Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 1 - Chương II - Phần 2 - Lịch sử 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 15 phút - Đề số 1 - Chương 2 - Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV - Lịch sử 10

Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1. Trong những năm 60 của thế kỉ XV, vua Lê Thánh Tông đã có chủ trương gì?

A. Đưa giáo dục thi cử trở thành nguồn chính để đào tạo quan lại. 

B. Ban hành bộ Hoàng triều luật lệ.

C. Tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn.

D. Quyết định đổi tên nước là Đại Việt.

Câu 2. Các triều đại phong kiến Đại Việt đã thực hiện chính sách đối ngoại như thế nào đối với các nước láng giềng ở phía tây và phía nam?

A. Luôn giữ mối quan hệ thân thiện.

B. Sẵn sàng chiến đấu khi có chiến tranh.

C. Thực hiện đầy đủ lệ triều cống.

D. Luôn giữ vững tư thế của quốc gia độc lập, tự chủ.

Câu 3. “Loạn 12 sứ quân” là tình trạng của đất nước ta dưới thời nhà Ngô sau khi

A. nhà Đinh được thành lập.

B. Ngô Quyền mất.

C. Ngô Quyền xưng vương.

D. nhà Đinh sụp đổ. 

Câu 4. Thể chế quân chủ chuyên chế được hiểu là thể chế

A. vua là người đứng đầu, có quyền lực tối cao, trực tiếp điều hành và giải quyết mọi việc trọng đại của quốc gia.

B. vua và các tướng lĩnh quân sự cùng điều hành quản lí đất nước.

C. quyền lực tập trung trong tay một nhóm quý tộc cao cấp.

D. tầng lớp tăng lữ nắm vai trò quyết định trong các vấn đề chính trị và quân sự.

Câu 5. Các nhà nước phong kiến Việt Nam (thế kỉ XI – XV) đã không thực hiện chính sách đối ngoại nào sau đây?

A. Thực hiện cống nạp với các triều đại phương Bắc, nhưng vẫn giữ vững tư thế của một quốc gia độc lập, tự chủ.

B. Giữ mối quan hệ hòa hiếu, thân thiện với các nước láng giềng.

C. Thần phục các triều đại phương Bắc và các nước láng giềng.

D. Khi bị xâm lược hoặc bị xâm phạm biên giới thì sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Câu 6. Tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê có điểm gì khác so với thời Đinh – Tiền Lê?

A. Bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền cao độ.

B. Bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế  còn sơ khai.

C. Cả nước chia thành 10 đạo thừa tuyên, mỗi đạo có 3 ti.

D. Dưới vua có ba ban: ban văn, ban võ và tăng ban.

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Tại sao nói: Dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) chế độ phong kiến phát triển đến đỉnh cao trên tất cả các lĩnh vực?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1. C

2. A

3. B

4. A

5. C

6. A

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 88.

Cách giải:

Từ những năm 60 của thế kỉ XV, khi đất nước đã cường thịnh, vua Lê Thánh Tông tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn. Cụ thể:

- Bỏ chức tướng quốc, đại hành khiển; trực tiếp làm tổng chỉ huy quân đội, cấm các quan lập quân đội riêng.

- Vua nắm mọi quyền hành, giúp vua có 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), đứng đầu mỗi bộ có quan Thượng thư, bên cạnh bộ có Hàn Lâm Viện (công văn), Quốc sử viện (biên soạn lịch sử), Ngự sử đài (kiểm tra).

- Vua Lê Thánh Tông chia cả nước ra làm 13 đạo thừa tuyên do 3 ty cai quản là Đô ty (quân sự), Hiến ty (xử án), Thừa ty (hành chánh); dưới có phủ, huyện, châu (miền núi), xã.

Chọn: C

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 90.

Cách giải:

Trong hoạt động đối ngoại đối với các nước láng giềng ở phía tây và phía nam như Lan Xang, Cham-pa, Chân Lạp, nhà nước Đại Việt luôn giữ quan hệ thân thiện, mặc dù đôi lúc xảy ra chiến tranh.

Chọn: A

Chú ý:

Các đáp án: B, C D là đặc điểm chính sách đối ngoại của các triều đại phong kiến Đại Việt đối với các triều đại phong kiến phương Bắc.

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 87.

Cách giải:

Năm 944, Ngô Quyền mất, nhà Ngô suy vong, “Loạn 12 sứ quân” diễn ra, đất nước bị chia cắt. Tuy nhiên, khi Đinh Bộ Lĩnh đem quân dẹp yên nội loạn, đất nước trở lại thống nhất.

Chọn: B

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 88, suy luận.

Cách giải:

Thể chế quân chủ nghĩa là vua là người đứng đầu, có quyền lực tối cao, trực tiếp điều hành và giải quyết mọi việc trọng đại của quốc gia. Đây là thể chế của nhà nước Đại Việt qua các triều đại phong kiến, quyền hành của nhà vua càng cao thì tính chuyên chế càng lớn.

Chọn: A

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 90, suy luận.

Cách giải:

Chính sách đối ngoại của các nhà nước phong kiến Đại Việt thế kỉ XI – XV bao gồm:

- Với nước lớn phương Bắc:

+ Quan hệ hòa hiếu.

+ Đồng thời sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

- Với các nước láng giềng:

 Chămpa, Lào, Chân Lạp có lúc thân thiện, có lúc xảy ra chiến tranh.

Đáp án C: không phải chính sách đối ngoại của các triều đại phong kiến Đại Việt thế kỉ X – XV.

Chọn: C

Câu 6.

Phương pháp: so sánh, nhận xét.

Cách giải:

* Bảng so sánh bộ máy nhà nước thời Đinh - Tiền Lê với tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê

Nội dung

Nhà Đinh - Tiền Lê

Nhà Lê

Tổ chức bộ máy nhà nước

Chính quyền trung ương đứng đầu là vua, dưới vua có ba ban: ban văn, ban võ, tăng ban.

Chính quyền trung ương đứng đầu là vua, dưới vua là 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) và các cơ quan chuyên môn giúp việc.

Chính quyền địa phương

Chia cả nước thành 10 đạo

- Cả nước chia thành 13 đạo thừa tuyên, mỗi đạo có 3 ti: trông coi các mặt dân sự, quân sự, an ninh (đô ti, thừa ti, hiến ti).

- Dưới đạo là phủ, huyện, châu, xã.

Nhận xét

Bộ máy nhà nước quân chủ sơ khai.

Bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền cao độ.

Chọn: A

II. TỰ LUẬN

Phương pháp: sgk trang 88, 89, nhận xét.

Cách giải:

Dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) chế độ phong kiến phát triển đến đỉnh cao trên tất cả các lĩnh vực. Biểu hiện:

- Bộ máy nhà nước: từ Trung ương đến địa phương hoàn chỉnh, kiện toàn. Đứng đầu nhà nước là vua, dưới vua là 6 quan thượng thư đứng đầu 6 bộ,... Ở địa phương, cả nước chia làm 13 đạo thừa tuyên.

- Pháp luật: Bộ Quốc triều hình luật  có nội dung tiến bộ.

- Kinh tế: nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp,... đều phát triển

- Văn hóa: giáo dục: tổ chức 12 kì thi Hội, có 501 tiến sĩ,...

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close