Đề kiểm tra 45 phút phần 2 sử 10 - Đề số 4 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra 45 phút phần 2 sử 10 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Đề bài I. TRẮC NGHIỆM (4 điểm) Câu 1. Đâu không phải nguyên nhân khiến giặc Mông - Nguyên ba lần thất bại trong việc xâm lược nước ta? A. Nhân dân Đại Việt có tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc cao cả. B. Vua tôi nhà Trần có chính sách tích cực đúng đắn, sáng tạo. C. Lực lượng quân giặc hạn chế lại chủ quan trong quá trình tiến hành xâm lược. D. Tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến đấu chống quân xâm lược của quân dân nhà Trần. Câu 2. Cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê thắng lợi xuất phát từ nguyên nhân nào quan trọng? A. Sự lãnh đạo tài tình của Lê Hoàn và quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta. B. Sự lãnh đạo của Đinh Bộ Lĩnh và tinh thần đoàn kết chiến đấu của nhân dân ta. C. Sự lãnh đạo của Trần Quang Khải và tinh thần yêu nước của nhân dân ta. D. Sự lãnh đạo của Lý Thường Kiệt và ý chí bảo vệ nền độc lập của nhân dân ta. Câu 3. Một trong những đặc điểm quan trọng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo là A. Từ một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc phát triển và mở rộng ra ba nước Đông Dương. B. Căn cứ kháng chiến rộng lớn, kéo dài suốt 4 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An. C. Từ một cuộc chiến tranh ở địa phương phát triển thành một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. D. Tư tưởng nhân nghĩa được đề cao và mở rộng ở giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa. Câu 4. Nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thời Trần có điểm gì khác so với cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý? A. Thực hiện kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”. B. Thực hiện chiến lược “tiên phát chế nhân”. C. Sử dụng bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”. D. Thực hiện kế hoạch “Vườn không nhà trống”. Câu 5. Nghệ thuật sân khấu dân tộc từ thế kỉ X đến XV phát triển với nhiều hình thức gồm A. chèo, tuồng, múa rối. B. chèo, múa rối, điêu khắc. C. điêu khắc, sân khấu, âm nhạc. D. chèo, tuồng, tháp chùa. Câu 6. “Tướng võ, quan hầu đều biết chữ Thợ thuyền, thư lại cũng hay thơ” (Trần Nguyên Đán, Thơ văn Lý – Trần) Hai câu thơ trên phản ánh điều gì về văn hóa Đại Việt từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV? A. Sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật. B. Sự hoàn thiện của giáo dục Đại Việt. C. Sự phát triển của văn thơ thế kỉ XIV. D. Trình độ dân trí của người dân được nâng cao. Câu 7. Thành tựu kĩ thuật nào sau đây không phải của nhà Hồ? A. chế tạo súng theo mẫu của Pháp. B. chiến thuyền có lầu. C. thành nhà Hồ. D. chế tạo súng thần cơ. Câu 8. Giáo dục Nho giáo từ thế kỉ XI đến XV có điểm gì hạn chế? A. Không khuyến khích việc học hành thi cử. B. Chỉ con em quan lại, địa chủ mới được đi học. C. Nội dung chủ yếu là kinh sử. D. Không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế. Câu 9. Công trình nào được xây dựng từ cuối thế kỉ XIV, là điển hình của nghệ thuật xây thành ở nước ta? A. Kinh thành Thăng Long. B. Hoàng thành Thăng Long. C. Thành nhà Hồ (Thanh Hóa). D. Kinh thành Huế. Câu 10: Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, nhân dân ta đã bao nhiêu lần phải đối mặt với quân xâm lược Tống? A. ba lần. B. bốn lần. C. hai lần. D. một lần. II. TỰ LUẬN (6 điểm) Câu 1: (4 điểm) Trình bày tóm lược về sự phát triển của giáo dục thời Lý - Trần, và thời Lê sơ? Câu 2: (2 điểm) Ở địa phương nơi em sống có những nghề thủ công truyền thống nào? Hãy cho biết vai trò của nghề thủ công đó đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT I. TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Phương pháp: sgk trang 98, suy luận, Cách giải: Nhà Trần mới xây dựng đã phải liên tiếp 3 lần chống quân xâm lược Mông - Nguyên đang ở thời kì hùng mạnh bậc nhất thế giới => Không thể nói quân Mông – Nguyên thất bại do lực lượng hạn chế. Chọn: C Câu 2. Phương pháp: sgk trang 96, suy luận. Cách giải: Nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê bao gồm: - Có sự lãnh đạo, chỉ huy tài tình của Lê Hoàn. - Ý chí quyết tâm chiến đầu bảo vệ nền độc lập dân tộc của quân và dân ta. Chọn: A Câu 3. Phương pháp: Đánh giá, nhận xét. Cách giải: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo có những đặc điểm sau: * Đặc điểm: - Từ một cuộc chiến tranh ở địa phương (nổ ra tại Lam Sơn - Thanh Hóa) phát triển thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. - Suốt từ đầu đến