B. Hoạt động thực hành - Bài 11C: Cần cù, siêng năng

Giải bài 11C: Cần cù, siêng năng phần hoạt động thực hành trang 121, 122, 123 sách VNEN tiếng việt 4 với lời giải dễ hiểu

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Đọc câu chuyện sau:

Rùa và thỏ

     Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông, một con rùa đang cố sức tập chạy. Một con thỏ thấy thế liền mỉa mai:

     - Đã gọi là chậm như rùa mà cũng đòi tập chạy.

     Rùa đáp :

     - Anh đừng giễu tôi! Anh với tôi thử chạy thi coi ai hơn !

     Thỏ ngạc nhiên :

     - Rùa mà dám chạy thi với thỏ sao? Ta chấp chú em một nửa đường đó.

     Rùa không nói gì. Biết mình chậm chạp, nó dốc sức chạy thật nhanh.

     Thỏ nhìn theo, mỉm cười. Nó nghĩ: "Chả việc gì mà vội, rùa gần tới đích, mình phóng cũng thừa sức thắng cuộc." Vì vậy, nó cứ nhởn nho nhìn trời, mây, cây cỏ.

     Lúc sực nhớ đến cuộc thi, ngẩng đầu lên, nó thấy rùa đã gần tới đích, bèn vắt chân lên cổ mà chạy. Nhưng muộn mất rồi. Rùa đã tới đích trước nó.

(Theo La-phông-ten)

Câu 2

Tìm hiểu cách viết đoạn mở bài trong bài văn kể chuyện.

a) Tìm đoạn mở bài trong câu chuyện Rùa và Thỏ.

b) Cách mở bài sau đây có gì khác với cách mở bài của câu chuyện Rùa và Thỏ?

     Trong muôn loài, rùa vốn nối tiếng là chậm chạp, còn thỏ thì chạy nhanh như bay. Thế mà có một con rùa dám chạy thi với thỏ và thắng cả thỏ. Vì sao có chuyện ngược đời như vậy? Sau đây, em xin kể đầu đuôi câu chuyện ấy.

Lời giải chi tiết:

a) Đoạn mở bài trong truyện là: “Trời vào thu mát mẻ. Trên bờ sông, một con rùa đang cố sức tập chạy”.

b) Ở mở bài của câu chuyện Rùa và Thỏ, tác giả dẫn ngay vào trực tiếp của câu chuyện, còn cách mở bài trên không kể ngay vào sự việc mà nói chuyện khác sau đó mới dẫn vào câu chuyện định kể (cách mở bài gián tiếp).

Câu 3

Đọc các mở bài sau và trả lời câu hỏi:

     Mỗi đoạn mở bài dưới đây được viết theo cách nào?

a) Có một con rùa sống trên sông. Biết mình chậm chạp nên hôm nào cũng vậy, vừa sáng sớm tinh mơ, nó đã ra bờ sông tập chạy.

b) Xưa nay, người cậy tài giỏi mà chủ quan, biếng nhác thì chẳng làm nên việc gì. Ngược lại, sức có kém nhưng quyết tâm, nhẫn nại ắt thành công. Câu chuyện Rùa và Thỏ chứng minh điều đó.

c) Đầu năm học vừa qua, lớp em có mấy bạn vì chủ quan, lười biếng nên kết quả học tập sút kém hẳn so với hồi lớp ba. Cô giáo bèn kể chuyện Rùa và Thỏ để khuyên các bạn phải cố gắng, chăm chỉ. Câu chuyện này như sau:

d) Trong các loài thú, mấy ai chạy nhanh như bọn thỏ chúng tôi? Thấy bóng chúng tôi trên đường đua thì hươu, nai còn phải kiêng dè, chưa nói gì tới bác trâu hay chị lợn. Thế mà có lần thỏ tôi phải ngậm đắng nuốt cay chịu thua anh chàng rùa nổi tiếng lù đù, chậm chạp. Câu chuyện ấy dạy cho tôi một bài học nhớ đời. Đầu đuôi thế này:

Lời giải chi tiết:

a) Mở bài trực tiếp

b) Mở bài gián tiếp

c) Mở bài gián tiếp

d) Mở bài gián tiếp

Câu 4

Viết đoạn văn mở bài theo cách gián tiếp cho bài văn kể chuyện Bàn chân kì diệu.

Lời giải chi tiết:

     Trong cuộc sống, ý chí và nghị lực sẽ khiến chúng ta dễ dàng vượt qua khó khăn, gian khổ. Câu chuyện về cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký đã chứng minh rõ ràng cho điều đó. Sau đây, mời các bạn cùng đọc câu chuyện "Bàn chân kì diệu".

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close