Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 Sở GD và ĐT Đắk Lắk

Tải về

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2019 - 2020 Sở GD và ĐT Đắk Lắk với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TỈNH ĐẮK LẮK

__________

ĐỀ CHÍNH THỨC

KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2019 – 2020

Môn: Ngữ văn 12

Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

_____________________________

 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Nếu bạn không thể là con cá lớn,

thì hãy là một chú cá pecca;

Nhưng là chú cá sống động nhất trong hồ!

Tất cả chúng ta không thể đều là thuyền trưởng,

Vậy hãy là thủy thủ,

Luôn có việc gì đó cho mỗi người trong cuộc đời này.

Có những việc lớn và những việc không lớn bằng

Và nhiệm vụ của chúng ta là làm hết khả năng của mình.

Nếu bạn không thể là một con đường lớn,

Vậy hãy là một con đường mòn;

Nếu bạn không thể là mặt trời, hãy là một ngôi sao;

Lớn hay nhỏ - điều đó không làm nên thắng bại.

Hãy luôn là chính mình và nỗ lực

Cho dù bạn là ai!

(Theo Douglas Malloch, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Dale Carnegie, NXB Trẻ.)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ gì? (nhận biết)

Câu 2. Theo tác giả, với bất cứ công việc nào dù lớn hay nhỏ thì nhiệm vụ của chúng ta là gì? (thông hiểu)

Câu 3. Hãy rút ra ý nghĩa lời khuyên: “Nếu bạn không thể là con cá lớn” thì hãy là “chú cá pecca sống động nhất trong hồ”. (thông hiểu)

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (thông hiểu)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm):

    Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa vấn đề từ câu thơ:

Hãy luôn là chính mình và nỗ lực

Cho dù bạn là ai!

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về thiên nhiên và con người Việt Bắc qua đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2016 tr.111)

 

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các thể thơ đã học

* Cách giải:

Thể thơ: tự do

Câu 2:

* Phương pháp: Đọc, tìm ý

* Cách giải:

Theo tác giả, với bất cứ công việc nào dù lớn hay nhỏ thì nhiệm vụ của chúng ta là làm hết khả năng của mình.

Câu 3:

* Phương pháp: Đọc, tìm ý

* Cách giải:

Ý nghĩa lời khuyên: Nếu không thể làm điều vĩ đại thì hãy làm những việc có ý nghĩa.

Câu 4:

* Phương pháp: Đọc, tìm ý

* Cách giải:

Thông điệp có ý nghĩa:

- Hãy sống nhiệt thành

- Hãy làm những điều có ý nghĩa

- Hãy luôn nỗ lực

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

* Cách giải:

*Nêu vấn đề

*Giải thích vấn đề:

Hãy luôn là chính mình và nỗ lực

Cho dù bạn là ai!

Hai câu thơ muốn khuyên con người luôn giữ vững lập trường và không ngừng cố gắng.

*Phân tích, bàn luận vấn đề:

- Tại sao cần luôn giữ vững lập trường và không ngừng cố gắng?

+ Cuộc sống luôn có những khó khăn và thử thách. Việc giữ vững lập trường và cố gắng không ngừng có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách đó.

+ Việc kiên quyết giữ vững lập trường và không ngừng cố gắng có thể giúp con người có niềm tin và sức mạnh để theo đuổi những đam mê và ước mơ đến cùng.

+ Giữ vững lập trường thể hiện sự bản lĩnh của con người và việc cố gắng không ngừng sẽ giúp chúng ta nhận được những giá trị xứng đáng trong cuộc sống.

+ Người có lập trường và luôn cố gắng sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng.

- Phê phán những con người sống thiếu lập trường và dễ bỏ cuộc

*Liên hệ bản thân

*Tổng kết

Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức: 

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

Giới thiệu tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc

- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Đường Cách mạng, đường thơ Tố Hữu gắn liền với các chặng đường của cách mạng Việt Nam.

- Tập thơ Việt Bắc là một trong những thành tựu xuất sắc của văn học những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Tập thơ là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, phản ánh những chặng đường gian lao, anh dũng và thắng lợi của dân tộc.

