UBND QUẬN BÌNH THẠNH
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
.............................
ĐỀ CHÍNH THỨC
|
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I
MÔN NGỮ VĂN LỚP 8
NĂM HỌC 2019 - 2020
Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao phát đề)
|
I. ĐỌC - HIỂU: (3 điểm)
Đọc đoạn trích:
“Tùng ... tùng ... tùng ....” - tiếng trống trường vang lên gióng giả. Tôi nhanh chóng bước lên bậc thang cuối cùng hướng đến lớp học mà chỉ trong vài giây nữa thôi tôi sẽ trở thành thành viên chính thức. Bước vào lớp, tôi nhận ra đã có khá nhiều bạn đã đến sớm hơn, tôi nhanh chóng tìm được chỗ ngồi cho mình ở bàn đầu tiên. Mọi người nói chuyện với nhau rất nhỏ, có lẽ vì các bạn cũng giống tôi, không quen biết nhiều bạn bè trong lớp.
- Cậu ơi! Tớ ngồi đây được không? - một bạn nữ tiến đến.
- Cậu ngồi đi! Chỗ ấy chưa có ai ngồi cả - tôi mời bạn ấy ngồi kèm theo nụ cười thân thiện nhất có thể, vì chắc đây sẽ là người đầu tiên tôi quen trong lớp. Tôi đang mừng thầm trong bụng thì cô giáo bước vào, chắc hẳn đây là cô chủ nhiệm.
(Nơi bắt đầu của tình bạn - Bùi Thị Hồng Ngọc)
Câu 1: (2 điểm)
a) Em hiểu đoạn trích trên viết về nội dung gì? Qua nội dung đoạn trích làm em liên tưởng đến văn bản nào đã được học ở chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 học kì 1 (1 điểm)
b) Từ đoạn trích, em hiểu nên cư xử thế nào để có được tình bạn chân thành? (Viết thành đoạn văn từ 2 - 3 câu) (1 điểm)
Câu 2: (1 điểm)
“Tùng ... tùng ... tùng...” - tiếng trống trường vang lên gióng giả. Tôi nhanh chóng bước lên bậc thang cuối cùng hướng đến lớp học mà chỉ trong vài giây nữa thôi tôi sẽ trở thành thành viên chính thức. Bước vào lớp tôi nhận ra đã có khá nhiều bạn đã đến sớm hơn, tôi nhanh chóng tìm được chỗ ngồi cho mình ở bàn đầu tiên. Mọi người nói chuyện với nhau rất nhỏ, có lẽ vì các bạn cũng giống tôi, không quen biết nhiều bạn bè trong lớp.
a) Hãy tìm 1 câu ghép có trong đoạn văn (0.5 điểm)
b) Tìm từ tượng thanh trong đoạn văn. (0.5 điểm)
II. TÂP LÀM VĂN
Câu 1: (3 điểm)
Khi đến trường, thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai, bạn bè như anh em và mái trường như ngôi nhà thứ hai của mình. Bởi thế, mỗi học sinh phải có trách nhiệm với nơi mình đã được học tập nên người và gắn bó nhiều năm như vậy.
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về bổn phận trách nhiệm của học sinh đối với trường lớp - nơi mình đã được học tập nên người và gắn bó nhiều năm.
Câu 2: (4 điểm)
Hãy kể lại một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử mà em được đọc từ sách (báo)
.............................Hết...................
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
I. ĐỌC HIỂU
|
Câu 1:
a.
*Phương pháp: Đọc, hiểu
*Cách giải:
- Nội dung: cảm xúc lạ lẫm, hồi hộp về ngày đầu nhận lớp của bạn học sinh mới.
- Văn bản: Tôi đi học (Thanh Tịnh).
b.
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
*Gợi ý:
Học sinh viết theo cảm nhận của mình, có thể tham khảo các ý sau:
- Xuất phát từ tình cảm chân thành, không vụ lợi, tính toán
- Sự thấu hiểu, yêu thương, nhường nhịn
…
Câu 2:
a.
*Phương pháp: căn cứ vào kiến thức câu ghép
*Cách giải:
Câu ghép: Bước vào lớp tôi nhận ra đã có khá nhiều bạn đã đến sớm hơn, tôi nhanh chóng tìm được chỗ ngồi cho mình ở bàn đầu tiên.
b.
*Phương pháp: căn cứ vào kiến thức Từ tượng thanh.
*Cách giải:
- Từ tượng thanh: “Tùng ... tùng ... tùng...”
|
II. LÀM VĂN
|
Câu 1:
*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
*Cách giải:
Học sinh nắm chắc kiến thức viết bài văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:
- Yêu cầu hình thức:
+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn.
+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.
- Yêu cầu nội dung: Đoạn văn xoay quanh nội dung: trình bày suy nghĩ của em về bổn phận trách nhiệm của học sinh đối với trường lớp - nơi mình đã được học tập nên người và gắn bó nhiều năm.
- Hướng dẫn cụ thể:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận: mái trường thân yêu và bổn phận trách nhiệm của học sinh đối với trường lớp.
*Giải thích:
- “Bổn phận, trách nhiệm”: điều mà mình phải làm, là nhiệm vụ của mình.
=> Mái trường là nơi rèn luyện kiến thức và đạo đức cho học sinh, ở nơi đó có thầy cô kính yêu và những người bạn thân thương. Mái trường giống như ngôi nhà chung của học sinh, bởi vậy học sinh cần có trách nhiệm giữ gìn ngôi nhà chung ấy.
* Nêu lên những biểu hiện về những việc cần làm đối với ngôi nhà chung:
- Kính trọng, biết ơn thầy cô giáo.
- Yêu thương, chân thành giúp đỡ bạn bè.
- Chấp hành nghiêm túc các nội quy trường lớp.
- Giữ gìn tài sản chung của nhà trường.
…
* Trình bày ý nghĩa của việc làm tròn trách nhiệm đối với mái trường:
- Các em sẽ trưởng thành hơn, trở thành một người có đạo đức, một công dân tốt cho xã hội sau này.
- Thầy cô quý mến và các bạn yêu quý, từ đó các em có được những mối quan hệ tốt và những kỉ niệm đẹp dưới mái trường.
…
* Phê phán những học sinh chưa làm tròn bổn phân, trách nhiệm của mình đối với trường lớp.
* Liên hệ và rút ra bài học cho bản thân.
* Tổng kết.
Câu 2:
*Phương pháp:
- Sử dụng các phương thức biểu đạt miêu tả, biểu cảm để tạo lập văn bản tự sự.
*Gợi ý:
Thí sinh tự chọn văn bản đã được đọc trong sách báo viết về tình mẫu tử để kể lại câu chuyện đó. Qua đó bộc lộ những cảm nghĩ của mình về tình mẫu tử thiêng liêng được thể hiện trong truyện.
|
HocTot.XYZ