Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh (chi tiết)

Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh trang 62 SGK Ngữ văn 10. Câu 2. Hãy viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu một con người, một miền quê, một danh lam thắng cảnh hoặc một phong trào hoạt động mà anh (chị) đã có dịp tìm hiểu kĩ.

Video hướng dẫn giải

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Phần I

Video hướng dẫn giải

I. ĐOẠN VĂN THUYẾT MINH

1. 

a. Đoạn văn là phần văn bản được quy ước tính từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng. Đoạn văn là đơn vị cơ sở của văn bản.

b, Đoạn văn cần đảm bảo:

- Tập trung làm rõ ý chung, thống nhất và duy nhất

- Liên kết chặt chẽ các đoạn văn đứng trước, sau đó

- Diễn đạt chính xác, trong sáng

2

- So sánh đoạn văn tự sự và đoạn văn thuyết minh:

+ Giống nhau: đều đảm bảo cấu trúc thường gặp của một đoạn văn.

+ Khác nhau: đoạn văn tự sự thường có những yếu tố biểu cảm và miêu tả rất hấp dẫn xúc động. Còn đoạn văn thuyết minh chủ yếu cung cấp tri thức, thiên về giới thiệu sự vật, hiện tượng, không có các yếu tố miêu tả và biểu cảm như đoạn văn tự sự

+ Văn bản thuyết minh nặng về tư duy khoa học.

- Đoạn văn thuyết minh có thể trình bày theo những phương pháp thường được sử dụng như diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp.

3. Đoạn văn thuyết minh có thể bao gồm ba phần chính: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn có nhiệm vụ giới thiệu chung. Các ý trong thân đoạn có thể được sắp xếp theo trình tự thời gian, không gian, nhận thức, phản bác - chứng minh...

Phần II

Video hướng dẫn giải

II. VIẾT ĐOẠN VĂN THUYẾT MINH

    Viết một đoạn văn thuyết minh để cung cấp cho người đọc những hiểu biết chuẩn xác về một nhà khoa học hoặc một tác phẩm vàn học, một công trình nghiên cứu, một điển hình người tốt, việc tốt.

1. Anh (chị) hãy phác qua dàn ý đại cương cho bài viết.

    Trước hết, cần chọn một vấn đề thuyết minh trong số các vấn đề nêu ra ở tình huống trên, sau đó suy nghĩ về vấn đề để định ra những nội dung cần thiết cho dàn ý đại cương của bài thuyết minh. Ví dụ chọn thuyết minh về một tác phẩm văn học cần lập dàn ý đại cương như sau:

- Mở bài: Giới thiệu chung về tác phẩm (tên tác phẩm, tác giả, đặc điểm khái quát nhất của tác phẩm)

- Thân bài: Giới thiệu chi tiết về tác phẩm.

+ Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác.

+ Giới thiệu các giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm (tuỳ theo từng tác phẩm cụ thể mà có thể có số lượng ý tương ứng với số lượng đoạn văn nhiều ít khác nhau).

+ Giói thiệu những nét đặc sắc về nghệ thuật (tuỳ theo từng tác phẩm cụ thể mà có thể có số lượng ý tương ứng với số lượng đoạn văn nhiều ít khác nhau).

- Kết bài: Nhận định tổng hợp về tác phẩm (khái quát giá trị, vị trí, âm hưởng của tác phẩm).

2. Hãy diễn đạt một ý trong dàn bài vừa lập thành một đoạn văn

   Trước khi viết cần xác định được:

- Đoạn văn chọn viết là đoạn văn nào? Đoạn văn ấy nằm ở vị trí nào trong bài văn? (chẳng hạn theo dàn ý trên có thể chọn đoạn mở bài, kết bài hay một đoạn thuộc ý giới thiệu giá trị nội dung, giới thiệu nghệ thuật).

- Cần viết câu chuyển ý, chuyển đoạn như thế nào để đảm bảo tính chặt chẽ và mạch lạc của đoạn văn.

- Cần sử dụng những phương pháp thuyết minh gì và diễn đạt thế nào để đoạn văn không chỉ chuẩn xác mà còn sinh động, hấp dẫn.

     Học sinh có thể tham khảo đoạn văn thuyết minh về niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình trong nội dung tác phẩm Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi.

    "Bức thư thể hiện niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của tác giả và quân dân nước Việt. Điều này được thể hiện rõ ràng trên mọi phương diện từ việc đánh giá tình hình ta mạnh, địch yếu đến việc chỉ ra sáu nguyên nhân dẫn đến bại vong tất yếu của địch; từ việc khuyên giặc ra hàng đến việc sẵn sàng thách thức “một trận thư hùng”. Tinh thần yêu chuộng hoà bình còn thể hiện rõ ở cuối lời dụ (trước khi đưa ra lời thách thức) “Nếu muốn rút quân về nước, ta sẽ sửa sang cầu cống, mua sắm thuyền bè...”, điều này không chỉ thể hiện trên lời nói mà còn bằng việc làm cụ thể sau chiến thắng (Nguyễn Trãi đã để cập đến trong Bình Ngô đại cáo).

