Đề kiểm tra học kì 1 sử 9 - Đề số 8 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra học kì 1 sử 9 - Đề số 8 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Đề bài I-TRẮC NGHIỆM (6 điểm) Câu 1: Kế hoạch 5 năm (1946-1950) của Liên Xô đã hoàn thành trước thời hạn bao lâu? A. 1 năm 3 tháng B. 9 tháng C. 12 tháng D. 10 tháng Câu 2: Biểu hiện nào chứng tỏ Liên Xô đã trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới? A. Sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm tăng 9,6% B. Sản lượng công nghiệp Liên Xô chiếm khoảng 20% sản lượng công nghiệp thế giới C. Chế tạo thành công bom nguyên tử D. Phóng thành công vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ Câu 3. Từ năm 1950 đến năm 1975, Liên Xô đã đề ra và thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn với mục đích gì? A. Phấn đấu đạt 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới. B. Hoàn thành cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa nền kinh tế. C. Trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới. D. Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất-kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội Câu 4: Tình hình chính trị của các nước Đông Âu trước chiến tranh thế giới thứ hai có đặc điểm gì? A. Bị phát xít Đức chiếm đóng B. Lệ thuộc vào Liên Xô C. Là thuộc địa của các nước tư bản Tây Âu D. Lệ thuộc vào các nước tư bản Tây Âu Câu 5: Sự kiện nào đã mở đầu chinh phục vũ trụ của loài người trong thế kỉ XX? A. Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ B. Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ có người bay vào vũ trụ C. Mĩ đưa con người đặt chân lên mặt trăng D. Mĩ chế tạo thành công máy bay Câu 6. Nguyên nhân chủ yếu nào khiến Liên Xô phải tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (1946-1950)? A. Các nước đế quốc tiến hành bao vây cấm vận Liên Xô B. Liên Xô chịu tổn thất nặng nề từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai C. Phong trào cách mạng thế giới phát triển cần có sự giúp đỡ của Liên Xô D. Mĩ đang chuẩn bị phát động cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô Câu 7: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước Đông Âu đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng nào? A.Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. B.Tập thể hóa nông nghiệp. C.Thực hiện chế độ bao cấp về kinh tế. D.Rập khuôn máy móc mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô Câu 8: Điểm nổi bật trong đường lối đối ngoại của Inđônêxia và Miến Điện từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX là A. Ủng hộ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa B. Ủng hộ Mĩ trong cuộc chiến tranh Việt Nam C. Hòa bình, trung lập D. Đứng về phía Mĩ, tham gia vào khối SEATO Câu 9: “Phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực” là mục tiêu hoạt động của tổ chức nào? A. Liên hợp quốc B. SEATO C. ASEAN D. APEC Câu 10: Những thành viên sáng lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm các quốc gia nào? A. Thái Lan, Inđônêxia, Xingapo, Malaysia, Philippin B. Thái Lan, Mianma, Philippin, Malaysia, Inđônêxia C. Xingapo, Indonexia, Thái Lan, Brunây, Mianma D. Philippin, Mianma, Indonexia, Thái Lan, Xingapo Câu 11: Chiến lược nào được chính phủ Nam Phi đề ra nhằm xóa bỏ chế độ Apacthai về kinh tế? A. Phân phối lại hàng hóa và thị trường. B. Tăng trưởng, việc làm và phân phối lại C. Bình đẳng trong kinh tế D. Tăng trưởng bền vững Câu 12: Năm 1990, ở nước Đức đã diễn ra sự kiện lịch sử gì? A.Bức tường Béc-lin sụp đổ. B.Nước Đức tái thống nhất. C.Hai nước Đức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. D.Hai nước Đức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau. Câu 13: Từ những năm 50 của thế kỉ XX, trong hoạt động kinh tế của các nước Tây Âu có điểm gì nổi bật? A. