Hãy bình giảng bài thơ Chợ Đồng của Nguyễn Khuyến.

Nguyễn Khuyến đã mất non thế kỉ nhưng thơ ông, trái tim ông vẫn sống, vẫn gắn bó với cảnh dân tình dân. Cuộc sống thôn dã bình dị như thấm vào câu chữ bài thơ Chợ Đồng.

Đề bài

Hãy bình giảng bài thơ Chợ Đồng của Nguyễn Khuyến.

Lời giải chi tiết

Chợ Đồng

           Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng.

        Năm nay chợ họp có đông không?

Dở trời, mưa bụi còn hơi rét,

             Nếm rượu tường đền được mấy ông?

         Hàng quán người về nghe xao xác,

   Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

   Dăm ba ngày nữa tin xuân tới,

        Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

(Nguyễn Khuyến)

     Thi sĩ Xuân Diệu từng mệnh danh Nguyễn Khuyến là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. Yên Đổ, Bình Lục, tỉnh Hà Nam, một vùng đồng chiêm trũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Khuyến. Với tuổi đời 75, chỉ có 12 năm đi làm quan, còn lại trên nửa thế kỷ, ông gắn bó với làng xóm quê hương đi “Vườn Bùi, chốn cũ”, với núi An Lão, chợ Đồng,... thân yêu.

     Nguyễn Khuyến đã mất non thế kỷ nhưng thơ ông, trái tim ông vẫn sống, vẫn gắn bó với cảnh dân tình dân. Cuộc sống thôn dã bình dị như thấm vào câu chữ bài thơ Chợ Đồng này:

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,

...

Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng

     Ta đã biết nhiều tên chợ, phiên chợ trong ca dao, dân ca. “Chợ huyện một tháng sáu phiên - Gặp cô hàng xén kết duyên Châu - Trần; "Chợ Viềng năm có một phiên - Cái nón em đội cũng tiền anh trao”. Và chợ Đồng quê hương Tam Nguyên Yên Đổ.

     Hai câu thơ đầu như một lời nhẩm tính chợt nhớ ra và còn hỏi, tự hỏi mình hay còn hỏi bà con đi chợ về?

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,

Năm nay chợ họp có đông không?

     Làng Vị Hạ, quê hương Nguyễn Khuyến có chợ. Và còn gọi là chợ Đồng, mỗi tháng có chín phiên họp vào ngày chẵn: 4, 6 ,10, 14, 16, 20, 24, 26, 30. Ba phiên chợ cuối năm, chợ không họp trong làng nữa, chợ Tết nên họp ở cánh nương mạ, cạnh một ngôi đền cổ ba gian. Những năm được mùa, chợ Đồng, ba phiên chợ Tết đông vui lắm. Trái lại, những năm mất mùa, chợ Đồng thưa thớt người mua hán. Câu thơ thứ nhất nhắc đến một nét đẹp của quê hương. Tết đã đến, ngày hai mươi bốn tháng chạp, chợ Đồng vào phiên. Hai tiếng “năm nay" thời gian không xác định. Có phải đó là năm Quý Tị (1983), năm Ất Tị (1905) đê sông Hồng bị vỡ, vùng Hà Nam bị lụt lớn: “Tị trước Tị này chục lẻ ba - Thuận dòng nước cũ lại bao la..." (Vịnh lụt). Năm tiếng “chợ họp có đông không” như một tiếng thở dài đằng sau câu hỏi nhỏ. Cầu thơ chứa đầy tâm trạng; tâm trạng của một nhà nho gắn bó với bao nỗi vui buồn của nhân dân giữa thời loạn lạc, đói rét, lầm than.

      Tiếp theo là hai câu thơ 3, 4 trong phần “thực” thêm một câu hỏi nữa, diễn tả nỗi lòng nhà thơ. Ta như cảm thấy một ông già lụ khụ, tay chống gậy trúc, ngơ ngác nhìn trời, tự hỏi:

Dở trời mưa bụi còn hơi rét,

 Uống rượu tường đền được mấy ông

      Dở trời là thời tiết không thuận. Mưa bụi, mưa phùn liên miên, đường sá, “ngõ trúc quanh co" nơi làng quê lại bùn lầy, nhớp nháp, cả một miền quê năm hết Tết đến chỉ còn “hơi rét”. Cái rét trong lòng người rét rà, hơi rét của đất trời cùng với mưa bụi trắng trời như vây chặt lấy bà con nơi chốn quê lam lũ. Câu thơ "Dở trời mưa bụi còn hơi rét” mang hàm nghĩa về cảnh lầm than, nỗi cơ hàn của nhân dân, của bà con dân cày nghèo khổ, cực nhọc. Chợ Đồng đang họp trong mưa rét.

     “Nếm rượu tường đền” là một nét đẹp, cổ truyền diễn ra trong ba phiên chợ Đồng cuối năm. Các bô lão làng Vị Hạ vẫn ngồi tựa lưng vào tường đền “nếm rượu", xem thứ rượu nào ngon thì mua để tế lễ thánh trong dịp Tết và đầu xuân. Chỉ một nét đẹp trong phong tục quê hương vẫn được Nguyễn Khuyến nhắc đến với bao tình cảm mến yêu và trân trọng. “Được mấy ông?” vì còn có bao cụ già nữa, thưa thớt, vắng vẻ cả rồi. Câu thơ thứ tư ý tại ngôn ngoại, đã thể hiện nỗi buồn bơ vơ, cô đơn của một nhà nho bất đắc chí, như ông đã nói trong bài Gửi bạn:

Đời loạn đi về như hạc độc,

Tuổi già hình bóng tựa mây côi

Hoặc:

Xuân về ngày loạn cùng lơ láo,

Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ

(Ngày xuân dặn các con)

     Hai câu 3, 4 chỉ một vài nét đơn sơ, tác giả đã tái hiện lại khung cảnh, không khí buồn tẻ của phiên chợ Đồng “năm nay" thưa thớt vắng vẻ, buồn trong mưa rét. Nó có giá trị hiện thực phản ánh cảnh dân, tình trên miền Bắc nước ta một trăm năm về trước.

