. Đó là những nét riêng của tình mẫu tử trong hai tác phẩm “Vợ nhặt” – Kim Lân và “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu. c. Chứng minh: * Điểm tương đồng: Cả hai nhân vật đều yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời. - Bà cụ Tứ: + Khi biết người phụ nữ theo không con mình về làm vợ, bà cụ Tứ lặng người, cúi đầu nín lặng, khóc, vừa xót xa cho số kiếp con trai, vừa tủi thân, tủi phận cho chính mình vì ngèo mà không lấy nổi vợ cho con. + Đồng cảm với người vợ nhặt “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình”, đồng cảm với con trai “…Mà con mình mới có được vợ”, vun vén cho hạnh phúc của đôi trẻ “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên, phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”… - Người đàn bà hàng chài: + Tình yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời khiến chị phải nhẫn nhục, chịu đựng sự đày ải tàn nhẫn của người chồng để con thuyền có người đàn ông khỏe mạnh “chèo chống khi phong ba” và “để cùng làm ăn nuôi nấng một sấp con” + Khi đối thoại với Phùng và Đẩu ở Tòa án huyện, chị đã nói “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”. * Sự khác biệt: Tình yêu thương con của bà cụ Tứ là sự vị tha, bao dung, lạc quan. - Thấu hiểu việc vượt quyền cha mẹ của Tràng - Cảm thông, xót thương cho tính cách và trân trọng giá trị của người vợ nhặt. - Suy nghĩ, hành động, lời nói luôn lạc quan, hướng về tương lai trong những ngày đói. + Bà truyền cho con cái niềm hi vọng “không ai khó ba đời” + Hành động xăm xắm thu dọn, quét tước nhà cửa. + Dự định ngăn buồng cho đôi trẻ, mua đôi gà, bữa cơm mừng dâu mới với “chè khoán”… Tình yêu thương con của người đàn bà hàng chài là sự chịu đựng, hi sinh, nhẫn nhục: - Người đàn bà hàng chài chịu đựng, hi sinh xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh khi các con đã lớn vì sợ các con sẽ bị tổn thương khi chứng kiến cảnh bạo lực đau lòng. - Vì lo những phản ứng dữ dội của thằng Phác có thể làm điều dại dột với ba nó mà chị phải cắn răng gửi thằng con chị yêu thương nhất lên rừng ở với ông ngoại đã nửa năm nay. - Khi chồng đánh đập đau đớn chị lặng lẽ chịu đựng, nhẫn nhục như một người câm nhưng khi thằng Phác lao vào đánh bố để cứu mẹ, chị lại không nén nổi nỗi đau đớn. Chị “mếu máo” gọi con. “ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra”, “chắp tay vái lấy vái để rồi ôm chầm lấy”. Đó là nỗi đau của người mẹ khi không che chắn nổi cho tuổi thơ của các con được trong sáng, nỗi sợ hãi cho sự phát triển tính cách của con trong môi trường tăm tối, bạo lực… d. Đánh giá: - Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến: + Chỉ ra được những khác biệt trong tình yêu thương con của hai nhân vật. Từ đó giúp người đọc nhận ra được những nét độc đáo của mỗi hình tượng, những khám phá riêng trong cách thể hiện, xuất phát từ cái nhìn khác nhau về con người của hai nhà văn trong hai giai đoạn văn học khác nhau. + Đồng thời giúp người đọc cảm nhận được sự gặp gỡ trong tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn và những tư tưởng, tình cảm mà họ gửi gắm Bài mẫu Người phụ nữ Việt Nam ta từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng với nhiều phẩm đạo đức chất vô cùng tốt đẹp, đặc biệt là càng trong những hoàn cảnh khó khăn đọa đày, ta lại càng nhìn rõ những phẩm chất ấy. Trong các tác phẩm văn học xưa và nay cũng không dưới một lần người ta ngấm ngầm hoặc công khai bày tỏ, đề cao phẩm chất của người phụ nữ Việt để thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt là trong các tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội, những năm hoàn cảnh đất nước còn nhiều khắc nghiệt, thì hình ảnh những người đàn bà tảo tần mưa nắng, nhẫn nhục, chịu đựng lại càng hiện lên rõ nét. Tiêu biểu có thể kể đến Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, người mẹ Tà-ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, hay hình ảnh người bà trong Đò Lèn của Nguyễn Duy,... cùng vô số những tác phẩm khác nữa. Và trong số những tác phẩm ấy người ta vẫn ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ với tình mẫu tử sâu sắc trong hai tác phẩm Vợ nhặt và Chiếc thuyền ngoài xa. Có một nhận xét rất chính xác rằng: "Cùng yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời nhưng nếu ở bà cụ Tứ (Vợ nhặt - Kim Lân) là sự vị tha, bao dung, lạc quan thì ở người đàn bà làng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) là sự chịu đựng, hy sinh, nhẫn nhục". Trước hết nói về bà cụ Tứ, là người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong buổi đất nước có nhiều biến chuyển, thực dân Pháp xâm lược, chế độ phong kiến tàn lụi thối nát, đặc biệt nhất là đến thuở gần đất xa trời cứ ngỡ là sẽ được an hưởng tuổi già thì phát xít Nhật lại đem đến cái nạn đói khủng khiếp, hành hạ con người ta đến độ khốn khổ. Bà lão là người nghèo khó, chồng cụ có lẽ đã chết từ lâu, vì nạn đói, bệnh tật hay phu dịch gì đó, một mình bà vất vả nuôi lớn Tràng. Tài sản cũng chẳng có gì ngoài căn chòi rách nát, hai mẹ con nương tựa vào nhau qua ngày đoạn tháng. Nhân vật này không xuất hiện ngay từ đầu, bà chỉ bắt đầu có vai sau khi Tràng dẫn thị về nhà làm vợ. Ấn tượng của độc giả về cụ Tứ chính là cái tiếng ho "húng hắng", cái dáng người "lọng khọng" tưởng chừng đã già yếu lắm rồi, tuy nhiên vẫn còn rất minh mẫn khi "vừa đi vừa lẩm bẩm tính gì trong miệng". Chỉ đôi chi tiết ấy thôi người ta cũng đủ biết cụ Tứ là người đàn bà cả đời vất vả nên mới có cái dáng bộ như thế. Cụ Tứ đã sống gần hết đời người, trải qua nhiều gian khó, nên bà yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời sâu sắc. Khi thấy người đàn bà lạ lẫm ngồi trong căn nhà nhỏ bé của mình bà cụ ngạc nhiên lắm, biết bao nhiêu câu hỏi cứ thế tuôn ra trong lòng, nhưng cụ không tỏ ra bối rối mà cụ chỉ quay ra "nhìn con tỏ ý không hiểu". Cụ thương và hiểu Tràng nên cụ để con tự nói mà không cần phải dò hỏi xét nét, đó là biểu hiện đầu tiên của sự hiền dịu yêu thương dành cho con mình của bà cụ. Rồi đến khi cụ biết thị là người vợ mà con mình nhặt về, thì lòng bà lặng lại, bà lão lập tức "hiểu ra bao nhiêu là cớ sự", con trai mình cũng đến tuổi dựng vợ gả chồng, âu cũng là chuyện tất yếu cả. Thế nhưng tấm lòng yêu con của người mẹ cũng từ lúc đó lại diễn ra bao mối lo khác, bà "ai oán xót thương cho số kiếp con trai mình" cũng là xót xa cho kiếp làm mẹ, nuôi con đến từng đấy tuổi đầu nhưng không có nổi cho con một nhúm trầu cau để hỏi vợ, khiến nó phải tự đưa một người phụ nữ về nhà nhận làm vợ. Bà lão vì thương con mà xúc động "trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai hàng nước mắt", con trai có vợ bà vui một nhưng buồn mười, trước cái cảnh đói kém, mạng người như rơm rác, cứ lâu lâu lại có một ai đó ngã xuống vì đói thì cái bà lo nhiều nhất là "biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không". Như vậy có thể thấy rằng, bà cụ Tứ không hề phản đối cuộc hôn nhân chớp nhoáng của Tràng, thậm chí bà đã ngầm chấp nhận thị làm con dâu, cái khiến bà trăn trở chỉ là gia cảnh khốn khó, bà sợ con khổ, rồi làm khổ cả người khác nữa. Một người mẹ thương con và thấu hiểu