Đọc hiểu Tống biệt hành

Gợi dẫn 1. Thâm Tâm (1917 – 1950) tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình nhà giáo nghèo. Khoảng năm 1938, Thâm Tâm cùng gia đình lên Hà Nội kiếm sống bằng vẽ tranh và bắt đầu làm thơ, viết văn

Đề bài

Đọc hiểu Tống biệt hành

Lời giải chi tiết

Gợi dẫn:

1. Thâm Tâm (1917 – 1950) tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình nhà giáo nghèo. Khoảng năm 1938, Thâm Tâm cùng gia đình lên Hà Nội kiếm sống bằng vẽ tranh và bắt đầu làm thơ, viết văn

    Thâm Tâm viết không nhiều nhưng sáng tác nào cũng độc đáo, mang dấu ấn riêng. Thơ Thâm Tâm thường có giọng điệu trầm hùng, bi tráng. Tống biệt hành là một ví dụ cụ thể.

2. Tống biệt hành là bài thơ duy nhất của Thâm Tâm được hai nhà nghiên cứu Hoài Thanh và Hoài Chân chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam – tuyển tập những tác phẩm tiêu biểu của phong trào thơ mới. Chỉ với một tác phẩm ấy thôi nhưng người ta không thể không nhắc đến Thâm Tâm khi nói về thơ mới. Bài thơ không chỉ có một âm điệu lạ, hình ảnh thơ độc đáo và cách thể hiện tâm trạng tinh tế mà còn có giá trị tư tưởng rất lớn. Giữa lúc lớp thanh niên trí thức đang rơi vào tâm trạng bế tắc, bi quan vì không xác định được con đường đi của mình thì Thâm Tâm lại xây dựng một hình tượng đẹp về người thanh niên đã tìm ra lý tưởng và quyết tâm vượt lên những tình cảm mềm yếu để ra đi thực hiện “chí nhớn”.

3. Bài thơ chia làm bốn khổ và có sự xuất hiện hai nhân vật trữ tình: "ta" – người đưa tiễn và "người" – người ra đi. Tư thế và tâm trạng của người ra đi chủ yếu được thể hiện qua cảm nhận của người đưa tiễn. Hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ là hình tượng người tráng sĩ. Đó là một tráng sĩ vừa có chí lớn với một quyết tâm ra đi thực hiện chí lớn rất cao, vừa có một tình cảm thương yêu sâu sắc với gia đình và bạn bè. Đây là hình tượng mang vẻ đẹp lý tưởng của con người: có lý tưởng cao đẹp và tình cảm sâu sắc. Kết cấu của bài thơ cũng khá đặc biệt theo cảm nhận của chủ thể trữ tình – người đưa tiễn:

- Đoạn 1: Cảnh và tâm trạng cuộc chia tay.

- Đoạn 2: Chí nhớn và quyết tâm thực hiện chí nhớn của người ra đi.

- Đoạn 3: Tâm trạng và tình cảm của người ra đi đối với gia đình, người thân.

   Tất cả đều là cảm nhận của người đưa tiễn – bạn tri kỉ của người tráng sĩ ra đi.

4. Đọc chậm diễn tả nội tâm nhân vật trữ tình. Nhấn giọng các điệp từ điệp ngữ. Khổ thơ cuối đọc giọng thổn thức, chậm hơn và xuống giọng.

