Tổng hợp các cách kết bài cho tác phẩm Tiếng gà trưa

Tổng hợp các cách kết bài cho tác phẩm Tiếng gà trưa

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

KB 1

     Đọc bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, một lần nữa chúng ta nhận thấy rằng nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua thật sáng suốt khi đúc kết nên chân lí: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

KB 2

     Tiếng gà trưa trở thành tiếng nói của quê hương, của những người ruột thịt, của cả dân tộc và đất nước lúc bấy giờ, giục giã người cầm súng. Từ những kỉ niệm tuổi thơ thấm đẫm tình bà cháu, cảm hứng của bài thơ đã được mở rộng, hướng tới tình yêu đất nước, nhắc nhở những người chiến sĩ cầm chắc tay súng tiến lên chống kẻ thù xâm lược bảo vệ sự bình yên cho gia đình, cho quê hương đất nước, cho những kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng của tuổi thơ.

 

KB 3

     Bài thơ "Tiếng gà trưa" là một nốt trầm sâu lắng, da diết của người lính trên bước đường hành quân gian khổ, nhưng tiếng gà ấy còn là tên gọi khác của kỉ niệm, của hồi ức, của tình bà cháu thiêng liêng bất diệt. với cách sử dụng linh hoạt điệp từ, các hình ảnh giản dị mà xúc động, Xuân Quỳnh đã truyền tải được thật chính xác lòng mình tới độc giả.

KB 4

     Hình ảnh người bà hiện lên đầy tự nhiên như một miền kí ức chợt được gợi mở. Cũng trong không gian trưa, trong tiếng gà ấy rộn không gian có tiếng của bà “Có tiếng bà vẫn mắng”, bà đã mắng yêu đứa cháu vì nhìn những con gà đang đẻ, theo quan niệm dân gian xưa thì nhìn gà đẻ sẽ bị lang mặt, trở nên xấu xí. Bà đã nhắc nhở đứa cháu khiến cho người cháu lo lắng mà về nhà lấy gương soi. Người bà hiện lên trong chốc lát nhưng lại khiến cho người đọc cảm động khôn nguôi. Bởi trong chiến tranh vẫn ấm lên thứ tình cảm đẹp như thế, đó là tình bà cháu, tình cảm gia đình.

KB 5

     Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trìu mến, da diết bài thơ “tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã gợi về tình cảm bà cháu cao quý, thiêng liêng đầy cảm động và chính từ tình cảm đó trở thành động lực để bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Bài thơ dường như có một góc khuất sâu xa nào đó trong kí ức của chính tác giả được sống dậy, đó là một tuổi thơ nghèo khó, khổ cực nhưng ấm áp bên bà. Chính vì thế càng hiểu sâu bài thơ càng khiến ta xót lòng thương cảm.

Nguồn: Sưu tầm

HocTot.XYZ


Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close