Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương để làm sáng tỏ nhận định: Đầu thế kỉ XX này, có những vần thơ, những bài văn đã làm cho người nghe căm hờn, suy nghĩ và phấn khởi..PBC là một người dẫn đầu và thành công rõ rệt hơn ai hết về lối thơ ca yêu nước đó

Bài thơ chứa đựng nội dung tư tưởng vừa phong phú, vừa lớn lao; chí làm trai tiến bộ, khát vọng mãnh liệt, ý thức cá nhân và trách nhiệm cao cả, tư thế hăm hở ra đi hòa với vũ trụ..

   Cuối thế ki XIX, phong trào cần vương chống Pháp thất bại. Những phong trào yêu nước mới xuất hiện. Phan Bội Châu là một trong những nhà nho Việt Nam đầu tiên nuôi ý tưởng đi tìm một con đường cứu nước mới. Cũng như Bác Hồ sau này, Phan Bội Châu không có ý định xây dựng cho mình sự nghiệp văn chương mà dùng văn chương làm phương tiện phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, nhiệt huyết cứu nước đã đốt cháy ngọn lửa văn chương tạo nên thơ văn tuyên truyền vận động cách mạng với cảm xúc cuồn cuộn, tư tưởng tiến bộ và giá trị nghệ thuật cao. Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu là một trong những bài thơ tiêu biểu cho loại thơ này.

   Thơ văn tuyên truyền vận động cách mạng xuất hiện ở nước ta đầu thế kỉ XX và phát triển thành dòng văn học lớn với những tên tuổi như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế... dòng thơ văn này ra đời nhằm mục đích truyền bá tư tưởng yêu nước cách mạng trong nhân dân, kêu gọi cải cách xã hội để tự cường, giành tự do độc lập cho Tổ quốc. Âm hưởng chang của dòng thơ văn này là hùng hồn, tha thiết nhiều khi bi thiết đầy kích động. Lối viết văn chữ Hán được đổi mới, kinh nghiệm nghệ thuật của thơ ca truyền miệng được phát huy mạnh mẽ, nhiều thể loại có ưu thế trong việc chuyên chở nội dung cách mạng được thể nghiệm... Dù còn bị ràng buộc bởi ý thức và thi pháp văn học trung đại nhưng thơ văn tuyên truyền vận động cách mạng đầu thế ki XX đã có những đóng góp lớn lao cho nền văn học vân hóa và lịch sử nước nhà.

   Coi văn chương là vũ khí, Phan Bội Châu có nhiều cách tân đối với loại hình sáng tác mang tính chất tuyên truyền, cổ động và đã đạt được những thành công lớn. Thơ văn Phan Bội Cháu luôn trào sôi nhiệt huyết yêu nước và cách mạng đã làm rung động không biết bao nhiêu con tim yêu nước trong đó có không ít người quyết định dấn thân từ việc đọc những vần thơ của ông.

   Năm 1905, sau khi cùng Tiểu La Nguyễn Thành thành lập Hội Duy tân. Theo chủ trương của tổ chức, Phan Bội Châu chia tay bạn bè sang Trung Quốc và Nhật Bản, tranh thủ sự giúp đỡ của những nước này đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Trước khi lên đường, vào lúc chia tay (trong bữa cơm ngày tết do Phan Bội Châu tổ chức tại nhà mình để chia tay các đồng chí) Phan Bội Châu đã sáng tác Xuất dương lưu biệt (Để lại lúc từ biệt ra nước ngoài). Bài thơ được viết bằng chữ Hán và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và được dịch ra tiếng Việt. Bản dịch của Tôn Quang Phiệt là bản dịch khá thành công tuy vẫn còn đôi chỗ chưa lột tả hết được tinh thần nguyên tác.

   Bốn câu đầu của bài thơ nhắc lại quan niệm về “chí làm trai” của các nhà nho xưa với tinh thần khẳng định. Theo đó, khát vọng làm những việc lớn của nhân vật trữ tình cũng được thể hiện một cách sâu sắc. Câu thứ nhất đã được bản dịch nghĩa làm rõ ý: Sinh làm nam nhi phải mong chuyện khác thường. Câu thứ hai có thể được hiểu như một lời tự nhắc nhở, một phân vân: lẽ nào để trời đất tự vần xoay tới đâu thì tới mà mình là kẻ đứng ngoài, vô can? Câu thứ ba không chỉ đơn giản xác nhận sự có mặt của nhân vật trữ tình ở trên đời mà còn hàm chứa một tâm niệm: ta hiện diện không phải như một sự kiện ngẫu nhiên, vô ích và vì vậy, ta phải làm được một việc gì đó có ý nghĩa cho đời. Câu thứ tư có tài liệu dịch nghĩa: còn như chuyện ngàn năm thì có người sắp tới. Có thể nói rõ ý hơn là: ngàn năm sau lẽ nào chẳng có người nối tiếp công việc của người trước? Như vậy, hai câu 3,4 cho thấy rõ cái tôi đầy trách nhiệm của nhà thơ: thấy việc không thể không làm, không ỉ lại cho ai. Hơn thế, cáo tôi ấy thấy rõ lịch sử là một dòng chảy liên tục, có sự góp mặt, sự tham gia gánh vác công việc của nhiều thế hệ.

