Soạn bài Qua đèo Ngang (Chi tiết)

Soạn bài Qua đèo ngang trang 102 SGK Ngữ văn 7 tập 1. Câu 2. Cảnh tượng Đèo Ngang được miêu tả ở thời điểm nào trong ngày? Thời điểm đó có lợi thế gì trong việc bộc lộ tâm trạng của tác giả?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 1 (trang 103 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Căn cứ vào lời giới thiệu về thể thất ngôn bát cú Đường luật ở chú thích, em hãy nhận dạng thể thơ của bài Qua Đèo Ngang về số câu, số chữ trong câu, cách gieo vần, phép đối giữa câu 3, câu 4, câu 5 với câu 6.

Lời giải chi tiết:

Qua Đèo Ngang là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật vì:

- Bài thơ này có 8 câu mỗi câu bảy chữ, hợp vần ở chữ cuối câu một và chữ cuối các câu chẵn (1, 2, 4, 6 và 8).

- Trong bài thơ, câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6. Nói cách khác, có phép đối ở bốn câu giữa.

Câu 2

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 2 (trang 103 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Cảnh tượng Đèo Ngang được miêu tả ở thời điểm nào trong ngày? Thời điểm đó có lợi thế gì trong việc bộc lộ tâm trạng của tác giả?

Lời giải chi tiết:

Cảnh tượng Đèo Ngang được miêu tả vào lúc xế tà (đã về chiều). Thời điểm này là thời điểm ngày sắp tàn. Đó chính là thời điểm dễ gợi nỗi buồn cho lòng người. Ngay ở dân ca Việt Nam từ ngàn xưa cũng từng cho thấy:

- Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều.

- Lẳng nghe chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.

Thời điểm xế tà là lợi thế để tác giả bộc lộ tâm trạng cô đơn của mình lúc qua đèo.

Câu 3

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 3 (trang 103 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Cảnh Đèo Ngang được miêu tả gồm những chi tiết gì?

Lời giải chi tiết:

Cảnh đèo Ngang được miêu tả gồm các chi tiết: cỏ, cây, hoa, lá, dãy núi, con sông, cái chợ, mấy túp nhà, có tiếng chim cuốc và chim đa đa, có vài chú tiều (người đốn củi). Nhà thơ khéo dùng các từ láy lom khom, lác đác, các từ tượng thanh quốc quốc, gia gia đặc biệt gợi hình và gợi cảm, càng gợi lên cảm giác hoang vắng, quạnh hiu.

Câu 4

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 4 (trang 103 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Hãy nhận xét về cảnh tượng Đèo Ngang qua sự miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan.

Lời giải chi tiết:

Qua Đèo Ngang là một bức tranh thiên nhiên có sự sống con người nhưng hoang sơ, núi đèo bát ngát, vắng lặng và buồn thể hiện một tâm trạng cô đơn, bâng khuâng, buồn nhớ của tác giả.

Câu 5

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 5 (trang 103 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Hãy hình dung tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi qua Đèo Ngang. Tâm trạng đó được thể hiện qua hai hình thức:w mượn cảnh nói tình và trực tiếp tả tình như thế nào?

Lời giải chi tiết:

- Mượn cảnh nói tình, thông qua thời gian và không gian hình thức:

+ Gia gia – vừa mô phỏng tiếng chim như đồng âm với nó còn có nghĩa là nhà. Nỗi nhớ nhà đang trào dâng trong lòng người nữ sĩ xa quê, trong cảnh chiều hôm người ta tìm về mái ấm gia đình, còn bà lại đang dừng chân chốn hoang sơ hiu quạnh, nhớ nhà là phải lắm.

+ Con quốc quốc – mô phỏng tiếng chim kêu và đồng âm với nó quốc quốc là đất nước, Tổ quốc. Bà là nho sĩ xứ Bắc Hà quặn lòng nhớ về Thăng Long xưa, nhớ về quá khứ của đất nước lúc còn hưng thịnh, lúc triều Nguyễn chưa dời kinh đô vào Huế.

- Trực tiếp tả tình: Thể hiện qua câu cuối của bài thơ "Một mảnh tình riêng ta với ta" => Mảnh tình riêng đó thật sâu sắc, thấm thía.

Câu 6

Video hướng dẫn giải

Trả lời câu 6 (trang 104 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1)

Nói đến mảnh tình riêng giữa cảnh: trời, non, nước bao la ở Đèo Ngang thì có gì khác với cách nói một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp.

Lời giải chi tiết:

Nói đến một mảnh tình riêng giữa cảnh trời, non, nước bao la ở Đèo Ngang là thể hiện một tương quan đối lập: trời, non, nước càng bao la, cao rộng bao nhiêu thì mảnh tình riêng càng nặng nề u uất bấy nhiêu! Dĩ nhiên là khác với nói một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp.

Luyện tập

Tìm hàm nghĩa của cụm từ Ta với ta.

Trả lời:

"Ta với ta" chỉ chính bản thân tác giả, thể hiện nỗi cô đơn sâu sắc.

Tác giả

TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Tác giả:

Bà Huyện Thanh Quan (chưa rõ năm sinh, năm mất), tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan (thuộc Thái Bình ngày nay), do đó có tên gọi là Bà Huyện Thanh Quan. Bà là một nữ sĩ vào loại tài danh hiếm có thời phong kiến. Tác phẩm của bà hiện còn lại sáu bài thơ trong đó có bài Qua Đèo Ngang nổi tiếng.

2. Thể loại

Bài thơ này được viết theo thể thất ngôn bát cú. Đây là một trong hai dạng cơ bản, phổ biến nhất của thơ Đường luật, gồm thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu) và thất ngôn tứ tuyệt (7 chữ, 4 câu). Thơ thất ngôn bát cú Đường luật có những quy định rất chặt chẽ về bố cục (tổ chức cơ bản về nội dung và hình thức), luật (quy định về vần, thanh trong cả bài, đối giữa các cặp câu 3 – 4, 5 – 6), niêm (sự liên kết giữa các câu 1 – 8, 2 – 3, 4 – 5, 6 – 7).

Bố cục

Video hướng dẫn giải

Bố cục: đề - thực - luận - kết

- 2 câu đề: cái nhìn chung về cảnh vật

- 2 câu thực: miêu tả cuộc sống con người

- 2 câu luận: tâm trạng tác giả

- 2 câu kết: nỗi cô đơn lên cao

ND chính

Video hướng dẫn giải

Bài thơ cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng của sự sống con người nhưng còn hoang sơ. Đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà và nỗi buồn, cô đơn thầm lặng của tác giả.

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close