Hướng dẫn cách viết bài văn trình bày ý kiến về một vấn đề của đời sống được gợi ra từ một cuốn sách, bài thơ, bài ca dao,... đã đọc lớp 61. Hướng dẫn phân tích đề bài - Dạng bài: nghị luận
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Hướng dẫn phân tích đề bài - Dạng bài: nghị luận - Yêu cầu: trình bày ý kiến về một vấn đề của đời sống được gợi ra từ một cuốn sách, bài thơ, bài ca dao,… đã đọc Dàn bài chung a) Mở bài: Giới thiệu tên cuốn sách (câu chuyện), tác giả và hiện tượng đời sống mà cuốn sách gợi ra. b) Thân bài: - Nêu ý kiến (suy nghĩ) của em về hiện tượng mà tác phẩm đó gợi ra - Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm rõ ý kiến về hiện tượng đó - Trình bày cụ thể về chi tiết, sự việc, nhân vật góp phần gợi lên hiện tượng đó c) Kết bài: Nêu lên được tầm quan trọng, ý nghĩa thực tế của hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách (câu chuyện) Ví dụ minh họa Mẫu 1 Ngày hôm qua, khi đi dạo ở nhà sách thì em đã mua được một cuốn sách rất tuyệt. Đó là quyển sách Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Phần đầu tiên của quyển sách là phần Bài học đường đời đầu tiên vô cùng ý nghĩa. Đọc phần truyện Bài học đường đời đầu tiên, em đã rất ấn tượng với hình ảnh nhân vật Dế Mèn - một chàng dế thanh niên cường tráng, mạnh mẽ. Hình ảnh cậu ta vui vẻ và tự tin về bản thân mình khiến em rất thích và ngưỡng mộ. Bởi Dế Mèn rất siêng năng luyện tập nên mới có cơ thể khỏe mạnh như vậy. Nhưng sau khi thấy những gì cậu ta gây ra cho Dế Choắt, em lại có phần ghét cậu ta lắm. Chỉ vì một phút nông nổi bày trò nghịch dại trêu chọc chị Cốc, mà Dế Mèn đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt. Cũng từ đó, cậu ấy mới nhận ra được sai lầm của mình và quyết tâm sửa chữa. Qua câu chuyện ấy, trong em dấy lên những suy nghĩ về hiện tượng một số bạn trẻ hiện nay có cách hành xử nóng nảy và bồng bột, không suy nghĩ cẩn thận để dẫn đến hậu quả đau lòng. Đó là những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường với sự tò mò, thích thú với thế giới của người trưởng thành ngoài kia. Các bạn ấy đôi khi chỉ vì sự hiếu kì mà đã xem, đã làm, đã thử những điều cấm kị và không nên. Hay những bạn học sinh vì tính kiêu căng, nóng nảy, muốn khẳng định bản thân mình mà đã có hành vi bắt nạt bạn học, gian lận trong thi cử, trốn học… Những hành động ấy là sai trái nhưng các bạn ấy vì một phút bồng bột nên đã thực hiện, gây nên những hậu quả ảnh hưởng đến bản thân về sau. Nhẹ thì bị bạn bè xa lánh, nặng thì bị phạt kỉ luật, bị ghi vào học bạ. Nặng hơn nữa, có bạn đã bị đình chỉ, thôi học, thậm chí là bị tạm giam, đưa đến trại cải tạo. Những tình huống ấy vô cùng đáng tiếc và đáng thương. Bởi những hành động xốc nổi ấy đã khiến cả tương lai phía trước của các bạn có một vết đen khó mà xóa bỏ. Từ đó, chúng ta cần quan tâm hơn và có các biện pháp cụ thể giúp hạn chế tình trạng các bạn trẻ có hành động nóng nảy, bồng bột thiếu suy nghĩ. Trước hết và cũng là quan trọng nhất chính là sự giáo dục của nhà trường và gia đình. Sau đó, nên tăng cường tuyên truyền về các bài học đạo đức cho thanh