   Hai từ “hi kì” (hiếm lạ. khác thường) ở câu thứ nhất cần được hiếu như những từ nói về tính chất lớn lao, trọng đại, kì vĩ của công việc mà kẻ làm trai phải gánh vác. Trước Phan Bội Châu, đã có nhiều người phát biểu về vấn đề này trong thơ: “Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán / Phá vòng vây bạn với kim ô” (Chim trong lồng - Nguyễn Hữu Cầu); “Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông” (Đi thi tự vịnh - Nguyễn Công Trứ); “Chí làm trai nam bắc tây đông / Cho phí sức vẫy vùng trong bôn bể (Chí anh hùng - Nguyễn Công Trứ). Từ “lạ” trong bản dịch thơ chưa thể hiện ý tứ của hai từ “hi kì” trong nguyên tác.

   Cảm hứng và ý tưởng về “chí làm trai” của Phan Bội Châu có phần gần gũi với lí tưởng nhân sinh của các nhà Nho thuở trước nhưng táo bạo và quyết liệt hơn. Nếu theo dõi nhiều sáng tác của Phan Bội Châu chúng ta còn nhận thấy nhà chí sĩ này luôn quan tâm tới việc giáo dục lí tưởng, lẽ sống cho thanh niên.

   Câu phá đề khẳng định một lẽ sống đẹp: “làm trai phải lạ ở trên đời” (Làm trai phải mong có điều lạ) nghĩa là phải biết sống cho phi thường, hiển hách, phải dám mưu đồ những việc lớn, kinh thiên động địa, khi nước nhà lâm nguy phải ra tay cứu nước, phải xoay chuyển lịch sử.

   Câu thừa đề tiếp tục triển khai cụ thể. Đều lạ ấy chính là việc xoay chuyển “càn khôn”, xoay chuyển thời thế, không thể buông xuôi theo số phận, mặc cho con tạo xoay vần. Trong một bài hát nói trước đó, Phan Bội Châu cũng đã từng khẳng định: “Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi / Sinh thời thế phải xoay nên thời thế”. Con người dám đối mặt với cả đất trời cả vũ trụ để tự khẳng định mình. Đó là một tư thế, tầm vóc lẫm liệt, phi thường.

   Hai câu 3 và 4 triển khai cụ thể ý tưởng về chí làm trai ở hai câu trên bằng cách khẳng định ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc. “Tớ” (Trong khoảng trăm năm cần có tớ) ở đây là cái tôi nhà thơ, một cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời. Cuộc thế trăm năm này cần có ta không phải để hường lạc thú mà là để cống hiến cho đời, để đáng mặt nam nhi, để lưu danh thiên cổ (muôn thuở há không ai). Đó là một khát vọng chính đáng và cao cả của một con người sống có trách nhiệm với cuộc đời và dám chịu trách nhiệm về mình, rộng hơn là trách nhiệm với non sông đất nước.

   Phan Bội Châu sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đen tối của lịch sử nước nhà. Nước mất, Nhà tan, cần vương thất bại. Một bầu không khí u ám bao trùm. Hai câu 5 và 6 thể hiện thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ. Câu thứ 5 nói lên nỗi nhục mất nước, nỗi xót đau đốt cháy tâm can nhà thơ, đồng thời cũng khẳng định ý chí sắt thép của những con người không cam chịu sống cuộc đời nô lệ, đắng cay (non sông đã chết, sống thêm nhục).