lẽ đời là vậy. Và sự thấu suốt ấy còn thể hiện rõ ràng thông qua phân cảnh bà nhìn thị mà nghĩ ngợi "Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mấy lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được. Thôi bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con...Chẳng may ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?". Thật tình chẳng mấy người mẹ có thể nghĩ được như bà cụ Tứ, cứ nhìn cái cảnh rách rưới, lại theo không về làm vợ người ta của thị không khéo chắc chẳng ai muốn nhận. Nhưng cụ Tứ lại khác, bà thậm chí biết ơn thị, thấu hiểu cho hoàn cảnh của thị, cũng ý thức rõ được hoàn cảnh của con mình, thế nên bà chọn cách tác hợp, với hy vọng về một mối lương duyên tốt đẹp cho con trai. Bởi lẽ, ngăn cấm chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí khiến cả con trai lẫn thị khổ sở. Bà hiền từ, đối đãi với người con dâu mới một cách khéo léo, không muốn để thị phải buồn lòng, trong lời với hai vợ chồng là lời khuyên lời dạy bảo với một niềm tin, niềm hy vọng vững chắc vào tương lai "Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?" khiến lòng đôi tân nhân cũng thêm phần phấn khởi. Mặc dù lòng bà cụ lúc nào cũng vẫn còn nhiều tối tăm, bà nhìn ra "cánh đồng tối", "bóng tối bao trùm lấy đôi mắt", "bà nghĩ đến cuộc đời khổ cực dài đằng đẵng của mình". Trong nỗi lòng thương con vô bờ bến bà chỉ hy vọng rằng vợ chồng Tràng được khấm khá hơn cuộc đời khốn khổ của mình. Nghĩ đến đời mình bà lão lại càng thấu cảm cho cuộc đời thị, bà nhìn thị "lòng đầy thương xót", cố thân mật với con dâu để thị đỡ cảm thấy lạnh lẽo, buồn tủi, trước cảnh cưới xin lạ lùng như này. Sau đêm tân hôn, cả căn nhà vốn tơi tả, u ám bỗng trở nên có không khí hẳn, thấy sự chu đáo tươm tất của thị bà lão như trút được gánh nặng trong lòng "cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên". Dẫu bữa cơm có thảm hại chỉ toàn rau chuối, cháo và muối nhưng cả nhà vẫn ăn rất ngon lành, bà cụ kể toàn những chuyện vui, thắp nên niềm tin vào tương lai cho vợ chồng Tràng, nào là nuôi gà, nào là chuyện làm ăn, không khí đầm ấm hẳn lên. Nồi cháo cám của bà cụ Tứ có lẽ chính là chi tiết đắt giá nhất của câu chuyện này, đó là món "chè khoán" mừng cặp vợ chồng mới cưới, thể hiện tấm lòng của bà cụ Tứ. Dẫu cuộc sống có khó khăn, kiệt quệ nhưng bà vẫn cố bòn cho được nồi cháo cám để làm giàu bữa ăn gia đình. Có lẽ rằng bà cụ Tứ thương vợ chồng Tràng không muốn họ phải chịu thiệt khi tân hôn mà vẫn phải ăn rau chuối, cháo kèm muối, nên mới có nồi cháo cám tuy đắng ghét, nghẹn ứ nơi cổ họng nhưng đó chính là tình thương sâu sắc của người mẹ dành cho con. Qua những chi tiết kể trên nhận định về tình thương con của bà cụ Tứ với những nét "vị tha, bao dung, lạc quan" là hoàn toàn chính xác. Về người đàn bà làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, ta lại thấy một số kiếp khác, một cuộc đời khốn khổ khác. Cách mạng đã thành công, đất nước đã độc lập, không còn nạn đói khủng khiếp những năm 44, 45, thế nhưng số kiếp người phụ nữ vẫn chưa thể khấm khá hơn được. Phải nói rằng người đàn bà trong truyện có một số phận bất hạnh vô cùng, xấu xí, cuộc sống lam lũ vất vả hơn cả nửa đời người để hy sinh cho gia đình, thế nhưng vẫn bị chồng bạo hành không thương tiếc. Cũng như bà cụ Tứ, người đàn bà làng chài cũng yêu thương con bằng sự thấu hiểu lẽ đời sâu sắc nhưng sự yêu thương này ngoài lòng bao dung thì điểm nhấn lại chính là tính hy sinh, nhẫn nhục chịu đựng của người phụ nữ. Cảnh người đàn bà làng chài bị chồng dùng thắt lưng da quất tới tấp, vừa