Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 2 - Đề số 2

Buổi sớm mùa hè trong thung lũng Rừng núi còn chìm đắm trong màn đêm. Trong bầu không khí đầy hơi ẩm và lành lạnh, mọi người đang ngon giấc trong những chiếc chăn đơn. Bỗng một con gà trống vỗ cánh phành phạch và cất tiếng gáy lanh lảnh ở đầu bản.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Buổi sớm mùa hè trong thung lũng

            Rừng núi còn chìm đắm trong màn đêm. Trong bầu không khí đầy hơi ẩm và lành lạnh, mọi người đang ngon giấc trong những chiếc chăn đơn. Bỗng một con gà trống vỗ cánh phành phạch và cất tiếng gáy lanh lảnh ở đầu bản. Tiếp đó, rải rác khắp thung lũng, tiếng gà gáy râm ran. Mấy con gà rừng trên núi cũng thức dậy gáy te te.

            Trên mấy cây cao cạnh nhà, ve đua nhau kêu ra rả. Ngoài suối, tiếng chim cuốc vọng vào đều đều. Bản làng đã thức giấc. Đó đây, ánh lửa hồng bập bùng trên các bếp. Ngoài bờ ruộng đã có bước chân người đi, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng gọi nhau í ới.

(Hoàng Hữu Bội)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Dòng nào dưới đây nêu đúng tên các con vật được tả trong bài?

A. Gà trống, gà rừng, ve, chim cuốc

B. Gà trống, gà mái, ve, chim cuốc

C. Gà trống, gà mái, gà rừng, chim cuốc

D.Gà trống, chim sẻ, gà rừng, ve.

Câu 2. Tiếng gà gáy sớm mùa hè vùng cao được tả qua những từ nào?

A. Phành phạch, râm ran, te te.

B. Lanh lảnh, phành phạch, te te

C. Lanh lảnh, râm ran, te te

D. Rầm rầm, lanh lảnh.

Câu 3. Cảnh sáng sớm ở vùng cao được tác giả tập trung miêu tả điều gì?

A.  Những hình ảnh nổi bật.

B. Những âm thanh nổi bật.

C. Những sự việc diễn ra.

D. Hoạt động của con người.

Câu 4. Bài đọc trên tả khoảng thời gian nào trong ngày?

A. Buổi chiều

B. Buổi trưa

C. Buổi đêm

D. Buổi sáng sớm.

Câu 5. Nội dung bài đọc nói về điều gì?

Câu 6. Câu “Chị Chín khóc nức nở vì xúc động” thuộc kiểu câu nào?

A. Câu giới thiệu.

B. Câu nêu đặc điểm

C. Câu nêu hoạt động.

D. Không thuộc kiểu câu nào.

Câu 7. Gạch chân dưới từ chỉ đặc điểm có trong câu sau:

Ở ngôi làng nhỏ có một ông chủ giàu có, ông có một người đầy tớ chăm chỉ.

Câu 8: Sắp xếp các từ dưới đây thành 2 câu khác nhau và viết lại cho đúng:

lưng/mái tóc/ bà em/bạc phơ/còng/và

B. Kiểm tra viết

1. Nghe viết

Con sóc

            Trong hốc cây có một chú sóc. Sóc có bộ lông màu xám nhưng dưới bụng lại đỏ hung, chóp đuôi cũng đỏ. Đuôi sóc xù như cái chổi và hai mắt tinh anh. Sóc không đứng yên lúc nào, thoắt trèo, thoắt nhảy.

Phan Thị Thanh Nhàn

2. Viết đoạn văn từ 4-5 câu giới thiệu một đồ dùng học tập của em.

-------- Hết --------

Lời giải

  HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. A

2. C

3. B

4. D

6. C

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Dòng nào dưới đây nêu đúng tên các con vật được tả trong bài?

A. Gà trống, gà rừng, ve, chim cuốc

B. Gà trống, gà mái, ve, chim cuốc

C. Gà trống, gà mái, gà rừng, chim cuốc

D.Gà trống, chim sẻ, gà rừng, ve.

Phương pháp giải:

Em đọc từ “Bỗng một con gà trống…” đến “…vọng vào đều đều.”.

Lời giải chi tiết:

Các con vật được tả trong bài là gà trống, gà rừng, ve, chim cuốc.

Đáp án A.

Câu 2. Tiếng gà gáy sớm mùa hè vùng cao được tả qua những từ nào?

A. Phành phạch, râm ran, te te.

B. Lanh lảnh, phành phạch, te te

C. Lanh lảnh, râm ran, te te

D. Rầm rầm, lanh lảnh.

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ nhất của bài đọc.

Lời giải chi tiết:

Tiếng gà gáy sớm mùa hè vùng cao được tả qua những từ: lanh lảnh, râm ran, te te.

Đáp án C.

Câu 3. Cảnh sáng sớm ở vùng cao được tác giả tập trung miêu tả điều gì?

A.  Những hình ảnh nổi bật.

B. Những âm thanh nổi bật.

C. Những sự việc diễn ra.

D. Hoạt động của con người.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài đọc để xem điều gì được tác giả tả nhiều nhất.

Lời giải chi tiết:

Cảnh sáng sớm ở vùng cao được tác giả tập trung miêu tả những âm thanh nổi bật.

Đáp án B.

Câu 4. Bài đọc trên tả khoảng thời gian nào trong ngày?

