Thuyết minh về một nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam (tết của người Kinh )Tết Nguyên Đán là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội: giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý và tình nghĩa xóm làng...
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Dàn ý I. Mở bài: - Giới thiệu về ngày tết - Là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. II. Thân bài: thuyết minh về ba ngày tết 1. Nguồn gốc ngày tết: - Theo như văn hóa Phương Đông thì thời khắc giao thừa rất quan trọng, bắt đầu cho sự khởi đầu, khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng. - Theo người Trung Quốc thì nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ năm Tam Hoàng Ngũ Đế 2879 TCN và sau đó có nhiều sự điều chỉnh. 2. Các giai đoạn chính trong ngày tết: - Cuối năm - Tất niên - Giao thừa - Xông đất - Xuất hành và hái lộc - Chúc tết - Thăm viếng - Mừng tuổi - Hóa vàng - Khai hạ 3. Ba ngày tết: - Ngày thứ nhất: "Ngày mồng Một tháng Giêng": + Đây là ngày đầu tiên của một năm + Là một ngày rất quan trọng + Vào ngày này, mọi người thường không ra khỏi nhà khi chưa có người xông đất + Mọi người thường cúng vào ngày này để gia đình cùng som họp + Tục lệ “ mùng một tết cha” thì những người trong gia đình về thăm gia đình - Ngày thứ 2: "Ngày mồng Hai tháng Giêng": + Vào ngày này thường có những lễ cúng tại gia + Tục lệ “ mồng hai tết mẹ” - Ngày thứ 3: "Ngày mồng Ba tháng Giêng": Theo tục “ ngày mùng ba tết thầy” thì học trò sẽ đến thăm thầy cô của mình. 4. Các lễ vật có trong ngày tết: - Mâm ngũ quả - Cây nêu - Tranh tết - Câu đối tết - Hoa tết - Thức ăn ngày tết: bánh chưng, bánh tét, kẹo, mứt,…. III. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về ngày tết - Đây là một lễ rất có ý nghĩa của dân tộc Việt Nam - Chúng ta nên duy trì ngày lễ quan trọng này Bài mẫu Trong một năm có rất nhiều sự kiện quan trọng diễn ra. Tuy nhiên, cứ đến tháng 12 âm lịch, khi tận tay xé những tờ lịch cuối cùng để thấy một năm sắp sửa qua đi, lòng người lại hồi hộp, xao xuyến vì một năm mới đang đến gần. Dù có đi đâu về đâu, mỗi người dân Việt Nam đều không thể quên được ngày Tết cổ truyền của dân tộc - ngày hội non sông, ngày hội gia đình. Chữ Tết có nhiều cách gọi khác nhau như: Tiết, Tết, Tết cổ truyền, Tết Nguyên đán,... nhưng người Việt chúng ta thì thường hay gọi là "Tết Nguyên đán". "Nguyên" và "đán" là hai chữ Hán mang ý nghĩa là đổi sang một buổi sáng hay một năm mới. Tết Nguyên Đán thực chất được bắt nguồn ở Trung Quốc vào thời Tam Hoàng và được tổ chức vào tháng giêng hằng năm. Đối với người Việt Nam, ngày Tết thường diễn ra vào ba ngày chính, nhưng trước đó một tuần, người dân đã rậm rịch sắm Tết. Những người đàn ông trong gia đình sẽ sơn sửa, trang trí lại nhà cửa để chào đón năm mới. Còn những người phụ nữ thì lo việc tổ chức mua bán những đồ dùng, thực phẩm cần thiết cho mấy ngày Tết. Loài hoa đặc trưng mà người miền Bắc chơi Tết là hoa đào, còn người miền Nam lại chuộng hoa mai. Mâm ngũ quả cũng là một món đồ trang trí không thể thiếu của người Việt. Đây cũng là điểm khác biệt của hai miền Nam, Bắc. Bởi vì, đặc trưng mâm ngũ quả của người Bắc là bưởi, chuối, hồng, quýt và ớt. Còn miền Nam lại là những quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng có thể thấy được không khí rộn ràng, tất bật rất đặc trưng. Trẻ con thì háo hức vì được nghỉ học, được đi chơi, mua sắm quần áo mới. Những ngày Tết cổ truyền của người Việt thường diễn ra với rất nhiều phong tục đã được lưu truyền. Sáng 23 Tết, mọi người thường đi chọn mua những con cá chép to, đẹp để cúng, thả với quan niệm là tiễn Ông Táo về chầu trời. Trong căn bếp của mỗi gia đình cũng không thể thiếu được một mâm cỗ với đầy đủ các món để cúng tổ tiên. Còn đêm 30, người dân thường đi ra ngoài và hái những cành lộc non mang về nhà với mong muốn một năm mới thật nhiều may mắn, tài lộc. Người dân Việt còn có phong tục xông nhà vào đêm giao thừa. Người xông nhà phải là người hợp tuổi với chủ nhà thì gia đình mới may mắn, làm ăn phát đạt. Do đó, chủ nhà sẽ phải chọn người xông nhà thật kĩ để tránh xui xẻo. Sáng mùng một Tết, người dân có tục con cháu đi chúc Tết ông bà, cha mẹ. Trẻ con rất háo hức khi nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm có một chút tiền mừng tuổi bên trong với lời chúc may mắn, học giỏi, ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ. Trong những ngày đầu năm mới này, người dân cũng có tục đi lễ chùa để cầu may, một số người còn tranh thủ mua muối vì các cụ có câu: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Với đối tượng học sinh, sinh viên, vào năm mới thường có tục lỗ "khai bút đầu xuân" với ước nguyện một năm mới học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt. Ngày Tết của dân tộc Việt có rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Tết là lúc mọi nhà sum họp, quây quần bên nhau. Đó cũng là lúc mọi người cùng nhìn lại một năm cũ đã qua và ước nguyện cho một năm mới sắp tới. Tết giúp cho con người gần gũi, xích lại gần nhau hơn, tha thứ, bỏ qua cho nhau mọi lỗi lầm. Bởi thế, ai mà không nhớ Tết, không mong đến Tết? Mỗi một dân tộc, một quốc gia đều có những phong tục, tập quán riêng. Tết Nguyên đán của người Việt Nam là một sự kiện đặc biệt mang nét văn hóa đặc sắc đã được lưu truyền qua bao thế kỉ. Mặc dù trải qua thời gian với bao biến động của lịch sử, các phong tục đã ít nhiều bị mai một và pha trộn nhưng đã là người Việt thì dù ở đâu, đi đâu, trái tim vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc mình. Nguồn: Sưu tầm HocTot.XYZ
|