Giải Bài tập 4 trang 27 sách bài tập Ngữ văn 11 - Kết nối tri thứcĐọc đoạn trích sau trong Vũ Như Tô (hồi thứ nhất, lớp VII) và trả lời các câu hỏi
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đọc đoạn trích sau trong Vũ Như Tô (hồi thứ nhất, lớp VII) và trả lời các câu hỏi: (Đọc đoạn trích trong SBT Ngữ văn 11 KNTT trang 27 -28). Câu 1 Câu 1 (trang 28, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một): Tình huống được miêu tả trong trích đoạn kịch là gì? Phân tích giá trị của tình huống kịch đó. Phương pháp giải: Đọc kĩ lại cả văn bản để đưa ra tình huống được miêu tả. Từ đó phân tích giá trị của tình huống kịch. Lời giải chi tiết: - Tình huống được miêu tả trong đoạn trích: Vũ Như Tô bị Lê Tương Dực bắt vào cung xây dựng Cửu Trùng Đài. Ông nhất định không chịu, mang vợ con đi trốn và sau đó bị áp giải về kinh thành, tính mạng của Vũ Như Tô và gia đình rất đối nguy ngập. → Tình huống kịch thể hiện bối cảnh xã hội rối ren, nhiễu nhương thời hậu Lê, khi vua chúa tàn ác, ăn chơi sa đoạ, sai nha lộng quyền, dân thường bị chà đạp, khinh rẻ. Mặt khác, tình huống này buộc nhân vật phải đưa ra những lựa chọn mang tính quyết định: hoặc bảo vệ nhân cách thanh cao và từ chối xây Cửu Trùng Đài, chấp nhận cái chết, hoặc chấp nhận xây dựng Cửu Trùng Đài và từ bỏ lí tưởng nghệ thuật cao đẹp của mình. Mỗi lựa chọn đều là lựa chọn sinh tử giúp bộc lộ tính cách của nhân vật. Tình huống kịch cũng đẩy nhân vật Vũ Như Tô vào một tình thế đầy mâu thuẫn giữa tình cảm gia đình và danh dự, lòng tự trọng của người nghệ sĩ - một mặt ông đau đớn khi thấy gia đình bị hành hạ, mặt khác, lòng tự trọng không cho phép ông thỏa hiệp và đầu hàng. Mâu thuẫn này tạo nên xung đột nội tâm hết sức dữ dội trong Vũ Như Tô, được bộc lộ qua những lời thoại bi phẫn, tuyệt vọng của nhân vật. Câu 2 Câu 2 (trang 28, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một): Vì sao Vũ Như Tô lại từ chối xây dựng Cửu Trùng Đài? Sự từ chối này cho thấy tính cách gì của nhân vật? Phương pháp giải: Đọc kĩ lại toàn văn bản, để đưa ra lí do khiến Vũ Như Tô từ chối xây dựng Cửu Trùng Đài. Từ đó rút ra tính cách của nhân vật. Lời giải chi tiết: - Lí do: + Thứ nhất, ông nhận ra bản chất của vua chúa, quan lại là tàn ác và không muốn phục vụ cho hôn quân. + Thứ hai, ông ý thức được tài năng và phẩm giá của mình và có một lí tưởng cao đẹp về nghệ thuật (“Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được.”). - Hành động từ chối xây dựng Cửu Trùng Đài, dù tính mạng của bản thân và gia đình nguy ngập, cho thấy lòng tự trọng, tính cách can trường, cương trực, khẳng khái, lí tưởng nghệ thuật thanh cao, không vụ lợi của Vũ Như Tô, đồng thời cũng cho thấy số phận đầy bi kịch của người nghệ sĩ trong một thời đại bạo loạn. Câu 3 Câu 3 (trang 28, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một): Đan Thiềm đã dùng những lí lẽ gì để khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài? Bạn có nhận xét gì về những lí lẽ đó? Vì sao nhân vật lại làm như vậy? Phương pháp giải: Đọc kĩ lại toàn văn bản để đưa ra lí lẽ Đan Thiềm đưa ra để thuyết phục Vũ Như Tô. Nhận xét về lí lẽ và lí do nhân vật làm như vậy. Lời giải chi tiết: - Đan Thiềm một mực khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài, bằng những lập luận rất thuyết phục: Vũ Như Tô là người có tài, tài năng đó cần phải được sử dụng (“Vậy thì các ông luyện nghề làm gì, luyện mà không đem ra thì thố?”), xây Cửu Trùng Đài là dịp để bộc lộ tài năng và theo đuổi hoài bão (“Đây là lúc ông nên mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông.), triều đại thì hữu hạn nhưng nghệ thuật thì trường tồn (“Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời.), nhân dân sẽ là người được hưởng lợi cuối cùng từ công trình của ông (“Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi”). - Những lập luận này đều rất sắc bén, giàu sức thuyết phục. - Sở dĩ Đan Thiềm kiên quyết khuyên nhủ Vũ Như Tô