Giải bài tập 3 Đọc và thực hành tiếng Việt trang 4 sách bài tập Văn 10 - Kết nối tri thứcHành động tội ác của kẻ thù đối với nhân dân ta đã được tác giả khái quát qua những khía cạnh nào?
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai, tr.12-13, đoạn từ “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà” đến “Ai bảo thần dân chịu được?” và trả lời câu hỏi: Câu 1 Liệt kê một số động từ, cụm động từ thể hiện âm mưu, dã tâm và hành động bạo ngược, phi nghĩa của giặc Minh và bè lũ gian tà bán nước. Phương pháp giải: - Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo. - Tìm các từ, cụm từ thể hiện âm mưu, dã tâm của giặc Minh. Lời giải chi tiết: Một số động từ, cụm động từ thể hiện âm mưu, dã tâm và hành động bạo ngược, phi nghĩa của giặc Minh và bè lũ gian tà bán nước: “thừa cơ gây hoạ”, “bán nước cầu vinh”, “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, “dối trời”, “lừa dân”, “gây binh”, “kết oán”, “bại nhân nghĩa”, “nặng thuế khoá. Câu 2 Hành động tội ác của kẻ thù đối với nhân dân ta đã được tác giả khái quát qua những khía cạnh nào? Phương pháp giải: - Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo. - Liệt kê âm mưu, dã tâm của giặc Minh. - Từ đó khái quát lên những khía cạnh được tác giả đề cập. Lời giải chi tiết: Các khía cạnh tội ác có thể khái quát: - Luôn có dã tâm xâm lược nên đã rình chờ cơ hội. (Nguyên văn “khích” có nghĩa là dòm ngó, nhìn trộm). - Gây chiến tranh thôn tính có tính chất huỷ diệt. - Huỷ hoại (với mức độ độc ác chưa từng có) các nền tảng giá trị nhân bản. - Cướp bóc, vơ vét của cải phục vụ cho lòng tham không cùng. - Thực thi chế độ nô dịch, đàn áp. Câu 3 Liệt kê một số hình ảnh có giá trị biểu cảm được tác giả sử dụng để tố cáo tội ác của quân giặc. Phương pháp giải: - Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo. - Liệt kê những hình ảnh có giá trị biểu cảm được tác giả sử dụng để tố cáo tội ác của quân giặc. Lời giải chi tiết: Tội ác của kẻ thù được thể hiện bằng nhiều từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm (“cuồng Minh”, “nướng” [hân], “vùi” [hãm], “dối” [khi], “lừa” [võng], “máu mỡ bấy no nê” [tuấn sinh linh chi huyết], “con đỏ” [xích tử], “ngọn lửa hung tàn” [ngược diệm], “hầm tai vạ” [hoạ khanh], “goá bụi khốn cùng” [quan quả điên liên], “tài hại…côn trùng cây cỏ” [ côn trùng thảo mộc…bất đắc toại kì sinh], …) → Những từ ngữ, hình ảnh này vừa tố cáo tội ác, vừa khơi dậy lòng căm thù uất hận, vừa thể hiện niềm thương xót cùng cực. Câu 4 Tác giả đã thể hiện lòng căm thù giặc và sự thương xót nỗi thống khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng như thế nào? Phương pháp giải: - Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo. - Liệt kê đầy đủ âm mưu, dã tâm của giặc Minh. - Từ đó rút ra thái độ của Nguyễn Trãi trước âm mưu, hành động của giặc Minh. Lời giải chi tiết: Lòng căm thù giặc sâu sắc đồng nghĩa với sự phẫn uất trước những tội ác phi nhân tính, bạn nhân nghĩa. Tác giả thể hiện điều này bằng cách vạch trần, phơi bày cụ thể, chi tiết hàng loạt hành động của quân giặc. Thủ pháp liệt kê theo lối đặc tả, nhấn mạnh và tăng tiến,… giúp chúng ta hình dung ra một bản cáo trạng đanh thép, tố cáo tội ác man rợ trời không dung, đất không tha của bọn “cuồng Minh”. Đối lập với lòng căm thù là nỗi thương cảm, xót xa trước những đau đớn, tang tóc mà “dân đen con đỏ” cũng như mọi sinh linh phải chịu đựng. Một loạt hình ảnh, từ ngữ biểu đạt sự đau thương cùng cực của một người trong cuộc, với xúc cảm chân thực giúp người đọc nhận thấy chiều sâu của một tấm lòng ưu dân ái quốc. Câu 5 Nêu ý kiến nhận xét của bạn về hiệu quả biểu đạt của điển cố “trúc Nam Sơn”, “nước Đông Hải”. Phương pháp giải: - Đọc kĩ nội dung biểu đạt của điển cố được sử dụng. - Đặt vào mạch văn bản để thấy hiệu quả của nó. - Đưa ra nhận xét khái quát của bản thân. Lời giải chi tiết: Cả hai điểm cố nói trên mượn chữ và ý trong bài hịch của Ngỗi Hưu và Lương Nguyên kể tội Tuỳ Dượng đế: “Khách Nam Sơn chi trúc thư tội vô cùng, quyết Đông Hải chi ba lưu ác nan tận”. (Chặt hết trúc Nam Sơn, chép không hết tội; vét cạn nước Đông Hải, chẳng rửa sạch ác). Điển cố “trúc Nam Sơn” và “nước Đông Hải” được dùng ở cuối đoạn văn tố cáo tội ác quân giặc. Trúc Nam Sơn và nước Đông Hải nguyên là hình ảnh biểu trưng cho cái vô hạn, nhưng trong trường hợp này không thể đem chúng ra để so sánh với tội ác của kẻ thù. Dùng trúc Nam Sơn làm thẻ để ghi chép thì đến sách vở thư tịch của cả một quốc gia trong nhiều đời cũng không dùng hết, vậy mà không đủ để ghi tội ác giặc Minh. Nước biển Đông mênh mông vô hạn có thể làm dậy bão táp phong ba, thế mà không đủ để rửa sạch sự dơ bẩn của kẻ thù. Điển cố được sử dụng đặc biệt phù hợp, làm tăng khả năng khái quát và tính biểu cảm của bản cáo trạng.
|