đánh vừa mắng như kẻ thù,thế nhưng nghịch lý "người đàn bà với một vẻ nhẫn nhịn, cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu lên tiếng, không hề chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn". Điều ấy khiến người đọc có phần sửng sốt và khó hiểu, là chị đau đớn, nhục nhã đến chết lặng, hay chị cố chịu đựng vì điều gì khác? Thậm chí lúc được Phùng giúp ly hôn chị cũng một mực không chịu, chị van xin "quý tòa bắt tội con cũng được, đừng bắt con bỏ nó". Thực kỳ lạ khi trên đời lại có người phụ nữ muốn chung sống với kẻ hành hạ mình không tiếc tay như thế, nhưng rồi qua cuộc nói chuyện với Phùng và Đẩu, ta mới chợt vỡ lẽ ra nhiều điều. Có phải rằng chị không thể chống lại những trận đòn roi hay chị không thể ly hôn đâu, nhưng cuộc đời đâu có đơn giản đến thế, đâu có dễ dàng như cái cách mà Phùng vẫn thường tưởng tượng. Những lời bộc bạch sắc bén của chị đã khiến cả Phùng và Đẩu phải nín lặng, phải đổi cách nghĩ về cuộc đời, chị nói một câu "Là bởi vì các chú không phải đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của một người đàn bà trên chiếc thuyền không có đàn ông". Hóa ra chị nhẫn nhục, chịu đựng mọi sự bạo hành của chồng mà vẫn không chịu ly hôn là vì gần chục đứa con của mình. Phải nói rằng chẳng có gì có thể thiêng liêng và rộng lớn hơn tình mẹ cả, chị đã nguyện hy sinh cuộc đời, hy sinh sức khỏe, lòng tự trọng để hòng cho những đứa con bé bỏng được khôn lớn trong một gia đình đầy đủ. "Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được", chị cũng tự ý thức cho mình trách nhiệm cao cả của người phụ nữ với hơi hướng rất truyền thống "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khôn lớn nên phải gánh lấy cái khổ". Có thể nói rằng mỗi câu chữ của người đàn bà làng chài tuy mộc mạc giản đơn vậy, nhưng lại đều có lý lẽ riêng cả, trong đó chứa đựng sự thấu hiểu và từng trải sâu sắc của một người đàn bà đã quá nửa đời người. Là những cái lý mà Đẩu và Phùng không thể nào phản bác, bởi vì nó thật sự đúng, ông bà ta đã nói "Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh" là vậy, đời nay đâu ai có thể giống ai mà phán xét hay thay nhau quyết định. Nhưng cái thấu hiểu của người đàn bà làng chài không chỉ dừng lại ở sự hy sinh, nhẫn nhục và chịu đựng mà còn là tấm lòng bao dung, vị tha vô cùng. Chị lý giải việc lão chồng mình trở nên nóng nảy và cục cằn là bởi chị đẻ nhiều quá, bấy nhiêu miệng ăn khiến cuộc sống khó khăn đè nặng lên vai của người chồng, khiến ông ta trở nên đổi tính. Chị vẫn luôn nghĩ về người chồng đã cứu vớt chị khỏi những tháng ngày tăm tối nhất của cuộc đời, nghĩ về người con trai hiền lành như cục đất độ hơn chục năm về trước. Những ký ức đẹp đẽ và cả lòng biết ơn đã tiếp thêm sức mạnh khiến chị cố gắng trụ vững, nhẫn nhịn để nhà cửa được êm ấm, con cái được ăn no, mặc ấm thì bao nhiêu khổ cực chị cũng chịu được. Cả bà cụ Tứ và người đàn bà làng chài đều là những hình ảnh đại diện cho một thế hệ phụ nữ Việt Nam ta những năm trước cách mạng và những năm đầu đất nước được độc lập. Ở họ tồn tại những nỗi niềm, những bất hạnh, khốn khổ riêng nhưng lại luôn có những cái chung nhất ấy là tình yêu thương con vô bờ bến, là tấm lòng thấu hiểu lẽ đời, với bà cụ Tứ nổi bật là tấm lòng bao dung, vị tha còn ở người đàn bà làng chài là sự hy sinh, nhẫn nhục vì con cái. Nhưng nói thế không có nghĩa rằng bà cụ Tứ không có sự hy sinh, hay người đàn bà làng chài không có sự bao dung, ở họ đều có tất cả những đặc điểm ấy, chỉ là nó không được bộc lộ rõ nét trong tác phẩm mà thôi. Nguồn: Sưu tầm HocTot.XYZ
|