   Trong câu thơ thứ 6, ý tưởng của Phan Bội Châu đã vượt hẳn lên, mang những sắc thái mới của tư tưởng thời đại. Thái độ của nhân vật trữ tình đối với nền học vấn cũ là thái độ chối bỏ đầy tinh thần cách mạng. Ông dám đối mặt với cả nền học vấn cũ để khẳng định một chân lí: sách vở thánh hiền chẳng giúp ích gì được trong thời buổi nước mất nhà tan, nếu cứ khư khư ôm lấy thì chỉ “ngu” mà thôi. Ông thực sự dè bỉu thái độ “bình chân như vại” cùng kiểu ứng xứ “nhắm mắt làm ngơ” trước thực tại, chỉ biết tụng niệm giáo lí thánh hiền trong khi linh hồn của nó thì đã tiêu vong tự đời nào. Phan Bội Châu không có ý phủ nhận cả nền học vấn Nho giáo nhưng nhận thức được một chân lí mới mẻ như vậy quả là hết sức táo bạo đối với một người đã từng gắn bó với “cửa Khổng, sản Trình” như ông. Có được dũng khí và nhận thức sáng suốt đó trước hết phải kể đến tấm lòng yêu nước nồng cháy, đến khát vọng tìm con đường đi mới có thể đưa nước nhà thoát cảnh khổ đau. Bên cạnh đó không thể không nói đến ảnh hưởng của luồng tư tưởng mới đang len lỏi vào nước ta. Phan Bội Châu chính là một nhà cách mạng đi tiên phong. Cái mà ông kêu gọi chính là sự thức thời, là tinh thần hành động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây chính là hệ qui chiếu mà ông đã dùng để đánh giá, nhìn nhận tất cả những vấn đề còn lại.

   Bài thơ kết lại với tư thế và khát vọng trong buổi lên đường của nhân vật trữ tình. Các hình ảnh lớn lao kì vì (biển Đông, cánh gió, muôn trùng sóng bạc) như hòa nhập với con người trong tư thế bay lên. Câu thơ kịch (Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi) không hoàn toàn bám sát ý nguyên tác, đã chuyển một khát vọng, một dự cảm, một liên tường bất chợt thành sự tường thuật, miêu tả thực tế. Do vậy, chưa truyền đạt được phong độ hào hùng, niềm hăm hở dấn thân cùng trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ. Tâm thế cùng tư thế của nhân vật trữ tình lúc này là muốn lao ngay vào một trường hoạt động mới mẻ, sôi động, bay lên là quẫy sóng đại dương hay bay lên cùng những đợt sóng trào sôi vừa thoáng hiện trong tâm tưởng. Hình ảnh “Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi” (Muôn lớp sóng bạc cũng bay theo) thật lãng mạn, hào hùng. Con người thường như được chắp đôi cánh thiên thần, bay lên trên thực tại khắc nghiệt, vươn ngang tầm vũ trụ bao la. Đây là một hình tượng đẹp, giàu chất sử thi.

   Giọng điệu thơ chính là giọng điệu tâm hồn nghệ sĩ. Bài thơ có giọng điệu tâm huyết sôi trào cuồn cuộn. Hãy đọc bài thơ từ bản phiên âm chữ Hán, ta sẽ cảm nhận đầy đủ hơn giọng điệu đó. Tác giả sử dụng những động từ mạnh, cách ngắt nhịp dứt khoát. Các câu thơ đều là dạng câu khẳng định Ngay cả những câu hỏi tu từ cũng nhằm mục đích khẳng định. Vì thế, lời thơ trở nên rắn rỏi. Những câu hỏi, những từ ngữ tình thái cùng với những hình ảnh kì vĩ lớn lao có giá trị biểu hiện cảm xúc mãnh liệt, nhiệt huyết sôi trào.

   Bài thơ có một hệ thông hình ảnh, khái niệm vô cùng lớn lao, phi thường nam tử, càn khôn, bách niên tải hậu, giang sơn, hiền thánh, trường phong Đông Hải, nhất là hình ảnh kết lại bài thơ: “Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”. Một con người mang chí lớn, quyết tâm cao, khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng.. Tất sẽ tìm đến những hình ảnh thơ như thế.

   Hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ là hình tượng một người anh hùng tràn đầy ý thức về cái tôi của mình, một cái tôi luôn thao thức về sự tồn vong của giống nòi, dân tộc. Bài thơ được viết theo bút pháp khoa trương của thơ tỏ chí cố điển rất cần thiết cho nhu cầu tuyên truyền, cổ động. Nỗi đau. niềm lạc quan, nhiệt tình hành động cùng tư tưởng cách mạng của tác giả thực sự thổi hồn vào câu chữ, hình ảnh khiến chúng vừa mang đậm dấu ấn tác giả vừa có sức lay động thấm thìa. Đây là bài thơ từ biệt mà cũng là bài thơ mời gọi lên dường. Nó hoàn toàn xứng đáng với cốt cách của con người được cả dân tộc ngưỡng vọng và tin tưởng vào thời điểm lịch sử khi đó.

   Chi với 56 âm tiết, bài thơ chứa đựng nội dung tư tưởng vừa phong phú, vừa lớn lao; chí làm trai tiến bộ, khát vọng mãnh liệt, ý thức cá nhân và trách nhiệm cao cả, tư thế hăm hở ra đi hòa với vũ trụ... Tất cả thể hiện một nhiệt tình cứu nước sục sôi, tuôn trào.

HocTot.XYZ

 

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close