Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong Sau phút chia li (Trích Chinh phụ ngâm khúc)

Từ việc diễn tả một cách xúc động và đầy cảm thông nỗi sầu chia li của người vợ trẻ, tác phẩm đã có một giá trị tư tưởng sâu sắc, thể hiện ở cả hai nội dung: tố cáo chiến tranh và tình cảm nhân đạo.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Đặng Trần Côn và các bản diễn Nôm.

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc và đoạn trích Sau phút chia li (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…).

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh thời đại

- Từ thế kỉ XVI, giai cấp phong kiến thống trị đã liên tiếp phát động nhiều cuộc chiến tranh để tranh giành, xâu xé quyền lợi.

- Các cuộc chiến tranh Nam- Bắc Triều rồi lại Trịnh - Nguyễn kéo dài hàng trăm năm gây ra không ít thảm cảnh. Biết bao cảnh chia li đầy máu và nước mắt vì chiến tranh loạn lạc. Đối với những cặp vợ chồng trẻ thì sự chia li càng trở nên đau xót. 

- Tác phẩm ra đời đã ghi dấu tư tưởng từ hoàn cảnh thời đại ấy.

b. Giá trị nội dung

- Giá trị hiện thực:

+ Thời đại, chế độ với những tranh chấp, xung đột không đáng có của các thế lực cầm quyền đã làm khổ nhân dân vô tội.

+ Chiến tranh là sản phẩm của lòng tham, tội ác đã chia cắt tình yêu của đôi lứa.

=> Lên án tố cáo chiến tranh và thời đại.

- Giá trị nhân đạo:

+ Đồng cảm sâu sắc, chia sẻ đầy tình người với nỗi sầu chia li.

+ Khát khao hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ. 

c. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ song thất lục bát - thể thơ do người Việt sáng tạo, rất giàu nhạc tính phù hợp với việc bộc bạch, thổ lộ cảm xúc của con người đã tạo ra âm hưởng buồn thương như dòng tâm trạng của người phụ nữ trong suốt cả đoạn trích

- Đồng thời, hệ thống những từ láy kết hợp với lối thơ vắt dòng và biện pháp điệp từ, điệp ngữ càng làm cho những câu thơ trở nên nặng trĩu tâm trạng, mở ra một một nỗi buồn thương bao trùm lên cảnh vật.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị hiện thực và nhân văn của đoạn trích.

- Đây là yếu tố góp phần làm nên thành công của tác phẩm.

Bài mẫu

        Chinh phụ ngâm khúc là khúc ngâm của người vợ có chồng ra trận. Từ việc diễn tả một cách xúc động và đầy cảm thông nỗi sầu chia li của người vợ trẻ, tác phẩm đã có một giá trị tư tưởng sâu sắc, thể hiện ở cả hai nội dung: tố cáo chiến tranh và tình cảm nhân đạo.

        Từ thế kỉ XVI, giai cấp phong kiến thống trị đã liên tiếp phát động nhiều cuộc chiến tranh để tranh giành, xâu xé quyền lợi. Các cuộc chiến tranh Nam- Bắc Triều rồi lại Trịnh - Nguyễn kéo dài hàng trăm năm gây ra không ít thảm cảnh. Biết bao cảnh chia li đầy máu và nước mắt vì chiến tranh loạn lạc. Đối với những cặp vợ chồng trẻ thì sự chia li càng trở nên đau xót. Cuộc sống vợ chồng đương độ mặn nồng mà đành phải dứt áo tiễn biệt nhau, hỏi còn gì chua xót hơn? Người chồng dấn thân vào chốn binh đao khói lửa đã bi thương lắm rồi, nhưng làm sao sánh được với nỗi sầu muộn buồn đau ngóng trông vô vọng của người vợ trẻ cô đơn vò võ nơi buồng the. Dường như trái tim nhạy cảm của người phụ nữ đã phần nào dự cảm được số phận bi thảm của người chồng ngay từ phút chia li tâm trạng thương đau của người vợ, chiến trận hiện ra thật thảm khốc:

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phụ trăng dõi dõi theo

 Chinh phu tử sĩ bao người

Nào ai mạc mặt, nào ai liệm hồn?

        Vì thế mà ngay sau phút chia li, cả một núi sầu đã đè nặng lên người vợ trẻ:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

 Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

        Hình bóng người chồng cứ xa dần, xa dần rồi mất hút vào không gian thăm thẳm, mênh mông, để rồi chỉ còn lại là tâm trạng sầu thương của người vợ trẻ. Bao nhiêu tình cảm âu yếm chỉ còn là hoài niệm. Bao nhiêu ước vọng về hạnh phúc lứa đôi trở thành vô vọng. Ai làm cho lứa đôi chia lìa? Ai làm cho cuộc sống của người vợ chỉ còn là một chuỗi sầu muộn, mòn mỏi ngóng trông đến hoá đá? Chiến tranh thật là tàn nhẫn! Nhà thơ không một lời phê phán chiến tranh, chỉ để người chinh phụ bày tỏ nỗi sầu chia li chất chồng, và dường như sự phẫn uất của tác giả cũng tăng dần theo nỗi sầu ấy. Giá trị tố cáo của đoạn thơ chính là ở đó.

        Không chỉ có ý nghĩa tố cáo chiến tranh, Sau phút chia li còn là một đoạn thơ có giả trị nhân đạo sâu sắc. Bản thân ý nghĩa tố cáo đã là một khía cạnh của tinh thần nhân đạo. Song giá trị nhân đạo của đoạn thơ còn sâu sắc hơn nhiều. Tinh thần nhân bản ấy chính là sự đồng cảm sâu sắc, sự chia sẻ đầy tình người với nỗi sầu chia li và khát khao hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ. Dường như nhà thơ đã hoá thân thành người chinh phụ. Nếu không, làm sao có thể cảm nhận được trùng trùng lớp lớp sầu thương đang dâng lên trong lòng nàng và nhuộm màu sắc chia li lên cảnh vật:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiều Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt, một màu

Lòng chàng ỷ thiếp ai sầu hơn ai?

        Đặt tác phẩm vào hoàn cảnh ra đời là đầu thế kỉ XVIII (Cái thời mà tư tưởng phong kiến Nam quyền chi phối đời sống tinh thần cả xã hội, ít ai quan tâm tới tâm trạng và nỗi lòng của người phụ nữ) mới thấy hết giá trị nhân bản của đoạn thơ. Với những ý nghĩa như trên, Sau phút chia li trở thành đoạn thơ được nhiều người nhớ đến và yêu mến.

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close