Đề số 59 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ vănTải vềĐáp án và lời giải chi tiết - Đề số 59 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn Đề bài PHẦN I: ĐỌC HIỂU Đọc đoạn trích văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4 Ở nhiều điểm đến tham quan, du lịch khác cũng diễn ra các hành vi thiếu văn hóa của những vị khách thiệu ý thức. Ngay cả những nơi linh thiêng như khu tượng đài danh nhân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và di tích văn hóa – lịch sử mang tính biểu tượng, họ cũng không tha khi trèo bám, đánh đu, phô diễn hình thể, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa Văn Miếu, hôn môi tượng danh nhân, leo lên hiện vật trong bảo tàng để chụp ảnh. Điều đáng buồn là số đông trong các vị khách du lịch, tham quan ấy lại là giới trẻ và có cả một vài diễn viên hài vốn được coi là “người của công chúng”. Các hình ảnh phản cảm được họ hả hê, khoái chí tung khoe trên Facebook hoặc các diễn đàn mạng, coi đó như một kỉ niệm của mình trong chuyến đi. Tại nhiều điểm đến đáng lẽ được bảo vệ nghiêm ngặt thì sự vô ý thức của một bộ phận du khách cũng hủy hoại và làm hoen ố vẻ đẹp của các di tích, danh thắng bởi những hành vi như dùng dao, dùng bút, than, phấn để khắc hình, ký tên, vẽ nhăng cuội, chi chít trê di tích. Có những hang động với hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp hình thành từ hàng nghìn năm, vậy mà sau vài mùa đón khách tham quan đã bị rơi rụng hay vỡ nát do các du khách đau nhau lén lấy đá đập đề nghe âm thanh hoặc tìm kiếm một mẩu nhũ mang về. Tình trạng rác rưởi do khách vô ý thức vứt ra bừa bãi cũng làm dâu đầu ban quản lý các khu di tích, danh thắng trong công tác xử lí. Ngay cả di sản và kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long cũng bị du khách vô tư xả rác xuống mặt biển, mặc dù ban quản lí đã tăng cường nhắc nhở, xử phạt. Không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu các cơ quan chức năng địa phương, bởi có những lúc số lượng khách đổ về quá đông mà lực lượng bảo vệ thu gom rác lại mỏng, có làm việc hết công suất cũng không xuể. (Nâng cao ý thức khách tham quan, du lịch, Theo https://nhandan.com.vn, ngày 09.11.2013) Câu 1: Chủ đề của đoạn trích trên là gì? Câu 2: Đoạn trích được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào? Câu 3: Anh/chị dựa vào những đặc trưng nào để xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? Câu 4: Theo anh/chị, cần làm gì để hạn chế các hành vi thiếu ý thức của khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh? PHẦN II: LÀM VĂN Câu 1: Dựa vào một nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc bảo vệ các di sản văn hóa của dân tộc. Câu 2: Cảm nhận vẻ đẹp phẩm hạnh của nhân vật “thị” trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân (Ngữ Văn 12, tập hai, NXB Giáo dục, 2017). Từ đó, liên hệ với nhân vật thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao (Ngữ Văn 11, tập một, NXB Giáo dục, 2017) để thấy điểm gặp gỡ trong quan niệm về vẻ đẹp con người của nhà văn Kim Lân và Nam Cao qua hai nhân vật này. Lời giải chi tiết PHẦN I. ĐỌC HIỂU Câu 1: - Chủ đề: Tình trạng thiếu ý thức của các khách du lịch hiện nay. Câu 2: - Phong cách ngôn ngữ: Báo chí Câu 3: - Tính thông tin thời sự: phản ánh thực trạng thiếu ý thức của các khách du lịch tại các điểm tham quan, các danh lam thắng cảnh. - Tính sinh