Phân tích giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A PhủĐề: Giá trị hiện thực truyện ngắn Vợ chồng A Phủ Các ý lớn cần có 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Đề bài Phân tích giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ Lời giải chi tiết 1. Giới thiệu + Tác giả: Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 10-8-1920 ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông ( nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Năm 1943 , ông gia nhập Hội văn hóa cứu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng trong sáng tác, tiêu biểu là tập Truyện Tây Bắc. + Tác phẩm: * Vợ chồng A Phủ là một trong ba truyện ngắn được rút ra từ tập Truyện Tây Bắc , kết quả của chuyến Tô Hoài đi cùng bộ đội trong tám tháng và giải phóng Tây Bắc ( 1952). Do có những giá trị nội dung và nghệ thuật nổi bật , tác phẩm đã đạt giải nhất của Hội Văn học Việt Nam năm 1954- 1955 ( đồng hạng với đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc). 2. Giá trị hiện thực + Thông qua câu chuyện cuộc đời cặp vợ chồng người Mèo này . Tô Hoài nêu lên vấn đề số phận nam nữ , thanh niên Mèo nói riêng và đồng bào dân tộc nói chung dưới sự áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến và con đường đến với cách mạng của họ . Bên cạnh đó , tác giả đặt vấn đề cần giải phóng phụ nữ và những chủ trương chính sách của Đảng trong việc giúp đỡ các dân tộc anh em. Những nội dung nói trên đã làm nên giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. - Qua cuộc đời đau khổ của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã lên tiếng tố cáo những tội ác của bọn thực dân phong kiến đối với những người dân vùng núi Tây Bắc. Nhân dân miền núi nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Dưới thời thực dân Pháp. - Thống lí là người đứng đầu bộ máy chính quyền ở các bản làng vùng dân tộc. Giàu có, lại dựa vào thế lực của Tây, cha con thống lí Pá Tra tha hồ tác oai tác quái ức hiếp dân lành. Đó là hiện trạng phổ biến xảy ra ở nước ta trước Cách mạng. Bằng chính sách cho vay nặng lãi , chúng bóc lột người dân đến tận xương tủy. Mị và A Phủ là nạn nhân trực tiếp của chính sách ấy. Chỉ vì món tiền cưới cha mẹ mà Mị đã phải bán mình làm dâu nhưng thân phận Mị không khác nào kẻ tôi đòi, làm việc không công đến suốt đời. Cái địa ngục khủng khiếp ấy đã biến Mị từ một cô gái trẻ trung, vui tươi, xinh đẹp, yêu đời thành “ con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa”, thành “ con trâu con ngựa trong chuồng; chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Đối lập hoàn toàn với cuộc sống giàu sang phú quí ở nhà thống lí- mà tác giả đã tố cáo được tạo nên do việc “ ăn của dân nhiều, đồn tây lại cho muối về bán”- với “ nhiều ruộng, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng” là hình ảnh Mị “ ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa , cạnh tàu ngựa “ và “ lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, Mị cũng cúi mặt , mặt buồn rười rượi”. Cường quyền và thần quyền nhà thống lí Pá Tra đã giết chết cô gái ấy cả thể xác lẫn tâm hồn. Mị cùng bao cô gái đáng thương khác trong nhà thống lí – như người chị dâu chưa già mà lưng đã còng vì quanh năm phải đeo thồ nặng quá , còn Mị- phải làm việc cực nhọc suốt đêm ngày để phục dịch cho cha con thống lí ăn chơi quanh năm suốt tháng. Cuộc sống câm lặng nhẫn nhục đã làm Mị chai sạn đi, trở thành cái xác không hồn vật vờ, thành một nữ cô chỉ biết làm việc không ngơi tay, thành kẻ hầu hạ cho chồng mình mà lúc nào cũng có thể bị đánh đập một cách tàn nhẫn không thương tiếc. Ý thức về cuộc sống trong Mị giờ đây đã bị xóa sạch. - Với cô không còn quá khứ, hiện tại, tương lai, chỉ còn ô cửa sổ bé tí nhờ nhờ thứ ánh sáng thảm hại không biết ngày hay đêm, chỉ còn ánh lửa leo lét làm bạn giữa đêm đông dài giá lạnh. Rồi cái mong ước bình dị được đi chơi tết của Mị cũng bị A Sử phũ phàng dập tắt khi nó vừa mới bừng lên. Trong khi A Sử đi chơi và bắt bao nhiêu cô gái đẹp về làm vợ, Mị không dám nói gì. Dù là vợ A Sử , Mị vẫn bị hắn trói dã man vào