Soạn bài Nhớ đồng SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức - siêu ngắnTheo trải nghiệm của bạn, một nỗi nhớ thường được khởi đầu và phát triển như nào? Hãy tưởng tượng về cách bạn mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ của bản thân. Điều gì sẽ được nói đến trước hết? Vì sao? Video hướng dẫn giải Trước khi đọc Câu 1 Theo trải nghiệm của bạn, một nỗi nhớ thường được khởi đầu và phát triển như nào? Phương pháp giải: Dựa vào kiến thức và hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi này. Lời giải chi tiết: Theo trải nghiệm của em, nỗi nhớ thường khởi điểm từ sự mong muốn, khát khao một điều gì đó hay mong muốn được gặp ai đó và chắc chắn, tình cảm mà mình dành cho nó là rất nhiều. Trước khi đọc Câu 2 Hãy tưởng tượng về cách bạn mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ của bản thân. Điều gì sẽ được nói đến trước hết? Vì sao? Phương pháp giải: Dựa vào kiến thức và hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi này. Lời giải chi tiết: Khi mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ, điều được nói đến trước hết chắc hẳn là nói nỗi nhớ đó là gì. Bởi trước khi bắt đầu một bài viết, việc đặt luôn ý chính của tác phẩm lên đầu sẽ giúp người đọc dễ nắm bắt được thông tin về tác phẩm. Việc nhắc đến nỗi nhớ đó là gì và diễn giải ở phía dưới sẽ giúp người đọc dễ dàng hiểu và dựa trên mạch thơ của người viết để hiểu sâu hơn về tâm tư, tình cảm của người viết đặt trong đó. Trong khi đọc Câu 1 Tiếng hò có mối quan hệ như thế nào với nỗi nhớ? Phương pháp giải: Dựa vào 2 câu đầu tiên của tác phẩm. Lời giải chi tiết: Tiếng hò cố mối quan hệ mật thiết đến nỗi nhớ của tác giả. Đây có thể coi là chiếc cầu nối gợi ra nỗi niềm thương nhớ của tác giả. Trong khi đọc Câu 2 Các hình ảnh hiện lên ở đây có đặc điểm gì? Phương pháp giải: Đọc kỹ khổ thơ thứ 2 và thứ 3. Lời giải chi tiết: Các hình ảnh hiện lên trong 2 khổ thơ hết sức gần gũi, thân thương. Đó là hình ảnh của đất, của rặng tre, ô mạ, nương khoai sắn… bình dị về một vùng quê yên bình với cuộc sống ấm no được gợi lên trong nỗi nhớ mênh mông của tác giả. Trong khi đọc Câu 3 So với khổ thơ thứ nhất, khổ thơ này có điểm gì giống và khác? Phương pháp giải: Đọc kỹ khổ thơ thứ tư. Lời giải chi tiết: So với khổ thơ thứ nhất, khổ thơ này giống số lượng câu thơ với khổ thứ nhất đó là gồm 2 câu và cùng cấu trúc “Gì sâu bằng…!”. Nhưng trong khổ thơ thứ nhất, tác giả mới chỉ gợi ra nỗi nhớ một cách chung chung, còn trong khổ thơ thứ tư, nỗi nhớ được gắn liền với sự vật cụ thể “những trưa hiu quạnh” và thán từ “ôi” thể hiện nỗi nhớ đã lên đến cực điểm đến nỗi tác giả phải thốt lên. Trong khi đọc Câu 4 Hãy tưởng tượng về hình ảnh “bàn tay… vãi giống tung trời”. Phương pháp giải: Đọc kỹ khổ thơ thứ 5. Lời giải chi tiết: Hình ảnh “bàn tay… vãi giống tung trời” gợi cho em tưởng tượng về bàn tay tần tảo, lam lũ của những người nông dân. Họ ngày đêm tham gia vào sản xuất, trồng lúa. “Vãi giống tung trời” có thể hiểu là khi đã vào mùa cấy lúa, người nông dân bước vào mùa gieo mạ, họ cầm từng nắm mạ ném xuống đất, xuống ruộng. Trong khi đọc Câu 5 Đối tượng được gọi là “hồn thân” ở đây gồm những ai? Phương pháp giải: Đọc kỹ khổ thơ thứ 9. Lời giải chi tiết: “Hồn thân” ở đây có thể hiểu là những người anh hùng nông dân, những người nông dân chất phác đã hy sinh cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong khi đọc Câu 6 “Tôi” ở khổ thơ này có sự phát triển như thế nào so với “tôi” ở khổ thơ trên? Phương pháp giải: Đọc kỹ khổ thơ 10, 11. Lời giải chi tiết: - “Tôi” ở khổ thơ thứ 11 là tôi khi đã tìm ra chân lý của đời mình, tìm thấy lý tưởng của đời mình, đang phấn đấu, thực hiện nó. - “Tôi” ở khổ thơ thứ 10 là cái tôi đang tìm kiếm lý tưởng của đời mình. Đứng trước nhiều lựa chọn, không biết đi đâu, về đâu, băn khoăn rồi lại chán nản. Trong khi đọc Câu 7 Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” biểu đạt cảm xúc gì của nhân vật trữ tình? Phương pháp giải: Đọc kỹ khổ thơ thứ 12. Lời giải chi tiết: Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” gợi lên tình cảnh của tác giả. Như một con chim bị nhốt trong lồng, tác giả đang mong muốn được tự do, nhớ đến những ngày tháng tự do trước kia của mình, khao khát được quay trở lại đó, được đi theo chân lý của mình như con chim tung cánh bay giữa bầu trời tự do với gió mây, với trời xanh. Qua đó, ta thấy nỗi nhớ trong tác giả đã chuyển thành nỗi niềm khát khao được tự do. Sau khi đọc Câu 1 Theo bạn, nhan đề Nhớ đồng đã bao quát được toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ hay chưa? Vì sao? Nên hiểu như thế nào về nghĩa của từ "đồng” trong nhan đề? Phương pháp giải: Dựa vào nhan đề của tác phẩm và ý hiểu của bản thân. Lời giải chi tiết: Theo em, nhan đề Nhớ đồng đã bao quát được toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ bởi cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ quê hương tha thiết của tác giả. Sau khi đọc Câu 2 Bạn có nhận xét gì về đặc điểm hình thức và nội dung của các khổ thơ 1, 4, 7, 13 trong văn bản? Các khổ thơ này được phân bổ theo "quy luật" nào ? Phương pháp giải: Đọc kỹ các khổ 1, 4, 7, 13. Lời giải chi tiết: - Hình thức: các khổ thơ 1, 4, 7, 13 điệp cấu trúc “Gì sâu bằng… !” và đặc biệt câu 1 và 7, 4 và 13 là giống nhau. - Nội dung: các khổ thơ trên đều biểu đạt một nội dung chung đó là nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả được thể hiện qua hình ảnh tiếng hò và những buổi trưa quê hương. Sau khi đọc Câu 3 Hệ thống hình ảnh trong bài thơ đã biểu đạt được những nội dung gì? Bạn hiểu và đánh giá như thế nào về cách tác giả đan cài, phối hợp, sắp xếp các cụm hình ảnh. Phương pháp giải: Đọc kỹ bài thơ, chú ý vào những hình ảnh được tác giả sử dụng trong bài. Lời giải chi tiết: - Hệ thống hình ảnh trong bài thơ biểu đạt nội dung về nỗi nhớ quê hương da diết. Đó là tình cảm của tác giả đối với quê hương của mình, là sự trân trọng của một người con xa quê tự ý thức được về quê hương và nghĩa vụ của mình phải bảo vệ những thứ bình dị, tuyệt đẹp ấy. → Cách tác giả đan cài, phối hợp, sắp xếp các cụm hình ảnh đều hợp tình, hợp lý. Tất cả đều đi theo một trình tự hợp lý, phù hợp với tâm tư, tình cảm lúc bấy giờ của tác giả khi đang bị giam giữ, nhớ về quê hương, về con đường cách mạng mà buồn da diết bởi tình cảnh bị giam, không thể cùng với nhân dân, với anh em đồng chí tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Sau khi đọc Câu 4 Từ "đâu" xuất hiện bao nhiêu lần và đóng vai trò gì trong câu từ của bài thơ Phương pháp giải: Chú ý vào những từ “đâu” được sử dụng trong bài. Lời giải chi tiết: Từ “đâu” xuất hiện 10 lần trong tác phẩm. Nó thể hiện một tâm trạng ngổn ngang, vô định, không biết đi đâu, về đâu của một người thanh niên luôn sôi sục lòng yêu quê hương, đất nước với ý chí cách mạng mạnh mẽ nhưng lại chịu cảnh giam cầm, tù đày. Sau khi đọc Câu 5 Phân tích tác dụng nghệ thuật của việc sử dụng luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm thán trong văn bản. Phương