động, hấp dẫn: thể hiện trong cách lấy dẫn chứng phong phú, cách dùng từ đặt câu: “người của công chúng”,… Câu 4: Biện pháp: - Tuyên truyền để khách du lịch thấy được những tác hại do hành vi thiếu ý thức của mình gây ra. - Có biện pháp xử phạt nghiêm minh. - Tự mỗi cá nhân cần có ý thức bảo vệ cảnh quan du lịch, các danh lam thắng cảnh. PHẦN II.LÀM VĂN Câu 1: * Giới thiệu vấn đề * Giải thích vấn đề - Di sản văn hóa: là di sản của các hiện vật vật lý và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau. Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hóa (như các tòa nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật, và các hiện vật), văn hóa phi vật thể (như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học). → Giữ gìn, bảo tồn những di sản văn hóa là trách nhiệm của tất cả mọi người đặc biệt là giới trẻ, những người chủ nhân tương lai của đất nước. * Bàn luận vấn đề - Thực trạng di sản văn hóa: Hiện nay, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng còn nhiều bất cập: + Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể và sự xuống cấp của các di tích lịch sửở mức báo động; + Việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả; + Nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng lấn chiếm di tích, danh lam, thắng cảnh; + Hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời… + Thực trạng phá hoại di sản như trèo bám, ngồi lên, đánh đu,… lên các di sản diễn ra phổ biến. Hiện tượng vứt rác bừa bãi ở những khu du lịch diễn ra ngày càng nghiêm trọng. - Trách nhiệm của giới trẻ: + Giới trẻ cần ứng xử với di sản văn hóa bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê cái đẹp - di sản văn hóa. + Chúng ta cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục sự hiểu biết các tri thức văn hóa nói chung và di sản văn hóa dân tộc nói riêng, từ đó khơi dậy và nhân lên niềm đam mê, ý thức bảo vệ di sản trong thế hệ trẻ. + Có những hành động thiết thực bảo vệ di sản văn hóa như: tuyên truyền đến mọi người, … - Liên hệ bản thân: em đã làm gì để bảo vệ di sản tại quê hương mình Câu 2: 1. Giới thiệu tác, tác phẩm - Kim Lân là cây bút xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam và nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân – mảng hiện thực mà ông gắn bó và hiểu biết sâu sắc. Ông viết chân thực và xúc động về đời sống người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết, thủy chung với quê hương và cách mạng. Sáng lên trong tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa. - Vợ nhặt là một trong những sáng tác xuất sắc của ông. Có nhà nghiên cứu văn học đã xếp Vợ nhặt vào loại gần như “thần bút”. - Truyện ngắn được xây dựng trên cái nền hiện thực của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) và được in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này. 2. Phân tích 2.1 Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật “thị” a. Giới thiệu chân dung, lai lịch: * Lai lịch: không rõ ràng: - Không tên tuổi. - Không gia đình, quê hương. - Không nghề nghiệp. - Không tài sản - Không quá khứ. → Trong nạn đói khủng khiếp, thân phận con người trở nên hết sức vô nghĩa. * Chân dung: - Ngoại hình: + Áo quần tả tơi như tổ đỉa + Gầy sọp + Mặt lưỡi cày xám xịt + Ngực gầy lép + Hai con mắt trũng hoáy → Ngoại hình thảm hại do cái đói tạo ra. * Ngôn ngữ, cử chỉ, hành động: - “Điêu! Người thế mà điêu!”, “Ăn thật nhá”, “Hà, ngon. Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”⟶ đanh đá, chua ngoa, chao chát, chỏng lỏn. - “Ton ton chạy lại”, “liếc mắt cười tít”, “sầm sập chạy đến”, “xưng xỉa nói”, “cong cớn”, “cắm đầu ăn”, “ăn xong lấy đũa quẹt một cái”, bám lấy câu nói đùa của người ta để theo về làm vợ thật ⟶ vô duyên, táo bạo đến mức trơ trẽn. b. Vẻ đẹp nhân vật: * Khát vọng sống mãnh liệt: - Khi nhìn dưới góc độ nhân bản thì tất cả hành động, cử chỉ trơ trẽn, vô duyên của thị lại là biểu hiện của khát vọng sống mãnh liệt ⟶ khâm phục thị. * Vẻ đẹp nữ tính: - Trên đường về nhà chồng: + Rón rén, e thẹn: “Thị cắp cái thúng con, cái đầu hơi cúi xuống; cái nón rách tả tơi nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt” + Ngượng nghịu: “Chân nọ ríu vào chân kia”. → Bẽn lẽn, thẹn thùng như bất kì cô dâu mới nào. - Khi về đến nhà chồng: + Thấy gia cảnh nhà chồng: “nén tiếng thở dài” + “Ngồi mớm ở mép giường” - Khi gặp gỡ mẹ chồng: + Đứng dậy nghênh đón, lễ phép chào. + Ngượng nghịu cúi đầu, tay vân vê vạt áo. + Đứng im lắng nghe bà cụ Tứ dặn dò. - Sáng hôm sau: + Dọn dẹp, vun vén nhà cửa. + Bưng bát cháo khoán điềm nhiên và vào miệng. → Hiền hậu đúng mực * Niềm tin vào tương lai: - Đưa đến thông tin mang tính chất như định hướng để mở ra lối thoát. * Nghệ thuật xây dựng nhân vật: chú trọng khắc họa cử chỉ, hành động, ngoại hình để người đọc nhận ra vẻ đẹp của thị. 2.2 Liên hệ với nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao a. Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam. Tác phẩm của ông xoay quanh đề tài về người trí thức nghèo và người nông dân. - Chí Phèo là một trong số những sáng tác đặc sắc làm nên tên tuổi của ông và đưa ông lên vị trí là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. b. Khái quát nhân vật Thị Nở * Chân dung, lai lịch: - Chân dung thảm hại: xấu ma chê quỷ hờn. - Dở hơi, “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích”. - Nghèo. - Có dòng giống mả hủi. → Không có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. → Bi đát, thảm hại, đáng thương, tội nghiệp. * Vẻ đẹp tâm hồn: - Biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc. + Trong đêm gặp gỡ ăn nằm với Chí Phèo, Chí Phèo bị cảm lạnh nôn mửa, Thị Nở chăm sóc ân cần cho Chí: dìu vào lều → đặt nằm lên chõng ⟶ nhặt nhạnh những manh chiếu rách đắp cho Chí Phèo cho khỏi lạnh rồi mới ra về. + Khi ra về vẫn nghĩ đến Chí Phèo, không ngủ được, thương ⟶ thức dậy ý thức trách nhiệm. + Sáng sớm hôm sau nấu một nồi cháo hành mang cho Chí Phèo ⟶ nhìn hắn toe toét cười, giục hắn ăn nóng…. → Ân cần, tình tứ. → Thức tỉnh Chí Phèo. → Biết khát khao hạnh phúc. - Sau khi ăn nằm với Chí Phèo, Thị Nở về nhà và lăn lộn không ngủ được, nghĩ đến những chuyện đã qua, nghĩ đến hai chữ “vợ chồng” và thức dậy cho mình bản năng, khát vọng hạnh phúc đã ấp ủ từ lâu. - Sẵn sàng vượt qua định kiến, đến ở với Chí Phèo suốt năm ngày. - Về hỏi ý kiến bà cô để hợp thức hóa mối quan hệ với Chí Phèo, để có hạnh phúc bình dị như bao con người bình thường khác. 2.3 Nhận xét về quan niệm về vẻ đẹp của con người - Kim Lân và Nam cao đều nhìn nhận con người trên vẻ đẹp về nhân phẩm, về tâm hồn. Đây cũng là chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của hai nhà văn. 3. Kết luận - Khái quát và mở rộng vấn đề. Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại HocTot.XYZ HocTot.XYZ
|