Đề thi học kì 2 Tiếng Việt 4 CTST - Đề số 4Tải về Tiếng hát buổi sớm mai Rạng đông, mặt trời tỏa những tia nắng dịu dàng xuống muôn vật. Bên bìa rừng có một bông hoa lạ, năm cánh mịn như nhung. Bông hoa tỏa hương thơm ngát. Quanh nó, thấp thoáng những cánh bướm dập dờn. Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 4 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề bài A. Kiểm tra đọc I. Đọc thành tiếng - GV cho học sinh đọc văn bản bài “Cậu bé gặt gió” (trang 79) Tiếng Việt 4 Tập 2 - Chân trời sáng tạo. - Dựa vào nội dung bài đọc, HS trả lời câu hỏi: Theo em, việc chế tạo thành công chiếc cối xay gió đã mở ra những gì cho tương lai của Uy-li-am và những người dân trong vùng? II. Đọc thầm văn bản sau: Tiếng hát buổi sớm mai Rạng đông, mặt trời tỏa những tia nắng dịu dàng xuống muôn vật. Bên bìa rừng có một bông hoa lạ, năm cánh mịn như nhung. Bông hoa tỏa hương thơm ngát. Quanh nó, thấp thoáng những cánh bướm dập dờn. Mặt trời mỉm cười với hoa. Thế là bông hoa cất tiếng hát. Nó hát mãi, hát mãi. Cuối cùng, nó hỏi gió xem thích bài hát đó không. Gió ngạc nhiên: – Ơ, chính tôi hát đấy chứ. Tôi đã làm những cánh hoa của bạn đung đưa, tạo thành tiếng lao xao nên bạn cứ tưởng mình hát. Hoa lại hỏi sương. Những hạt sương long lanh trả lời: – Bạn nhầm rồi! Đó chính là tiếng ngân nga thánh thót của chúng tôi. Tranh cãi mãi, chẳng ai chịu ai. Hoa, gió và sương quyết định hỏi bác gác rừng. Bác gác rừng ôn tồn giải thích: – Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật, muôn loài đều hân hoan hát ca. Nhưng mỗi loài đều có tiếng hát của riêng mình. Có biết lắng nghe nhau mới hiểu được tiếng hát của nhau, các cháu ạ. (Theo Truyện nước ngoài) Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu: Câu 1. Buổi sáng, bên bìa rừng có gì lạ? A. Mặt trời tỏa nắng dịu dàng xuống muôn vật. B. Có những cánh bướm dập dờn trên khắp bìa rừng C. Một bông hoa tỏa hương thơm ngát, cánh mịn như nhung. D. Những cánh bướm dập dờn bên những khóm hoa. Câu 2. Bông hoa hỏi gió và sương điều gì? A. Bạn có thích bài hát của tôi không? B. Bạn có thích hát cùng tôi không? C. Bạn hát hay tôi hát nhỉ? D. Có phải vừa rồi bạn hát không? Câu 3. Gió đã trả lời hoa như thế nào? A. Ơ, đó là bạn hát à? B. Đấy là giọng hát của tất cả mọi vật đấy bạn ạ. C. Tôi không biết là bạn hát. D. Chính tôi hát đấy chứ. Câu 4. Vì sao hoa, gió và sương đều không nghe được tiếng hát của nhau? A. Vì mỗi vật đều hát quá to, lấn át tiếng hát của nhau. B. Vì gió và sương đung đưa, ngân nga hát thánh thót. C. Vì mỗi vật đều chỉ tập trung vào tiếng hát của bản thân. D. Vì mỗi vật vừa hát vừa nói chuyện. Câu 5. Theo em, câu chuyện khuyên chúng ta điều gì? Câu 6. Từ “ôn tồn” trong câu “Bác gác rừng ôn tồn giải thích.” có nghĩa là gì ? A. lễ phép, dịu dàng B. cặn kẽ, rõ ràng C. chậm rãi, rõ ràng D. lớn tiếng, quát nạt Câu 7. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau: “Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật, muôn loài đều hân hoan hát ca.” A. CN – mặt trời, VN – bắt đầu sưới ấm vạn vật. - B. CN – mặt trời sưởi ấm vạn vật, VN – muôn loài đều hân hoan hát ca C. CN – muôn loài, VN – đều hân hoan hát ca. D. CN – muôn loài, VN – hát ca. Câu 8. Dấu gạch ngang trong đoạn văn sau có tác dụng gì? Gió ngạc nhiên: – Ơ, chính tôi hát đấy chứ. Tôi đã làm những cánh hoa của bạn đung đưa, tạo thành tiếng lao xao nên bạn cứ tưởng mình hát. Câu 9. Trạng ngữ có trong câu: “Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật, muôn loài đều hân hoan hát ca.” chỉ gì? A. Trạng ngữ chỉ thời gian B. Trạng ngữ chỉ nơi chốn C. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân D. Trạng ngữ chỉ mục đích Câu 10. Đặt câu nói về một loài hoa em thích có sử dụng trạng ngữ. B. Kiểm tra viết Đề bài: Viết bài văn tả một con vật có ích mà em biết. -------- Hết -------- Lời giải HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM
A. Kiểm tra đọc I. Đọc thành tiếng II. Đọc thầm văn bản sau: Câu 1. Buổi sáng, bên bìa rừng có gì lạ? A. Mặt trời tỏa nắng dịu dàng xuống muôn vật. B. Có những cánh bướm dập dờn trên khắp bìa rừng C. Một bông hoa tỏa hương thơm ngát, cánh mịn như nhung. D. Những cánh bướm dập dờn bên những khóm hoa. Phương pháp giải: Em đọc đoạn thứ hai để chọn đáp án đúng. Lời giải chi tiết: Buổi sáng, bên bìa rừng có một bông hoa tỏa hương thơm ngát, cánh mịn như nhung. Đáp án C. Câu 2. Bông hoa hỏi gió và sương điều gì? A. Bạn có thích bài hát của tôi không? B. Bạn có thích hát cùng tôi không? C. Bạn hát hay tôi hát nhỉ? D. Có phải vừa rồi bạn hát không? Phương pháp giải: Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng. Lời giải chi tiết: Bông hoa hỏi gió và sương là Bạn có thích bài hát của tôi không?. Đáp án A. Câu 3. Gió đã trả lời hoa như thế nào? A. Ơ, đó là bạn hát à? B. Đấy là giọng hát của tất cả mọi vật đấy bạn ạ. C. Tôi không biết là bạn hát. D. Chính tôi hát đấy chứ. Phương pháp giải: Em đọc lời nói của gió để chọn đáp án đúng. Lời giải chi tiết: Gió đã trả lời hoa rằng “Chính tôi hát đấy chứ”. Đáp án D. Câu 4. Vì sao hoa, gió và sương đều không nghe được tiếng hát của nhau? A. Vì mỗi vật đều hát quá to, lấn át tiếng hát của nhau. B. Vì gió và sương đung đưa, ngân nga hát thánh thót. C. Vì mỗi vật đều chỉ tập trung vào tiếng hát của bản thân. D. Vì mỗi vật vừa hát vừa nói chuyện. Phương pháp giải: Em đọc lời nói của bác gác rừng để chọn đáp án đúng. Lời giải chi tiết: Hoa, gió và sương đều không nghe được tiếng hát của nhau vì mỗi vật đều chỉ tập trung vào tiếng hát của bản thân. Đáp án C. Câu 5. Theo em, câu chuyện khuyên chúng ta điều gì? Phương pháp giải: Em dựa vào hành động của hoa, gió và sương và lời nói của bác gác rừng để rút ra bài học Lời giải chi tiết: Những loài vật trong câu chuyện chỉ tập trung đến tiếng hát của bản thân mà không nghe thấy tiếng hát của vạn vật xung quanh. Vì vậy, các loài vật mới tranh cãi nhau. Nếu các loài vật đều biết lắng nghe tiếng hát của nhau thì sẽ hiểu nhau hơn. => Bài học rút ra: Trong cuộc sống, chúng ta nên lắng nghe nhau nhiều hơn để có thể thấu hiểu, cảm thông và yêu thương nhau nhiều hơn. Câu 6. Từ “ôn tồn” trong câu “Bác gác rừng ôn tồn giải thích.” có nghĩa là gì ? A. lễ phép, dịu dàng B. cặn kẽ, rõ ràng C. chậm rãi, rõ ràng D. lớn tiếng, quát nạt Phương pháp giải: Em giải nghĩa từ “ôn tồn” trong câu đã cho. Lời giải chi tiết: Từ “ôn tồn” trong câu “Bác gác rừng ôn tồn giải thích.” có nghĩa là cặn kẽ, rõ ràng. Đáp án B. Câu 7. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu sau: “Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật, muôn loài đều hân hoan hát ca.” A. CN – mặt trời, VN – bắt đầu sưới ấm vạn vật. - B. CN – mặt trời sưởi ấm vạn vật, VN – muôn loài đều hân hoan hát ca C. CN – muôn loài, VN – đều hân hoan hát ca. D. CN – muôn loài, VN – hát ca. Phương pháp giải: Em nhớ lại cách xác định thành phần câu. Lời giải chi tiết: CN – muôn loài, VN – đều hân hoan hát ca. Đáp án C. Câu 8. Dấu gạch ngang trong đoạn văn sau có tác dụng gì? Gió ngạc nhiên: – Ơ, chính tôi hát đấy chứ. Tôi đã làm những cánh hoa của bạn đung đưa, tạo thành tiếng lao xao nên bạn cứ tưởng mình hát. Phương pháp giải: Em nhớ lại về dấu gạch ngang. Lời giải chi tiết: Dấu gạch ngang trong đoạn văn có tác dụng đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật. Câu 9. Trạng ngữ có trong câu: “Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật, muôn loài đều hân hoan hát ca.” chỉ gì? A. Trạng ngữ chỉ thời gian B. Trạng ngữ chỉ nơi chốn C. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân D. Trạng ngữ chỉ mục đích Phương pháp giải: Em xác định thành phần câu và nội dung của bộ phận trạng ngữ. Lời giải chi tiết: Trạng ngữ có trong câu là “Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật” chỉ thời gian. Đáp án A. Câu 10. Đặt câu nói về một loài hoa em thích có sử dụng trạng ngữ. Phương pháp giải: Em lựa chọn một loài hoa yêu thích rồi đặt câu với trạng ngữ phù hợp. Lời giải chi tiết: Mùa hè, hoa phượng nở đỏ rực cả sân trường em. B. Kiểm tra viết Phương pháp giải: Em xác định đối tượng của đề bài rồi lập dàn ý. Dựa vào dàn ý để viết bài văn hoàn chỉnh. Lời giải chi tiết: Dàn ý: 1. Mở bài: Giới thiệu con vật định tả. 2. Thân bài: - Miêu tả đặc điểm ngoại hình của con vật + Tả bao quát: vóc dáng, bộ lông hoặc màu da. + Tả từng bộ phận: đầu (tai, mắt...), thân hình, chân, đuôi. - Miêu tả hoạt động và thói quen của con vât. + Tả một vài biểu hiện về tính nết, thói quen của con vật. + Tả một số hoạt động chính của con vật: bắt mồi, ăn, kêu (gáy, sủa...)... - Nêu ích lợi của con vật 3. Kết bài: Bày tỏ tình cảm của em với con vật (hoặc cảm xúc, suy nghĩ, điều mong muốn,… đối với con vật). Bài tham khảo: Trong tất cả các con vật trong nhà em, em yêu thích nhất là chú gà trống. Chú gà trống đã trở thành một người bạn thân thiết của gia đình em không biết từ bao giờ. Bố em nói, chú gà này thuộc giống gà Đông Tảo, chú to, béo, nặng tầm bốn đến năm cân, em ôm vào lòng không xuể. Cái đầu chú to bằng cái bát ăn cơm, nối giữa đầu và thân là chiếc cổ dài kiêu hãnh. Trên đỉnh đầu chú nở rộ bông hoa đỏ chót, rực rỡ, đó là cái mào của chú đấy, cái mào lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, khiến người ta liên tưởng đến một loài hoa cùng tên là hoa mào gà. Đôi mắt chú sáng quắc, tròn xoe, đen long lanh như hai hột cườm, lúc nào cũng như ngấn nước. Cái mỏ nhỏ, vàng sậm nhưng đầy sắc bén, mỗi khi mổ thóc đều phát ra tiếng kêu "bộp bộp" nghe rất vui tai. Chú có hai chân vàng ươm, thẳng tắp với những ngón chân xòe ra, nhất là chiếc cựa sắc nhọn là vũ khí để săn mồi, chiến đấu với kẻ thù. Nhắc đến gà trống không thể không nhắc đến bộ lông rực rỡ của chú. Chú khoác trên mình tấm áo óng á, mượt mà với sự hòa trộn giữa các màu chàm, vàng, nâu, đỏ khiến chú nổi bật hẳn trên sân. Khi tấm áo ấy khoe sắc dưới những tia nắng mặt trời chói chang, nó càng thêm rực rỡ, như được dát vàng dát bạc. Chú gà bước đi đầy oai dũng, mỗi lần bước là chiếc đuôi dài, xòe rộng, lấp lánh lại tung tẩy, rung lên theo từng nhịp bước chân, trông chú kiêu sa như một bá tước vậy. Cứ vào mỗi buổi sáng sớm, khi vạn vật còn đang chìm trong giấc ngủ say nồng, chú gà nhà em đã oai vệ bước lên đống rơm trước sân, rướn cao cổ rồi từ từ cất tiếng gáy to "Ò ó o o" vang xa khắp xóm làng, đánh thức mọi người bắt đầu một ngày