thiếu niên như qua các ca khúc, bộ phim, truyện tranh… Đồng thời có hình thức xử phạt, răn đe để các bạn ấy biết điều gì là không nên thử và không nên làm. Để tránh các bạn bắt chước, dẫm vào vết xe đổ của một số bạn khác. Cuốn sách Dế Mèn phiêu lưu kí thực sự là một cuốn sách hay và ý nghĩa. Tuy chỉ mới đọc chương đầu mà em đã vỡ ra được cho mình bài học giá trị. Em hiểu được rằng, mình phải cẩn trọng, không được kiêu căng, hống hách rồi có những hành động bồng bột, sai lầm. Cùng với đó, em càng thêm mong chờ về những điều thú vị khác ở các chương sau của cuốn sách này. Ví dụ minh họa Mẫu 2 Trong tủ sách của em, có một quyển sách khá nhỏ và cũ nhưng vẫn được giữ gìn cẩn thận. Đó là quyển truyện cổ tích Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen. Câu chuyện kể về cuộc đời tội nghiệp và bất hạnh của một cô gái nhỏ làm nghề bán diêm. Bi kịch của cuộc đời em đã được đẩy đến đỉnh điểm vào đêm giao thừa lạnh lẽo, rồi kết thúc ở đó. Hình ảnh một bé gái nhỏ bé, gầy gò, ăn mặc rách rưới, phong phanh trong đêm mưa tuyết lạnh giá trong tác phẩm khiến em vô cùng thương tiếc. Bé gái ấy còn nhỏ như vậy, nhưng lại phải sống một cuộc sống bất hạnh, toàn những lời mắng chửi, chì chiết của cha, phải đi bán diêm để mưu sinh. Em hông chỉ phải đối mặt với sự lạnh lẽo của tiết trời mùa đông tuyết phủ trắng xóa. Mà còn phải đối mặt với sự giá lạnh của lòng người khi không một ai chịu giúp em mua lấy một bao diêm. Sợ hãi người cha ở nhà sẽ đánh chửi, em thu mình trong khe hở giữa hai bức tường rồi qua đời ở đó. Giây phút ra đi, em mỉm cười hạnh phúc vì đã được giải thoát, được về với bà, về với Thượng Đế thân yêu của mình. Cô bé bán diêm tội nghiệp đã khiến em nghĩ đến rất nhiều những trẻ em khác trong cuộc sống này. Bên cạnh những đứa trẻ được người thân thương yêu, quan tâm và chăm sóc. Thì cũng có không ít những em bị bỏ rơi, bị ghẻ lạnh, đánh đập, bạo hành bởi người thân và những kẻ xa lạ. Bởi các em còn nhỏ quá, chưa có đủ khả năng để bảo vệ và chăm sóc chính mình, nên không thể phản kháng lại những kẻ xấu xa độc ác đấy. Chính vì vậy, em nghĩ rằng, chúng ta nên hành động ngay từ hôm nay, để bảo vệ tất cả những thiên thần nhỏ bé ấy. Trước hết, chính là từ việc tuyên truyền về quyền của trẻ em và chống các hành động bạo hành trẻ nhỏ. Tiếp đến là có hình thức răn đe, xử phạt mạnh mẽ những trường hợp can tâm sử dụng bạo lực về tinh thần, thể xác với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn chính là ý thức của mỗi người trong chúng ta. Chỉ cần mỗi người đều có tình yêu thương và bao dung với người khác, thì sẽ chẳng cần phải lắng lo đến việc những mầm non nhỏ bé kia bị bỏ rơi, hành hạ. Để được vậy, thì việc giáo dục ngay từ khi còn trên ghế nhà trường là việc vô cùng quan trọng. Cuốn truyện Cô bé lọ lem đã gợi lên trong em những suy nghĩ và cảm xúc vô cùng khó tả. Đó là tình yêu thương, cảm thông với những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh. Và là sự căm phẫn với những kẻ lạnh lùng, vô cảm, độc ác can tâm bỏ rơi, hành hạ cả em. Em mong rằng, rồi thế giới này sẽ ngày càng thiện lương hơn, để