là bởi bà nể trọng tài năng của ông, hiểu thấu hoài bão cao đẹp và tính cách cương trực của ông, thương xót cho hoàn cảnh cam go của ông và đồng thời cũng khao khát hướng tới những giá trị đẹp đẽ, vĩnh cửu, trường tồn. Câu 4 Câu 4 (trang 28, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một): Lời đa tạ của Vũ Như Tô cho thấy quyết định gì của nhân vật? Vì sao nhân vật có quyết định đó? Phương pháp giải: Đọc kĩ lại toàn văn bản để đưa ra quyết định của Vũ Như Tô khi đưa ra lời đa tạ và lí giải về quyết định đó. Lời giải chi tiết: - Lời đa tạ của Vũ Như Tô cho thấy ông đã quyết định sẽ sống để xây dựng Cửu Trùng Đài. - Sở dĩ Vũ Như Tô quyết định như vậy, một phần là do ông cảm động trước tấm lòng tri âm và ”biệt nhỡn liên tài” của Đan Thiềm, bị thuyết phục bởi lí lễ sắc bén của bà, một phần sâu xa hơn là những lời lẽ của Đan Thiềm đã chạm tới hoài bão tha thiết mà ông muốn theo đuổi trong cả cuộc đời mình: tạo nên một công trình nghệ thuật đẹp đẽ, lưu danh muôn thuở, cống hiến cho đất nước và nhân dân. → Việc từ chối xây Cửu Trùng Đài cho thấy vẻ đẹp của phẩm giá Vũ Như Tô, nhưng việc chấp nhận xây Cửu Trùng Đài lại cho thấy lí tưởng nghệ thuật cao cả của người nghệ sĩ trong ông. Câu 5 Câu 5 (trang 28, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một): Xung đột chính được miêu tả trong đoạn trích là gì? Dựa vào đâu bạn nhận ra xung đột đó? Phương pháp giải: Đọc kĩ lại cả văn bản để đưa ra xung đột chính của đoạn trích. Đưa ra những lí lẽ, chi tiết để nhận ra xung đột đó. Lời giải chi tiết: - Xung đột chính được xây dựng trong văn bản là mâu thuẫn giữa một bên là lí tưởng sống và hoài bão nghệ thuật cao đẹp của người nghệ sĩ tài năng Vũ Như Tô và một bên là thực tế tàn nhẫn khiến cho ông muốn thực hiện lí tưởng thì phải từ bỏ phẩm giá của mình. - Xung đột này được bộc lộ qua sự đối lập trong cái nhìn, thái độ, lí lẽ của hai nhân vật: Vũ Như Tô để bảo vệ phẩm giá và lí tưởng của mình, nhất định không chịu xây dựng Cửu Trùng Đài, Đan Thiềm vì nể trọng tài năng và thấu hiểu hoài bão của Vũ Như Tô mà một mực khuyên ông mượn tay hôn quân để thực hiện lí tưởng nghệ thuật. Xung đột này cũng được bộc lộ qua sự giằng co trong nội tâm Vũ Như Tô: một mặt, ông ý thức được tài năng của mình (“Tôi bẩm sinh có khiếu về kiến trúc.), nhất quyết theo đuổi lí tưởng dù phải chịu khổ sở (“Biết đa mang là khổ nhục mà không sao bỏ được. Như bóng theo hình”), mặt khác, ông lại cùng lúc nhận ra thời thế không cho phép mình bộc lộ tài năng (“Vua Hồng Thuận ngày nay càng khinh rẻ chúng tôi, cách đối đãi lại bạc ác.). Sự mâu thuẫn này đẩy nhân vật vào một tâm trạng vô cùng đau khổ, cay đắng. → Bi kịch của Vũ Như Tô vì thế là bi kịch tự ý thức. Câu 6 Câu 6 (trang 28, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một): Văn học là sự đúc kết của một trạng huống nhân sinh. Theo bạn, trạng huống nhân sinh nào đã được cô đọng lại trong đoạn trích? Phương pháp giải: Đọc kĩ lại cả văn bản để đưa ra trạng huống nhân sinh được cô đọng lại. Lời giải chi tiết: - Từ những sự việc mang tính chất lịch sử cụ thể, đoạn trích đã khái quát thành một trạng huống nhân sinh phổ quát của nhân loại: mâu thuẫn giữa khát vọng, ước mơ và thực tại đời sống, mâu thuẫn giữa nghệ thuật và quyền lực, mâu thuẫn giữa cá nhân và lịch sử. - Những trạng huống này luôn buộc mỗi cá nhân phải suy nghĩ, lựa chọn, và mỗi lựa chọn, hành xử khác nhau sẽ bộc lộ những giá trị sống, phẩm chất, tính cách khác nhau của con người. Câu 7 Câu 7 (trang 28, sách bài tập Ngữ Văn 11, tập một): Thông điệp mà bạn nhận được sau khi đọc đoạn trích là gì? Phương pháp giải: Đọc kĩ lại cả văn bản để đưa ra thông điệp mà bản thân nhận ra. Lời giải chi tiết: Đoạn trích cho chúng ta thấy số phận bi đát của con người trong bối cảnh rối ren, nhiễu nhương của lịch sử, thân phận đầy bi kịch của người nghệ sĩ có tài năng, muốn cống hiến, song lại không thể thực hiện được khát vọng nghệ thuật của mình.
|