Suy nghĩ từ câu ca dao: Công cha … chảy ra.ngữ văn lớp 9

Câu ca dao không chỉ ngợi ca tình cảm cha mẹ bao la, rộng lớn mà còn muốn nhắn nhủ người làm con phải giữ trọn bổn phận, giữ trọn chữ hiếu.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu kho tàng ca dao Việt Nam.

- Trích dẫn bài ca dao.

II. Thân bài

1. Giải thích sơ lược về câu ca dao

- Bài ca dao được miêu tả qua những hình ảnh thiên nhiên, cần thiết đối với cuộc sống.

- “Núi Thái Sơn” là ngọn núi cao, đồ sộ vững chãi nhất ở Trung Quốc.

- “Nước trong nguồn” là dòng nước tinh khiết nhất, mát lành nhhất, dạt dào mãi chẳng bao giờ cạn.

-> Tình cha nghĩa mẹ to lớn không gì có thể thay thế bằng, cho dù đó là thiên nhiên kì vĩ.

=>Từ câu ca dao, ông cha ta khuyên mỗi người chúng ta phải làm tròn chữ hiếu để bù đắp cho cha mẹ.

2. Phân tích ý nghĩa câu ca dao

a) Nói về tình cảm cha mẹ dành con con cái

- Cha mẹ sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ từ khi vừa mới lọt lòng.

- Cha mẹ là những tấm khiên bảo vệ cho con bới những tác động từ bên ngoài khi còn nhỏ.

- Cha mẹ dạy ta phép lịch sự, dạy ta học, dạy ta biết cách làm người, dạy cho ta biết bao nhiêu điều hay lẻ phải.

=>Tạo lập niềm tin và nền móng vững chắc cho con vào ngưỡng cửa của cuộc đời

b) Đạo làm con

- Phải lễ phép, kính trọng cha mẹ

- Ngoan ngoãn, vâng lời, làm theo những lời cha mẹ dạy

- Cố gắng học tập thật tốt và làm những việc để cha mẹ vui lòng.

=> Có như vậy mới tròn chữ “HIẾU”

c) Quan niệm chữ hiếu hiện nay

- Nhiều học sinh hiện nay rất hỗn láo, thường xuyên cãi cha mắng mẹ

- Các teen nữ thường ham chơi, không ở nhà phụ giúp cha mẹ

- Họ nghĩ rằng điều cha mẹ làm với con cái như thế là lẽ đương nhiên, nhưng chúng ta nỡ lòng nào không quan tâm tới họ mỗi khi có việc.

=> Cha mẹ không bao giờ mong đợi chúng ta trả công nuôi dưỡng, nhưng chúng ta đã bao giờ biết quý trọng những sự hy sinh vô điều kiện này không.

III. Kết bài

- Bài ca dao răn dạy chúng ta bài học bổ ích đó là hãy trân trọng những gì cha mẹ làm cho mình và hãy đền đáp lại những gì mình có thể làm được.

- Liên hệ bản thân…

Bài mẫu

     Bài tham khảo số 1    

        Từ khi bé thơ cho tới khi trưởng thành, công lao cha mẹ đối với chúng ta quả là to lớn. Tình cha nghĩa mẹ thiêng liêng suốt đời ta không thể trả hết, bởi thế mà ông cha ta đã đúc kết nên câu ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

         Câu ca dao được cha ông ta đúc kết từ hàng nghìn năm nay nhưng đến tận bây giờ, nó vẫn là bài ca hay nhất về công lao của cha mẹ dành cho con cái.

         Cha sinh mẹ dưỡng, nuôi nấng con nên người. Cha mẹ đã phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả để mang đến cho con tiếng cười, niềm hạnh phúc. Dân gian xưa đã lấy hình ảnh ngọn núi Thái Sơn để ví như công lao của người cha. Đây là một hình ảnh so sánh vừa chân thực, vừa cụ thể. Núi Thái Sơn là một trong những ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Trung Quốc. Công lao nuôi dưỡng của người cha cũng vậy, không thể nào cân đong đo đếm dược. Trong quan niệm phong kiến xưa, người cha được coi là trụ cột của gia đình, là người lo toan gánh vác những công việc to lớn, nặng nhọc. Dân gian ta có câu: Con có cha như nhà có nóc. Nóc đối với ngôi nhà là vô cùng quan trọng, che mưa, gió, bão giúp cho ngôi nhà được chắc chắn. Ngôi nhà không có nóc cũng như những đứa trẻ bất hạnh mồ côi cha, không có một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Có thể nói vai trò của người cha trong xã hội trọng nam khinh nữ xưa hay trong cuộc sống hiện đại ngày nay là vô cùng quan trọng.

         Công lao sinh dưỡng của mẹ cũng vô cùng to lớn: Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Cách so sánh này quả thực rất hay. Bởi lẽ nước trong nguồn không bao giờ chảy hết cũng như tình cảm mẹ dành cho con cũng không bao giờ vơi cạn. Mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày rồi cho con bú mớm, rồi nuôi dưỡng con nên người. Nước trong nguồn chảy ra cũng ngọt ngào, dịu mát như dòng sữa mẹ vậy. Dòng sữa trắng trong chứa đựng biết bao tình cảm, sự hi sinh mẹ dành cho con.

         Công cha nghĩa mẹ đối với con cái thật to lớn. Chúng ta sinh ra được sống trong vòng tay đầy âu yếm, đầy tình thương, đầy những lo toan, vất vả mà cha mẹ đã phải chịu đựng:

                        Nuôi con cho được vuông tròn

                        Mẹ thầy dầu dãi xương mòn gối cong.

          Vậy chúng ta với trách nhiệm là những người con phải làm tròn chữ hiếu để đền đáp công lao của cha mẹ:

                        Một lòng thờ mẹ kinh cha

                        Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

         Trong xã hội xưa có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo: chuyện về một người con đã lấy thịt mình làm thuốc cho mẹ, chuyện về Lão Lai Tử người nước Sở lúc bảy mươi tuổi còn mặc áo ngũ sắc nhảy múa để mua vui cho cha mẹ. Chữ hiếu được thể hiện ngay trong hành động, ngay trong tình cảm mà chúng ta dành cho cha mẹ. Bổn phận của người làm con trước hết là tu dưỡng học hành, đỗ đạt thành tài để làm cha mẹ vui lòng. Sau đó tận tình chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi đau ốm, lúc tuổi già. Đạo làm con không phải một sớm một chiều mà phải làm trọn vẹn chữ hiếu, dành trọn cả tấm lòng để đền đáp công lao sinh thành của cha mẹ.

         Tình cảm cha mẹ dành cho con cái thật thiêng liêng biết bao. Công cha, nghĩa mẹ vô bờ bến, suốt đời con không thể trả hết:

                        Công cha như núi Thái Sơn

                        Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

         Câu ca dao xưa nhưng vẫn luôn vang vọng trong suy nghĩ của rất nhiều thế hệ. Câu ca dao không chỉ ngợi ca tình cảm cha mẹ bao la, rộng lớn mà còn muốn nhắn nhủ người làm con phải giữ trọn bổn phận, giữ trọn chữ hiếu. Đối với riêng cá nhân tôi, trước hết là phải vâng lời cha mẹ, tu dưỡng đạo đức, học hành chăm chỉ để làm cho cha mẹ vui lòng.

HocTot.XYZ

     Xem thêm các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

Bài tham khảo số 4

Bài tham khảo số 5             

 

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

close