cột nhà khi cô vừa nảy ra ý muốn đi chơi Tết như bao phụ nữ đã có chồng khác. Thân phận con người , đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội thực dân phong kiến ngày ấy bị coi rẻ quá mức. Người phụ nữ chỉ biết cúi đầu cam chịu. Quyền bình đẳng nam nữ chỉ là một khao khát không bao giờ trở thành hiện thực. - Bên cạnh cô Mị sống như đã chết ấy là A Phủ. Cũng vì món nợ vô lí suôt đời không thể trả nổi mà A Phủ phải bước chân vào nhà thống lí. Cũng chỉ vì yêu lẽ phải, dũng cảm đánh lại con nhà giàu để bảo vệ công lí mà A Phủ bị bắt phạt vạ một cách bất công. Anh bị bắt, bị đánh đập tàn ác: “Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút…Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút…”.Mạng người bị coi rẻ; pháp luật, công lí thuộc về tay kẻ có tiền, có thế lực. Cha con thống lí đã tự cho mình các quyền sinh sát, mặc nhiên ức hiếp , sát hại dân làng. Cũng như Mị, A Phủ trở thành cái máy làm việc trong nhà thống lí : “ Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót,bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một mình rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng”. Người ở đợ trừ nợ cho nhà thống lí thì cũng như con trâu, con ngựa vô tri trong chuồng. Thống lí đã dùng việc cho vay nặng lãi để ràng buộc cuộc đời người nông dân, biến họ thành nô lệ, đời đời kiếp kiếp. Thống lí Pá Tra đã tuyên bố: “ Đời mày, đời con, đời cháu mày, tao cũng bắt thế, bao giờ trả hết nợ tao mới thôi”. Cha con thống lí thản nhiên mặc sức hưởng lạc trên mồ hôi công sức người khác. Rồi do nguyên nhân khách quan gặp cơn đói rừng, hổ ăn mất một con bò- đó là chuyện hoàn toàn ở miền núi và A Phủ có khả năng chuộc lại lỗi lầm vậy mà A Phủ vẫn đành phải chấp nhận tự lấy dây, lấy cọc cho thống lí trói mình vào cọc một cách nhục nhã để thế mạng cho con bò bị mất. Số phận đau khổ nghiệt ngã của Mị và A Phủ cũng là số phận của đồng bào Tây Bắc trước cách mạng nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. - Tức nước vỡ bờ, Mị cởi trói cho A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn. Lòng nhân đạo, niềm khao khát cuộc sống tự do, sự căm thù sâu sắc cha con thống lí đã làm nên sức mạnh diệu kì ở Mị. Nhưng tất cả những điều đó là khởi phát từ bản tính hướng thiện tự nhiên của con người. Mị làm như vậy vì cô không còn cách nào khác, cô không đành lòng nhìn một con người bằng xương bằng thịt chết thê thảm trước mắt mình một cách vô lí. Điều này hoàn toàn phù hợp với bản chất của cô: nhân hậu, trong sáng, yêu đời. Hành động của cô mang tính tự phát. Thế nhưng, Mị và A Phủ sẽ trốn đi đâu, làm gì? Hay là họ lại sẽ rơi vào tay một thống lí Pá Tra khác, lại tiếp tục cảnh nô lệ cùng cực? Tô Hoài đã mở đường cho họ: đến với Đảng, đi theo cách mạng. Đó mới là con đường để họ tự đứng lên giải phóng mình , tháo bỏ ách xiềng xích nô lệ. Đảng đã không quên những dân tộc anh em, những người dân miền núi chất phác, trung thực, còn đang chịu cảnh áp bức. Đó cũng là chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng ta trong thời kì ấy. Ở Phiềng Sa, A Phủ đã gặp A Châu, người cán bộ cách mạng đã đến hoạt động ở vùng rừng núi hẻo lánh xa xôi của Tây Bắc. A Phủ và Mị đã được A Châu giác ngộ, họ hiểu rõ hơn bản chất của bọn thực dân phong kiến và nhận thức được con đường duy nhất đúng đắn là mình phải theo cách mạng để thoát khỏi cái nghèo, thoát khỏi kiếp nô lệ: tự mình phải đứng lên lật đổ ách thực dân phong kiến , tiêu diệt những kẻ như cha con thống lí Pá Tra thì mới có cuộc sống hạnh phúc, tự do lâu bền thực sự. Đảng đã chỉ đường cho họ và A Phủ đã trở thành tiểu đội trưởng đội du kích. Mị và A Phủ tự nguyện đứng lên bảo vệ quê hương, bản làng, đánh Tây và xóa bỏ chế độ phong kiến. Con đường đấu tranh của đôi thanh niên Mèo dũng cảm ấy đã chuyển từ tự phát sang tự giác. Giờ đây họ đã ý thức được hành động của mình, quyết tâm đi theo lí tưởng của Đảng. Sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của Mị, và A Phủ tiêu biểu cho sự chuyển biến tư tưởng của đồng bào dân tộc khi được Đảng tuyên truyền giác ngộ. HocTot.XYZ
|