Văn bản Múa rối nước hiện đại soi bóng tiền nhânCó một trò diễn mà sàn diễn là mặt nước còn diễn viên lại xuất thân từ những miếng gỗ. Múa rối nước hiện đại soi bóng tiền nhân Phạm Thùy Dung Có một trò diễn mà sàn diễn là mặt nước còn diễn viên lại xuất thân từ những miếng gỗ. Có một trò diễn mà con người chỉ thầm lặng đứng ở hậu trường trong khi những hình nhân vô tri lại toả sáng dưới ánh đèn sân khấu. Trò diễn đó chính là múa rối nước, một loại hình nghệ thuật biểu diễn mang đậm hơi thở của nền văn minh lúa nước đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Hiếm người biết chính xác múa rối nước ra đời từ bao giờ, bởi nó bắt đầu nảy mầm, len lỏi trong lòng các xóm làng chiêm trũng rồi lớn dần lên giữa những sinh hoạt nhỏ bé đời thường. Tương truyền, múa rối nước được hình thành từ thế kỉ XI - XII. Theo thời gian, múa rối nước ngày càng trở nên phổ biến và hoàn thiện thông qua những đúc kết của nhiều thế hệ. Múa rối nước vốn thường được biểu diễn trong các buổi hội làng hay các dịp lễ tết, khi bà con đã thu xếp xong việc đồng áng để cùng ra đình góp vui. Sau này, rối vào thành phố, rối vào nhà hát, diễn viên vẫn là rối gỗ, sân khấu vẫn là mặt nước, người điều khiển vẫn đứng sau búc mành, nhưng không khí và quy mô của nó đã khác hơn nhiều. Nghệ thuật múa rối là sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật tạo hình và kĩ thuật biểu diễn. Để diễn được trò rối nước, người ta phải dụng lên nhà rối (còn gọi là thuỷ đình) trên mặt ao làng với lối kiến trúc mái chùa cong cùng mành tre, cờ phướn, võng lọng, cổng hàng mã,... tạo nên một sân khấu sinh động. Thời nay, thuỷ đình được dựng ngay trong các nhà hát và trong các khu du lịch sinh thái,... với sân khấu là hồ nhân tạo. Khán giả làng đứng ngồi xúm xít quanh ao xem rối còn khán giả phố ngồi ghế ngay hàng thẳng lối xem rối. Khán giả làng xem rối giữa hây hây gió trời còn khán giả phố lại xem rối giữa mát mẻ điều hoà. Tuy có sự khác nhau về không gian biểu diễn, nhưng các nghệ nhân và nghệ sĩ đều cố gắng đem lại cho khán giả những nét đặc trưng của nghệ thuật rối nước Việt Nam. Rối nước khác rối cạn (rối cạn gồm rối tay, rối que, rối dây) là người điều khiển sử dụng hệ thống sào kết hợp với dây để điều khiển con rối. Hệ thống sào, dây giúp người rối đã được chế tác và đứng sau bức mành (còn gọi là buồng trò) có thể điều khiển những con rối củ động theo ý muốn. Lối điều khiển đòi hỏi kĩ năng thuần thục, làm sao để các cử động của rối nhịp nhàng và phù hợp với lời thoại, âm nhạc, từ đó lột tả được thần thái nhân vật. Phần thân trên của rối nổi lên mặt nước còn phần chân chìm dưới nước được gắn đế để giữ thăng bằng và lắp bộ điều khiển. Những con rối được đẽo gọt từ gỗ sung (thú gỗ nhẹ và nổi được trên nước), được tạo hình ngộ nghĩnh với màu sắc rực rỡ, tươi vui và dân dã. Ngoài ra, âm thanh và ánh sáng cũng là yếu tố góp phần quan trọng vào sự thành công của một tiết mục rối nước. Rối nước cần tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống mõ, tiếng kèn sáo và cả những tiếng pháo phụ trợ để thật tròn vai. Giữa nhịp sống tốc độ thời cách mạng Công nghiệp 4.0, nghệ thuật múa rối vẫn được duy trì và bảo tồn. Bên cạnh những sinh hoạt biểu diễn hội hè đã thành thông lệ ở nhiều làng xã, trên khắp cả nước có rất nhiều địa điểm tổ chức biểu diễn múa rối nước hấp dẫn khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi và người nước ngoài. Lớp trẻ được tiếp cận gần gũi với nghệ thuật biểu diễn dân gian còn người nước ngoài được biết thêm một nét văn hoá đặc sắc của Việt Nam. Tuy nhiên, những người tâm huyết với nghệ thuật múa rối còn kì vọng hơn thế. Bởi duy trì được nhưng đã phát triển được hay chưa? Phát triển ở đây không chỉ là nhân rộng địa điểm biểu diễn, tăng số lượng suất diễn, thu hút được khán giả mua vé, mà cao hơn nữa phải là sự tìm tòi, sáng tạo để đào sâu và phát huy những giá trị vốn có của nghệ thuật múa rối nước mà các thế hệ đi trước đã gây dựng. Những người yêu nghệ thuật rối nước, những nghệ nhân múa rối nước và tạo tác con rối vẫn luôn trăn trở để gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống thấm đẫm tinh thần Việt. (Theo tạp chí Heritage, số ra tháng 7/2019, tr. 116 – 118) |