Phân tích đoạn thơ trên

Đoạn thơ là bức tranh tứ bình về khung cảnh Việt Bắc.

Hai câu đầu: giới thiệu nội dung bao quát cảm xúc chung của cả đoạn thơ. Câu đầu có tính chất đưa đẩy:

Ta về mình có nhớ ta

      Đây là lời của của người ra đi nói với người ở lại, ướm hỏi, nhắc nhở tình nghĩa khi chia xa. Và hỏi cũng là để gợi dẫn, để tìm cơ hội bộc lộ tình cảm của mình:

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

      Hoa và người đan xen hài hòa đằm thắm tạo nên nét riêng biệt của mảnh đất này.

- Tám câu thơ tiếp theo: được tổ chức trong một cấu trúc đặc sắc, những câu sáu dành để tả cảnh, những câu tám lại dành để tả người. Bốn cặp câu giống như bốn bức tranh của một bộ tứ bình.

Cảnh mùa đông:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

    Gam màu chủ đạo trong bức tranh này là gam màu xanh. Trên nền xanh bát ngát ấy, nổi bật lên những bông “hoa chuối đỏ tươi” xua tan đi vẻ âm u, thổi hơi ấm xua tan sương mù và gió rét. Sức nặng của hai câu thơ dồn vào hai chữ “đèo cao”, gợi lên tư thế hiên ngang của con người Việt Bắc trong công việc lao động.

Cảnh mùa xuân:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

    Núi rừng Việt Bắc đã ngập trong một màu trắng thanh khiết, tinh khôi của hoa mơ. Thấp thoáng trong rừng hoa mơ ấy, ta bắt gặp hình ảnh con người Việt Bắc trong lao động, mang vẻ đẹp cần mẫn và tài hoa phù hợp với thiên nhiên thơ mộng và thanh khiết.

Cảnh mùa hạ:

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

     Câu thơ trên chỉ có sáu âm tiết nhưng đã gợi ra cả một chuỗi vận động liên hoàn: tiếng ve kêu gọi mùa hè đến, mùa hè với sắc nắng chói chang của nó nhuộm vàng cả rừng phách. Hình ảnh con người hiện ra qua cách gọi “cô em gái” khiến người Việt Bắc hiện lên thật thân thương, gần gũi. Đó có thể là người em gái đang hái măng rừng để nuôi quân. Con người hiện ra hết sức lặng lẽ “cô em gái” chỉ có “một mình” giữa rừng măng, lao động trong thầm lặng, trong lãng quên, không cần được biết đến hay ngợi ca.

Cảnh mùa thu:

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

    Lẽ thường các bộ tứ bình thường bắt đầu là bức tranh mùa xuân và kết lại bằng bức tranh mùa đông. Nhưng trong tác phẩm của mình, nhà thơ lại mở màn bằng cảnh mùa đông và kết lại bằng một bức họa phẩm mùa thu với vầng trăng hòa bình chiếu rọi. Cảnh thật thơ mộng, hữu tình và yên bình, hạnh phúc!

     Nếu như trong toàn bộ tác phẩm, cặp xưng hô "ta"- "mình" luôn đồng hiện thì ở đây ta bắt gặp đại từ “ai”. Ai - phải chăng đó cũng chỉ là "mình" mà thôi. Đại từ phiếm chỉ khiến lời thơ trở nên tình tứ hơn, khiến nỗi nhớ như mang hình sắc của lứa đôi. Người ra về không tái hiện lại lời ca mà chỉ ghi lại ấn tượng mà bài ca đọng lại trong lòng người “ân tình thủy chung”. Đó là phẩm chất của những con người Việt Bắc, luôn son sắt thủy chung, một lòng với cách mạng. Chiến tranh dù qua đi, bụi thời gian dù có phủ bụi mờ lên những kỉ niệm thì vẻ đẹp của tấm lòng ấy mãi mãi vẹn nguyên trong kí ức của người ra đi.

Tổng kết

HocTot.XYZ

Tải về

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

close