A. Buổi chiều

B. Buổi trưa

C. Buổi đêm

D. Buổi sáng sớm.

Phương pháp giải:

Em dựa vào tên bài đọc và đoạn thứ nhất của bài đọc.

Lời giải chi tiết:

Bài đọc trên tả buổi sáng sớm trong ngày.

Đáp án D.

Câu 5. Nội dung bài đọc nói về điều gì?

Phương pháp giải:

Em đọc lại toàn bộ bài đọc để biết bài đọc trên miêu tả cảnh gì.

Lời giải chi tiết:

Nội dung bài tả về cảnh sáng sớm ở một bản làng vùng núi./ Bài đọc tả cảnh buổi sáng ở vùng núi./ Bài đọc cho em biết được cảnh buổi sáng và hoạt động của con người ở vùng núi.

Câu 6. Câu “Chị Chín khóc nức nở vì xúc động” thuộc kiểu câu nào?

A. Câu giới thiệu.

B. Câu nêu đặc điểm

C. Câu nêu hoạt động.

D. Không thuộc kiểu câu nào.

Phương pháp giải:

Em xác định chủ thể của câu và từ đứng sau chủ thể là từ chỉ gì, từ đó em biết được câu trên thuộc kiểu câu nào.

Lời giải chi tiết:

Câu “Chị Chín khóc nức nở vì xúc động” là câu nêu hoạt động.

Đáp án C.

Câu 7. Gạch chân dưới từ chỉ đặc điểm có trong câu sau:

Ở ngôi làng nhỏ có một ông chủ giàu có, ông có một người đầy tớ chăm chỉ.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ câu văn, tìm các từ chỉ đặc điểm của con người.

Lời giải chi tiết:

Ở ngôi làng nhỏ có một ông chủ giàu có, ông có một người đầy tớ chăm chỉ.

Câu 8: Sắp xếp các từ dưới đây thành 2 câu khác nhau và viết lại cho đúng:

lưng/mái tóc/ bà em/bạc phơ/còng/và

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các từ, lựa chọn từ đứng đầu câu phù hợp và sắp xếp các từ còn lại sao cho câu có nghĩa.

Lời giải chi tiết:

Lưng bà em còng và mái tóc bạc phơ.

Mái tóc bà em bạc phơ và lưng còng.

B. Kiểm tra viết

1. Nghe viết

HS viết khoảng 60 chữ

- Đúng kiểu chữ, cỡ chữ

- Đúng tốc độ, đúng chính tả

- Trình bày sạch đẹp

2. Viết đoạn văn từ 4-5 câu giới thiệu một đồ dùng học tập của em.

Phương pháp giải:

Em hãy trả lời các câu hỏi sau để tìm ý viết đoạn văn:

- Em sẽ giới thiệu đồ vật gì?

- Đồ vật đó có những bộ phận nào?

- Đồ vật đó giúp ích gì cho em?

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Đầu năm học, mẹ mua cho em một chiếc cặp sách mới rất đẹp. Cặp có hình chữ nhật đứng thẳng, lớn như cái gối nhỏ vẫn dùng để tựa lưng. Toàn bộ cặp được may từ vải dù màu đen, nên vừa ít bị bám bụi bẩn lại chống thấm nước. Bên trong cặp rất rộng rãi, được chia thành ba ngăn nhỏ để em cất sách vở. Em rất yêu quý chiếc cặp sách của mình, nên luôn giữ gìn cặp sách cẩn thận.

Bài tham khảo 2:

Em có một chiếc hộp bút rất đẹp do mẹ mua cho nhân dịp sinh nhật. Hộp được làm từ nhựa cứng màu hồng pha kim tuyến rất xinh xắn. Trên nắp hộp còn có hình vẽ nàng công chúa Bạch Tuyết và bảy chú lùn siêu đáng yêu. Không gian bên trong hộp khác rộng rãi, nên em có thể đựng đủ những chiếc bút của mình. Em thường để hộp bút ở ngăn riêng bên ngoài chứ không để cùng sách vở để hộp không bị hư khi di chuyển.

Bài tham khảo 3:

Chiếc bút máy này của em được ông nội tặng cho nhân dịp sinh nhật năm ngoái. Bút dài bằng một gang tay, phình to giữa thân và có lớp áo màu đen bóng. Phần viền của nắp và đuôi bút thì có màu vàng óng ánh, như dòng chữ “Nét chữ nết người” ở giữa thân bút. Ống đựng mực của bút khá to, nên mỗi lần bơm đầy em có thể dùng cả hai ngày mới hết. Vì đây là món quà của ông, nên em rất giữ gìn và nâng niu, để nó được bền và đẹp mãi.

  • Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 2 - Đề số 3

    Người lính cứu hỏa Ngọn lửa bao trùm tòa nhà, tiếng cháy bên trong lộp độp, hòa lẫn tiếng kêu cứu thất thanh của người dân đang mắc kẹt bên trong. Mẹ và tôi cùng các cô, chú hàng xóm đều lo và sợ hãi, chỉ mong không có thiệt hại về người. Rất nhanh, xe cứu hoa đã xuất hiện.

  • Đề thi cuối học kì 1 Tiếng Việt 2 - Đề số 1

    Thần đồng Lương Thế Vinh Lương Thế Vinh từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh. Có lần, cậu đang chơi bên gốc đa cùng các bạn thì thấy một bà gánh bưởi đi qua. Đến gần gốc đa, bà bán bưởi vấp ngã, bưởi lăn tung tóe dưới đất. Có mấy trái lăn xuống một cái hố sâu bên đường.

close