pháp giải: Đọc kỹ toàn bộ tác phẩm. Lời giải chi tiết: Việc sử dụng luân phiên những câu hỏi gợi lên tâm trạng ngổn ngang của tác giả, bất giác nhớ về quê hương với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc thân thương. Ẩn sâu trong đó ta thấy được sự mong ngóng về một ngày được gặp lại những khung cảnh ấy, để thỏa mãn được nỗi nhớ, tâm tư của tác giả. Những câu kể cũng được đan xen hết sức tài tình. Đó là kể về hình ảnh quê hương trong tâm trí của tác giả. Cuối cùng, việc đan xen những câu cảm thán bên cạnh câu kể và câu hỏi giúp làm tăng thê, giá trị biểu cảm của bài thơ. Sau khi đọc Câu 6 Theo bạn, hình ảnh nào trong bài thơ mang tính tượng trưng rõ nét hơn cả? Hãy làm rõ tính tượng trưng ở hình ảnh ấy. Phương pháp giải: Dựa vào bài viết và nêu ra quan điểm của bản thân. Lời giải chi tiết: Theo em, hình ảnh trong bài thơ mang tính tượng trưng hơn cả đó là hình ảnh về “ruộng đồng”. Đó là hình ảnh điểm hình của nông thôn Việt Nam tại thời điểm đó – nơi nổi bật lên những cánh đồng xanh bất tận, trải dài gợi lên một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân khi mùa màng bội thu, ai cũng có cơm ăn, áo mặc. Hay ẩn trong đó từ “đồng” còn để chỉ những người đồng chí, bạn bè, những người cùng chí hướng cách mạng với tác giả. Họ vẫn đang ngày đêm chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. Từ đó, giúp người đọc thấy được khát khao cháy bỏng của người thanh niên yêu nước. Sau khi đọc Câu 7 Bài thơ cho thấy điều gì về tâm trạng, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật trữ tình? Nếu cảm nhận của bạn về những cảm xúc, tâm tình được tác giả bộc lộ trong bài thơ. Phương pháp giải: Dựa vào bài thơ và những hiểu biết về bài thơ. Lời giải chi tiết: Bài thơ cho thấy tâm trạng buồn mang theo nỗi niềm nhớ quê hương da diết, mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng, nhớ cuộc sống tự do, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Qua đó, ta thấy được lý tưởng của một người chiến sĩ cách mạng đang sôi sục, chảy sâu trong con người của tác giả. → Để từ đó, nổi bật lên trên bài thơ đó là nỗi nhớ da diết của một người con đối với quê hương. Nhớ về cuộc sống tự do như một chú chim được cất cao tiếng hót giữa bầu trời xanh thẳm, được tự do làm điều mình thích. Bởi vậy trong nỗi niềm thương nhớ, khát khao của tác giả, ta vẫn bắt gặp một nỗi buồn man mác, thầm kín. Kết nối đọc - viết Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các chi tiết, hình ảnh đã làm nên thế giới cảm xúc “nhớ đồng” trong bài thơ Phương pháp giải: Dựa vào nội dung bài thơ. Chú ý đến các hình ảnh để tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Lời giải chi tiết: Bài thơ “Nhớ đồng” là một sự tổng hòa giữa tâm trạng, cảm xúc lẫn lý tưởng của tác giả - một người thanh niên trẻ đang chịu cảnh tù đày. Bài thơ được đi theo một tuần tự hợp lý, từ hình ảnh quê hương hiện lên đến việc tìm ra chân lý, lý tưởng cách mạng của tác giả. Từ đó, ta có thể hiểu nhờ vào tình yêu quê hương, yêu từ những thứ nhỏ bé, bình dị nhất đã giúp tác giả tìm ra triết lý sống cho mình. Những tình cảm nhỏ bé đã vun đắp cho tâm hồn của người thanh niên, đưa anh đến gần với lý tưởng cách mạng. Nó như một điều kiện cần, căn bản cần có của một người chiến sĩ cách mạng đó là tình yêu quê hương, đất nước. Bởi vậy, những hình ảnh đó trong bài thơ đã góp một phần quan trọng giúp ta hiểu được tâm tư, tình cảm của tác giả, nỗi nhớ cùng niềm khát khao cháy bỏng của một người thanh niên trẻ yêu nước da diết.
|