(Trích bài làm của học sinh)

Luyện tập

Video hướng dẫn giải

Câu 1 (trang 63 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Viết đoạn văn nối tiếp theo đoạn mà anh (chị) vừa hoàn thành trên lớp

Trả lời:

   Cách tiến hành tương tự như bài tập trên lớp.

   Có thể tham khảo các đoạn văn giới thiệu:

- Về các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí: Thế giới mới, Tri thức trẻ, Tạp chí khoa học... hoặc các bài giới thiệu về các nhà khoa học trong các từ điển chuyên ngành.

- Về gương điển hình người tốt, việc tốt trên các tờ báo: Thanh niên, Tiền phong, Phụ nữ, Hoa học trò, Bạn đường, An ninh...

- Về một tác phẩm văn học trong từ điển văn học hoặc báo cáo, tạp chí chuyên ngành...

Câu 2 (trang 63 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Từ những kết quả và tiến bộ đã đạt được, hãy viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu một con người, một miền quê, một danh lam thắng cảnh hoặc một phong trào hoạt động mà anh (chị) đã có dịp tìm hiểu kỹ.

Trả lời:

     Học sinh tự chọn một đối tượng (một con người, một miền quê, một danh lam thắng cảnh, hay một phong trào hoạt động) để thuyết minh. Đề bài yêu cầu mở để người viết chọn một đối tượng mà mình thích và am hiểu. Bài viết cần đạt được các yêu cầu sau:

- Giới thiệu được những nội dung cơ bản về đối tượng. Nếu là một con người thì phải giới thiệu được tiểu sử, những nét cơ bản về đặc điểm, tính cách, phẩm chất, tài năng, vị thế xã hội, sức ảnh hưởng tới những người xung quanh hoặc tới lịch sử, xã hội, văn hoá...

   Nếu là một miền quê, một danh lam thắng cảnh thì phải giới thiệu được lịch sử, những đặc điểm cơ bản của miền quê hoặc danh lam thắng cảnh đó, đặc biệt sức hấp dẫn của nơi ấy là ở đâu...

   Nếu là một phong trào hoạt động Mùa hè xanh, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao...cần giới thiệu phong trào đó do ai hoặc đoàn thể nào tổ chức; thời gian, đối tượng tham gia và địa bàn hoạt động; quá trình hoạt động và những kết quả đạt được...

- Chọn và kết hợp được những phương pháp thuyết minh phù hợp với từng nội dung. Diễn đạt linh hoạt để bài viết không chỉ chuẩn xác mà còn sinh động, hấp dẫn.

Bài tham khảo:

HỘI THỔI CƠM THI Ở ĐỒNG VÂN

     Ở xã Đồng Tháp huyện Đan Phượng có làng Đồng Vân bên dòng sông Đáy. Nhân dân sinh sống bằng nghề cấy lúa, trồng màu và nghề đan lát rổ rá. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng giêng, làng Đồng Vân thường mở hội rước nước, hát chèo và thổi cơm thi. Hội thổi cơm thi ở đây có rất nhiều nét độc đáo về quy trình lấy lửa cũng như cách nấu, đậm màu sắc hài hước dân gian.

    Người dự thi được tuyển chọn từ các xóm trong làng. Bắt đầu vào hội thi, trống chiêng điểm ba hồi, các đội hình dự thi xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương trước cửa đình để tưởng nhớ vị thành hoàng làng có công cứu dân, độ quốc. Hội thi bắt đấu bằng việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Khi tiếng trống vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh thoăn thoắt leo lên thân cây chuối rất trơn vì đã bôi mỡ. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên... Có người phải bỏ cuộc, người khác lại leo lên, quang cảnh hết sức vui nhộn. Khi lấy được nén hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương cháy thành ngọn lửa. Người trong đội vót những mánh tre già thành những đũa bông châm lửa và đốt vào những ngọn đuốc. Trong khi đó, người trong nhóm dự thi nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và bặt đầu thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mắt. Tay cầm cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Các đội thổi cơm đan xen nhau uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem hội.

     Khoảng sau một giờ rưỡi, những nồi cơm lần lượt được đem trình trước cửa đình. Ban giám khảo mở nồi cơm chấm theo ba tiêu chuẩn: gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy. Các nồi cơm được đánh số ứng với người dự thi để giữ bí mật với ban giám khảo. Cuộc thi nào cũng hồi hộp và việc giật giải đã trở thành niềm tự hào khó có gì sánh nổi với dân làng.

     Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân là sinh hoạt văn hoá cổ truyền được bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy xưa. Hội thi là dịp trai tráng trong làng đua tài khỏe mạnh, thông minh khi lấy lửa, là dịp gái làng thể hiện bàn tay khéo léo để có cơm dẻo tiếp binh lương. Hội còn vang lên những trận cười hồn nhiên sảng khoái của người nông dân sau những ngày lao động mệt nhọc. Với những nét đặc sắc của mình, hội thổi cơm thi Đồng Vân đã góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hoá hiện đại hôm nay.

(Theo Minh Nhương)

HocTot.XYZ

Tham Gia Group Dành Cho 2K9 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close