Đề thi học kì 2 Văn 8 Chân trời sáng tạo - Đề số 2

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: Như chúng ta đã biết, việc sử dụng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường bởi đặc tính không phân huỷ của pla-xtíc.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (5 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Như chúng ta đã biết, việc sử dụng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường bởi đặc tính không phân huỷ của pla-xtíc. Hiện nay ở Việt Nam mỗi ngày thải ra hàng triệu bao bì ni lông, một phần được thu gom, phần lớn bị vứt bừa bãi khắp nơi công cộng, ao hồ, sông ngòi. Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải. Đặc biệt bao bì ni lông màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là khi các bao bì ni lông thải bỏ bị đốt, các khí độc thải ra đặc biệt là chất đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, nôn ra máu, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.

Câu 1 (1.0 điểm): Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì?

Câu 2 (1.0 điểm): Tưởng tượng nếu mình là một tuyên truyền viên về môi trường em sẽ tuyên truyền đến mọi người những nội dung gì để hạn chế sử dụng bao bì ni lông?

Câu 3 (1.0 điểm): Thông điệp ý nghĩa mà đoạn trích trên gửi đến chúng ta là gì?

Câu 4 (2.0 điểm): Từ nội dung đoạn trích trên em hãy viết đoạn văn ngắn (từ 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về lợi ích của bảo vệ môi trường

Đáp án

Câu 1 (1.0 điểm)

Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì?

Phương pháp:

Dựa vào các phương thức biểu đạt đã học

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt chính: thuyết minh

Câu 2 (1.0 điểm)

Tưởng tượng nếu mình là một tuyên truyền viên về môi trường em sẽ tuyên truyền đến mọi người những nội dung gì để hạn chế sử dụng bao bì ni lông?

Phương pháp:

Tưởng tượng và kể lại

Lời giải chi tiết:

Nếu làm tuyên truyền viên về môi trường, em sẽ tuyên truyền đến mọi người những nội dung sau để hạn chế sử dụng bao bì ni lông:

- Không sử dụng bao bì ni lông khi không cần thiết.

- Chọn dùng các loại bao bì tái sử dụng hoặc bao bì thân thiện với môi trường như bao bì giấy, bao bì từ sợi tre, bao bì từ bột gạo, ...

- Phân loại và tái chế bao bì sau khi sử dụng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Sử dụng túi vải, túi giấy, hoặc bình thủy tinh để mua hàng thay vì sử dụng túi ni lông để giảm thiểu việc sản xuất thêm những loại bao bì tiêu tốn năng lượng và không thân thiện với môi trường.

Câu 3 (1.0 điểm)

Thông điệp ý nghĩa mà đoạn trích trên gửi đến chúng ta là gì?

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích, từ nội dung rút ra thông điệp

Lời giải chi tiết:

Thông điệp ý nghĩa mà đoạn trích trên gửi đến chúng ta là việc sử dụng bao bì ni lông gây nguy hại cho môi trường, gây ô nhiễm đất, nước, không gây phân huỷ được, làm giảm sinh sản của các loài thực vật và động vật, làm tắc nghẽn hệ thống cống, gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người và môi trường sống.

Câu 4 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích trên em hãy viết đoạn văn ngắn (từ 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về lợi ích của bảo vệ môi trường.

Phương pháp:

Từ nội dung đoạn trích, trình bày suy nghĩ về lợi ích bảo vệ môi trường

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Môi trường là một tổ hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh bên ngoài của một hệ thống hoặc một cá thể, sự vật nào đó có tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, đời sống của con người. Ngày nay, môi trường đang bị ô nhiễm nặng. Vấn đề đặt ra hiện nay là bảo vệ môi trường. Môi trường của toàn cầu đang cần được chúng ta bảo vệ. Nếu chúng ta bảo vệ rừng cây thì sẽ tránh được bao nhiêu tác hại, nào là lở đá, nào là lũ lụt, khói bụi, nào là vỏ chai nhựa, … những thứ đó sẽ ít hơn. Ngày nay vỏ chai nhựa vẫn được mọi người dân vứt mọi nơi trên đường hay các ngõ hẻm hay cả những bãi biển. Nếu như cá voi nó lỡ ăn vào rồi thì ta sẽ thấy những xác của nó nổi lơ lửng ở trên biển. Môi rường bị ô nhiễm còn gây ra những bệnh lạ. Vì thế chúng ta phải bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà chung của mỗi người chúng ta. Môi trường tốt, đời sống chúng ta cũng đẹp nên. Chỉ khi môi trường tồn tại ta mới tồn tại. Việc bảo vệ môi trường không chỉ trên sách vở hay của riêng ai, tổ chức hay đất nước nào mà là của toàn thế giới. Chúng ta hãy vứt rác đúng chỗ, phân loại rác, hạn chế sử dụng các sản phẩm khó phân hủy để môi trường của chúng ta sạch đẹp hơn.

