Nêu cảm nhận của em về đoạn thơ từ “Ôi, thuở ấu thơ… đến Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ” trong bài thơ Gò Me của Hoàng Tố Nguyên

Từ cảm xúc của thiên nhiên, con người, mạch thơ trong Gò Me đã chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tình yêu của nhà thơ trước quê hương

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

- Mở đoạn: Giới thiệu chung về đoạn thơ

- Thân đoạn: Cảm nhân về hình ảnh, nội dung, các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng của chúng:

+ Suy ngẫm và tình yêu của nhà thơ trước quê hương.

+ Kỉ niệm của trẻ em nông thôn, lắng nghe những giai điệu dịu mát từ thiên nhiên vọng về.

+ Nỗi niềm yêu mến, tự hào về miền quê thân yêu

- Kết đoạn: Cảm nhận chung của em về đoạn thơ.

Bài mẫu 1

Từ cảm xúc của thiên nhiên, con người, mạch thơ trong Gò Me đã chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tình yêu của nhà thơ trước quê hương. Quê hương, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao, nỗi nhớ và hi vọng. Với Hoàng Tố Nguyên cũng thế, ông say sưa mơ màng về một thuở ấu thơ bình dị, trong mát nơi làng quê:

“Ôi, thuở ấu thơ

Cắt cỏ, chăn bò

Gối đầu lên áo

Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo

Lòng nghe theo bướm, theo chim

Mạ non cong vắt lưỡi liềm

Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ”

Lời thơ như ngân nga lên thành lời ca. Tuổi thơ của tác giả là những ngày tháng êm đềm, bình dị mà chan chứa yêu thương. Đó là tuổi thơ trong mát, thấm dẫm kỉ niệm của trẻ em nông thôn, cùng cắt cỏ, chăn bò, hòa vào thiên nhiên, lắng nghe những giai điệu dịu mát từ thiên nhiên vọng về. Đoạn thơ giản dị về ý tứ nhưng lại mênh mông những nỗi niềm yêu mến, tự hào về miền quê thân yêu.

Tình cảm yêu mến, gắn bó, tự hào được thể hiện qua việc khắc họa những hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên và con người Gò Me. Cách mở đầu bài thơ với cụm từ “Quê tôi đó” như một sự khẳng định, niềm tự hào của người con về quê mẹ. Tiếp theo đó là hàng loạt những khung cảnh hiền hòa, đẹp đẽ hiện lên trước đôi mắt trìu mến của tác giả. Nổi bật trong khung cảnh ấy là hình ảnh con người với điệu hò ngọt ngào, sự cần cù trong lao động, giản dị trong lối sống. Tất cả đã tạo nên một bức tranh quê tuyệt đẹp được vẽ bởi người con luôn yêu thương, tự hào về xứ sở mình.

Bài mẫu 2

Bài thơ “Gò Me”, đặc biệt là đoạn thơ từ Ôi, thuở ấu thơ đến Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ của tác giả Hoàng Tố Nguyên đã để lại trong lòng em nhiều ấn tượng sâu sắc về nỗi niềm yêu quê, nhớ quê da diết của một con người Nam Bộ đang sống xa quê. Đầu tiên, tác giả nhớ về “thuở ấu thơ”, khi mà tác giả đi “cắt cỏ, chăn bò” với những kỉ niệm đẹp. Khi ra đồng cắt cỏ, “gối đầu lên áo” và “nằm dưới hàng me”, tác giả thấy thiên nhiên quê mình thật đẹp. Đó là nơi có “tre thổi sáo”, có những chú “bướm”, có những chú chim dễ thương. Nơi đó có lá “me non” cong vắt như lưỡi liềm và lá xanh “như dải lụa mềm lửng lơ”. Biện pháp nhân hóa “tre thổi sáo” và biện pháp so sánh lá me cong như “lưỡi liềm”, lá xanh như dải lụa mềm đã góp phần làm cho bài thơ thêm sinh động, hấp dẫn.

Bài mẫu 3

Bài thơ “Gò me” của Hoàng Tố Nguyên đã để lại cho em nhiều ấn tượng, đặc biệt là đoạn thơ:

Cắt cỏ, chăn bò

Gối đầu lên áo

Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo

Lòng nghe theo bướm, theo chim

Me non cong vắt lưỡi liềm

Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ”

Chỉ với vài câu thơ, tác giả đã gợi nhớ về một tuổi thơ yên bình, vui vẻ nơi làng quê. Những công việc đã rất quen thuộc như cắt cỏ, chăn bò chắc hẳn bất kì đứa trẻ thôn quê nào cũng từng làm. Rồi cả đến lúc thảnh thơi nằm dưới hàng me, nghe gió thổi qua tiếng tre rì rào; lòng theo cánh bướm, cánh chim bay thật xa. Thiên nhiên hiện lên tràn đầy sức sống, sinh động với hình ảnh quả me được liên tưởng với lưỡi liềm, lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh gần gũi, chứa chan niềm yêu thương.

Bài mẫu 4

Đến với đoạn thơ từ "Ôi, thuở ấu thơ" đến "Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ", em như đắm chìm trong những kỉ niệm thời thơ ấu. Những lần cắt cỏ, chăn bò, gối đầu lên áo, nằm dưới hàng me trở thành kí ức không thể phai mờ trong tâm trí của chủ thể trữ tình. Nhân vật trữ tình thả hồn vào không trung để cảm nhận âm thanh từ tre. Lòng người rộn ràng, phiêu lãng theo cánh bướm, cánh chim. Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng được khắc họa rõ nét qua biện pháp so sánh "Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ". Nhờ thể thơ bốn chữ kết hợp thể lục bát truyền thống và biện pháp so sánh, nhân hóa "nghe tre thổi sáo", tác giả đã thành công trong việc bày tỏ tình cảm đối với quê hương.

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

close