mới. Sau khi cất tiếng gáy xong, chú lại vỗ mạnh đôi cánh to, dày như đầy tự hào, kiêu hãnh về thành quả của mình rồi bước đi oai phong tìm mồi cho bữa sáng của mình. Chú đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức quen thuộc, một người bạn thân thiết của gia đình em và của cả xóm làng xung quanh. Bên cạnh đó, chú như một người vệ sĩ bảo vệ mùa màng, bắt sâu, bắt giun cho cây trồng ở vườn. Ngày ngày chú đi lon ton trong sân, nhặt những hạt thóc rơi vãi, có khi lại vỗ cánh lộp bộp để xua đuổi những chú chim bồ câu đang tranh giành phần ăn của mình. Sự hiện diện của chú gà đã trở nên quen thuộc với gia đình em. Em rất yêu quý chú gà trống nhà em. Chú đã trở thành một phần trong nếp sống của gia đình em. Dù đi đâu xa, em cũng sẽ không bao giờ có thể quên chú gà trống yêu quý ấy. Bài tham khảo 2: Xung quanh chúng ta có rất nhiều những con vật có ích. Cũng như con người, chúng biết làm việc để kiếm thức ăn, tiêu diệt sâu bọ, bảo vệ mùa màng… Trong đó, em thích nhất là những chú chim chích bông. Chim chích bông là loài chim có kích thước nhỏ và đáng yêu. Một chú chim chích bông trưởng thành có thể lớn bằng nắm tay của em. Chúng có cơ thể khá bụ bẫm và mập mạp. Đầu của chim chích bông khá nhỏ so với tỉ lể toàn bộ cơ thể. Phần lông ở trên trán và sau đầu của chú có màu đỏ cam rất xinh xắn, nhìn như mái tóc đã được nhuộm màu của các ca sĩ K-Pop. Hai bên đầu là hai con mắt nhỏ đen bóng, lúc nào cũng long lanh như giọt sương sớm. Mỏ của chích bông nhỏ và dài gần bằng chiều dài cái đầu của nó. Phần mỏ mảnh và nhọn ở đầu giúp chú có thể chuẩn xác bắt sâu và không cho chúng chạy thoát. Thường mỏ chích bông sẽ có màu cam như phần lông ở trên đầu, nhưng cũng sẽ pha chút màu đen loang vào ở đầu mỏ. Đó sẽ là điểm khác biệt giữa các chú chích bông trong đàn. Từ đầu chích bông sẽ có một chiếc cổ ngắn và to nối liền với phần thân. Cổ của chú chim rất linh hoạt, nên chú có thể thoải mái xoay đầu sang các hướng khác nhau. Thâm chí là để chú có thể vươn mỏ mổ đến tận gần đuôi của mình. Phần thân chích bông là bộ phận to nhất cơ thể nó. Phần ngực của nó căng tròn, những lúc ăn no thì nom như quả bóng. Lông ngực và bụng của chích bông là màu trắng, còn ở trên lưng và hai cánh là màu xanh lá mạ. Ở chóp cánh và đuôi của chú thì màu xanh ấy sẽ đậm và tối hơn, gần như phai thành màu nâu. Đuôi chích bông khá dài và nhọn, với phần lông thẳng thắp chứ không cong cong như các loài chim khác. Đôi cánh của nó cũng không quá dài, dù đã xòe ra thì cũng chỉ vừa bằng chiều ngang của cơ thể. Cũng như mỏ, chân chích bông dài và mảnh mai, với bộ vuốt nhọn. Nhờ đôi chân đó, chú có thể thoải mái đi vào các vườn rau, cành lá để lùng bắt sâu mà không bị lẫn vào trong lá. Chích bông là loài chim chăm ngoan và hiền lành. Hằng ngày, chúng lùng sục khắp vườn rau, chậu cây cảnh và luống hoa… để tìm những con sâu xấu xa. Chích bông bắt và ăn bằng sạch sâu bọ để bảo vệ cho cây cối trong vườn. Ở đâu có chích bông, thì ở đó không phải lo lắng chuyện sâu bọ nữa. Dù phải mổ vào lá để bắt sâu, nhưng chích bông vô cùng khéo léo, đảm bảo không làm rách hay hư hỏng lá hoa trong vườn. Quả đúng là các thợ bắt sâu chuyên nghiệp. Em yêu chim chích bông lắm. Em mong sao chúng sẽ luôn khỏe mạnh và ngày càng phát triển đông hơn để tiếp tục bảo vệ vườn rau của mọi nhà. Với vẻ ngoài đáng yêu và trái tim dũng cảm, luôn quyết tâm bảo vệ cây xanh, chích bông xứng đáng là người hùng của vườn cây.
|