II - Kiến thức cơ bản

   Viết Tống biệt hành, Thâm Tâm đã tiếp thu thể tài của thơ cổ và thổi vào đó hơi thở nồng nàn của thời đại. Đề tài “Tống biệt” (chia ly và tiễn đưa) và thể hành thường xuất hiện trong văn học xưa. Với những sáng tạo độc đáo, Thâm Tâm đã tạo nên một giọng thơ rất riêng trong làng thơ mới – giọng thơ “Vừa trang trọng vừa cổ kính, vừa mới mẻ hiện đại, vừa rắn giỏi gân guốc, vừa mang nỗi niềm bâng khuâng khó hiểu của một thời đại” như nhà nghiên cứu Hoài Thanh đã nhận xét. Đồng thời qua bài thơ, Thâm Tâm đã thể hiện một tư tưởng tiến bộ và có ý nghĩa quan trọng đối với văn học đương thời. Giữa lúc lớp thanh niên trí thức đang rơi vào tâm trạng bế tắc, bi quan vì không xác định được con đường đi của mình thì Thâm Tâm lại xây dựng một hình tượng đẹp về người thanh niên đã tìm ra lý tưởng và quyết tâm vượt lên những tình cảm mềm yếu để ra đi thực hiện “chí nhớn”.

      Bài thơ có bố cục bốn đoạn, lần lượt miêu tả tâm trạng của người đưa tiễn trong giờ phút chia tay, tư thế của người ra đi và tình cảm của gia đình trước cuộc chia ly. Điểm đặc biệt của bài thơ là mạch cảm xúc có sự lồng ghép cảm xúc của hai nhân vật trữ tình. Có một nhân vật trữ tình xuyên suốt bài thơ, đó là người đưa tiễn và tâm trạng, tư thế của người ra đi (chủ yếu được thể hiện qua cảm nhận của người đưa tiễn). Theo lời một số bạn cũ của Thâm Tâm, thì bài thơ được viết khi nhà thơ tiễn bạn lên chiến khu. Bài thơ đã thể hiện được một tư tưởng tiến bộ và hiện đại. Cấu tứ của bài thơ là chia tay và hồi tưởng, miêu tả tâm trạng để thể hiện lý tưởng.

     Nếu đặt trong trình tự logic hiện thực thì khổ thơ mở đầu là thời điểm cuối của cuộc tiễn đưa. Vì vậy bao nỗi buồn của mẹ, của chị, của em, của người đưa, người tiễn, bao nỗi buồn của chiều hôm trước, của sáng hôm nay đều dồn tất cả trong khổ thơ này. Bao trùm bốn câu thơ không phải là cảnh mà là tâm trạng. Hai câu thơ đầu thể hiện không gian tâm trạng của cuộc đưa tiễn:

   Đưa người ta không đưa qua sông

   Sao có tiếng sóng ở trong lòng

      Vì là không gian tâm trạng nên cảnh vật mơ hồ, thiếu sự xác định cụ thể. Cuộc tiễn đưa không diễn ra bên bờ sông nhưng vẫn “có tiếng sóng” với hình ảnh ẩn dụ “sóng lòng”. Ở đây vừa tiếp nối ý thơ của người xưa mà có những sáng tạo riêng đặc sắc. Tiếp nối thơ xưa khi nói về cuộc đưa tiễn thường mượn hình ảnh dòng sông con đò để gợi đôi bờ ly biệt. Đỗ Phủ khi tiễn bạn lên đường làm việc nghĩa, lòng người đi kẻ ở đầy thương nhớ cũng mượn hình ảnh dòng sông để thể hiện tâm trạng:

   Gạt dòng lệ lúc trên sông tiễn bước

   Trời cao man mác nghĩ buồn thay

     Thâm Tâm chỉ mượn ý thơ của người xưa là chia ly phải có dòng sông, có đôi bờ ly biệt nhưng ở đây dòng sông được tạo nên bởi ảo giác chứ không phải sông thật nên sóng cũng là “sóng lòng”. Cái hay của hình ảnh “sóng lòng” là ở chỗ cuộc chia ly không diễn ra ở ngoại cảnh mà diễn ra ở trong tâm cảnh. Chính lòng người mang một dòng sông ly biệt, chính lòng người đã phải làm một cuộc tiễn đưa. Tâm trạng của người trong cuộc tiễn đưa còn gợi lên từ nhạc điệu câu thơ, câu thơ mở đâu toàn thanh bằng, câu thơ thứ hai đột ngột nổi lên một số vần trắc “có tiếng sóng ở …” tạo cảm giác lòng người như đang nổi sóng, như có tiếng sóng thật và nghe trong tiếng sóng như thấy cả hơi lạnh của gió sông. Hai câu tiếp theo thể hiện tâm trạng của cuộc tiễn đưa:

   Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

   Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

      Thời gian cũng là thời gian tâm trạng nên vừa như xác định ("bóng chiều") vừa như mơ hồ ("không thắm không vàng vọt"). Xác định bởi cuộc chia tay diễn ra trong buổi chiều nhưng buổi chiều ấy lại mơ hồ vì “bóng chiều không thắm không vàng vọt”. Thời gian thiếu sự xác định, thiếu một đường viền cụ thể để tăng thêm phần bâng khuâng da diết. Nếu chỉ “vàng vọt” thì thật buồn và đó sẽ là cuộc ly biệt mà cả hai đều không muốn xảy ra. Nhưng nếu “thắm” thì lại vui quá. Không phải là không khí chia tay. Nhà thơ đã diễn tả thật chính xác và tinh tế bản chất của cuộc ly biệt này. Người ra đi là tự nguyện, ra đi vì lý tưởng đúng đắn nên không thể buồn ảo não, phải vui và hi vọng vì đã có được lý tưởng để hướng tới. Nhưng đã là chia ly thì cuộc chia tay nào cũng buồn. Vừa vui, vừa buồn là tâm trạng chung của những cuộc chia tay có lý do tốt đẹp. Bốn khổ thơ đầu đã thể hiện một cách kín đáo nhưng đầy đủ về tính chất và chân thực về tâm trạng của cuộc đưa tiễn. Đó là cuộc chia tay giữa hai người bạn chân thành, tri âm tri kỷ.

     Đặt cuộc chia tay trong khung cảnh buổi chiều, tác giả vừa tiếp nối truyền thống thơ cổ vừa có những sáng tạo riêng. Thơ cổ khi viết về cuộc chia tay thường mượn buổi chiều để thể hiện tâm trạng. Lý Bạch đưa tiễn bạn cũng mượn hình ảnh bóng chiều để bày tỏ nỗi niềm:

   Chia tay khác cả mối lòng

   Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.

     Mượn tứ thơ xưa nhưng không phụ thuộc vào người xưa, Thâm Tâm vẫn có những sáng tạo riêng của mình. Sáng tạo đó là hình ảnh ẩn dụ “hoàng hôn trong mắt trong”, là cách diễn đạt vừa cụ thể vừa lãng mạn hoá nỗi buồn chứa đầy trong tâm trạng. Câu thơ có cách sử dụng từ tinh tế, chính xác. ở câu ba tác giả dùng từ bóng chiều, đến câu thơ thứ tư “bóng chiều” đã thành “hoàng hôn” gợi lên cả sự chuyển biến của thời gian. Và nếu “bóng chiều” nghiêng về sắc thái thời gian thì “hoàng hôn” lại nghiêng về sắc thái tâm trạng. Chữ "đầy" trong câu thơ “Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?” là tính từ đã được động từ hoá đem lại sự cảm nhận nỗi buồn đã dâng đầy từ trái tim lên ánh mắt để rồi thấm đẫm cả buổi chiều ly biệt. Hình ảnh “đầy hoàng hôn trong mắt trong” gợi dáng vẻ bề ngoài cố làm như thản nhiên nhưng trong tâm trạng lại đầy uẩn khúc. Hai chữ "trong" ("trong mắt trong") mang hai chức năng ngữ pháp khác nhau, một là trạng từ ("trong mắt"), một là tính từ ("mắt trong") nhưng đều có tác dụng tạo âm hưởng tha thiết. Bốn câu thơ với hai câu hỏi tu từ ("Sao có", "Sao đầy") và một loạt điệp âm ("không đưa", "không thắm", "không vàng vọt") tạo nên cấu trúc chặt chẽ, vừa rắn rỏi, vừa tha thiết. Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật phủ định để khẳng định, nói không để khẳng định có: có nỗi niềm bâng khuâng thương nhớ. Khổ thơ sử dụng nhiều vần "ong", có tới mười bốn vần (không, sông, sóng, lòng, trong…) tạo nên âm hưởng hình ảnh những con sóng lòng đầy xáo động xao xuyến.

   Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,

   Một giã gia đình, một dửng dưng….

 

   - Li khách ! Li khách ! Con đường nhỏ,

   Chí nhớn chưa về bàn tay không,

   Thì không bao giờ nói trở lại!

   Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

     Bài thơ có hai nhân vật là nhân vật “ta” tức là người đưa tiễn và người ở lại, nhân vật thứ hai là “người” tức là ly khách, người lên đường vì “chí nhớn”. Người ở lại được xem là hình tượng tác giả, là chữ "ta" trong toàn bài thơ. Hai nhân vật kẻ ở lại và người ra đi cùng tồn tại trong suốt bài thơ, vì thế khám phá tâm trạng ly khách có mối quan hệ gắn bó mật thiết với tình cảm nhân vật “ta”. Tác giả tập trung khắc hoạ hình tượng và tâm trạng ly khách vì thế nhân vật càng ngày càng hiện lên cụ thể, sinh động, toàn vẹn. Vẻ bề ngoài ly khách tỏ ra dửng dưng lạnh lùng, gạt phăng những tình cảm riêng tư, kiên quyết dứt khoát lên đường, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng trong lòng thì đầy tâm sự. Nhằm tô đậm và làm nổi bật ý chí của ly khách, tác giả cường điệu hoá:

   Chí nhớn chưa về bàn tay không

      Nhưng đối lập với con người bên ngoài cố tỏ vẻ cứng cỏi lạnh lùng, trong lòng người ly khách đầy dằn vặt, day dứt, lưu luyến đau khổ khi phải ra đi. Tâm sự đó được khéo léo thể hiện qua cảm nhận của người bạn tri âm:

   Ta biết người buồn chiều hôm trước…

   Ta biết người buồn sáng hôm nay…

     Thì ra nỗi buồn của ly khách cũng dằng dặc theo thời gian, đó là nỗi lo lắng, thương yêu của người ra đi với gia đình:

   Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

   Một chị, hai chị cũng như sen,

   Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

     Hình ảnh so sánh Một chị hai chị cùng như sen – Khuyên nốt em trai dòng lệ sót” trong bài thơ đã gợi rất nhiều liên tưởng khác nhau. Trước hết nó thể hiện nỗi lo của người ra đi về hai người chị, vừa để nhấn mạnh sự níu giữ bằng mọi cách của người ruột thịt. Hai từ "nốt" trong bốn câu thơ như là hi vọng cuối cùng của người chị đối với người em. Họ muốn người em không ra đi hoàn toàn vì tình yêu thương, bởi lẽ họ chưa thể hiểu hết lý tưởng của người ly khách. Ly khách bị níu giữ từ mọi phía: mẹ già, hai chị yếu đuối tội nghiệp và cả đứa em nhỏ ngây thơ, họ đã can anh đến hết lời, họ đã khóc đến cạn nước mắt. Mẹ già thì mong nhớ, em nhỏ thì buồn thương. Hình ảnh:

   Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

   Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

       Như xoáy sâu vào trái tim người ra đi, hình ảnh em nhỏ ngây thơ là sự níu giữ mạnh nhất đối với người ra đi. Tác giả cố ý tô đậm sự níu giữ của người thân để bộc lộ mâu thuẫn giữa vẻ ngoài và tâm trạng bên trong của ly khách. Tuy mâu thuẫn nhưng nhất quán, nhất quán ở chỗ tác giả vừa tô đậm chí nhớn vừa bộc lộ tình cảm sâu sắc của ly khách, ly khách càng bị níu giữ thì vẻ đẹp ý chí càng hiện rõ, ly khách càng day dứt dằn vặt càng chứng tỏ bề sâu của tình cảm. Có thể nói, ly khách là hình tượng của văn chương lãng mạn. Về giọng điệu, nhân vật “ta”- cái tôi trữ tình nhà thơ, người ở lại nói với người ra đi, nó khác hẳn lời người đi nói với người ở lại như Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu. Tống biệt hành có nhiều câu thơ là lời trực tiếp của người tiễn đưa. Nhưng lại có nhiều câu thơ chỉ mang tính chất chuyển đổi giữa người ở lại và người ra đi, khổ thơ cuối cùng cũng có sự chuyển đổi giọng điệu tài tình như vậy:

   Người đi? ừ nhỉ, người đi thực !

   Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

   Chị thà coi như là hạt bụi,

   Em thà coi như hơi rượu say.

     Câu thơ Người đi? Ừ nhỉ người đi thực là giọng điệu người đưa tiễn. Cái hay là ở chỗ nó lột tả được hai mặt của cảm xúc: người đưa tiễn vừa cảm phục, ngưỡng mộ chí nhớn và quyết tâm lên đường của ly khách nhưng mặt khác lại muốn níu kéo bạn ở lại. Chẳng ai muốn có những cuộc chia ly. Trong sâu kín nhất của tình cảm có lẽ người đưa tiễn thầm mong đến phút cuối cùng ly khách sẽ thay đổi, sẽ nao núng ý chí quyết tâm, nhưng sự thật là ly khách đã lên đường. Cho dù nhân vật “ta” đã biết rất rõ việc ra đi của bạn, đã theo dõi những trạng thái cảm xúc và ý chí quyết tâm của ly khách “từ chiều hôm trước, sáng hôm nay” mà ly khách lên đường vẫn không tránh khỏi bàng hoàng, hụt hẫng ("Ừ nhỉ? Người đi thực").

     Hai từ "thà coi" được lặp lại liên tiếp ở ba câu thơ là hai từ rất nhạy cảm, nó dễ gây ra những phản ứng với người đọc. Chủ thể của thái độ “thà coi” là ai ? Muốn khẳng định giọng điệu của ba câu thơ cuối ta cần xem xét hai cách hiểu thường được đưa ra bàn cãi mới đây. Cách hiểu thứ nhất cho rằng ly khách quyết ra đi cho nên coi mẹ, chị, em của mình giống như chiếc lá, hạt bụi, hơi rượu để khỏi bị day dứt cõi lòng. Nhưng phần lớn ý kiến bác bỏ cách hiểu như trên và khẳng định đây là lời của ly khách muốn nói với người thân xin hãy coi ly khách như một cái gì hết sức nhỏ bé, vụt thoáng qua trong gia đình rồi biến mất để mà đừng có luyến tiếc đau khổ nữa. Nếu cho rằng ly khách coi mẹ, chị, em của mình tựa như chiếc lá, hạt bụi, hơi rượu để tô đậm chí lớn và quyết tâm ra đi thì ở phần đầu bài thơ ý nghĩa này đã được tô đậm rồi. Hơn nữa, nếu hiểu ý thơ theo cách thứ nhất là vi phạm tính chất nhân bản, vi phạm thô thiển tình cảm nhân đạo của con người, hiểu như thế sẽ nghèo nàn sắc thái thẩm mỹ của bài thơ. Hình ảnh ly khách sẽ trở thành phi nhân tính và không thật, không nhất quán về tâm trạng và tình cảm. Một người vô tâm với gia đình và người thân thì không thể là người sâu sắc, càng không thể là người có ly tưởng cao đẹp. Mặt khác ba hình ảnh thơ “chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu” đều mang tính chất chuyển động nên nó gần gũi tương đồng và gợi mối liên tưởng với người ra đi. Ta đã gặp hình ảnh thơ giống như vậy khi viết về người ra đi trong câu thơ của Nguyễn Bính:

Cha đừng tiếc, mẹ đừng thương

Cầm như đồng kẽm qua đường đánh rơi.

