Đọc hiểu Chiếu cầu hiền

1. Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hi Doãn, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cha ông là Ngô Thì Sĩ, từng làm quan trong phủ chúa Trịnh. Ngô Thì Nhậm xuất thân trong gia đình có truyền thống thơ văn

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hi Doãn, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cha ông là Ngô Thì Sĩ, từng làm quan trong phủ chúa Trịnh. Ngô Thì Nhậm xuất thân trong gia đình có truyền thống thơ văn

- Ông đỗ tiến sĩ năm 1775, từng làm quan dưới triều Lê Cảnh Hưng. Sau ông theo giúp Tây Sơn và được Nguyễn Huệ tin dùng.

- Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung. Sau khi lên ngôi, vua Quang Trung chú ý ngay đến việc tìm kiếm nhân tài. Ông giao cho Ngô Thì Nhậm viết Chiếu cầu hiền để kêu gọi người hiền tài ra giúp nước.

2. Tác phẩm

Bố cục của bản chiếu:

- Khẳng định vấn đề: người tài phải ra giúp nước mới hợp ý trời. Đó cũng là điều Khổng Tử đã nói.

- Thái độ của kẻ sĩ Bắc Hà đối với Tây Sơn: Chưa nhiệt tình ủng hộ.

- Giải thích và bày tỏ mong muốn.

- Lời kêu gọi người tài của người viết.

   Với bố cục hợp lí, lí luận chặt chẽ, thuyết phục, Chiếu cầu hiền là văn bản nghị luận xuất sắc thời trung đại.

3. Đọc chậm, rành mạch, khúc chiết.

II - Kiến thức cơ bản

   Chiếu cầu hiền là tác phẩm xuất sắc tiêu biểu cho loại văn bản nghị luận trung đại. ở loại tác phẩm này, người viết chú trọng đưa ra những lí lẽ để thuyết phục người nghe. Những lí lẽ mà Ngô Thì Nhậm đưa ra để kêu gọi người hiền tài đều rất sắc sảo, hợp đạo lí.

   Bài chiếu có bố cục hợp lí theo một lôgíc chặt chẽ. Điều đó đã làm nên sức thuyết phục của văn bản, tác động mạnh mẽ tới những nhà nho còn đang ẩn dật chờ thời hoặc sống lánh đời để bảo toàn danh phẩm cho riêng mình.

   Đoạn 1, tác giả dùng lời của Khổng Tử để xác nhận một lí lẽ rất xác đáng và có ý nghĩa quan trọng với mục đích cầu hiền của bản chiếu. Bởi với các nhà nho, lời của Khổng Tử luôn luôn là đúng đắn. Tác giả đã khẳng định: Người tài phải đem tài của mình ra giúp nước thì mới hợp lẽ trời. Ngay ở phần mở đầu, người viết đã nhằm đánh thức ý thức trách nhiệm của mỗi người, nhất là người tài đối với đất nước. Cách mở đầu này hợp lí, nó sẽ gây được sự chú ý đối với người đọc.

   Đoạn 2a nói về thái độ hiện tại của trí thức Bắc Hà đối với triều đại mới. Khi nhà Lê suy yếu, cuộc chiến Trịnh - Lê, Trịnh - Nguyễn đã khiến nhiều người tài tìm về cuộc sống lánh đời để giữ nguyên phẩm hạnh. Khi Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, đánh đuổi ngoại xâm và Nguyễn Huệ lên ngôi vua, nhiều kẻ sĩ Bắc Hà coi Tây Sơn như kẻ cướp ngôi, chưa chịu ra tay giúp Quang Trung. Trong lúc thời thế suy vi, họ lánh đời để bảo toàn phẩm cách là đúng. Tác giả đã dùng những hình ảnh hàm súc để chỉ thái độ của các nho sĩ. Nhưng khi đất nước cần mà chỉ lo sống yên phận là vô trách nhiệm, vô tích sự với xã hội. Sau khi chỉ ra điều đó, tác giả mới đưa ra lời kêu gọi. Lời kêu gọi kiên quyết nhưng cũng rất khiêm nhường. Việc sử dụng một loạt câu nghi vấn tu từ đã khiến cho câu văn có thêm sức nặng.

   Đoạn 2b vẫn tiếp tục nỗ lực thuyết phục người hiền tài ra giúp đời. Tác giả đã thể hiện rất rõ mong mỏi của vua Quang Trung. Đồng thời cũng chỉ ra cho người tài thấy đã đến lúc họ phải mang sức mình ra giúp đời. Người viết đã dùng thủ pháp quen thuộc mà rất hiệu quả là tiếp tục đưa ra câu nghi vấn tu từ để khẳng định đất nước đang còn rất nhiều người hiền tài.