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc B. Sự liên kết kinh tế giữa các nước trong khu vực C. Mở rộng hoạt động thương mại với các nước châu Á D. Mở rộng quan hệ kinh tế với khối SEV Câu 14: Hiệp ước nào đã đánh dấu bước chuyển từ Cộng đồng châu Âu (EC) sang Liên minh châu Âu (EU)? A. Hiệp ước Rôma B. Hiệp ước Maxtrích C. Định ước Henxinki D. Hiệp ước Lisbon Câu 15: Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) ra đời nhằm mục đích gì? A.Hình thành một thị trường chung, tự do thuế quan, nhân công, tư bản B.Cạnh tranh với khối SEV C.Nâng cao vị thế của Tây Âu trên trường quốc tế D.Cạnh tranh với Mĩ Câu 16: Cuộc cách mạng nào được tiến hành sau khi giành độc lập đã giúp Ấn Độ tự túc được lương thực cho toàn bộ người dân? A. Cách mạng xanh B. Cách mạng chất xám C. Cách mạng trắng D. Cách mạng nhung. II- TỰ LUẬN (4 điểm) Câu 17. Hãy nêu các giai đoạn phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, Phi và Mỹ Latinh từ sau năm 1945 đến nay. Trình bày các sự kiện lịch sử tiêu biểu của mỗi giai đoạn? Câu 18. Trình bày những nét nổi bật trong chính sách đối nội, đối ngoại của Nhật Bản. Lời giải chi tiết
Câu 1 Phương pháp: Dựa vào phần kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (1946 – 1950) của Liên Xô để trả lời Cách giải: Nhân dân Xô Viết đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (1946-1950) trước thời hạn 9 tháng Chọn: B Câu 2 Phương pháp: Dựa vào thành tựu công cuộc xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của CNXH ở Liên Xô để trả lời. Cách giải: Đến nửa đầu những năm 70, Liên Xô là cường quốc công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới (sau Mĩ), chiếm khoảng 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới. Chọn: B Câu 3 Phương pháp: Dựa vào mục đích thực hiện các kế hoạch dài hạn ở Liên Xô giai đoạn 1950 – 1975 để trả lời. Cách giải: Sau khi hoàn thành việc khôi phục kinh tế, Liên Xô tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội với việc thực hiện các kế hoạch dài hạn như kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1951-1955), lần sáu (1956-1960) và kế hoạch 7 năm (1959-1965) Chọn: D Câu 4 Phương pháp: Dựa vào tình hình chính trị của các nước Đông Âu trước Chiến tranh thế giới thứ hai để trả lời. Cách giải: Trước chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Âu đều lệ thuộc vào các nước tư bản Tây Âu Chọn: D Câu 5 Phương pháp: Dựa vào thành tựu khoa học – kĩ thuật của Liên Xô sau năm 1945 để trả lời Cách giải: Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo lên khoảng không vũ trụ, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người Chọn: A Câu 6 Phương pháp: Dựa vào hoàn cảnh lịch sử của Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai để suy luận trả lời Cách giải: Bước ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai tuy với tư thế của người chiến thắng những Liên Xô đã phải chịu những tổn thất nặng nề: 27 triệu người chết, 1710 thành phố, 32000 làng mạc bị phá hủy, sản xuất đình trệ… => Liên Xô buộc phải tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (1946 – 1950) Chọn: B Câu 7 Phương pháp: Dựa vào quá trình xây dựng chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu để phân tích, đánh giá Cách giải: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước Đông Âu đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng đó là việc học tập, vận dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trong