(Hành quân ngang)

     Cách hiểu thứ hai thấu tình đạt lý hơn. Đây là giọng điệu của ly khách, giống như lời an ủi những người thân yêu của mình hòng làm vợi bớt phần nào nỗi thương nhớ đau khổ cho họ chăng?

     Sự độc đáo và thành công của Tống biệt hành là ở chỗ không chỉ khơi dậy không khí của thơ cổ mà cái chính là đã đem đến chất liệu mới cho văn học. Miêu tả thế ra đi của một tráng sĩ theo tinh thần thơ mới. Ly khách là nhân vật của văn chương lãng mạn. Đó là con người phi thường nhưng không khác thường, chính những tình cảm đời thường (day dứt, dằn vặt, đau khổ) đã khiến cho ly khách càng trở nên cao cả hơn. Con người đó không chỉ có "chí nhớn" mà còn có tình cảm thắm thiết sâu nặng, không chỉ có lý tưởng cao đẹp mà còn có nhân tính. Thâm Tâm đã tạo nên một hình tượng đẹp và chân thực về con người qua Tống biệt hành. Với hình tượng người tráng sĩ nhà thơ đã hoàn thiện tư tưởng “chí làm trai” của văn học phương Đông với những cảm xúc chân thực và hiện đại. Giữa bản nhạc mang nhiều âm điệu ảo não của thơ mới, Thâm Tâm đã tạo nên một âm điệu hùng tráng và cổ điển riêng, làm phong phú và sâu sắc hơn những phương diện giá trị của phong trào Thơ mới. Và Thâm Tâm đã chứng minh rằng, phát triển có kế thừa truyền thống là một nguyên tắc sáng tác luôn luôn đúng đắn.

III - Liên hệ

1. Trong Tống biệt hành, “cánh bè” cắm chặt trên sông là cuộc sống gia đình quẩn quanh, tù túng. Cuộc sống này không phải không có chất thơ: cảnh sắc quê nhà cũng như chị gái, em thơ ở lại nhà được miêu tả bằng những hình ảnh tuyệt vời. Trong bài Lưu biệt, cuộc sống tù túng không thiếu những điều quyến rũ, níu giữ người ra đi: thơ và nhạc, “giọng đàn lưu luyến” và “tiếng cười”, “cố nhân”, “rượu xuân… đượm say mùi cũ”… Nhưng người ra đi vẫn quyết giã từ… Đó là ý nghĩa của câu “Một giã gia đình, một dửng dưng”. Sự “dửng dưng” không thuộc bản tính của người ra đi. Đây chỉ là nỗ lực tâm lý cuối cùng.

      Phong cách bài thơ vừa gợi ra hơi hướng lãng mạn vừa tạo dáng cốt cách trượng phu ở nhân vật người ra đi. Nhưng người ra đi là ai? Một đấng trượng phu có hơi hướng lãng mạn hay một người lãng mạn có dáng dấp trượng phu? Tôi thiên về nhận định sau. Phải nhận rằng trong bài Tống biệt hành có những từ, những điệu bộ và khẩu khí bị quy định bởi tính chất cổ xưa của điệu hành mà tác giả lựa chọn có ý thức làm thể loại cho tác phẩm của mình. Thâm Tâm trước sau là con người của phong trào Thơ mới. Người ra đi là một nhân vật lãng mạn, phần còn lại là văn chương, là cách điệu, là điệu bộ và “trò diễn ngôn từ”. “Đầy hoàng hôn trong mắt trong” là nét lãng mạn tuyệt vời ở nhân vật này. Mà văn chương lãng mạn Việt Nam, cả một thời Thơ mới và Tự lực văn đoàn cũng không tạo được một nét nào tuyệt vời hơn cho nhân vật lãng mạn đương thời.

