Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 1Tải về Đề thi giữa kì 1 Văn 9 đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
Đề thi PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi: “Kim Woo Chung, người sáng lập nên tập đoàn Deawoo từng viết trong quyển sách Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm rằng: “Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Ước mơ là động lực thay đổi thế giới. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ". Dù là thay đổi bản thân mình hay là thay đổi thế giới, thì người ta cũng bắt đầu bằng ước mơ. Con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là con đường an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng. Đôi khi ta phải chấp nhận đi đường vòng, làm việc mình không thích để nuôi dưỡng ước mơ. Đôi khi ta phải đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình. Nhiều khi ta phải đối mặt với cô đơn, thất vọng. Dù làm gì, dù thế nào đi nữa, thì đừng bỏ cuộc. Hãy luyện tập mài giũa hằng ngày. Trái ngọt có được sau những chặng đường dài thực sự rất xứng đáng. Hãy tin tưởng!” (Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Rosie Nguyễn - NXB Hội Nhà văn, 2017, tr. 217). Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích? Câu 2 (0.5 điểm): Theo tác giả, để theo đuổi ước mơ chúng ta phải chấp nhận những điều gì? Câu 3 (1.0 điểm): Em hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả: “Con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là con đường an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng”. Câu 4 (1.0 điểm): Em có đồng ý với quan điểm của Kim Woo Chung: “Ước mơ là động lực thay đổi thế giới” không? Vì sao? PHẦN VIẾT (7.0 điểm) Câu 1 (2.0 điểm) Từ nội dung đoạn trích trong phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn 10 đến 12 câu bàn về vai trò của ước mơ trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng lời dẫn trực tiếp. Câu 2 (5.0 điểm) Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Đáp án PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt đã học Lời giải chi tiết: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận. Câu 2.
Phương pháp: Đọc kĩ văn bản, chú ý đoạn thứ hai của văn bản Lời giải chi tiết: Để theo đuổi ước mơ, chúng ta phải chấp nhận đi đường vòng, làm việc mình không thích để nuôi dưỡng ước mơ. Nhiều khi phải chấp nhận đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình. Nhiều khi phải đối mặt với cô đơn, thất vọng. Câu 3.
Phương pháp: Nêu suy nghĩ của em, lưu ý cần phù hợp với văn hóa, chuẩn mực đạo đức Lời giải chi tiết: Gợi ý: Con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng là một nhận định đúng. Con đường ấy chứa đựng đầy gian nan thử thách, thậm chí cả những thất bại không thể nào tránh khỏi. Đôi khi còn vấp phải sự quay lưng, phản đối của những người xung quanh. Nhiều khi phải đối diện với cả sự nguy hiểm kề cận. Câu 4.
Phương pháp: Nêu suy nghĩ của em, lưu ý cần phù hợp với văn hóa, chuẩn mực đạo đức Lời giải chi tiết: - Đồng ý - Lý giải: + Khi có ước mơ con người sẽ tìm ra mục đích sống, đích đến, nhìn thấy lý tưởng sống của mình. + Khao khát, ước mơ chính là động lực để con người rèn luyện, tu dưỡng, phát triển bản thân. + Ước mơ khiến con người có sức mạnh phi thường vượt qua mọi khó khăn. =>Làm nên những thành công không ngờ tới, những điều được xem là phi thường. PHẦN VIẾT (7.0 điểm) Câu 1.
Phương pháp: Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn, vận dụng tốt các thao tác lập luận Lời giải chi tiết: *Giải thích. - “Ước mơ” là khát vọng, những mong muốn, nguyện ước, mục đích tốt đẹp mà con người tha thiết hướng tới và mong ước đạt được trong tương lai. * Phân tích, chứng minh: – Vai trò của ước mơ: ước mơ mang tới cho tâm hồn con người sự tươi mới, cuộc sống tràn ngập niềm vui, lạc quan, nhiệt huyết, đam mê. Nếu không có ước mơ, cuộc sống của con người sẽ tẻ nhạt, nhàm chán, vô vị. -Ước mơ giúp con người có định hướng rõ ràng, tạo động lực để phấn đấu làm việc, học tập. Giúp con người vượt qua những giới hạn của bản thân để thực hiện lí tưởng và mục đích cao cả; cống hiến cho xã hội, đóng góp cho xã hôi, cho đất nước phát triển. - Trên con đường thực hiện ước mơ chúng ta có thể gặp những khó khăn thử thách, khi vượt qua được thử thách đó chúng ta sẽ có thêm những bài học quý giá, rèn luyện được những đức tính quý báu như kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ…để hoàn thiện bản thân mình. (Lấy ví dụ chứng minh) * Bàn luận, mở rộng: - Trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm hoặc có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn → những người này đáng bị phê phán, chỉ trích. *Bài học nhận thức và hành động: - Là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phải có ước mơ mục đích sống cho riêng mình. - Để đạt được ước mơ chúng ta cần ra sức rèn luyện học tập, tu dưỡng đạo đức để chuẩn bị những tư trang cần thiết cho con đường đi tới ước mơ của mình. Câu 2.
Phương pháp: Cấu trúc bài cần nêu được đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Lời giải chi tiết: 1. Mở bài + Người phụ nữ bình dân có truyền thống tốt đẹp về đạo đức, phẩm chất nhưng trong xã hội phong kiến nhưng chịu đau khổ. + Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ ta thương nàng Vũ Thị Thiết đã chịu đựng nỗi đau oan khuất. 2. Thân bài - Vũ Nương, người phụ nữ đẹp người, đẹp nết. + Có tư tưởng tốt đẹp. + Người vợ dịu hiền, khuôn phép: chồng đi xa vẫn một lòng chung thủy, thương nhớ chồng khôn nguôi, mong chồng trở về bình yên vô sự, ngày qua tháng lại một mình vò võ nuôi con. + Người con dâu hiếu thảo: chăm nuôi mẹ chồng lúc đau yếu, lo việc ma chay, tế lễ chu toàn khi mẹ chồng mất. - Nỗi đau, oan khuất của nàng: + Người chồng đa nghi vì nghe lời con trẻ ngây thơ nên nghi oan, cho rằng nàng đã thất tiết. + Nàng đau khổ, khóc lóc bày tỏ nỗi oan với chồng nhưng chồng vẫn không nghe còn mắng nhiếc, đánh và đuổi nàng đi. + Không thể thanh minh được, nàng tìm đến cái chết để tỏ bày nỗi oan ức của mình. + Khi chết rồi Vũ Nương vẫn thiết tha với gia đình, muốn trở về quê cũ. + Ở thuỷ cung, nàng vẫn nhớ quê hương, có ngày tất phải tìm về. + Tìm về là để giải bày nỗi oan với chồng, với mọi người. + Nhưng nàng không thể trở về với nhân gian được nữa. 3. Kết bài + Vũ Nương tiêu biểu cho số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội cũ. + Nhân vật Vũ Nương để lại trong lòng người đọc nỗi cảm thương sâu sắc.
|