     Nguyễn Khuyến có tài ghi lại không khí cuộc sống dân dã vào trong những câu thơ của mình. Đây là cảnh chợ tan nhà thơ tả những âm thanh, những tiếng đời ông nghe được:

Hàng quán người về nghe xáo xác,

Nợ nần năm hết hỏi lung tung

    Có người cho rằng bài thơ “gợi lên không khí rộn nhịp cảnh chợ Đồng” trong hai câu 5, 6 này. Xuân Diệu đã hiểu ngược lại, thi sĩ nói: “người về” không phải là về họp mà là ra về; càng về cuối chợ, có cái huyên thuyên của sự rã đám, kẻ đòi nợ càng thúc người chịu nợ... Cái âm "xáo xác" đối với cái thanh “ lung tung”. Xao xác nghĩa là ồn ào mà ngơ ngác. Lung tung là rắc rối, loạn xạ cả lên. Tan chợ, phiên chợ Tết mà chỉ có tiếng đòi nợ, thúc nợ lung tung. Cái nghèo túng đang đè nặng xóm làng quê.

      Cảnh hàng quán mua bán “nghe xáo xác". Cái buồn của sự đói nghèo càng được nhân lên khi năm hết Tết đến rồi. Hai câu trong phần thực nói về cái rét, hai câu trong phần luận tả cái nghèo. Có nỗi khổ nào lớn hơn cái nỗi khổ cơ hàn? Vạn khổ bất như bần? Dân gian có câu: “Thứ nhất con đói, thứ hai nợ đòi, thứ ba nhà dột". Đó là ba cái khổ của người nghèo xưa nay. Nguyễn Khuyến đã nghe được bao nỗi đời cay cực của nhân dân trong xã hội cũ, nên ông mới viết thâm thía như vậy: “Nợ nần năm hết hồi lung tung”. Ông đã chỉ ra nguyên cớ của cái nghèo, cái rét ấy:

  Năm nay cày cấy vẫn chan thua,

              Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.

    Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,

Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.

     Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,

        Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.

    Tằn tiện thế mà không khá nhỉ?

       Nhờ trời rồi cũng mấy gian kho!

                           (Chốn quê)

      Trở lại bài Chợ Đồng hai câu kết chứa chất bao tâm trạng. Người đi chợ về đã vãn. Một mình nhà thơ đứng bơ vơ nhẩm tính. “Dăm ba ngày nữa tin xuân tới”, năm cũ dần qua, năm mới dần sang. Cái nghèo, cái rét vẫn là nỗi lo, nỗi buồn man mác. Chợt nhà thơ giật mình trước cái âm thanh “Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”. Tác giả vận dụng tài tình điển tích về tiếng pháo trúc xua đuổi ma quỷ của Lý Điền ngày xưa bên Trung Quốc để tạo ra một ý mới. Tiếng pháo trúc “nhà ai" nổ “một tiếng đùng” như muốn xua đi cái nghèo đói của năm cũ để “Co cẳng đạp thằng bần ra cửa... Giơ tay bồng ông phúc vào nhà" (Nguyễn Công Trứ). Nguyễn Khuyến đã từng chợt tỉnh khi nghe “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”, và giờ đây trong cảnh "Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng” vãn, ông lại bồi hồi ngơ ngác lúc nghe “Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng". “Nhà ai” - không rõ, mơ hồ, xa xăm. Nỗi cô đơn của nhà thơ không thể nào kể xiết được:

Dăm ba ngày nữa tin xuân tới,

Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng

   “Tin xuân tới” với bao nỗi mong chờ cho dân cày mát mặt “nhờ trời" để dân làng Vị Hạ “được bát cơm no". Nguyễn Khuyến tả cảnh chợ Đồng với bao nỗi buồn lo, le lói một niềm ước mong cho dân nghèo khi “tin xuân tới”. Đó là tấm lòng thương dân, lo đời đáng quý.

   Nguyễn Khuyến mất năm 1909, đúng bốn mươi năm sau, giặc Pháp kéo quân tới chiếm đóng làng Vị Hạ, càn quét bắn phá dã man. Chợ Đồng tan từ đây, và tục họp chợ Đồng vào cuối năm cũng mất. Bài thơ Chợ Đồng của Nguyễn Khuyến như một tấm bia nói về cuộc sống và phong tục làng quê xưa. Bài thơ thất ngôn bát cú cho ta nhiều ấn tượng. Ngôn ngữ bình dị, thuần Nôm. Giọng thơ trầm lặng, đượm một nỗi buồn man mác, cô đơn. Cảnh dân và tình dân được thể hiện qua một bút pháp điêu luyện. Cái hồn quê, cái tình quê như kết đọng qua âm thanh “xao xác”, qua hình ảnh “nếm rượu tường đền" của các bô lão tóc bạc phơ dưới làn mưa bụi “Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng’’ ... Nguyễn Khuyến vẫn đang hiển hiện cùng làng nước quê hương.

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close