PHẦN II - VIẾT (5 điểm)

Phân tích Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến.

Phương pháp:

Phân tích

Lời giải chi tiết:

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là “Bạn đến chơi nhà”. Bài thơ đã ca ngợi tình bạn chân thành, thắm thiết:

“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

Bác đến chơi đây ta với ta!”

Cụm từ “đã bấy lâu nay” chỉ thời gian rất lâu rồi, người bạn của Nguyễn Khuyến mới đến chơi nhà. Điều đó khiến cho nhà thơ rất vui mừng, hạnh phúc. Cùng với cách xưng hô “bác” thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân mật. Câu thơ đầu như một tiếng reo vui, một lời đón khách đầy cởi mở.

Dẫu vậy thì hoàn cảnh của nhà thơ lúc này cũng thật là éo le. Trẻ em thì đi vắng rồi, không có người để sai đi mua đồ tiếp đãi bạn được vì chợ ở quá xa. Tưởng rằng như vậy là chưa đủ, nhà thơ còn liệt kê một loạt các sự vật như “ao sâu - khôn chài cá”, “cải chửa ra cây, cà mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. Thậm chí miếng trầu - ngay cả thứ quan trọng nhất bởi có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ở đây cũng không có. Sự thiếu thốn đã được đẩy lên đến tận cùng. Nhưng sự thiếu thốn đó không khiến cho thi sĩ buồn khổ mà còn đầy lạc quan, yêu đời. Bài thơ mang giọng điệu hóm hỉnh mà lạc quan, yêu đời.

Tuy là vật chất thiếu thốn, nhưng tình cảm bạn bè mới là thứ đáng quý nhất. Câu thơ cuối như một lời khẳng định cho tình bạn tri kỉ của Nguyễn Khuyến: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Bà Huyện Thanh Quan cũng đã từng sử dụng cụm từ “ta với ta” trong bài Qua Đèo Ngang:

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta”

Đại từ “ta” ở đây chỉ cùng một người, chỉ chủ thể trữ tình hay chính là tác giả. Lúc này Bà Huyện Thanh Quan đang chỉ có một mình nơi đèo Ngang hoang vu. Thời gian chiều tà gợi buồn và nỗi cô đơn, sợ hãi trước dòng thời gian trôi chảy. Không gian tuy rộng lớn nhưng chỉ toàn những vật vô tri, vô giác. Có xuất hiện hình ảnh đời sống con người nhưng hết sức thầm lặng, nhỏ bé. Âm thanh sự sống đơn điệu, gợi nỗi buồn sâu thẳm. Con người lẻ loi trước vũ trụ mênh mông. Nhớ về quê hương, thương xót cho hoàn cảnh của đất nước, trước thiên nhiên rộng lớn chỉ có mình cô độc.

Ngược lại, trong thơ Nguyễn Khuyến, đại từ “ta” thứ nhất chính là nhà thơ, còn đại từ “ta” thứ hai chỉ người bạn. Từ “với” cho thấy mối quan hệ song hành, gắn bó. “Ta với ta” đồng nghĩa với tôi với bác, chúng ta với nhau. Cuộc sống tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng có bạn lại thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nhà thơ không hề cảm thấy cô đơn, buồn bã mà lại vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Tình bạn tri kỉ thật đáng ngưỡng mộ, cảm phục biết bao nhiêu.

Như vậy, “Bác đến chơi nhà” đã khắc họa một tình bạn chân thành thật đáng ngưỡng mộ. Bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Khuyến.

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close