khi xuất phát điểm và hoàn cảnh đất nước có nhiều khác biệt. Chọn: D Câu 8 Phương pháp: Dựa vào chính sách đối ngoại của các nước Đông Nam Á từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX để trả lời. Cách giải: Trong thời kì chiến tranh lạnh, Inđônêxia và Miến Điện thi hành chính sách hòa bình trung lập, không tham gia vào các khối quân sự xâm lược của các nước đế quốc. Điều này thể hiện sự phân hóa trong đường lối đối ngoại của các nước Đông Nam Á từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX. Chọn: C Câu 9 Phương pháp: Dựa vào mục tiêu hoạt động của các tổ chức được hình thành ở Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai để trả lời. Cách giải: Trong tuyên bố Băng Cốc năm 1967 đã xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Chọn: C Câu 10 Phương pháp: Dựa vào phần sự thành lập của tổ chức ASEAN để trả lời. Cách giải: Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước: Thái Lan, Inđônêxia, Xingapo, Malaysia, Philippin. Chọn: A Câu 11 Phương pháp: Dựa vào tình hình kinh tế- xã hội của Nam Phi để trả lời. Cách giải: Năm 1996, chính phủ Nam Phi đã đưa ra chiến lược kinh tế vĩ mô với tên gọi “Tăng trưởng, việc làm và phân phối lại” nhằm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện mức sống của người da đen, xóa bỏ chế độ Apacthai về kinh tế vốn còn tồn tại với người da đen Chọn: B Câu 12 Phương pháp: Dựa vào tình hình nước Đức cuối thế kỉ XX để trả lời. Cách giải: Ngày 3-10-1990, Cộng hòa Dân chủ Đức sáp nhập vào Cộng hòa Liên Bang Đức thành nước Đức thống nhất. Ngày nay, Đức là một quốc gia có thế lực kinh tế, quân sự lớn mạnh nhất Tây Âu. Chọn đáp án: B Câu 13 Phương pháp: Dựa vào tình hình các nước Tây Âu từ những năm 50 của thế kỉ XX để trả lời. Cách giải: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là từ năm 1950 khi nền kinh tế các nước Tây Âu được khôi phục, một xu hướng ngày càng nổi bật là sự liên kết kinh tế giữa các nước trong khu vực. Biểu hiện: - Sự ra đời của “Cộng đồng than – thép châu Âu” (4-1951). - “Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu” (3-1957) rồi thành lập “Cộng đồng kinh tế châu Âu”. Chọn đáp án: B Câu 14 Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của quá trình liên kết khu vực ở Tây Âu để trả lời. Cách giải: Ngày 7-12-1991, các nước thành viên EC kí Hiệp ước Maxtrích (Hà Lan), có hiệu lực từ ngày 1-1-1993 đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU). Chọn đáp án: B Câu 15 Phương pháp: Dựa vào mục đích thành lập “Cộng đồng kinh tế châu Âu” để trả lời. Cách giải: Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) ra đời nhằm hình thành một thị trường chung để xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa 6 nước, tiến tới thực hiện tự do lưu thông về nhân công và tư bản… Đồng thời có một chính sách thống nhất trong nông nghiệp và giao thông. Chọn đáp án: A Câu 16 Phương pháp: Dựa vào tình hình xây dựng đất nước của Ấn Độ sau khi giành độc lập để trả lời. Cách giải: Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nhờ cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, Ấn Độ đã tự túc được lương thực cho số dân hơn 1 tỉ người Chọn đáp án A Câu 17. Hãy nêu các giai đoạn phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, Phi và Mỹ Latinh từ sau năm 1945 đến nay. Trình bày các sự kiện lịch sử tiêu biểu của mỗi giai đoạn? Phương pháp: Xem lại bài phong trào giải phóng dân tộc của châu Á, Phi và Mỹ La-tinh. Cách giải: *Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh trải qua 3 giai đoạn: - Giai đoạn từ năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX. - Giai đoạn từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX. - Giai đoạn từ giữa những năm 70 đến giữa những năm 90 của thế kỉ XX. *Các sự kiện lịch sử tiêu biểu: - Giai đoạn 1: + Ngay khi được tin phát xít Nhật đầu hàng, nhân dân nhiều nước Đông Nam Á đã nổi dậy, tiến hành khởi nghĩa vũ trang, lật đổ ách thống trị của phát xít thành lập chính quyền cách mạng, tiêu biểu là các nước: In-đô-nê-xi-a 17/8/1945, Việt Nam 2/9/1945, Lào 12/10/1945. + Phong trào đấu tranh lan nhanh sang các nước Nam Á và Bắc Phi: Nhiều nước ở hai khu vực này liên tiếp nổi dậy giành độc lập như Ấn Độ (1946-1950), Ai Cập (1952), An-giê-ri (1954-1962)… Năm 1960, 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập. Ngày 1/1/1959, cuộc cách mạng nhân dân ở Cu Ba dưới sự lãnh đạo của Phi-đen Ca-xto-rô đã giành được thắng lợi. Chế độ độc tài thân Mĩ bị lật đổ. - Giai đoạn 2: Từ đầu những năm 60, nhân dân ba nước Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích và Ghi-nê Bít-xao đã tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ ách thống trị của Bồ Đào Nha. Tháng 4/1974, ở Bồ Đào Nha nổ ra cuộc đấu tranh lật đổ độc tài, tồn tại từ năm 1926, chính quyền mới ở Bồ Đào Nha đã tuyên bố trao trả độc lập cho Ghi nê Bít-xao (9/1974), Mô-dăm-bích (6/1975) và Ăng-gô-la (11/1975). - Giai đoạn 3: + Từ cuối những năm 70 của thế kỉ XX chủ nghĩa thực dân chỉ tồn tại dưới hình thức cuối cùng của nó là chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai, tập trung ở Nam Phi, Rô-đê-di-a, Tây Nam Phi. + Sau nhiều năm đấu tranh ngoan cường và bền bỉ của người da đen, chính quyền thực dân của giai cấp thống trị người da trắng đã tuyên bố xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc, công nhận quyền bầu cử,… Sau khi giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử, chính quyền người da đen đã được thành lập ở Rô-đê-di-a năm 1980 và ở Tây Nam Phi năm 1990,… Câu 18. Trình bày những nét nổi bật trong chính sách đối nội, đối ngoại của Nhật Bản. Phương pháp: Xem lại kiến thức bài Nhật Bản. Cách giải: Những nét nổi bật trong chính sách đối nội, đối ngoại của Nhật Bản, *Về đối nội: - Nhờ những cải cách sau chiến tranh, Nhật Bản đã chuyển từ một xã hội chuyên chế sang một xã hội dân chủ. Đảng Cộng sản và nhiều chính đảng khác được công khai hoạt động, phong trào bãi công và các phong trào dân chủ phát triển rộng rãi. - Suốt một thời kì dài từ năm 1955 đến năm 1993, Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản liên tục cầm quyền. Nhưng từ năm 1993, Đảng Dân chủ Tự do đã mất quyền lập Chính phủ, phải nhường chỗ hoặc liên minh với các lực lượng đối lập. *Đối ngoại: - Sau chiến tranh Nhật Bản là một nước bại trận, hoàn toàn lệ thuộc vào Mĩ về chính trị và an ninh. Ngày 8/9/1951, Nhật Bản kí với Mĩ “Hiệp ước an ninh Mĩ-Nhật”, theo đó Nhật Bản chấp nhận đặt dưới “ô bảo vệ hạt nhân” của Mĩ và để Mĩ đóng quân, xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản. - Hiệp ước an ninh Mĩ-Nhật đã được gia hạn vào các năm 1960, 1970 và được nâng cấp vào các năm 1996, 1997. Nhờ đó, trong thời kì “Chiến tranh lạnh”, Nhật Bản chỉ dành 1% tổng sản phẩm quốc dân cho những chi phí quân sự, còn tập trung sức vào phát triển kinh tế (trong khi các nước khác chi phí quân sự là 4-5%, thậm chí có nước lên tới 20%). - Từ nhiều thập niên qua, giới cầm quyền Nhật Bản thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo về chính trị, tập trung và phát triển các quan hệ về kinh tế đối ngoại như trao đổi buôn bán,… - Từ những năm 90 của thế kỉ XX, Nhật Bản nỗ lực vươn mình lên trở thành một cường quốc chính trị để tương xứng với vị trí siêu cường kinh tế của mình. HocTot.XYZ
|