   Đưa người, ta không đưa qua sông

   Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

   Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

   Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

      Tiếng sóng trong lòng ai? Có thể dễ dàng nhất trí tiếng sóng ở trong lòng người đưa tiễn. Nhưng “đầy hoàng hôn” trong mắt ai? Lời trong bài thơ từ đầu chí cuối là lời của người đưa tiễn, dù người ấy thầm nói với mình hay thầm nói với bạn, thầm nghĩ về mình hay thầm tưởng về bạn… Vậy thì người tiễn chỉ có thể nhìn thấy “hoàng hôn” trong mắt người đi. Bởi lẽ người tiễn (và bất kỳ ai cũng vậy) không thể nhìn thấy mắt của chính mình.

   Khổ kết thúc bài thơ:

   Người đi? ừ nhỉ, người đi thực!

   Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

   Chị thà coi như là hạt bụi,

   Em thà coi như hơi rượu say.

     Về ba câu cuối có hai cách hiểu khác nhau: (người ra đi) thà coi (mẹ) như chiếc lá bay hay (bà) mẹ thà coi (người con ra đi) như chiếc lá bay và vân vân… ở câu 1 người tiễn đưa thầm nghĩ về người đi thì ba câu tiếp theo hiểu như là người tiễn “nhập cảm” vào người đi để ném ra ba chữ "thà" sẽ tự nhiên hơn hiểu như là người tiễn lần lượt “nhập cảm” vào “mẹ”, “chị” và “em” và lần lượt buông ra ba chữ “thà”. Với cách hiểu thứ nhất, có chút gì đó “nhẫn tâm”, “khinh bạc” ở người ra đi, điều này ở một “người đàn ông” xem ra có thể chấp nhận được. Với cách hiểu thứ hai, “nhẫn tâm” và “khinh bạc” được gán cho “mẹ già”, “chị gái”, “em thơ”, điều này rất khó chấp nhận về mặt đạo đức cũng như về mặt mỹ học.

   Đọc Tống biệt hành của Thâm Tâm có những cách hiểu rất khác nhau nhưng mọi người đều nhất trí đây là một bài thơ hay. Như thế là thế nào? “Một sự kiện mà nhiều người biết là bài thơ, một mặt, có lớp ý nghĩa đầu tiên có thể dịch ra được bằng văn xuôi, mặt khác nó sống trong tâm trí người đọc một cuộc sống thứ hai, chính cuộc sống này xác định nó như là một bài thơ” (Merleau Ponty).

(Hoàng Ngọc Hiến, Văn học… gần & xa, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003)

2. Bài thơ thống nhất một trạng thái cảm xúc từ câu đầu đến câu cuối. Nhưng sự thống nhất lại sinh ra từ những tình thế đối lập gay gắt trong cảnh ngộ, trong tâm lý. Cái thái độ "một giã gia đình, một dửng dưng" cố che đậy, cố giấu nỗi xót thương mẹ già em dại, hai chị lỡ làng. Ba câu cuối cùng nói như buông xuôi, như nhẹ nhõm để nén một tiếng gào. Cái cảm giác tức tưởi của bài thơ càng dồn xuống lại càng bật lên. Âm điệu rắn rỏi của thể thơ càng thêm sự bùi ngùi của tình huống. Cái tên bài thuần chữ Hán cùng các từ ngữ cổ kính trang trọng đối chiếu với cuộc đi của đời thực, với diễn biến của tâm trạng, chỉ như một sự an ủi nhỏ nhoi, càng làm ta xót thương. Những yếu tố đó đã làm Tống biệt hành thành bài thơ hay và đầy vẻ lạ lùng so với các bài thơ cùng thời.

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close