cuối cuộc khởi nghĩa, tư tưởng nhân nghĩa luôn được đề cao. + Tư tưởng của “Bình Ngô đại cáo” là tư tưởng xuyên suốt phong trào đấu tranh. “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn Lấy chí nhân để thay cường bạo” + Khi giặc rơi vào thế cùng quẫn, nghĩa quân đã “thể đức hiếu sinh” cấp ngựa, thuyền cho chúng rút về nước. - Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có căn cứ kháng chiến tại Lam Sơn (Thanh Hóa) => có đại bản doanh, căn cứ địa. Chọn: C Câu 4. Phương pháp: Phân tích, so sánh. Cách giải: *Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý: - Lý Thường Kiệt sử dụng nghệ thuật “tiên phát chế nhân”, đem quân đánh bất ngờ sang đất Tống. - Sử dụng cách đánh về tinh thần làm cho địch hoang mang rồi đánh phủ đầu giành thắng lợi quyết định: sử dụng “bài thơ Thần” “Nam quốc sơn hà” trên sông Như Nguyệt. *Cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên thời Trần: - Thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”. - Nhà Trần phải đối phó với kẻ thù quá mạnh nên vua tôi nhà Trần sử dụng cách đánh lâu dài làm địch suy yếu rồi đánh đòn quyết định. Chọn: D Câu 5. Phương pháp: sgk trang 104. Cách giải: Nghệ thuật sân khấu dân tộc từ thế kỉ X đến thế kỉ XV phát triển: - Chèo, tuồng ra đời từ sớm và ngày càng phát triển. - Múa rối nước là một nghệ thuật đặc sắc, phát triển từ thời Lý. Chọn: A Câu 6. Phương pháp: sgk trang 103. Cách giải: Văn thơ Đại Việt từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV phát triển đến mức cuối thế kỉ XIV, Trần Nguyên Hãn phải thốt lên câu thơ này => Câu thơ biểu hiện sự phát triển của văn thơ Đại Việt thế kỉ XIV. Chọn: C Câu 7. Phương pháp: sgk trang 105, suy luận. Cách giải: Dưới thời nhà Hồ, nhu cầu quốc phòng đã tạo điều kiện cho các quan xưởng, dưới sự chỉ đại của Hồ Nguyên Trừng, chế tạo súng thần cơ và đóng các chiến thuyền có lầu. Thành nhà Hồ (ở Thanh Hóa) cũng là một thành tựu kĩ thuật quan trọng. Chọn: A Câu 8. Phương pháp: sgk trang 103, suy luận. Cách giải: Từ thế kỉ XI đến XV, giáo dục Nho giáo phát triển. Nho giáo trở thành hệ tư tưởng quan trọng của nhà nước nên là nội dung quan trọng trong thi cử. Tuy nhiên, giáo dục Nho học lại không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế. Đây là điểm hạn chế của giáo dục Nho học từ thế kỉ XI đến XV. Chọn: D Câu 9. Phương pháp: Liên hệ. Cách giải: - Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép Vua Trần Thuận Tông rời đô từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là Đại Ngu (1400-1407), thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Thành Nhà Hồ trong lịch sử còn có các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai. - Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới. Chọn: C Câu 10: Phương pháp: Dựa vào nội dung về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống để trả lời. Cách giải: Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, nhân dân ta phải đương đầu với hai lần xâm lược của nhà Tống: - Cuộc xâm lược của quân Tống thời Lý. - Cuộc xâm lược của quân Tống thời Tiền Lê. Chọn: C II. TỰ LUẬN Câu 1: Phương pháp: sgk trang 102. Cách giải: * Thời Lý, Trần: - Do đòi hỏi phải tuyển những người tài đức để phục vụ đất nước nên việc giáo dục và thi cử được các triều đại coi trọng. - Nhà Lý: + Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử đặt tại Thăng Long. + Năm 1075, mở khoa thi quốc gia đầu tiên. + Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử giám tại kinh thành. - Nhà Trần: + Giáo dục ngày càng mở rộng. + Năm 1247, vua Trần Thái Tông đã cho đặt bộ máy Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). - Nhà Hồ: ban hành những quy định để đưa thi cử vào nề nếp, đưa toán vào thi cử. * Thời Lê sơ: phát triển mạnh mẽ nhất dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497). - Mở rộng trường công của nhà nước đến các địa phương. - Quy định 3 năm mở một kì thi Hội đế lựa chọn tiến sĩ. - Năm 1484, cho dựng bia ghi tên những người đỗ tiến sĩ đặt trong Văn Miếu. - Thời Lê Thánh Tông đã tổ chức được 12 khoa thi Hội, lấy đỗ được hàng trăm tiến sĩ. Câu 2: Phương pháp: liên hệ tình hình địa phương để trả lời. Cách giải: - Ở địa phương nơi em sống có những nghề thủ công truyền thống như: làm gốm Thổ Hà, rượu nếp cái hoa vàng làng Vân (Việt Yên - Bắc Giang),... - Vai trò của nghề thủ công đó đối với sự phát triển kinh tế của địa phương: + Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. + Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, đa dạng hóa kinh tế nông thôn thúc đẩy quá trình đô thị hóa. + Góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. HocTot.XYZ
|