các em thiếu nhi luôn được sống hạnh phúc và êm ấm, không ai phải chị khổ, chịu đói rét, chịu lời mắng chửi như cô bé bán diêm cả. Ví dụ minh họa Mẫu 3 “Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể" là tác phẩm em vô cùng yêu thích. Hai tác giả Rơ-nê Gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê đã gửi gắm rất nhiều bài học ý nghĩa, thông điệp nhân văn qua cuốn sách này. Trong đó, có đề cập đến việc sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Đây là một thói quen, hiện tượng xấu, cần phải sớm thay đổi và từ bỏ. Trong trích đoạn "Bài tập làm văn", nhân vật "tôi" luôn tin tưởng vào bố của mình "Bố thật sự là rất khá". Vì thế, cậu bé thường đợi bố tan làm rồi nhờ bố giúp bản thân làm bài tập. Chuyện chẳng có gì đáng nói cho đến khi ông hàng xóm ghé chơi và tranh luận cùng người bố về đề văn. Nhìn tình cảnh như vậy, "tôi" đã "hiểu rằng bài tập làm văn của tôi thì tốt nhất là tôi tự làm một mình". Sau cùng, "tôi" đạt kết quả cao và được cô giáo khen "Bài viết rất cá tính, đề tài độc đáo". Từ câu chuyện này, em nhận ra vẫn còn vô vàn cá nhân thường xuyên trông chờ, ỷ lại vào người khác. Đây là một thói quen không tốt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới con người. Người có lối sống ỷ lại thường không chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân mà luôn trông mong, chờ đợi người khác giúp đỡ hoặc làm giùm. Họ sống buông thả, không có trách nhiệm với mọi chuyện xung quanh. Ngày nay, xã hội phát triển không ngừng, con người phải nỗ lực học hỏi để thích ứng với sự thay đổi của nhân loại. Nếu chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại thì chúng ta sẽ giống như những "kí sinh trùng" - sống bám vào sinh vật khác. Từ đó, biến chính mình trở thành kẻ đi lùi, bị động, không thể tự hoàn thành công việc dù là đơn giản nhất. Dần dần, bản thân không những không có sự phát triển mà còn bị xã hội đào thải. Ngoài ra, việc sống ỷ lại, dựa dẫm sẽ làm cuộc sống ngày một thụ động, trì trệ. Đồng thời, gây ảnh hưởng lớn tới mọi người xung quanh. Không ai có thể mãi ở bên cạnh để giải quyết khó khăn giúp chúng ta. Cách tốt nhất là hãy tự suy nghĩ, tự sáng tạo và tự mình làm cho đạt được kết quả tốt. Từng giây từng phút, thế giới đã và đang có vô vàn đổi thay. Là một công dân trong thời đại 4.0, mỗi người cần rèn luyện, bồi dưỡng lối sống chủ động, tích cực, không nên ỷ lại vào bất kì ai. Giống như nhân vật "tôi" kia, cậu bé đã tự làm bài tập về nhà. Nhờ đó, "tôi" đạt được điểm số cao. Đây chính là kết quả phản ánh đúng thực lực của cậu bé. Mong rằng, mỗi cá nhân sẽ tận dụng hết khả năng bản thân để giải quyết, hoàn thành các vấn đề nan giải. Khi thực sự quá khó khăn thì mới nhờ đến sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh. Từ những câu chuyện dung dị, đời thường, hai tác giả Rơ-nê Gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê đã thành công trong việc truyền tải bài học ý nghĩa, sâu sắc tới các độc giả nhí toàn thế giới. "Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể" sẽ mãi là cuốn sách được đặt ở vị trí nổi bật trên giá sách của em.
|