   Đoạn 3, tác giả trình bày những biện pháp cụ thể, chỉ rõ con đường và cách thức ra giúp đời cho người tài. Người viết cũng vạch ra và lí giải rõ ràng, cụ thể con đường để người tài ra giúp vua một cách thuận tiện nhất. Cách làm này đã thể hiện thành ý và thái độ trọng dụng người tài của vua Quang Trung.

   Ngô Thì Nhậm đã dùng những lập luận đầy đủ, thấu đáo và sắc sảo để chỉ ra cho người hiền tài thấy được trách nhiệm của họ với đất nước, đồng thời thể hiện được nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung. Vừa lên ngôi nhưng vua Quang Trung đã có một chính sách rất đúng đắn là trọng dụng nhân tài.

   Bản chiếu không chỉ là lời kêu gọi người hiền ra giúp đời mà nó còn giúp cho những nho sĩ chưa hiểu thời cuộc, còn ẩn dật, lánh đời hiểu hơn về vua Quang Trung, một vị minh quân.

   Chính là tư tưởng tiến bộ của Quang Trung và khả năng lập luận của Ngô Thì Nhậm đã làm nên giá trị nổi bật của tác phẩm.

III - Liên hệ

   Ngô Thì Nhậm chủ yếu viết văn chính luận và làm thơ. Những tác phẩm tiểu biểu của ông về văn có: Kim mã hành dư (Làm lúc việc công nhàn rỗi, bản chép tay hiện còn : A.117a), Hàn các anh hoa (Tinh hoa nơi gác văn, A.2170; A.117c/2), Bang giao hảo thoại (VHv. 1831), về thơ có: Yên đài thu vịnh (Vịnh cảnh thu nơi Yên đài, A.1697), Cúc hoa bách vịnh (Trăm vần thơ vịnh hoa cúc, A.1168). Ngoài ra ông còn có những tác phẩm khảo cứu như: Xuân thu quản kiến (Cái nhìn chật hẹp về các sự kiện thời Xuân thu, VHV.806/1-4; A.117a/24-30), Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh (A.460; A.2180). Có ý kiến cho rằng có thể ông mới là tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí, nhưng điều này chưa có cơ sở thật chắc chắn. Nhìn chung, Ngô Thì Nhậm tỏ ra sắc sảo về văn chính luận hơn là về thơ. Văn chính luận của ông thường đề cập đến những vấn đề hết sức thiết thực trong đời sống của xã hội và nhân dân lúc bấy giờ. Văn ông trong sáng, lí lẽ rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Những tác phẩm ông viết thay cho vua Quang Trung có một khí thế hào hùng, khoáng đạt, tiêu biểu cho tinh thần và tư tưởng, ý chí và chính nghĩa của Quang Trung cũng như của triều đại Tây Sơn. Đặc biệt là những tác phẩm có tính chất ngoại giao của ông trao đổi với nhà Thanh, vừa giữ được tính dứt khoát trong nguyên tắc, đồng thời lại vừa uyển chuyển, mềm dẻo trong thái độ, có thể nói là những tác phẩm đã kế thừa một cách tốt đẹp truyền thống văn ngoại giao của Nguyễn Trãi và có tác dụng không nhỏ trong việc củng cố, phát huy những thắng lợi đã giành được bằng quân sự trong chiến thắng 1789. Thơ và phú của Ngô Thì Nhậm không có giá trị bằng văn xuôi. Ngô Thì Nhậm có một quan niệm đúng là làm thơ không thể giả dối, uốn éo được; ông cho “người làm thơ thích cái lạ hay rơi vào giả dối, chuộng cái khéo thường sa vào đẽo gọt. Thơ tiêu lương tiêu sái phần nhiều yếu đuối”. Nhưng ông lại cho rằng mục đích cuối cùng của thơ là “rút vào ý nghĩa tôn quân, yêu người bề trên, bỏ lòng tà, giữ ý chính”, và đề cao thứ thơ của Chu Hi, cho nên thơ ông lại rơi vào một cực đoan khác là khô khan, ít cảm xúc, không đa dạng và sinh động. Cái đáng chú ý trong thơ ông là tinh thần lạc quan và ý thức trách nhiệm đối với triều đại đương thời, là lòng tự hào dân tộc được thể hiện một cách khá đậm nét trong những bài thơ đi sứ.

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close